Friday, January 11, 2013

Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 9 - Hà Hưng Quốc



trở về: Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể - Bài 8



LỜI KẾT
Với bài viết này, nếu được phép để lại 3 điều trong tâm trí người đọc thì đây là 3 điều mà chúng ta muốn để lại:
  1. Phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể nhằm tái hiện lại diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt là một phương pháp không thiếu tính khoa học và không thiếu giá trị.
  2. Những sản phẩm văn hóa phi vật thể phục dựng từ di sản văn hóa phi vật thể có một giá trị nhất định và phải được nghiêm túc công nhận.  Điều này càng rõ hơn khi những công trình phục dựng cho thấy sự tương liên với nhau và cũng cố cho nhau thành một thành một thảm dầy của những khám phá, phục dựng và chứng cứ liên hệ.  
  3. Nền văn hóa Việt không phái sinh từ nền văn hóa Trung Hoa, nhiều bằng chứng cho thấy ngược lại. Giả thuyết Dịch là của Việt, Âm Dương Ngũ Hành là của Việt, Hà Đồ là của Việt có cơ sở vững chắc.  Và một khi những sản phẩm văn hóa này đã là của Việt thì nền văn hóa Trung Hoa chắc chắn không thể nào phái sinh ra nền văn hoá Việt.    

Hầu hết húng ta không xa lạ gì với tranh Mosaic hoặc Dot Graphics.  Hình ảnh trên bức tranh được tạo thành bởi những chấm màu sắc li ti.  Nếu chỉ chăm chú nhìn cận cảnh vào những chấm nhỏ li ti thì người xem tranh chỉ có thể thấy những chấm nhỏ li ti không hơn không kém.  Muốn thực sự thấy hình ảnh và thông điệp trên bức tranh thì người xem tranh phải đứng xa hơn để nhìn.  Bức tranh diện mạo và cội nguồn văn hoá Việt cũng không khác.  Mỗi công trình phục dựng và khám phá từ di sản văn hóa phi vật thể chỉ là một chấm nhỏ li ti trong cái tổng thể mô tả diện mạo và cội nguồn văn hóa Việt.  Mỗi và những chấm nhỏ đó dường như không ý nghĩa, dường như lạc lõng, dường như không ăn nhập vào đâu.  Nhưng nếu như không có những chấm nhỏ như thế thì sẽ không thành tổng thể của bức tranh, không có bức tranh.  Tái hiện bức tranh diện mạo và cội nguồn thực sự của một “nền văn hóa huyền vĩ” của một thời (theo ngôn ngữ của NVTA) cần những chấm nhỏ như vậy và những chấm nhỏ đó cần được đặt trong một khung tổng thể.  Hiện đang đã có một số chấm nhỏ và sẽ còn nhiều chấm nhỏ như vậy xuất hiện trong tương lai.  Bài viết này chỉ là một cố gắng khiêm tốn trong nỗ lực đặt một số chấm trong một cái khung tổng thể để rồi có một ngày toàn thể diện mạo và cội nguồn thực sự của một nền văn hóa huyền vĩ đó sẽ hiện rõ và sự thật này sẽ được công nhận.  Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được bây giờ là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đã có và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến.   

Thành thật cảm ơn tất cả quý đọc giả và học giả.
Hà Hưng Quốc, Ph.D.
Ngày 9 Tháng 1 Năm 2013
 


Hết.

 

Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 8 - Hà Hưng Quốc





GIẢI MÃ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ PHỤC DỰNG SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: MỘT CON ĐƯỜNG TÁI HIỆN DIỆN MẠO VÀ CỘI NGUỒN ĐÍCH THỰC CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT. 



Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đó và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện lại bức tranh diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến. “  



trở lại: Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 7
 
Bạch Thư Trong Mộ Hán Mã Vương Đôi & Trúc Giản Trong Mộ Sở Kinh Môn Quách Điếm: Bằng Chứng Củng Cố Giá Trị Của Sản Phẩm Được Phục Dựng Và Của Phương Pháp Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể
Trong bài Nghiên Cứu Trong Thế Kĩ XX Về Lịch Sử Tư Tường Của Trung Quốc của ông Trương Hải Yến (张海燕), Sở Nghiên Cứu Lịch Sử thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, đăng trong tạp chí Trung Quốc Sử Nghiên Cứu Động Thái (中国史研究动态) số 1/2002, tr. 5-15, do học giả Nguyễn Tấn Cường dịch chú, đã viết:

 “‘Ngũ hành’ của Nho gia là trỏ ‘nhân, nghĩa, lễ, trí, thánh.’ Tuân Tử - [313TCN – 238TCN, trong thiên] Phi Thập Nhị Tử, cho rằng học trò của Tử Tư [tức Khổng Cấp, cháu nội của Không Tử] và Mạnh Tử [372TCN - 289TCN] ‘theo thời xưa mà tạo thuyết gọi là ngũ hành.Cái ‘ngũ hành’ này ‘Dương Cạnh (杨倞) đời nhà Đường [618CN - 907CN] chú rằng: ‘Ngũ Hành tức Ngũ Thường, là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín’.”

            Vào năm 1973, một ngôi mộ Hán [206TCN - 220CN] tại Mã Vương Đôi được khai quật, người ta tìm thấy trong số bạch thư có quyển Lão Tử giáp bản (bản A) và ở phần sau của quyển sách đó có một thiên giảng về “Nhân, Nghĩa, lễ, Trí, Thánh.”  Đầu thiên bị khuyết mất và các học giả đặt tên cho thiên đó là thiên Ngũ Hành.  

            Rồi năm 1993, người ta lại khai quật một ngôi mộ Sở [1030TCN – 223TCN] tại Kinh Môn Quách Điếm và tìm thấy trong số trúc giản có một thiên giản thư [sách viết trên thẻ] có tên là Ngũ Hành.  Nó có nội dung tương tự như thiên Ngũ Hành trong bạch thư tìm được trong ngôi mộ Hán ở Mã Vương Đôi, tức là nói về “nhân, nghĩa, lễ, trí, thánh.”

            Theo GS Nguyễn Hữu Quang thì “tác giả của bộ sách này [bạch thư Mã Vương Đôi] không ai khác hơn là Thầy Tử Tư, cháu đích tôn của Đức Khổng Phu Tử và Thế Tử là một nhân vật thời Chiến Quốc mà cho đến hôm nay cũng chưa ai biết được danh tính và lai lịch” (Nguồn: Hán Việt Dịch Sử Lược, Chương 3 - Thiên Văn Lịch Toán).

            Từ những thông tin trên chúng ta có thể xác định được một vài điều: (1) Ngũ Thường của Nho Gia thời Chiến Quốc là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh.  Đến đời Đường (và có thể sớm hơn) đã biến ra thành Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.  (2) Ngũ Hành và Ngũ Thường có sự liên quan mật thiết.  Và (3) Ngũ Hành thời Chiến Quốc là mô phỏng theo “thời xưa.”  Nói một cách khác, là thuyết Ngũ Hành đã có trước thời Chiến Quốc rất lâu (vì trước rất lâu nên mới gọi là thời xưa).   

            Ngày hôm nay nếu chúng ta vào Google gỏ “nhân, nghĩa, lễ, trí, thánh” để truy tìm thì chúng ta sẽ được vỏn vẹn 4 kết quả.  Trong khi đó nếu gỏ vào “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” thì chúng ta sẽ nhận được 630 ngàn kết quả.  Điều này cho thấy hình như ít có người quan tâm đến sự khác biệt giữa Ngũ Thường thời Chiến Quốc so với Ngũ Thường từ đời Đường trở về sau này.  Nhưng sự khác biệt này là một phát hiện quan trọng, ít ra là đối với mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy và với nguồn gốc văn hóa Việt.

            Quan trọng như thế nào?  Trước hết chúng ta hãy nhìn vào hình P6 mô tả sự tương quan giữa Ngũ Thường và Ngũ Hành ở hai thời điểm, thời Chiến Quốc và thời Đường.


            Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là 5 đặc tính “đồng đẳng” làm nên nhân cách của một mẫu người lý tưởng gọi là “quân tử” trong học thuyết của Nho Gia Phổ Cập từ thời Đường trở về sau.  Ngũ Thường Phổ Cập này tương ứng với Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập, trong đó Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 vật chất “đồng đẳng cấp.”  Sự tương ứng này cho thấy trong hình P6, một nửa bên dưới. 



Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh là 5 đặc tính “không đồng đẳng cấp” trong mô hình Ngũ Thường Nguyên Thủy (vào thời Chiến Quốc trở về trước).  Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí là 4 đặc tính của người quân tử đúng với nguyên tác"Quân tử sở tính Nhân nghĩa lễ trí" của Nho Giáo Nguyên Thủy.  Bốn phẩm chất này (nằm ở vòng ngoài) làm nên nhân cách của một con người toàn vẹn để rồi từ sự toàn vẹn đó có thể bước vào vị trí Thánh (nằm ở trung tâm).  Thánh là một đặc tính vượt trên hẳn những đặc tính làm nên nhân cách toàn vẹn của một con người bình thường.  Ngũ Thường Nguyên Thủy tương ứng với Lý Ngũ Hành Nguyên Thủy, trong đó Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 hành “không đồng đẳng cấp.”  Thổ là một hành quan trọng hơn vì nó chi phối và điều hợp bốn hành còn lại và nó nằm vào vị trí trung ương.  Hình P6, một nửa phía trên, cho thấy sự tương ứng giữa Ngũ Thường Nguyên Thủy với Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy. 

Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh của Ngũ Thường Nguyên Thủy còn cho thấy một điều quan trọng khác trong học thuyết Nho Giáo Nguyên Thủy.  Đó là, Đức Khổng Phu Tử muốn dẫn dắt con người “về đến chỗ trọn NGƯỜI, đạt đến chỗ THÁNH” hay nói một cách khác là từ Người tới Thánh, chứ không phải để nặn ra một mẫu người “quân tử “ sặc mùi chính trị “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”  NGƯỜI và THÁNH trong Nho Giáo Nguyên Thủy hoàn toàn khế hợp với minh triết của Việt Dịch.  Nói về minh triết của Dịch Việt, HHQ đã ghi trong Việt Dịch như sau:

Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết: Vòng ngoài là chỗ của nhiều còn tâm trung là nơi của một.  Vòng ngoài là trú xứ của sinh sinh hoá hóa còn tâm trung là trú xứ của diệu diệu huyền huyền.  Từ tâm đi ra ngoài là hướng ngoại, từ ngoài trở về tâm là hướng nội.  Từ tâm đi ra ngoài là con đường của nhơn dục còn từ ngoài trở về tâm là con đường của thiên lý. Hướng ngoại để có nhiều, hướng nội để giữ một.  Theo nhiều là lý do của điên đảo, quay cuồng.  Giữ một là cái gốc của thường tịnh lặng lẽ.  Tâm trung là đền Thánh của đức Thổ, nhơn sanh tiến vào đền Thánh lễ bái không ngoài một chữ Tín.  Vòng ngoài là nhà lửa của tam giới, lìa bỏ đền thánh để chui vào nhà lửa vui đùa không ngoài một chữ dục của vọng ý. 

Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết: Tâm trung là chỗ để giữ đạo tam tòng: tòng thiên, tòng địa và tòng nhân.  Vòng ngoài là chỗ để giới trì tứ đức: đức Nhân của Mộc, đức Nghĩa của Kim, đức Trí của Thủy, đức Lễ của Hỏa.  Thế nào là giữ đạo tam tòng?  Trời vốn ‘dĩ dị tri’ đất vốn ‘dĩ giản năng.’  Mà giản dị thì ‘dị tắc dị tri, giản tắc dị tòng’[1] dễ biết dễ theo.  Một khi đã dễ biết dễ theo thì có lắm người biết nhiều người theo do đó mà thành tựu công nghiệp lớn ‘dị tri tắc hữu thân, dị tòng tắc hữu công, hữu thân tắc khả cửu, hữu công tắc khả đại, khả cửu tắc hiền nhân chi đức, khả đại tắc hiền nhân chi nghiệp.’ [2]  Nắm được đạo lý giản dị là nắm được đạo lý trong thiên hạ.  Đã nắm được đạo lý trong thiên hạ thì đứng giữa cùng với trời và đất ‘dị giản nhi thiên hạ chi lí đắc hĩ, thiên hạ chi lý đắc nhi thành vị hồ kì trung hĩ.’ [3]  Đứng chung được với trời đất tức là đã giữ đạo tam tòng.  Thế nào là giới trì tứ đức?  Trời đất không có tư tâm, thánh nhân không có tư tâm, cho nên mới nói trời đất bất nhân coi vạn vật như chó rơm, thánh nhân bất nhân coi bá tánh như chó rơm, ‘thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu, thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.’ [4]  Trời đất hành sự chẳng vì mình cũng chẳng vì ai.  Thánh nhân hành sự chẳng vì mình cũng chẳng vì ai.  Hành sự chẳng vì mình cũng chẳng vì ai chánh thật là giới trì.  Ở giữa thiên hạ, lấy thiên hạ làm lòng mình, coi hết thảy như trẻ thơ, ‘tại thiên hạ, hấp hấp vị thiên hạ hỗn kỳ tâm, thánh nhân dai hài nhi,’ [5] đó chánh thật là đức Nhân.  Lấy đạo giúp cho người lãnh đạo, không lấy bạo quyền cưỡng bức thiên hạ, ‘dĩ đạo tá nhân chủ dả, bất dĩ binh cường thiên hạ,’ giữ cái vô danh mộc mạc để trí vô dục, tâm yên tịnh, thiên hạ được bình yên ‘dĩ vô danh chi phác, vô danh chi phác phù diệc tương vô dục, bất dục chi tỉnh, thiên hạ tương tự định,’ [6] đó mới chánh thật là đức Nghĩa.  Không can thiệp dân sẽ tự nhiên vô tư, không áp bức dân sẽ tự nhiên ngay thẳng, không bày vẽ dân sẽ tự nhiên giàu có, không tham lam dân sẽ tự nhiên thật thà, ‘ngã vô vi nhi dân tự hóa, ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính, ngã vô sự nghi dân tự phú, ngã vô dục nhi dân tự phác,’[7] cho nên lấy ngay thẳng mà trị quốc, lấy vô sự mà giữ yên thiên hạ, ‘dĩ chính trị quốc . . . dĩ vô sự thủ thiên hạ,’ [8] giúp dân từ bỏ cái quá độ để quay về với tự nhiên, ‘phục chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên,’ [9] lấy thấp làm nền, lấy hèn là gốc ‘dĩ tiện vi bản, dĩ hạ vi cơ’ để ngồi trên mà dân không thấy nặng, ở trước mà dân không thấy ngại, ‘xử thượng nhi dân bất trọng, xử tiền nhi dân bất hại,’ [10] đó mới chánh thật là đức Lễ.  Biết đủ không nhục, biết ngừng không nguy, được cái lâu bền, ‘tri túc bất nhục, tri chỉ bất đải, khả dĩ trường cửu,’ [11] làm trọn vẹn mà dường như dở dang nhưng dùng mãi chẳng hư, có đầy đủ mà dường như trống rỗng nhưng dùng mãi không hết, rất ngay thẳng mà như cong, rất hay mà như dở, rất hùng biện mà như ấp úng, ‘đại thành nhược khuyết kỳ dung bất lệ, đại doanh nhược xung kỳ dụng bất cùng, đại trực nhược khuất, đại xảo nhược chuyết, đại biện nhược nột,’ [12]  không ra cửa mà biết khắp thiên hạ, thấy rõ đạo trời, ‘bất xuất hạ tri thiên hạ, bất khuy dũ kiến thiên đạo’ [13] quay về gốc tịnh, phục mệnh thường hằng, ‘chí hư cực . . . phục mệnh viết hằng’ [14] đó mới chánh thật là đức Trí.  Ở chỗ điên đảo, quay cuồng mà vẫn ung dung tự tại là nhờ trong không xa đạo tam tòng ngoài không lìa giới trì tứ đức.  Giữ đạo tam tòng, giới trì tứ đức là cung cách của hiền thánh.
          
Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết: Tâm trung là trái tim nguyên thể và vô nhiễm.  Vòng ngoài là nơi đã làm cho máu của Đức Chúa chảy ra.  Ngài ‘có khả năng chuyển hóa, đem tù hãm tối tăm, đốt tan trong ánh sáng, những nghiêng lệch tạm thời, bỗng chốc về đúng chỗ, trời người đất dung thông, thế giới hoát đại đồng, thiêng liêng và huyền nhiệm’ [15] là vì tâm nội chưa từng lìa nguyên thể và vô nhiễm, thân ngoại chưa từng lìa tôn nghiêm và hiền thiện.  Ở chỗ ác trược tối tăm mà vẫn nguyên thể và vô nhiễm, vẫn tôn nghiêm và hiền thiện là phẩm hạnh của đấng Chúa Thánh Thần.    

Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết: Tâm trung là chỗ vô chấp, vô cầu, vô sinh, vô diệt, bất đồng, bất dị.  Vòng ngoài là chỗ không thực tánh thực tướng, của chấp trước, của trùng trùng duyên khởi, của huyễn hóa, của vô minh, của sinh diệt, của biển nghiệp lực.  Tâm trung là thế giới của ‘diệu trạm tổng trì bất động tôn,’ [16] là đại viên cảnh trí, là đương xứ tức chân, là tuyệt thánh khí trí, là bất động hiện quán, là bản lai diện mục, là sanditthiko, là akàliko, là opanayiko.  Vòng ngoài là thế giới ‘như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển,’ [17] là ‘hoa đốm giữa hư không,‘ [18] là lý trí vọng thức, là chỗ ‘gate, gate, paragate, parasamgate,’ [19]  là khổ đế và tập đế.  Tâm trung là nhà của Như Lai. Vòng ngoài là chỗ hiển bày vạn pháp.  Bồ tát thường tịnh thường lặng ngay giữa chốn điên đảo quay cuồng là vì tâm nội chưa từng lìa nhà Như Lai, thân ngoại chưa từng lìa Pháp Giới; là vì vốn thấy rõ tất cả pháp đều huyễn hóa nên lìa tâm thức phân biệt chẳng thấy bốn tướng ‘nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả,’ chẳng thương, chẳng ghét; là vì vốn thấy rõ mọi hiện tượng thế gian đều ‘không thêm, không bớt, không dơ, không sạch’ [20] nên chẳng lìa ‘bình đẳng tánh trí,’ chẳng buông bỏ gì, chẳng nắm giữ gì, chẳng đến, chẳng đi; là vì vốn thấy rõ ‘thế gian như chiêm bao mà khởi lòng đại bi’ [21] nên chẳng lìa thực tại hiện tiền, trong huyễn cảnh hiện huyễn thân dụng huyễn pháp nương huyễn phương tiện cứu độ huyễn chúng sanh, tùy duyên bất biến.  Giữa thế gian mà không bị những cái khổ của thế gian trói buộc chính là quán tự tại.    

Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết: Tâm trung là Đạo, vòng ngoài là Danh.  Danh là chỗ của có không.  Không là tên gọi lúc khởi đầu trời đất, là ’vô, danh thiên địa chi thủy.’ [22] Có là tên gọi lúc nảy sinh, là ‘hữu, danh vạn vật chi mẫu.’ [23]  Thánh nhân lấy cái không để chiêm ngưỡng sự kỳ diệu, lấy cái có để xem xét sự tinh vi, ‘cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu, thường hữu dục dĩ quan kỳ hiếu.’ [24] Có không cùng hiện hữu.  Thánh nhân không thiên vị.  Theo đạo tự nhiên nên không cố làm, dạy đạo tự nhiên nên không cố nói, cùng một thể với đạo, ‘xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo.’ [25]  Ở chỗ có không thánh nhân làm khe nước cho người khát, thành việc mà không kể công, thành công mà không ở lại, rỗng tâm, no lòng, mềm chí, cứng xương, khiến dân không dám tham, khiến kẻ trí không dám dùng thủ đoạn, thường hay cứu người nên không bị bỏ rơi, thường hay cứu vật nên không bị vứt đi. Thân tuy ở Danh nhưng tâm thì ở Đạo.  Lòng đạo vốn trống không nên dung chứa vô cùng.         

Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết: Tâm trung là đất của tiên thiên, vòng ngoài là chỗ của hậu thiên.  ‘Tiên thiên thì tịch tịnh như nhiên, bất sanh bất diệt. Hậu thiên thì luôn luôn biến dịch và có cơ biến hóa hai chiều: chiều sanh và chiều tử.’ [26]  Tâm trung là chỗ của ‘Thái Cực hiện nơi cung Vô Cực, là hoa khai kiến phật; Thái Cực có hiện nơi cung Vô Cực thì Vô Cực mới thành chí huyền chí diệu,’ mới là ‘huyền chi hựu huyền’ [27]  Vòng ngoài là chỗ ‘dùng chơn Thủy giúp cho Hỏa minh linh,’ là nơi ‘để đức cương kiện hiệp với đức nhu thuận,’ để ‘chân trí linh tri tương hiệp, chân tình chân tánh đồng khí, cương nhu phối nhau quay về Trung Chánh’ chỗ chân Thổ là nơi ‘Mậu Kỷ hiệp nhau biến thành đao khuê’ [28] điểm hợp nội ngoại chi đạo để ‘kiến tố’ để ‘phục mện’ [29] chính chỗ dụng tâm của tiên gia.   

Giữa tâm trung với vòng bên ngoài của Việt Dịch Đồ, lý sự có thể tóm lại trong một chữ Dịch.  Nó hàm chứa sự thông dung và diệu dụng.  Nó hàm chứa sự tự nhiên và vô ngại.  Nó hàm chứa một thế giới nhị nguyên trong trạng thái tương tác hài hòa.  Đó chính là Dịch.  Hiểu và sống trong sự tương tác hài hòa đó chính là nền tảng của minh triết VIỆT.“
  
Nghiệm lại nghĩa lý của cặp đồng đạo tương ứng Ngũ Thường Phổ Cập (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) và Ngũ Hành Phổ Cập (5 hành vật chất đồng đẳng) rồi so với nghĩa lý cao siêu của cặp đồng đạo tương ứng Ngũ Thường Nguyên Thủy (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh) và Ngũ Hành Nguyên Thủy (5 hành thiên văn bất đồng đẳng), không khó để nhận ra một sự khác biệt rất lớn.
          
            Như đã nói, Ngũ Thường Nguyên Thủy là đồng đạo tương ứng của Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Do đó khám phá “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh” trong những di chỉ cổ nhất và đáng tin cậy nhất mà nhân loại có được từ hai vụ khai quật mộ cổ ở Mã Vương Đôi và Kim Môn Quách Điếm chính là có thêm bằng chứng vật thể củng cố cho sự chính xác của mô hình Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy. 

Quan trọng hơn là chính sự chính xác của những sản phẩm được phục dựng từ phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể đã cho thấy giá trị của những sản phẩm văn hóa phi vật thể được phục dựng và của chính phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng những sản phẩm văn hóa phi vật thể đó. 

 Đồng thời nó tiếp tay làm sáng tỏ một SỰ THẬT mà nhiều học giả “cấp tiến” của Việt Nam đang cố chứng minh bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có cả phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể.  SỰ THẬT đó rất đơn giản: NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ ĐÃ ĐẺ RA NỀN VĂN MINH TRUNG HOA.         

            Như Trương Hải Yến đã viết “Tư tưởng triết học của dân tộc Trung Quốc đã có ngay từ thời Lão Tử và Khổng Tử, điều này không có gì để nghi ngờ.”  Mà Khổng Tử thì đã nói với học trò của mình là “[Ta] chỉ thuật lại mà không trước tác, [Ta] tin vào đạo lý của đời xưa - [Ngô] thuật nhi bất tác, [Ngô] tin nhi hiếu cổ ” và cũng đã xác định một sự thật là nguồn gốc của văn minh nằm ở phương Nam, được ghi lại trong sách Trung Dung: “Độ luợng bao dung, khoan hòa giáo hóa,  không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của phương Nam, người quân tử ở đấy!  Mặc giáp cưỡi ngựa, xông pha giáo mác, đến chết không chán, đó là sức mạnh của phương Bắc. Kẻ cường đạo ở đó.” Tuân Tử cũng xác nhận Ngũ Hành Nguyên Thủy (đồng đạo tương ứng của Ngũ Thường Nguyên Thủy là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh) là mô phỏng theo “thời xưa.”  Vậy thời xưa là thời xưa nào, nếu không phải là thời người Việt cổ còn làm chủ trọn vẹn đất Trung Nguyên?  Văn minh phương Nam là văn minh của ai, nếu không là văn minh của cổ Việt?    
  
tiếp theo: Giải Mã Di Sản văn Hóa Phi Vật Thể - Bài 9

[1] Hán Văn trích từ Hệ Từ Truyện, Chương 1 của Kinh Dịch
[2] Hán Văn trích từ Hệ Từ Truyện, Chương 1 của Kinh Dịch
[3] Hán văn trích từ Hệ Từ Truyện, Chương 1 của Kinh Dịch
[4] Đạo Đức Kinh, Hư Dụng, Lão Tử
[5] Đạo Đức Kinh, Nhiệm Đức, Lão Tử
[6] Đạo Đức Kinh, Vi Chính, Lão Tử
[7] Đạo Đức Kinh, Thuần Phong, Lão Tử
[8] Đạo Đức Kinh, Thuần Phong, Lão Tử
[9] Đạo Đức Kinh, Thuần Phong, Lão Tử
[10] Đạo Dức Kinh, Hậu Kỷ, Lão Tử.
[11] Đạo Đức Kinh, Lập Giới, Lão Tử
[12] Đạo Đức Kinh, Hồng Đức, Lão Tử
[13] Đạo Đức Kinh, Giám Viễn, Lão Tử
[14] Đạo Đức Kinh, Quy Căn, Lão Tử
[15] Thơ của Hà Hưng Quốc
[16] Kinh Thủ Lăng Nghiêm
[17] Kinh Kim Cang
[18] Kinh Hoa Nghiêm
[19] Kinh Bát Nhã Tâm
[20] Kinh Bát Nhã Tâm
[21] Kinh Lăng Già
[22] Đ ạo Đ ức Kinh, Lão Tử
[23] Đ ạo Đ ức Kinh, Lão Tử
[24] Đ ạo Đ ức Kinh, Lão T ử
[25] Đ ạo Đ ức Kinh, Lão T ử
[26] Dịch Lý Khai Nguyên của Đức Đông Phương Lão Tổ, thánh giáo Cao Đài.
[27] Đức Lão Tử
[28] Trích thánh giáo Cao Đài.
[29] Đức Lão Tử






Tuesday, January 8, 2013

Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 7 - Hà Hưng Quốc






GIẢI MÃ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ PHỤC DỰNG SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: MỘT CON ĐƯỜNG TÁI HIỆN DIỆN MẠO VÀ CỘI NGUỒN ĐÍCH THỰC CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT. 



Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đó và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện lại bức tranh diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến. “  



trở lại: Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 6



Ý NGHĨA CỦA NHỮNG CÔNG TRÌNH GIẢI MÃ ĐỂ PHỤC DỰNG NHỮNG SẢN PHẨM PHI VẬT THỂ TỪ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Tất cả những công trình phục dựng được trình bày trên là những nỗ lực tự phát  của mỗi cá nhân thực hiện công trình.  Nói một cách khác, không có một công trình sư nào hoặc một tổ chức nào đứng ra điều hợp những nỗ lực này cả.  Mỗi sản phẩm văn hóa phi vật thể phục dựng được từ một công trình tự phát trong số những công trình tự phát đó có thể nói là rời rạc và lẽ loi đến tội nghiệp trong thế giới của cá nhân thực hiện công trình, ít ra là trước khi có bài viết này.  Nhưng rồi tất cả những sản phẩm phục dựng đó đã tình cờ gặp nhau trên con đường tìm lại diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Tình cờ mà không tình cờ bởi vì có một lý do làm cho chúng trước sau gì cũng phải gặp nhau. Lý do đó chính là: SỰ THẬT VỀ CỘI NGUỒN VĂN HÓA VIỆT. 

Từ sản phẩm phi vật thể Tiên Thiên Bát Quái Đồ của Nguyễn Thiếu Dũng phục dựng từ công trình giải mã huyền sử Lạc Long Quân và Âu Cơ; tới Hậu Thiên Bát Quái Đồ của Trần Quang Bình phục dựng từ công trình giải mã huyền thoại Nữ Oa lấy đá vá trời; tới Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái, Hà Đồ, Ngũ Hành Đồ, Việt Dịch Đồ, Lý Thuyết Ngũ Hành trong Việt Dịch của Hà Hưng Quốc phục dựng từ công trình giải mã 67 lời khẩu quyết lưu truyền trong dân gian; tới Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy phục dựng từ công trình giải mã bức tranh mộc bản Ngũ Hổ Hàng Trống và Ngũ HĐông H trong tín ngưỡng nhân gian; tới Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thuỷ và  Thông Tin Cội Nguồn Trước Tác phục dựng từ công trình giải mã Bảng Lục Thập Hoa Giáp và qui luật Ngũ Hành Nạp Âm trong lãnh vực lý số; tới Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy phục dựng từ bộ môn Tử Vi của lý số (và có lẽ còn nhiều nữa đang chờ đợi được khám phá hoặc chưa được đề cập đến ở đây) . . . tất cả đã liên kết nhau một cách chặt chẽ và có hệ thống như cho thấy trong bức tranh tổng thể H35.  Chặt chẽ và có hệ thống là bởi vì vốn dĩ chúng là một phần của một hệ thống văn hóa.  Hệ thống văn hóa đó là của Việt xưa, là nền văn hóa của một thời huyền vĩ (nói theo ngôn ngữ của NVTA) khi mà Việt còn làm chủ vùng đất mà ngày nay được gọi là Trung Hoa. 



            Bức tranh tổng thể H35 tuy là cho chúng ta thấy được sự liên hệ mật thiết mang tính hệ thống giữa những sản phẩm phục dựng đã được đề cập trong bài viết này nhưng vẫn chưa làm nổi bật lên được sự liên hệ mật thiết theo chiều dọc của lịch sử văn hóa.  Vì vậy, có lẽ chúng ta cần nhìn ở một góc độ khác để thấy cái gọi là hệ thống văn hóa của Việt xưa trên vùng đất Trung Hoa ngày nay.  Và chúng ta sẽ lần theo dấu chân lịch sử của lý thuyết ngũ hành để tái hiện một phần sự thật đó.

            Mãi cho tới bây giờ căn bản của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập vẫn là gói gọn trong “5 loại vật chất cộng với hai quy luật sinh khắc.”   Trong suốt chiều dài tính bằng thiên niên kỷ, từ khi còn là một khái niệm đơn sơ cho tới khi trở thành một lý thuyết đạt tới tầm cao, có thể nói mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập là một mạch lý thuyết của Tàu hoàn toàn khác với mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy của Việt.  Lịch sử phát triển của mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập đã được giải trình trong cuốn Giải Mã Bí Ẩn Trong Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống & Đông Hồ của HHQ.

Truy ngược lại dòng chảy của thời gian, từ những bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống và Ngũ Hổ Đông Hồ của Việt Nam vào thời điểm hiện tại, ngược về thời điểm của bộ môn Tử Vi ra đời trên đất Trung Hoa, rồi ngược về thời điểm của Ngũ Hành Nạp Âm và Lục Thập Hoa Giáp ra đời cũng trên đất Trung Hoa, chúng ta có thể thấy rõ mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Và, như đã nói, nó hoàn toàn khác với mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập.

Mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy không dừng lại ở thời điểm ra đời của Ngũ Hành Nạp Âm và Lục Thập Hoa Giáp.  Bộ môn Tử Vi lẫn Ngũ Hành Nạp Âm và Bảng Lục Thập Hoa Giáp đều có nguồn gốc thiên văn và lịch pháp nên nó đòi hỏi người sáng tạo ra chúng phải có một kiến thức uyên thâm về thiên văn và lịch pháp.  Chính trong Tử Vi Kinh nói Trần Đoàn tiên sinh cũng xác nhận “Bần đạo không phải là người đặt ra khoa này. Nhân người trước đã nói về Tử-vi, bần đạo nhận thấy Dịch-lý, Hình tượng Thiên văn, Lịch-số, Địa-lý đều có uyên nguyên với nhau, mới tước bỏ những rườm rà của người xưa, họp thành khoa Tử-vi mà thần viết trong tập này.”  Ngay cả tranh Ngũ Hổ Hàng Trống cũng cho thấy sự quan trọng của yếu tố thiên văn và lịch pháp.  Như vậy, nối kết mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy vào mạch thiên văn lịch số để tiếp tục truy ngược về nguồn là một điều tự nhiên hợp lý. 

  Theo GS Nguyễn Hữu Quang,[1] Trung Quốc có lịch rất sớm. Khởi đầu là Lịch Can Chi rất phôi thai vào thời Hoàng Đế (lên ngôi năm Giáp Tí 2697 TCN), căn cứ theo các bản đất sét nung còn lưu trữ tại Đại Học Yên Kinh.  Sau đó âm dương hợp lịch ra đời vào thời vua Nghiêu (lên ngôi năm Giáp Thìn 2357 TCN), căn cứ theo Kinh Thư trong thiên Nghiêu Điễn.  Lịch này được phỏng theo Qui Lịch của vua Hùng Vương thứ 3, tức Hùng Lân Lang, căn cứ vào chi tiết trong Thuật Dị Ký 述異記 của sách Thông-chí 通志 (2AL, Q II, Ngũ Đế Kỷ Đệ Nhị, Chí #35, tr. 224) của sử gia Trịnh Tiều (1104-1162).  Sách chép: 

Đào Đường chi thế, Việt Thường quốc hiến thiên tuế thần quy, bối thượng hữu văn, giai khoa đẩu thư, ký khai tịch dĩ lai, Đế mệnh lục chi, vi chi Quy-lịch. 陶唐之世, 越裳國獻千歲神龜,背上有文,皆科斗書,記開闢以來,帝命錄之,謂之龜歷。 

Dịch: “Đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng thần quy ngàn tuổi, trên lưng có văn, đều là chữ khoa-đẩu [chnòng nọc], chép việc từ thuở khai thiên tịch-địa đến bấy giờ, Đế sai chép và gọi là Lịch Rùa.” 

Sách Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý Tường cũng có chép rằng, “năm 2361 trước Công nguyên, tức năm Mậu Thân thứ 5 đời Ðường Nghiêu Sứ thần Việt Thường Thị sang chầu dâng rùa thần".  Theo Kim Lý Tường con rùa gọi là thần quy vì rùa to hơn 4 thước ta [khoảng 1.20 mét], trên lưng có đẩu văn, ghi tổng quát lịch sử cấu tạo vũ trụ và nhân loại từ thuở ban đầu cho tới đời vua Ðường Nghiêu.[2] 
    
Giáo sĩ L.Wieger, một nhà thông thái dòng Tên, cũng ghi nhận "người Tầu đã dựa vào cống phẩm rùa thần mà làm ra Qui Lịch” ( L.Wieger, Hisfoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine, depnis l’ origine jusqu à nos jonrs./ Lịch Sử Tín Ngưỡng Và Quan Điểm Triết Học ở Trung Hoa, Từ Khởi Thủy Cho Đến Thời Đại Chúng Ta, trích dẫn bởi TS. Thái Văn Kiểm).[3]

Cũng trong Kinh Thư, về việc hiến thần qui, “Ðế Nghiêu nhà Ðường sai Hy Thúc giữ việc này suy trác khí hậu ở Nam Giao, điều hòa mọi việc thời tiết sớm muộn về mùa hè... Suy trác cẩn thận để tháng trong Hạ được đúng với thời tiết. Lại phải xem đến việc thay đổi của người và trời đất.” (Lịch Với Lịch Sử Kinh Tế Chính Trị Và Chiến Tranh của Nguyễn Thường, Nghiên Cứu Lịch Sử số 3 (262) tháng 5 & 6-1992, tr.51-59).[4]  

            Như vậy, bên cạnh mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập của Tàu đã tồn tại mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy của Việt dọc chiều dài lịch sử từ thời điểm hiện tại trên đất nước Việt Nam ngày nay ngược về tới thời điểm tối thiểu là 4373 năm trước trên đất nước Việt xưa có tên là Trung Hoa ngày nay.  Và hình H36 ngay phía dưới cho chúng ta thấy rõ hơn về sự tồn tại đồng thời đó của hai mạch lý thuyết ngũ hành này. 



Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy mãi tới đời Khổng Trọng Thư thời nhà Hán thì Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập chỉ mới vừa thành hình và ứng dụng nhiều trong khoa Tử Bình ra đời vào thời nhà Đường (618 – 907) nhưng có lẽ tới thời nhà Tống (960 – 1127) mới đạt được tầm cao của lý thuyết với sự ra đời của Uyên Hải Tử Bình, trong khi đó thì Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy đã đạt tới tầm cao từ thời cuối nhà Châu (550 – 450 TCN), căn cứ vào phương pháp Ngũ Hành Nạp Âm cho 60 hoa giáp để thiết lập Bảng Lục Thập Hoa Giáp.  Nếu kết hợp với thông tin về âm dương hợp lịch để suy diễn thì Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy có lẽ cũng đã đạt tới tầm cao vào thời điểm của Hùng Quốc Vương Lân Lang và lúc đó chắc chắn là kiến thức về thiên văn của người Hán chưa thể sánh với dân Việt Thường.       

Hai mạch lý thuyết cùng tồn tại trong một thời gian dài nhưng mãi cho tới ngày nay có lẽ đây là lần đầu tiên mà sự hiện hữu của hai mạch lý thuyết ngũ hành mới được nói tới trong tác phẩm Giải Mã Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống.  Có lẽ là vì Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy đã được mã hóa và che giấu từ nhiều năm qua, như những bằng chứng cho thấy.    Cuối cùng thì chúng ta phải giải thích thế nào về nguồn gốc tạo ra sự tồn tại đồng thời của hai dòng lý thuyết ngũ hành trong hai nền văn hóa Trung Hoa và Việt Nam?  Theo HHQ thì đáp án nằm ở trên lưng con rùa hiến tặng vua Nghiêu năm xưa, chứng thực bằng di sản văn hóa vật thể Tàu là sử liệu Trung Hoa và di sản văn hoá phi vật thể Việt là câu chuyện huyền thoại Nữ Oa Lấy Đá Vá Trời.  Đây là một gút kết nối của hai mạch văn hóa và ở ngay đầu nguồn của mạch văn hóa Tàu. 

Câu chuyện tặng rùa thần này là một sự kiện lịch sử rất quan trọng.  Nhưng trước khi trình bày nó quan trọng như thế nào thì trước hết chúng ta cần xác định tính chất khả tín của câu chuyện đã.  Bởi vì, nếu câu chuyện  không khả tín thì không có gì đáng để nói tiếp. Nó thực sự là con rùa lớn hay là con đồi mồi, một sản vật từ vùng biển của Việt Thường?  Chúng ta khó có thể xác định.  Nhưng dù là đồi mồi hay là rùa thì kích cỡ 1.2 mét không phải là chuyện khó tin.  Rùa ngàn tuổi cũng không phải là chuyện lạ.  Ngàn tuổi chỉ là một cách nói đoán rằng con rùa có tuổi rất cao nhưng không ai biết chắc nó có từ khi nào.  Vả lại, kích cỡ và tuổi thọ của rùa cũng đã được khoa học xác nhận.  Xác rùa hồ Hoàn Gươm hiện đang được giữ tại đền Ngọc Sơn còn lớn hơn và có tuổi thọ cũng gần một ngàn năm.  Tại sao gọi nó là thần qui?  Lớn vóc và sống lâu chưa đủ để gọi là thần, chỉ đáng với hai chữ thái và thọ mà thôi, do đó giải thích của Kim Lý Tường không thuyết phục.  Có hai giải thích khác.  Một, cho nó là thần là vì nó có cùng “phả hệ” với Thần Kim Qui trong huyền sử Việt.  Hai, cho nó là thần vì trên lưng nó “chép việc từ thuở khai thiên tịch địa đến giờ,” những việc vô cùng thần kỳ, vô cùng cao siêu.  So ra có lẽ là giải thích thứ hai hợp lý hơn cả. Với diện tích bề mặt trên lưng của “thần qui” liệu là có thể “chép việc từ thuở khai thiên tịch-địa đến bấy giờ”?  Chắc chắn là được.  Bao nhiêu diện tích đó dư chỗ để chép xuống vài mô hình có khả năng mô tả sự vận hành của trời đất vạn vật từ thuở khai thiên tịch địa, thí dụ như hai mô hình Tiên Thiên Đồ cộng với Hậu Thiên Đồ đã được phục dựng từ huyền thoại Nữ Oa Lấy Đá Vá Trời hoặc Việt Dịch Đồ của Việt Dịch phục dựng từ 67 lời khẩu quyết, và còn dư chỗ cho một số ghi chú về những mô hình đó. Tóm lại, điều mà chúng ta muốn xác định ở đây là nội dung của câu chuyện hoàn toàn hợp lý và rất đáng tin. 

Sự kiện lịch sử này được HHQ cho là rất quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, chuyện tặng rùa cho vua Nghiêu là một động thái chuyển giao khoa học [hiểu biết về thiên văn, mùa vụ, vân vân] và kỹ thuật [cách làm qui lịch] có tầm chiến lược, dầu là vua quan Việt Thường có ý thức về hệ quả của việc làm này hay không.  Việc chuyển giao kiến thức và kỹ thuật ngày đó đã có hệ quả ra sao có lẽ sử gia của chúng ta và của Trung Quốc vẫn chưa có dịp nhìn lại và đánh giá.  Thứ hai, từ những thông tin trong câu chuyện tặng thần qui này, chúng ta có thể suy luận ra là văn hóa Việt Thường vào thời điểm đó đã ở một tầm cao, ít nhất là về mặt thiên văn, lịch pháp, lý số và nông nghiệp.  Chỉ ở tầm cao đó mới có đủ khả năng để sáng tạo ra những sản phẩm như Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy, Ngũ Hành Nạp Âm, Bảng Lục Thập Hoa Giáp, Tử Vi và còn những thứ khác nữa chưa nói tới.  Thứ ba, từ những thông tin trong câu chuyện tặng thần qui này, nó cho chúng ta thấy là vào thời điểm đó đã có một luồng văn hóa ở tận phương Nam đi ngược lên phương Bắc, ít ra là trong lãnh vực thiên văn, lịch pháp, lý số và nông nghiệp.  Và, căn cứ vào câu chuyện này thì sản phẩm trí tuệ của phương Nam đã đi ngược lên phương Bắc thông qua kênh ngoại giao.  Đồng thời phương Bắc đặc biệt quan tâm và tiếp thu sản phẩm trí tuệ của phương Nam.  Nếu không đặc biệt quan tâm thì sẽ không có chuyện “Đế sai chép” và sai Hy Thúc đi nghiên cứu và học hỏi tận nam giao [phương Nam]. 

Thực tình thì chúng ta không biết chính xác là trên lưng rùa mà Việt Thường tặng cho vua Nghiêu trên 4373 năm trước đã ghi chép những gì.  Nhưng qua sự hiện hữu đồng thời của hai mạch lý thuyết suốt một thời gian dài và qua sự một sự kiện lịch sử làm nên một gút nối chung, được chứng thực bởi lịch sử Tàu và bởi huyền thoại Việt, chúng ta có thể quyết đoán là trong văn bản lạc thư đó đã chứa một mô hình Đồ Dịch tương đương với Việt Dịch Đồ và những ghi chú liên quan.  Và như thế thì chuyện tặng rùa đó cũng có nghĩa là Việt Thường đã giao vào tay người Hoa bản sơ họa của Bát Quái, Hà Đồ, Âm Dương, Ngũ Hành và Dịch Lý.  Bản sơ họa đó đã có một ảnh hưởng nhất định đối với nền văn hóa Trung Hoa mà thí dụ điển hình là người Hán đã làm lịch âm dương phỏng theo qui lịch của vua Hùng, một ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên có sử liệu xác nhận.  Và có lẽ Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập của Tàu là một sản phẩm khác phỏng tác từ bản sơ họa đó. 

Nói một cách khác ngắn gọn về những điểm vừa giải trình: (1) chúng ta thấy lồ lộ dấu ấn Việt trong cội nguồn văn hóa Trung Hoa và (2) chúng ta thấy lồ lộ cái gọi là hệ thống văn hóa của Việt xưa trên vùng đất Trung Hoa ngày nay.   Nói như vậy cũng có nghĩa là nói văn hóa Việt xưa là mẹ đẻ của nền văn hóa Trung Hoa chứ không phải ngược lại như nhiều người đã lầm tưởng.

            Nếu những sản phẩm được phục dựng từ di sản văn hóa Việt không gặp nhau, không nối kết nhau, không tạo ra tính cách hệ thống và không nằm trong một hệ thống thì có lẽ chúng ta còn có thể phủ nhận giá trị của chúng và coi chúng chỉ là những sản phẩm “nói cho vui” hay “nghe xong rồi bỏ.”  Nhưng một khi chúng đã gặp nhau, đã nối kết nhau, đã cho thấy tính cách hệ thống và nằm trong một hệ thống thì chúng ta không thể phủ nhận được giá trị của chúng cũng như phủ nhận giá trị của phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục hồi sản phẩm văn hóa phi vật thể.  Mỗi một sản phẩm và tất cả những sản phẩm văn hóa phi vật thể được phục dựng từ di sản văn hóa phi vật thể rõ ràng là đã được mã hóa một cách tinh vi và có hệ thống để có thể gìn giữ và truyền thừa cho tới ngày hôm nay.  Và rõ ràng chúng là chứng tích, chứng từ, chứng ngôn, chứng cứ, chứng nhận cho sự thật về cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Nếu di sản văn hóa phi vật thể đã được mã hóa một cách tinh vi và có hệ thống thì phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể một cách tinh vi và có hệ thống để phục dựng lại sản phẩm văn hóa phi vật thể có gì là phi khoa học hoặc không giá trị?  Decoding những sản phẩm đã được coded thì sao lại là phi khoa học hoặc không giá trị?  Và con đường giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể rồi cho “xuất thổ” nhằm tái hiện lại diện mạo và cội nguồn văn hóa Việt có gì là không đúng?  Dưới điều kiện địa dư và lịch sử khắc nghiệt, có khi nó lại là con đường hiệu quả và khôn ngoan hơn hết.      



[1] Nguồn Hán Việt Dịch Sử Lược c ủa GS Nguyễn Hữu Quang, Nguyên Giảng Viên Vật Lý Chuyên về Cơ Học Định Đề  (Axiomatic Mechanics, a branch of Theoretical Physics)
tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn trước năm 1975.