Tuesday, July 19, 2011

Văn Chương Việt Trong Bối Cảnh Hậu Hiện Đại - của Học Giả Hà Văn Thùy




                  PHẦN I :  XÓA BỎ MẶC CẢM ÂU TRUNG

Nếu Hậu hiện đại là "thái độ hoài nghi đối với mọi lý giải lớn" (1), thì có lẽ lý giải cần phải hoài nghi trước hết là quan niệm “dĩ Âu vi trung”. Cho đến nay, hầu hết con người trên Trái đất cho rằng, phương Tây là nơi sản sinh, là trung tâm ban phát văn minh cho phần còn lại của thế giới. Đó là sai lầm lớn mà từ giữa thế kỷ trước, một số học giả đã lờ mờ nhìn thấy. Nhưng chỉ sang thế kỷ này, nhờ những phát kiến của công nghệ di truyền, con người mới khám phá ra sự thực hoàn toàn ngược lại.

Lịch sử khí hậu Trái đất và công nghệ di truyền cho thấy, rất muộn, khoảng 10.000 đến 8000 năm trước, khi thời Băng Hà cuối cùng chấm dứt, châu Âu mới ra khỏi phương thức hái lượm và chuyển sang du mục.  Khoảng 7000 năm trước, nông nghiệp được đưa từ vùng Mesopotamia tới. Nhưng do không có hệ thống thủy lợi phát triển, phải tưới bằng nước trời nên ở châu Âu, nông nghiệp không trở thành ngành sản xuất chính. Các bộ lạc rồi các quốc gia cổ hình thành xung quanh Địa Trung Hải chủ yếu là dân du mục. Năng động, dũng mãnh, tôn sùng đầu lĩnh, tranh giành chiếm đoạt, trở thành đặc trưng châu Âu. Do hình thành muộn và phương thức sống du mục nên văn minh châu Âu kém phát triển. Cái gọi là văn minh Hy Lạp, cội nguồn văn minh châu Âu, thực ra chỉ là đồ ăn
cướp của văn minh Ai Cập qua cuộc xâm lăng của Alexander (2). Kẻ ăn cướp không tiêu hóa nổi cái “đạo” của nền văn hóa lớn phương Đông, đã sống sít diễn dịch nó theo tâm thức du mục, khiến cho văn minh châu Âu trở thành tiên thiên bất túc, không có nền tảng triết lý và đạo đức sâu xa. Thế kỷ V , văn minh phương Tây suy tàn và bước vào đêm trường Trung cổ suốt 1000 năm. Thế kỷ XVII, các nhà Khai Sáng châu Âu hé mắt nhìn ra thế giới, bỗng giật mình trước văn minh Á Đông. Ai đó, hình như Voltaire thốt lên: “Nếu bao giờ có một thời kỳ hạnh phúc nhất và đáng kính nhất trên Trái đất này thì đó là thời kỳ người ta theo luật cai trị của Khổng Tử." (3)  

Ba trăm năm qua, trên nền tảng của văn minh du mục, triết học duy lý đưa phương Tây tới bước phát triển thần kỳ. Trong khi đó, phương Đông với xã hội nông nghiệp truyền thống, lạc hậu thê thảm, trở thành miếng mồi ngon cho cuộc xâm lăng của phương Tây. Lòng kiêu ngạo văn hóa mang màu sắc sô vanh phương Tây kết hợp với sự khiếp nhược của trí thức phương Đông, tạo điều kiện cho chủ nghĩa dĩ Âu vi trung ra đời, rao giảng thuyết châu Âu là trung tâm, là cội nguồn của văn minh nhân loại, có sứ mạng khai hóa phương Đông.

Từ giữa thế kỷ XIX tới nay nhiều triết thuyết phương Tây ra đời, tác động tới toàn nhân loại, cuốn phương Đông vào trong vòng xoáy của những trào lưu đó.  Những Tượng trưng, Đa đa, Siêu thực, Trừu tượng, Hiện sinh, Hiện đại, Hậu hiện đại, Tân hình thức… quay cuồng trong vũ điệu bất tận khiến trí thức nghệ thuật phương Đông xây xẩm mặt mày trong trạng huống bi kịch của những kẻ vong bản là càng đi theo càng đuối sức !

Trong tình trạng thụ động vì bị lệ thuộc, trí thức phương Đông chưa bao giờ bình
tĩnh nhìn lại mình để đặt ra những câu hỏi rất cơ bản: Có đúng phương Tây là trung tâm của văn minh nhân loại? Bản sắc văn hóa phương Đông là gì? Và đâu là con đường độc đáo riêng phương Đông phải đi để xây dựng kinh tế cũng như văn hóa của mình? Khi người trí thức phương Đông chưa sẵn sàng đặt ra và trả lời những câu hỏi mang tính nguyên tắc như vậy, phương Đông mãi còn là kẻ đi sau !

Ở thế kỷ trước, nếu có ai đặt ra những câu hỏi như thế thì cũng chưa thể có câu trả lời bởi lẽ đơn giản là chúng ta chưa có tri thức cần thiết về quá trình hình thành văn minh nhân loại. Chỉ sang thế kỷ này, công nghệ di truyền cho ta những nhận thức mới, mở ra cái nhìn mang tính cách mạng về lịch sử văn minh nhân loại, chúng ta mới có đủ tri thức trả lời những câu hỏi cơ bản trên.  Những năm cuối cùng của tế kỷ XX, khoa học phát hiện rằng, từ 70.000 năm trước, khi đặt chân tới Đông Nam Á, tổ tiên chúng ta gặp môi trường thuận lợi nên sinh sản nhanh, sống thành tập đoàn lớn, có sự phân công lao động và sớm
bước sang văn minh Đá Mới. Khoảng 15.000 năm trước, người Việt Hòa Bình sáng tạo nông nghiệp lúa nước (4). Cho đến thiên niên kỷ IV TCN, nhân số vùng duyên hải Á Đông chiếm 54% nhân loại và có nền văn minh nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Khoảng 7500 năm trước, trong cơn đại hồng thủy, người từ các đảo ngoài khơi Đông Nam Á di tản bằng thuyền tới nhiều vùng thế giới, nhờ vậy đã đưa văn minh nông nghiệp tới Trung Đông, tiếp sức cho nền nông nghiệp mới manh nha ở đây. Sau đó nông nghiệp từ nơi này du nhập châu Âu.

Từ những năm 70 thế kỷ trước, triết gia Kim Định đã rút ra cốt lõi của văn hóa phương Đông là Việt Nho với nội dung nhân chủ, thái hòa, tâm linh. Trong tam tài Thiên, Địa, Nhân thì con người là chủ, giữ vị trí tôn quý nhất. Với vai trò chủ nhân ông, con người sống thái hòa với nhau và với tự nhiên. Con người không chỉ là cơ thể vật chất mà còn là tâm linh. Đạo của phương Đông là An Vi. Không vô vi cũng không hữu vi mà con người an vi, sống an nhiên, an hòa, an bình, tận lực làm việc nhưng không phải vụ lợi mà vì thấy đó là việc cần làm. Phương Đông quan niệm về một vũ trụ cân bằng trong tương quan tham thiên lưỡng địa.Sống là phát triển, là đi lên, theo chiều Dương, nhưng trái với phương Tây trọng Dương thái quá thì phương Đông giữ tỷ lệ Dương 3 phần, Âm 2 phần. Tuy tôn trọng Cha Trời nhưng phương Đông lại bám chặt vào Mẹ Đất là quẻ Khôn cưu mang, nuôi nấng.

Khác với văn minh phương Đông xây dựng trên nền kinh tế nông nghiệp lúa nước lâu đời, có gốc minh triết và đạo lý sâu bền, văn minh phương Tây được sản sinh từ phương thức sống du mục nên trọng Dương, năng động nhưng thiếu cơ sở minh triết và đạo lý gốc nên là nền văn minh tiên thiên bất túc, bạo phát bạo tàn. Văn minh phương Tây trong mấy thế kỷ qua đã đưa nhân loại phát triển vượt bậc nhưng cũng dẫn tới suy thoái kinh tế thập niên 30, hai cuộc thế chiến khủng khiếp, chủ nghĩa phát xit, chủ nghĩa Staline tai họa của nhân loại, sự tàn phá môi sinh làm Trái đất nóng lên và cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay…
Từ những năm 70 thế kỷ trước, nhận ra sự khủng hoảng của tư tưởng và triết học phương Tây, nhiều thức giả Âu Mỹ đã làm cuộc hành trình tìm về phương Đông . Nhờ vậy, nhiều bí ẩn của phương Đông được khám phá làm phong phú tri thức loài người.

Điều đáng suy nghĩ là trong khi đó, trí thức phương Đông, nhất là giới trẻ, chưa ra khỏi vòng ngộ nhận Âu trung, vẫn theo vết xe đổ của các đàn anh, các bậc thầy. Không ít người cho rằng, biết được một hai ngoại ngữ, đọc ít cuốn sách mỹ học phương Tây, là đã nắm được tri thức tiên tiến của nhân loại! Cũng không ít người học một cách chụp giật những trường phái mỹ học phương Tây, áp dụng một cách sống sít trong vẽ tranh, làm thơ, viết văn rồi tự cho mình (hay nhóm mình) là hợp trào lưu, đi tiên phong…Hơn một lần, thực tế cho thấy họ là những kẻ tiên thiên bất túc: sự học đòi từ phương Tây sẽ chẳng bao giờ thuần thục! Và điều chắc chắn là học trò mũi tẹt da vàng sẽ chẳng bao giờ hơn được ông thầy mũi lõ! Trong khi đó, họ dễ dàng tha hóa, đánh mất cái độc đáo quý giá phương Đông mà nhiều thức giả phương Tây đang tìm học!

Sự nóng lên của Trái đất, trực tiếp hơn là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là tín hiệu báo động cho thấy, phương Tây đã dẫn nhân loại đi lạc đường. Đã tới lúc phương Đông không thể trao vận mệnh của mình cho phương Tây dắt đi được nữa mà phải tìm ra con đường thoát của mình cả về kinh tế cả về văn hóa. Trong tình huống như vậy, người viết văn trẻ ở Việt Nam phải làm gì?

Biết tiếng Anh, đọc sách phương Tây là cần nhưng cái cần trước hết là phải nắm vững tiếng Việt và viết thành thạo văn Việt. Không thể chấp nhận một nhà văn viết không rành tiếng mẹ đẻ, lại dùng thứ tiếng Việt lai căng, nửa ngô nửa ngọng. Một nhà văn Việt cũng không thể không biết chữ Nho. Nếu không thông thạo đến mức đọc được cổ văn thì chí ít cũng hiểu được ý nghĩa sâu xa của những từ Hán Việt thông dụng bởi lẽ đơn giản: nếu không hiểu được những từ đó, không hiểu được hồn tiếng Việt. Phải thuộc càng nhiều ca dao tục ngữ càng tốt. Trước đây nhiều nhà văn không phải học cái vốn cổ này vì đã được bà, mẹ dạy qua những bài hát ru. Nhưng nay, hầu như các bà mẹ không ru con, càng không ru bằng ca dao. Vì vậy, nhà văn phải tự học. Rồi kinh Thi: “bất học Thi vô dĩ ngôn” không chỉ là chuyện của ngày xưa. Nếu nhuần thấm Thi, người ta sẽ khôn ngoan hơn, văn sẽ đạt tới chiều sâu của tâm linh phương Đông. Học kinh Dịch để biết bói Dịch thì tốt, nếu không cũng phải biết được ý nghĩa của Thái Cực, Lưỡng nghi, Bát quái, Âm, Dương, Ngũ hành và hiểu được dịch lý. Cũng không thể bỏ qua Sử ký và những tác phẩm kinh điển của Trung Hoa, Ấn Độ và cố nhiên, các tác giả cổ điển Việt Nam.

Nhân giải Nobel văn chương năm nay, trên báo chí rộ lên câu hỏi: Nobel văn chương cho Việt Nam, tại sao không? Hỏi để cho vui và để khích lệ nhau chứ cái đích ấy còn xa lắm. Cái lẽ đầu tiên không phải thiếu tự do sáng tác mà chính là chúng ta đánh mất bản sắc của mình. Hãy nhìn vào Tagore, Kawabata, Kenzaburo Oe, Cao Hành Kiện. Họ rất hiện đại nhưng trước hết họ là phương Đông. Đánh mất bản sắc phương Đông của mình, chúng ta sẽ mất tất cả. Có câu ca thế này:

Giữ cho bền chí câu cua
Còn ai câu ếch câu rùa mặc ai!

Là người phương Đông, sống trên trầm tích của nền văn hóa rực rỡ do tổ tiên để lại, chúng ta yên tâm trì chí thâm canh trên mảnh đất của mình, chắc chắn sẽ sáng tạo những tác phẩm độc đáo làm nhân loại thán phục.  Thiết nghĩ, điều lớn lao nhất mà Hậu hiện đại mang lại là giải cái tâm thức vong bản, vọng ngoại đã ăn sâu trong tâm trí chúng ta.
                                                                        

                   PHẦN  2: HÓA GIẢI NGỘ NHẬN TRUNG HOA


I. Lật ngược lịch sử

Là nước lớn, đông dân, có nền văn hóa vĩ đại, Trung Hoa cũng là quốc gia đô hộ
Việt Nam suốt một nghìn năm. Vì vậy cái bóng Trung Hoa đè nặng lên nhiều thế
hệ Việt.

Mở đầu Đại Việt sử ký toàn thư, cuốn sử biên niên quan trọng nhất của người Việt, sử gia Ngô Sỹ Liên viết: “Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phương Nam…” Phải chăng sử gia mặc nhiên coi đất Việt là phiên thuộc của Trung Hoa và Hoàng Đế là thủy tổ của mình? Tới thời cận đại, cái bóng Trung Hoa càng nặng nề hơn do những luận thuyết của học giả phương Tây.

Năm 1932, từ một số di chỉ khảo cổ Việt Nam và Đông Á, nhà nhân học người Áo, Robert Heine-Geldern đưa ra thuyết “các đợt sóng văn hóa” cho rằng, văn minh từ Tây Bắc Trung Quốc được đưa xuống Việt Nam và Đông Nam Á. Các dân tộc Đông Nam Á không sáng tạo được gì về văn hóa mà đều nhận từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Những năm 1940, hai nhà nhân học người Mỹ là F. Weidenreich và C.S.Coon đề xuất thuyết Đa vùng, cho rằng, loài người được sinh ra từ nhiều vùng khác nhau: Đông Nam Á, Đông Á, Tiền Á và châu Phi. Từ lý thuyết này đẫn tới giả thuyết: khoảng 500.000 năm trước, sống sót qua những lần băng hà, loài người từ phía nam dải Thiên Sơn di cư ra các vùng trên thế giới. Người Việt theo sông Dương Tử vào Đông Nam Trung Hoa rồi theo bờ biển tiến lên đồng bằng Hoa Bắc. Người Hán từ cao nguyên Thanh Hải vào nam Hoàng Hà chiếm đất của người Việt, đẩy các bộ lạc Việt xuống phía nam.(1)

Trong cuốn Khảo về cỗi rễ dân An Nam, học giả Pháp L. Aurousseau, viết “Vậy thời ta có đủ chứng cớ mà nói quyết rằng người An Nam ngày nay là dòng dõi trực tiếp của người nước Việt bị diệt năm 333, và tiên tổ ngàn xưa, về thế kỷ thứ VI trước Gia tô, đã ở miền tỉnh Triết Giang nước Tàu ngày nay, vào khoảng lưu vực con sông cùng tên ấy” (2). Căn cứ vào tài liệu của các nhà ngôn ngữ học lịch sử phương Tây, học giả Ngô Tất Tố viết: “Tiếng Việt mượn 70% từ tiếng Hán”.

Suốt thế kỷ XX, do bị khống chế bởi quan niệm như vậy về quá trình hình thành dân cư và văn hóa Đông Á, giới khoa học quốc tế nhiều phen bị động trước những chứng cứ khảo cổ. Theo quan niệm Nam tiến, số đông cho rằng, văn hóa Hán đã từ Ngưỡng Thiều truyền tới Long Sơn phía Nam sau đó lan tỏa xuống Đông Nam Á. Nhưng năm 1952, nhà địa chất học Thụy Điển, Carl Sauer, từ khảo cứu nguồn gốc cây trồng Đông Nam Á, cho rằng có thể đây là nơi thuần dưỡng thực vật đầu tiên trên thế giới. Đáng tiếc, ý kiến của ông không được chấp nhận. Thập niên 1970, từ những khám phá khảo cổ học tại Thái Lan, phát hiện những công cụ đồng sớm và những hạt thóc hóa than 3500 năm TCN, Tiến sĩ Wilheim G. Solheim II, Giáo sư nhân học, Đại học Hawaii đề xuất ý kiến cho rằng Đông Nam Á là trung tâm nông nghiệp sớm nhất thế giới. Văn hóa Long Sơn, cũng như Ngưỡng Thiều đều do văn hóa Hòa Bình giai đoạn sớm đưa lên. (3). Tuy nhiên,do những dẫn chứng không nhiều nên chưa được đông đảo giới nghiên cứu chấp nhận.

Vì vậy, như quán tính, cái bóng văn hóa trung Hoa còn trùm phủ sang cả thiên niên kỷ thứ III khi ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng: “Văn hóa Việt không có gì khác Trung Hoa. Có khác chăng chỉ là do chưa bắt chước kịp mà thôi!” (4) Ông An Chi miệt mài tra từ điển để chứng minh tất cả những chữ tưởng thuần Việt như các địa danh có tiền tố “Kẻ” ở đất tổ Phú Thọ cũng chỉ là “Cái, giới, giái của Tàu, đều 100% made in China” (5)…

Những năm cuối thế kỷ, nhờ sử dụng công nghê gen truy tìm cội nguồn nhân loại và con đường loài người chiếm linh Trái đất, khoa học đã phát hiện rằng, loài chúng ta, Homo sapiens chỉ có quê hương duy nhất là Đông Phi và được sinh ra khoảng 160.000 năm trước, sau đó lan tỏa ra toàn thế giới.(6) Khoảng 70.000 năm trước, theo ven biển tiểu lục địa Ấn Độ, người tiền sử đã tới Việt Nam. Gặp môi trường thuận lợi, người Việt sinh sôi nhanh chóng và lan tỏa khắp Đông Nam Á rồi lên khai phá lục địa Trung Hoa.(7)  Những khám phá di truyền học làm đảo lộn lịch sử loài người và là chiếc đinh cuối cùng đóng xuống thuyết Đa vùng, mở ra chân trời mới cho nhân loại nhìn về thời tiền sử.

II Nắn lại dòng dịch chuyển văn hóa

Do môi trường sống thuận lợi, được GS. Oppenheimer gọi là địa đàng ở phương Đông, người Việt cổ sinh sản nhanh, tạo nhân số đông đảo. Do sớm sống quần tụ thành xã hội, người Việt đã sáng tạo dụng cụ Đá Mới rồi phát minh ra cây kê, cây lúa, tạo dựng kinh tế nông nghiệp đầu tiên trên thế giới. Khoảng thiên niên kỷ thứ IV TCN, trên địa bàn Đông Á, với khoảng hơn 60% nhân loại, người Việt cổ đã xây dựng nền văn minh nông nghiệp rực rỡ nhất hành tinh.

Sử dụng phát kiến mới nhất của di truyền học soi rọi những tư liệu cổ nhân học, khảo cổ học, ngôn ngữ, văn hóa học và sử học, người ta nhận ra rằng, người Hoa Hạ, tổ tiên người Trung hoa hiện đại không phải là những bộ lạc từ phía tây bắc xâm nhập Trung Nguyên mà là con lai giữa người Mông Cổ chủng North Mongoloid và người Việt Australoid, ra đời sau 2600 năm TCN, hậu quả cuộc xâm lăng của người Mông Cổ xuống phía nam Hoàng Hà. Sự kiện này được xác minh trong nghiên cứu của Ballinger và nhóm của ông, phát hiện rằng người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất Đông Á. Tộc người có chỉ số đa dạng di truyền cao là gần hơn với gốc phát sinh, cũng có nghĩa là cổ hơn.(8) Là con laiViệt, sống trong môi trường người Việt đông áp đảo và có văn hóa cao, người
Hoa Hạ đã học nghề nông và văn hóa của tổ tiên Việt, trước hết là tiếng nói, chữ viết rồi phong tục tập quán, để xây dựng quốc gia Hoàng Đế.  Do người Việt quá đông và từ hàng vạn năm trước chiếm lĩnh Hoa lục mênh mông nên nhà nước Trung Hoa hàng nghìn năm chỉ là cái lõm nhỏ ở Trung Nguyên, bị ép giữa những quốc gia Việt hùng mạnh là Ba, Thục ở phía tây; Ngô, Việt, Sở phía đông và Văn Lang ở phía nam. Khi nhà Tần thôn tính các quốc gia Việt trên, đã sáp nhập toàn bộ đất đai, dân cư và văn hóa của người Việt vào đế quốc Tần.(9)

Từ thực tế lịch sử như vậy, kết luận tất yếu được rút ra:

a. Tất cả văn hóa vật thể và phi vật thể có mặt trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN đều là sản phẩm của tộc Việt.
b. Văn hóa Trung Hoa được hình thành trên cơ sở tiếp thu, kế thừa văn hóa Việt.

Từ hai kết luận trên, ta có thể nhận ra những yếu tố gốc Việt trong văn hóa Trung Hoa như sau:

1. Ngôn ngữ: do cuộc sống nông nghiệp định cư lâu đời, người Việt cổ có vốn ngôn ngữ phong phú. Người Việt cũng sớm có chữ viết. Từ chữ Khoa đẩu, Hỏa tự, khoảng 12000 năm trước, người Việt đã sáng tạo chữ tượng hình, gần với chữ đời Thương (9). Giáp cốt văn và kim văn đời Thương chính là chữ của người Việt.
2. Kinh Dịch. Truyền thuyết Trung Hoa nói rằng “Phục Hy làm Dịch,” mà Phục Hy là ông tổ của người Việt, lại làm Dịch từ lâu trước khi người Hoa Hạ ra đời, vì vậy sách Dịch không thể của người Hoa Hạ.
3. Các kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc là của người Việt, được điển chế từ trước và tồn giữ trong kho sách nhà Chu. Khổng Tử đã biên tập các sách này và truyền lại.
4. Nhiều phong tục tập quán Việt tồn tại trong dân gian Trung Hoa như tục ăn trầu, tục xăm mình…

Điều vui mừng là, nhiều người đã nhanh nhạy vận dụng những phát hiện khoa học mới của thế giới để tìm hiểu lịch sử và văn hóa tộc Việt và có những thành công đáng khích lệ.

Xin kể vài ví dụ.

Giáo sư Bùi Văn Nguyên viết cuốn Kinh Dịch Phục Hy khẳng định kinh Dịch là sản phẩm của tộc Việt.  Nguyễn Vũ Tuấn Anh với Tìm về cội nguồn Kinh Dịch. Nguyễn Thiếu Dũng với những bài báo Kinh Dịch - di sản sáng tạo của Việt Nam? Và Chiếc gậy thần - dạng thức nguyên thủy của hào âm hào dương. Đặc biệt là Trần Quang Bình với cuốn sách dầy dặn Kinh Dịch, sản phẩm sáng tạo của văn hiến Âu Lạc. Trong cuốn Thời Hùng Vương- Đông Sơn, Đoàn Nam Sinh phát hiện vết tích Dịch trên trống đồng Ngọc Lũ.

Trong việc này, Tiến sỹ Hà Hưng Quốc ở Hoa Kỳ đi được bước dài. Dựa trên tư tưởng Dịch của tổ tiên, ông sáng tạo bản Dịch mới, lấy tên là Việt dịch. Đây là bước tiến chưa từng có, đưa Dịch Việt đổi mới về chất, vượt qua Văn Vương và Khổng Tử. Không chỉ là trùng quái (8x8) 64 quẻ mà bản Dịch này có số quẻ là 8 lũy thừa 8 (8 bát phương) thành 40.320 quẻ, ứng với không chỉ càn khôn vũ trụ mà cả những hoạt động nhỏ nhất của con người! Không những thế, khi chỉnh lý Lục thập hoa giáp, ông nhận ra, bản thông dụng của Trung Hoa đã sai lầm khi cho ngũ hành tương sinh tuơng khắc là sự sinh khắc một chiều của năm loại vật chất. Trong khi đó, Việt dịch cho Ngũ  hành là  năm ngôi sao : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong Thái dưng hệ, sinh khắc nhau theo cả chiều thuận và chiều nghịch, mở ra quan niệm biện chứng mới của Ngũ hành.

Năm 2006, khi viết tiểu luận: “Tiếng Việt, chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán”(9) tôi dựa trên quá trình lịch sử, văn hóa Đông Á và một số hóa thạch tiếng Việt trong cổ thư Trung Hoa. Đầu năm nay, anh Đỗ Thành, người Việt gốc Triều Châu, hiện sống ở Sacramento Hoa Kỳ gửi về loạt bài: Phát hiện lại Việt nhân ca; Phục nguyên Duy giáp lênh của Việt vương Câu Tiễn; Nguồn gốc chữ Nôm…

Lần đầu tiên tôi được biết cuộc phiêu du của bài thơ lục bát Việt. Xuất hiện 2800 năm trước trong câu chuyện nước Sở, được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Sở rồi 800 năm sau vào nằm trong sách Thuyết uyển của Lưu Hướng dưới dạng chữ vuông. Nhưng hơn 2000 năm nay, các văn nhân của mọi thời đại không làm thông được nghĩa bài ca. Ngay trong bản mới nhất của một viện sĩ Viện khoa học xã hội Bắc Kinh ta cũng chỉ gặp một văn bản nửa ngô nửa ngọng! Nhưng Đỗ Thành nói: “Đọc Việt nhân ca là tôi biết ngay bài hát tiếng Việt. Khi lập lại nguyên văn của nó, thì sướng quá, đó lại là bài thơ lục bát.” Và không khó nhọc lắm, anh phục nguyên bài thơ trữ tình trong dạng chữ Việt cổ đa âm!(10) Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn cũng có số phận tương tự (11)! Cũng nhờ anh, lần đầu tiên tôi được biết, trên đời không hề có ông Bàn Cổ mà đó là chữ “bầu” của người Việt, khi chuyển sang tiếng quan thoại không có âm tương ứng nên đọc là “pù quo” với nghĩa là quả bầu! Trong truyện cổ người Dao, trái bầu sinh ra muôn loài nên “pù quo” thành Ông Bàn Cổ! Thôn Trữ La của nàng Tây Thi chính là thôn bên trái, thôn Tả trong tiếng Việt. Không hề có vua Trụ vua Kiệt mà đó là hỗn danh người Việt đặt cho hai hôn quân vua đụ và vua cặc, bị biến âm qua chuyển ngữ!

Bằng quá nhiều chứng cứ không thể phản bác, tác giả Đỗ Thành chứng minh đầy thuyết phục rằng, chính người Việt là chủ nhân của chữ tượng hình trong giáp cốt văn và kim văn (12)! Anh tâm sự: “Ở Sacramento tôi phải giấu những bài viết của mình vì sợ phiền. Nhưng từ khi đưa lên mạng, nhiều người biết rồi cự nự. Có lần cùng mấy người bạn hầu chuyện một vị trưởng thượng tuổi ngoài tám mươi, cũng trong giới học thức. Cụ dũa ghê quá. Chờ cụ nói xong, tôi xin thưa lại. Nghe nói, mặt ông cụ cứ đờ ra. Chỉ mươi phút sau, cụ gật gật đầu: “Thiệt vậy sao? Hay quá ta! Thằng nầy giỏi thiệt!”

Đỗ Thành nói rằng, nhiều nhiều lắm, không kể xiết những chữ Việt  tồn tại trong Hán văn. Muốn cho đủ, có lẽ phải làm cuốn Bách Việt tự điển hay Thuyết văn giải tự ngược. Hứa Thận chuyển cách đọc từ Việt sang quan thoại, còn Thuyết văn giải tự mới sẽ chuyển từ phát âm quan thoại sang âm Việt. Như thế không chỉ khôi phục cách đọc mà còn làm rõ nghĩa rất nhiều chữ Việt bị biến đổi trở thành vô nghĩa trong chữ Hán. Không chỉ vậy, anh Đỗ Thành còn muốn phụcnguyên bản gốc tiếng Việt của kinh Thi, kinh Thư, Đạo đức kinh, Sở từ để có được những Thi kinh bản nghĩa, Thư kinh bản nghĩa, Đạo đức kinh bản nghĩa, Sở từ bản nghĩa … Chỉ có thế mới có thể hiểu hết cái hay cái đẹp nguyên sơ của bản văn tiếng Việt. Điều trớ trêu là suốt 2000 năm qua không học giả nào làm được trong khi đó lại là công việc khá dễ dàng với Đỗ Thành vì anh là người Mân Việt, thông thạo phương ngữ Triều Châu, Quảng Đông, Việt Nam…và dòng máu Việt chảy trong huyết quản anh. Nhưng anh không thể vì phải đi dạy lái xe kiếm sống nuôi con. Anh chỉ có thể đọc, viết lúc đêm khuya.

                                              II. KẾT LUẬN

Đã quá lâu rồi thế giới sống với lịch sử đảo lộn và dối trá.   Trong khi tổ tiên ta từ Việt Nam mang rìu đá, cây kê, cây lúa lên mở mang đất Trung Hoa, xây dựng nơi đó nền văn minh nông nghiệp rực rỡ nhất hành tinh thì chính sử ghi rằng, mọi văn minh của chúng ta đều do người Trung Hoa mang đến. Trong khi tổ tiên chúng ta kết hợp với người Mông Cổ sinh ra người Hoa Hạ thì chính sử dạy rằng, chính người Hoa Hạ là thủy tổ chúng ta!

Trong khi tổ tiên ta sáng chế ra chữ vuông, kinh Dịch, rồi Thi, Thư, Nhạc, Lễ thì chúng ta được dạy rằng đó là sản phẩm Trung Hoa còn chúng ta phải học nhờ đọc mướn!

Sự phát hiện lại lịch sử và văn hóa dân tộc trước hết giúp chúng ta nhận thức đúng về tổ tiên, nòi giống mình. Đó là một tổ tiên vĩ đại, sống vô cùng minh triết, với lòng nhân ái bao la đồng thời sáng tạo những công nghiệp kỳ vĩ cho nhân loại.

Đó cũng là lần cuối cùng trong lịch sử, chúng ta hóa giải cái bóng Trung Hoa từng đè nặng tâm khảm dân tộc. Giải phóng văn hóa là cuộc giải phóng lớn lao nhất, toàn diện nhất, triệt để nhất. Từ đây, chúng ta xác lập vị trí ít nhất là bình đẳng với người Trung Hoa về phương diện Văn hóa. Lịch sử còn dài nên còn nhiều việc phải làm. Nhưng từ nay, chúng ta làm lịch sử với tư thế khác. Văn chương Việt cũng cần được xây dựng trên tinh thần này.  Hy vọng rằng mọi con dân Việt sẽ xứng đáng với tổ tiên.

Tài liệu tham khảo.

 1. Vương Đồng Linh. Trung Quốc dân  tộc học. Dẫn theo Kim Định. Cơ cấu Việt
Nho. Sài Gòn 1973, Tr 244-245
 2. Léonard Aurousseau, "Khảo về cỗi rễ dân An Nam". Bản dịch của Hồng Nhân
Phạm Quỳnh. Nam Phong tạp chí số 84, tháng 6-1924, tr.480. Dẫn theo Cao Thế
Dung: Tên nước Việt.
3. Wilheim G. Solheim II. Ánh sáng mới trên vùng quên lãng. National Geographic, Vol. 139, No. 3, 3. 1971.
4. Nguyễn Gia Kiểng. Tổ quốc ăn năn
5. An Chi. Về những địa danh “thuần Việt” thời Hùng Vương. Những tiếng trống đánh qua nhà sấm. NXB Trẻ, 2004.
6. Stephen Oppenheimer; Out of Eden Peopling of the World (www.bradshaw foundation.com). và Journey of Mankind the Peopling of the World (http://www. bradshawfoundation.com/journey/).
7. J.Y. Chu et al: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad.
Sci.USA 1998 số 95 tr. 11763-11768.
8. S.W. Ballinger et al: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45
9. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.
10. Đỗ Thành. Phát hiện lại Việt nhân ca. Văn hóa Nghệ An số 179 ngày
25.8.2010 http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?
TPID=12183&LOAIID=17&LOAIREF=5&TGID=2079
11. Đỗ Thành. Phục nguyên Duy giáp lệnh của Việt vương Câu Tiễn http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?
TPID=12183&LOAIID=17&LOAIREF=5&TGID=2079
12. Đỗ Thành. Nguồn gốc chữ Nôm. http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?
TPID=12597&LOAIID=29&LOAIFID=5&TGID=2079

1. Trịnh Lữ-Góp chuyện hậu hiện đại
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=68&News=2375&CategoryID=34
2.  Ngô Tự Lập. Aristote, kẻ đạo văn lớn nhất mọi thời đại.
http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/nghien-cuu/2007/06/3B9AD8C2/
3. Dict. Philosophique tr. 108, dẫn theo Kim Ðịnh, Cửa Khổng tr.245 
4. Stephen Oppenheimer. Địa đàng ở phương Đông. NXB Lao động 2004.

                                                              1.12. 2010.

No comments:

Post a Comment