Friday, January 7, 2011

Xét Nghiệm Giá Trị Của Huyền Không - Hà Hưng Quốc



Nói tới Huyền Không thì hình ảnh đầu tiên người ta nghĩ tới là một Tinh Bàn 9 ô với những con số từ 1 tới 9 gọi là phi tinh.  Tinh Bàn là “hạ tầng cơ sở” của Huyền Không.  Không có Tinh Bàn thì chẳng có gì để nói.  Cái hạ tầng cơ sở đó được xây dựng trên một nền móng gồm 3 yếu tố: Lạc Thư, Lường Thiên Xích và khung thời gian gọi là Tam Nguyên Cửu Vận.  Muốn xét nghiệm giá trị của Huyền Không chúng ta không thể không xét nghiệm hạ tầng cơ sở này của Huyền Không trước tiên.  Lý do là vì, tạm mượn lời của học giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh, “người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai.”  Hay nói một cách khác, bất kể là học thuật nào, dầu có “hoành tráng” đến mức độ nào đi nữa, thì nó cũng không thể là một bộ môn thật sự có giá trị nếu như được xây dựng trên một mặt nền không ổn.  Bộ môn Huyền Không cũng không ngoại lệ.  Huyền Không chỉ thực sự đáng giá nếu như thỏa đáng được đòi hỏi tối thiểu trên: đó là, nó phải được kiến tạo trên một nền móng vững chắc.  Hai chữ vững chắc ở đây có thể được hiểu là phải khả dĩ có thể giải thích được (explainable) dưới ánh sáng khoa học hoặc tâm linh và phải hợp lý (logical, valid reasoning).  Để xét nghiệm lại giá trị của Huyền Không, tác giả sẽ lần lượt xét nghiệm từng yếu tố một của cái nền móng nâng đỡ hạ tầng cơ sở của Huyền Không.  


XÉT NGHIỆM LẠC THƯ
Nguồn gốc của Lạc Thư vẫn là một bí ẩn lớn, dầu là người ta nói nhiều về nó và nói suốt một thời gian dài tính bằng thiên niên kỷ.  Nó thực sự đại diện cho cái gì thì cũng chẳng ai biết rõ.  Người ta chỉ thấy Lạc Thư khác với Hà Đồ ở chỗ hai cặp số 2-7 và 4-9 hoán đổi vị trí cho nhau.  Cái mà hiện giờ chúng ta có được, nói tóm lại, chỉ là một mớ lý thuyết/ giả thuyết cộng với một số huyền thoại hoang đường phát xuất từ Hán Thư.      

Trong cái mớ bừa bộn lý thuyết/ giả thuyết đó, chúng ta thấy có một số lớn học giả thì cho rằng Hà Đồ là “thể” còn Lạc Thư là “dụng.”  Thể của Hà Đồ vận động theo chiều “tương sinh” của ngũ hành còn dụng của Lạc Thư vận động theo chiều “tương khắc” của ngũ hành.  Điển hình cho lập luận này, tóm lược trong hình H1 và H2, là học giả Kiều Xuân Dũng, tác giả của cuốn Kinh Dịch Diễn Giảng xuất bản tại Hà Nội năm 2006.    Hoặc học giả Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ, tác giả của cuốn Kinh Dịch Yếu Chỉ, cho thấy trong hình H3.  

H1

 H2

 H3


Tuy cách trình bày có khác nhau giữa hai hình H1 và H3 nhưng nội dung của chúng đều là trỏ vào một điểm then chốt: Lạc Thư vận hành theo vòng tương khắc ngược chiều với Hà Đồ vận hành theo vòng tương sinh.  Ngụ ý của điểm này cần phải được thấy rõ.  Đó là, Lạc Thư và Hà Đồ là hai mặt của một đồng tiền.  Đó là, thông tin nằm trên Hà Đồ và trên Lạc Thư đều xuất phát từ một hệ thống chung.   

Còn hình H2 thì cho thấy độ số của Lạc Thư, cũng giống như trường hợp của Hà Đồ, ngoài kết hợp với ngũ hành còn kết hợp với phương hướng, bát quái, khí tiết . . . để những độ số trở thành có ý nghĩa.  Những con số tự nó không có ý nghĩa.  Chúng chỉ có ý nghĩa thông qua sự kết hợp với những yếu tố khác như ngũ hành, bát quái, thiên can, địa chi, phương hướng, âm dương, vân vân. 

Hai điểm vừa nêu trên làm cho chúng ta phải suy nghĩ và buộc chúng ta phải cẩn thận xét nghiệm lại giá trị của Lạc Thư.       

Nếu độ số của Lạc Thư chỉ là những con số độc lập và tự mỗi con số đã có đầy đủ ý nghĩa thì 2-7 và 4-9 có nằm ở vị trí nào cũng không có gì đáng để thắc mắc.  Vì trong trường hợp này Lạc Thư hoàn toàn biệt lập với Hà Đồ.  Và hai bên không có liên hệ, tức là không xuất phát từ một hệ thống, không nằm trong cùng một hệ thông tin.  Nhưng ở đây Lạc Thư và Hà Đồ xuất phát từ một hệ thống chung, là hai mặt của một đồng tiền.  Toàn bộ độ số của Hà Đồ và toàn bộ độ số của Lạc Thư là một.[1]  Chúng chứa đựng thông tin qua sự kết hợp có hệ thống với những phần tử khác nằm trong sự kết hợp [xem hình 2].  Ở Hà Đồ sở dĩ có độ số 2-7 kết hợp với hành Hỏa, với màu Đỏ, với hướng Nam là vì hàng tháng vào ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 và hàng năm vào tháng 2 tháng 7 quan sát thấy sao Hỏa với sắc Đỏ sậm ở hướng Nam.  Và kết hợp với địa chi Ngọ là vì tại hướng Nam của bầu trời có chòm Chu Tước gồm 7 sao là Tinh Mộc Hãn (con bò), Quy Kim Dương (con dê), Liễu Thổ Chương (con cheo), Tinh Nhận Mã (con ngựa), Trương Nguyệt Lộc (con hươu),  Dực Hỏa Xà (con rắn), Chẩn Thủy Dẫn (con giun) mà sao con Ngựa nằm vị trí chính giữa của chòm Chu Tước cho nên Ngọ được dùng để xác định hướng chính Nam.[2]  Một sự kết hợp có hệ thống, trên cơ sở khoa học thiên văn, hợp lý và nhất quán. Vì thế 2-7 là mã số chứa đựng thông tin “hành Hỏa, sắc Đỏ, hướng Nam, chi Ngọ.”  Nhìn thấy 2-7 cũng là nhìn thấy hành Hỏa, màu Đỏ, hướng Nam, chi Ngọ.  Độ số 2-7 sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa nếu không kết hợp với hành Hỏa, màu Đỏ, hướng Nam, chi Ngọ.  Độ số 2-7 chỉ hiện hữu ở hướng Nam với hành Hỏa, màu Đỏ, chi Ngọ.  Nhìn qua hướng khác sẽ không thấy 2-7, hành Hỏa, màu Đỏ, chi Ngọ.  Một sự thật đơn giản và dứt khoát.  Tương tự, ở Hà Đồ sở dĩ có độ số 4-9 kết hợp với hành Kim, với màu Trắng, với hướng Tây là vì hàng tháng vào ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 và hàng năm vào tháng 4 tháng 9 quan sát thấy sao Kim với sắc Trắng ở hướng Tây.  Và kết hợp với địa chi Dậu là vì tại hướng Tây của bầu trời có chòm Bạch Hổ gồm 7 sao là Khuê Mộc Lang (con sói), Lâu Kim Cẩu (con chó), Vị Thổ Trệ (con trĩ), Mão Nhật kê (con gà), Tất Nguyệt Ô (con quạ),  Chủy Hỏa Hầu (con khỉ), và Sâm Thủy Viên (con vượn) mà sao con Gà nằm ở vị trí chính giữa của chòm Chu Tước cho nên Dậu được dùng để xác định hướng chính Tây.[3]  Một sự kết hợp có hệ thống, trên cơ sở khoa học thiên văn, hợp lý và nhất quán. Vì thế 4-9 là mã số chứa đựng thông tin “hành Kim, sắc Trắng, hướng Tây, chi Dậu.”  Nhìn thấy 4-9 cũng là nhìn thấy hành Kim, màu Trắng, hướng Tây, chi Dậu.  Độ số 4-9 sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa nếu không kết hợp với hành Kim, màu Trắng, hướng Tây, chi Dậu.  Độ số 4-9 chỉ hiện hữu ở hướng Tây với hành Kim, màu Trắng, chi Dậu.  Nhìn qua hướng khác sẽ không thấy 4-9, hành Kim, màu Trắng, chi Dậu.  Một sự thật đơn giản và dứt khoát.  Như vậy, một tập hợp của những phần tử nằm trong sự kết hợp với mỗi cặp số của Hà Đồ tuyệt đối không thể tách rời nhau.  Đặc tính “bất khả ly” của những phần tử trong tập hợp đã được tác giả Hà Hưng Quốc nhấn mạnh trong cuốn Việt Dịch và trong những bài viết khác.  Điều đó có nghĩa là gì?  Nó có nghĩa là, nói một cách thẳng thắn, người ta không thể tùy tiện hoán vị hai cặp số 4-9 và 2-7 của Hà Đồ để làm ra Lạc Thư.  Hoán vị chúng thì tức khắc toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ, vì điều kiện đã tạo ra sự hiện hữu của chúng và bảo đảm cho giá trị thông tin nơi chúng đã biến mất.  Từ đó có thể nói, nếu đúng sự thật là Lạc Thư thoát thai từ Hà Đồ do hoán vị 2 cặp số 2-7 và 4-9 thì chúng ta có thể khẳng định Lạc Thư là một sản phẩm hoàn toàn không có giá trị.  

Còn nếu cho rằng Lạc Thư và Hà Đồ không xuất phát từ một hệ thống, tức là cho rằng Lạc Thư và Hà Đồ hoàn toàn độc lập, thì sẽ đưa đến sự nhận thức về một tình huống không thể tránh là: bộ độ số của Lạc Thư hoàn toàn khác với bộ độ số của Hà Đồ dầu rằng những con số có giống nhau. Điều này cũng có nghĩa là thông tin chứa đựng trong bộ độ số của Lạc Thư hoàn toàn khác với thông tin chứa đựng trong bộ độ số của Hà Đồ.  Nói một cách khác, Hà Đồ và Lạc Thư không phải là hai mặt của một đồng tiền.  Nếu là vậy thì, thông tin chứa đựng trong bộ số của Hà Đồ chúng ta đã biết rõ còn thông tin chứa đựng trong bộ số của Lạc Thư có ai biết không?  Thông tin của Lạc Thư mà chúng ta biết hiện giờ thực ra chỉ là vay mượn từ Hà Đồ.  Nếu là vậy thì, liệu là chúng ta có thể đồng tình với sự “tùy tiện vay mượn thông tin” chứa trong bộ độ số của Hà Đồ rồi đưa qua cho Lạc Thư để “2-7, hành Hỏa, hướng Nam” biến thành “2-7, hành Hỏa, hướng Tây”?  Nếu là vậy thì, liệu là chúng ta có chấp nhận cái lôgic kỳ cục là cặp số 2-7 vừa là hành Hỏa ở hướng Nam vừa là hành Hỏa ở hướng Tây và của cặp số 4-9 vừa là hành Kim ở hướng Tây vừa là hành Kim ở hướng Nam, khi mà cả hai qui chiếu về cùng một hệ thời-không?  Nếu là vậy thì, sau khi loại bỏ sự vay mượn thông tin và cái lôgic kỳ cục đó, làm gì còn có cái gọi là hành Hỏa trong cặp số 2-7 để mà lập luận Lạc Thư vận hành theo vòng tương khắc của ngũ hành?           

Nói tóm lại, một Lạc Thư có giá trị không thể thoát thai từ Hà Đồ để củng cố lập luận  tương sinh tương khắc của ngũ hành với lý do đơn giản là vì 2-7 và 4-9 của Hà Đồ không thể hoán vị để làm ra Lạc Thư.  Còn nếu như Lạc Thư quả thật được hình thành từ Hà Đồ do hoán vị hai cặp số 2-7 và 4-9 thì Lạc Thư là một sản phẩm hoàn toàn không có giá trị, đơn giản chỉ vì điều kiện cho sự hiện hữu và tiếp tục bảo đảm giá trị của những thông tin chứa đựng trong Hà Đồ đã bị vi phạm trong Lạc Thư và theo đó gây ra sự sụp đổ toàn diện giá trị của thông tin trong Lạc Thư.         


Một số học giả khác thì cho rằng Lạc Thư có nguồn gốc từ thiên văn và hoàn toàn biệt lập với Hà Đồ.  Điển hình trong số này có Kiều Quang Dũng, Trần Quang Nguyên và Trần Anh Tùng.   Theo các học giả này thì Lạc Thư là một bản đồ mô tả những chùm sao quan trọng nhất trong Tam Viên.  Xem hình H4 bên dưới.

 H4

Nếu đúng là như vậy thì Lạc Thư và Hà Đồ là hai sản phẩm hoàn toàn biệt lập trong xuất xứ và hoàn toàn biệt lập trong thông tin nó chứa đựng.  Về mặt xuất xứ, những chùm sao trong Tam Viên là cơ sở của Lạc Thư còn Ngũ Tinh trong Thái Dương Hệ là cơ sở của Hà Đồ.  Về mặt thông tin, những con số của Lạc Thư là biểu thị số sao của những chùm sao trong Tam Viên còn những con số của Hà Đồ là biểu thị sự chuyển động của Ngũ Tinh trong Thái Dương Hệ.  Những con số của Lạc Thư chỉ thuần tuý là những con số đếm [số ngôi sao] trong khi những con số của Hà Đồ là những con số chứa đựng thông tin về thời-không mô tả sự vận động của Ngũ Tinh [vì thế mà có từ “ngũ hành” tức ngũ tinh vận hành chăng?].  Tuy bộ độ số của Lạc Thư [từ 1 tới 9] và bộ độ số của Hà Đồ [từ 1 tới 10] nhìn thì có giống nhau nhưng bản chất và thông tin chứa đựng bên trong bộ độ số hoàn toàn khác nhau [cũng giống như ký hiệu i trong toán học là biểu thị của véctơ còn ký hiệu i trong kinh tế là biểu thị của lãi suất].  Nói cho rõ hơn là 2-7 của Lạc Thư không phải là 2-7 của Hà Đồ.  Cặp số 2-7 của Hà Đồ chứa đựng thông tin “hành Hỏa, màu Đỏ, hướng Nam, chi Ngọ” nhưng 2-7 của Lạc Thư chỉ chứa đựng thông tin “2 ngôi sao-7 ngôi sao.”   Tương tự, 4-9 của Lạc Thư không phải là 4-9 của Hà Đồ.  Cặp số 4-9 của Hà Đồ chứa đựng thông tin “hành Kim, màu Trắng, hướng Tây, chi Dậu” nhưng 4-9 của Lạc Thư thì chỉ chứa đựng thông tin “4 ngôi sao-9 ngôi sao.” 

Phân tích trên vạch ra cho chúng ta thấy một hệ quả tất yếu là những nỗ lực đánh đồng thông tin giữa bộ độ số của Lạc Thư với bộ độ số của Hà Đồ là một sai lầm nghiêm trọng.  Không may là trên thực tế, suốt một thời gian dài, người ta đã làm điều đó.  Ngũ hành, thiên can, địa chi, phương hướng, khí tiết . . . đi chung với độ số của Hà Đồ là có cơ sở khoa học và hợp lý.  Cũng là những yếu tố đó nhưng khi đi chung với Lạc Thư thì hoàn toàn không có cơ sở khoa học và hoàn toàn phi lý.   

Điểm lại tất cả những gì vừa được trình bày qua, nhìn từ bất cứ góc độ nào, dầu là từ hướng lập luận Lạc Thư thoát thai từ Hà Đồ hay từ hướng lập luận Lạc Thư hoàn toàn biệt lập với Hà Đồ, thì Lạc Thư vẫn là một sản phẩm không giá trị khi mà những con số Lạc Thư được ghép chung với ngũ hành, thiên can, địa chi, phương hướng, tiết khí. 

Như đã nói, hạ tầng cơ sở của Huyền Không được kiến tạo trên một nền móng mà Lạc Thư là một trong ba yếu tố của nền móng đó.  Thật đáng tiếc, Huyền Không là một bộ môn được rất nhiều người hâm mộ nhưng Lạc Thư lại là một sản phẩm không giá trị.  Đó là chưa nói tới, trên bình diện ứng dụng, sự vận hành của Ngũ Tinh tác động lên sự sống trên địa cầu là có thật và được khoa học minh chứng.  Còn những chòm sao trong Tam Viên xa xôi tác động lên sự sống trên địa cầu này được bao nhiêu và ra sao?    


XÉT NGHIỆM LƯỢNG THIÊN XÍCH         
Huyền Không phân bố 9 con số của Lạc Thư theo một quỷ đạo cố định có tên là Lượng Thiên Xích. Gọi là Lượng Thiên Xích vì nó được coi là một cây thước [Xích] để đo lường [Lượng] vận trời [Thiên].  Lượng Thiên Xích còn được gọi là Cửu Tinh Đãng Quái, hay là thứ tự di chuyển của Cửu Tinh trong Lạc Thư.

Nói về vòng Lượng Thiên Xích thì sách Trạch Vận Tân Án có viết “Thùy đắc Lượng Thiên Xích nhất chi; Bộ lường trung, ngoại cổ kim thi; Tử sinh đắc thất tùy thám sách; Quá hiện vị lai liễu liễu tri.”  Tạm dịch là: Nếu đã nắm được vòng Lượng thiên Xích; Có thể đo lường mọi chuyện trong, ngoài xưa nay; Tìm hiểu được sự sống chết và được mất; Biết rõ quá khứ, hiện tại và tương lai.

Quỹ đạo của vòng Lượng Thiên Xích đi t Trung Cung (TC) tới Tây Bắc (TB) > Tây (T) > Đông Bắc (ĐB) > Nam (N) > Bắc (B) > Tây Nam (TN) > Đông (Đ) > Đông Nam (ĐN) > trở về lại TC.  Nếu 1 vào TC thì 2 “bay” tới TB, 3 bay tới T, 4 bay tới ĐB, 5 bay tới N, 6 bay tới B, 7 bay tới TN, 8 bay tới Đ, và 9 bay tới ĐN.  Nếu 2 vào TC thì 3 bay tới TB, 4 bay tới T, 5 bay tới ĐB, 6 bay tới N, 7 bay tới B, 8 bay tới TN, 9 bay tới Đ, và 1 bay tới ĐN.  Cứ tuần tự cho các số từ 1 tới 9 bay vào TC thì chúng ta sẽ có một bảng “kết quả “phi vụ” như trong hình H5 bên dưới.  LTX thuận và LTX nghịch không khác nhau nhiều lắm, chỉ khác ở chỗ LTX thuận đi từ số nhỏ tới số lớn còn LTX nghịch thì ngược lại.       

Thoạt nhìn vào quỹ đạo của LTX, những lằn tên đỏ đan chéo qua lại trong hình H5, chúng ta sẽ có cảm giác nó là một cái gì rất tinh vi và đầy bí ẩn.  Nhưng khi nhìn vào bảng “kết quả phi vụ” thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng cái gọi là quỹ đạo của LTX chỉ là vị trí của một chuỗi số xếp theo thứ tự liên tục.  Đặt hình LTX [hình bên phải] chồng lên trên hình Lạc Thư cửu cung [hình bên trái] rồi đối chiếu với chuỗi số màu đỏ [là vị trí của những con số Lạc Thư nằm trong cửu cung], không khó để chúng ta nhận ra rằng quỷ đạo của LTX hoàn toàn mô phỏng theo vị trí của những con số Lạc Thư nằm trên cửu cung được chúng ta dõi mắt nhìn theo thứ tự.               

 H5
        
Như vậy, nó đã cho thấy quá rõ là quỹ đạo LTX chẳng kết nối với một hiện thực vật lý hay thiên văn nào cả.  Nó chỉ là một sản phẩm được “chế tác” từ mô phỏng vị trí của những con số trong Lạc Thư theo lộ trình “thứ tự” lớn nhỏ.  Một sản phẩm chế tác không có cơ sở khoa học hổ trợ, cũng không có cơ sở tâm linh hổ trợ, mà lại là một trong những yếu tố làm nền móng để xây dựng hạ tầng cơ sở cho Huyền Không quyết đoán trạch vận, quyết đoán sống chết của con người thì quả là . . . kinh khủng.    


XÉT NGHIỆM TAM NGUYÊN CỬU VẬN
Tam Nguyên Cửu Vận là một chu kỳ thời gian dài 180 năm.  Mỗi một chu kỳ này được chia ra làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn dài 60 năm gọi là Nguyên.  Tam Nguyên gồm có Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên.  Mỗi Nguyên lại được chia thành ba Vận, mỗi Vận dài 20 năm.  Vận 1, 2, 3 thuộc về Thượng Nguyên.  Vận 4, 5, 6 thuộc về Trung Nguyên.  Vận 7, 8, 9 thuộc về Hạ Nguyên. Gọi chung là Cửu Vận.  Thời điểm khởi đầu cho mỗi Vận mà giới Huyền Không phong thủy gia sử dụng và được phổ biến rộng trong quần chúng thì giống như nội dung trong hình H6 bên dưới. 
  H6

Tại sao một chu kỳ của Tam Nguyên Cửu Vận là 180 năm mà không dài hơn hoặc ngắn hơn?  Các thầy Huyền Không giải thích: “
Còn sở dĩ người xưa lại dùng chu kỳ 180 năm (tức Tam Nguyên Cửu Vận) làm mốc xoay chuyển của thời gian là vì các hành tinh trong Thái Dương hệ cứ sau 180 năm lại trở về cùng nằm trên 1 đường thẳng. Đó chính là năm khởi đầu cho Vận 1 của Thượng Nguyên. Dùng đó làm mốc để tính thời gian, người ta có thể suy ra Tam Nguyên Cửu Vận gần đây nhất.” (Nguồn: phongthuyhuyenkhonghoc.  http://www.khongtu.com).  Dựa vào sự giải thích trên thì chúng ta có thể hiểu là chu kỳ Tam Nguyên Cửu Vận có liên hệ tới thiên văn, có cơ sở khoa học, và có vẽ hợp lý.  Thời gian 60 năm của mỗi Nguyên dài bằng thời gian của hai Kỷ, của 6 con Giáp, của một Lục Thập Hoa Giáp.  Lấy 180 năm chia cho 9 con số đại biểu cho 9 vận sẽ cho ra 20 năm mỗi vận, tức là tròn 2 con giáp cho mỗi vận, và năm đầu của mỗi vận luôn luôn rớt vào năm có chữ Giáp.  Tuyệt!  Nhưng mà, vận hành của tinh tú trong hệ mặt trời thì có ăn nhập gì với Lạc Thư?  Ngũ Tinh trong Thái Dương Hệ là cơ sở của Hà Đồ cho nên sự vận hành của những tinh thể trong hệ mặt trời này liên quan chặt chẽ với Hà Đồ là hợp lý và chu kỳ 180 năm đối với Hà Đồ cũng là hợp lý.  Nhưng với Lạc Thư thì hoàn toàn không có lý.  Không có lý vì nếu cơ sở của Lạc Thư là những chòm sao trong Tam Viên xa xôi thì sự vận hành của những tinh thể trong Thái Dương Hệ đối với nó chẳng có một dây nối kết nào.  Mà như vậy thì việc nhập nhằng chu kỳ của những tinh thể trong Thái Dương Hệ với Lạc Thư quả là một sự khiên cưỡng.  Không có lý vì nếu như Lạc Thư thoát thai từ Hà Đồ thì bản thân Lạc Thư còn không có giá trị thì nói chi tới sự liên hệ của nó với chu kỳ của những thiên thể trong Thái Dương Hệ.  Chưa hết, quỹ đạo của những hành tinh trong thái dương hệ là vòng tròn hoặc gần tròn và cấu trúc số của Hà Đồ cũng là trên cơ sở đó.  Còn cấu trúc số của Lạc Thư thì hoàn toàn “lạc quẻ” trong thế giới của Thái Dương Hệ.  Thêm vào đó Huyền Không lại còn có cái quỹ đạo LTX  hoàn toàn không có một mảy tương đồng với quỹ đạo của những hành tinh trong Thái Dương Hệ thì làm sao có thể cho rằng sự vay mượn chu kỳ của hệ mặt trời đem áp vào Lạc Thư là hợp lý được??                                             


KẾT LUẬN
Thiên Đồng, một hội viên tích cực của Diễn Đàn Lý Học Đông Phương, đã nhận xét: “Phong thủy nghiên cứu nhiều mặt của một mối tương tác, hình thành nên nhiều cái gọi là trường phái. Loan đầu, hình lý khí chủ yếu nghiên cứu về tương tác của môi trường sống và vật thể cần xem xét ( có thể là 1 ngôi nhà, 1 dinh thự, 1 công trình kiến trúc,1 cụm nhà, hay cả 1 đô thị) quan điểm rất gần với kiến thức hiện đại nên dễ hiểu, dễ được thừa nhận. Nhưng với Huyền không phi tinh lại nghiên cứu tương tác giữa vật thể cần xem xét và vũ trụ, vũ trụ trong huyền không lại không hoàn toàn giống vũ trụ trong thiên văn học hiện đại ( có thể nó dựa trên 1 hệ qui chiếu khác) nên trở nên rất khó hiểu, vô căn cứ, không khoa học.” (Nguồn: Diễn Đàn Lý Học Đông Phương, trang Mạn Đàm).   Tác giả không thể nào không đồng ý với nhận xét trên của Thiên Đồng.  Như đã nói, Tinh Bàn là “hạ tầng cơ sở” của Huyền Không.  Cái hạ tầng cơ sở đó được xây dựng trên một nền móng gồm 3 yếu tố: Lạc Thư, Lường Thiên Xích và khung thời gian gọi là Tam Nguyên Cửu Vận.  Muốn xét nghiệm giá trị của Huyền Không không thể không xét nghiệm hạ tầng cơ sở này trước tiên.  Và qua xét nghiệm từng yếu tố một, phải thành thật nói rằng cái nền móng của Huyền Không thực sự là không vững.   




[1] Không phải tác giả nói mà là từ lý thuyết/ giả thuyết nằm dưới sự xét nghiệm của tác giả đã nói như vậy.
[2] Kiều Nguyên Tùng (206), Tử Vi Chân Thuyên, tr. 306, NXB LuLu, USA.  
[3] Kiều Nguyên Tùng (206), Tử Vi Chân Thuyên, tr. 306, NXB LuLu, USA.