Sunday, December 20, 2015

TUẦN TRUNG KHÔNG VONG: NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Hà Hưng Quốc



Tuần Không còn gọi là Tuần Trung Không Vong.  Tuần là gì?  Thế nào là không?  Ý nghĩa của Tuần Không là gì?



Sách Tinh Lịch Khảo Nguyên[i], Phụ Luận, viết: "Mười Can là một Tuần, lấy 10 Can phối với 12 Chi từ Giáp đến Quý là hết. Thiên Can không bằng nên dư ra hai thời là Không Vong. Như Giáp Tí đến Quý Dậu không tới Tuất Hợi, vậy nên Giáp Tí lấy Tuất Hợi là Tuần Trung Không Vong. Ngoài ra phỏng theo như thế."




Sách Hiệp Kỉ Biện Phương Thư[ii], Lịch Lệ, viết: "Giáp Tý Tuần Tuất Hợi thời. Giáp Tuất Tuần Thân Dậu thời.  Giáp Thân Tuần Ngọ Mùi thời. Giáp Ngọ Tuần Thìn Tị thời. Giáp Thìn Tuần Dần Mão thời.  Giáp Dần Tuần Tý Sửu thời."



Cách thành lập Tuần Không nằm trong đoạn văn của Khảo Nguyên Phụ Luận.  Kết quả hay tất cả vị trí Tuần Không nằm trong đoạn văn của Hiệp Kỷ Biên Phương Thư.  Tất cả chỉ có thế và đã tự đầy đủ.



Tuy nhiên, để giúp cho những bạn chưa nắm được nội dung của hai đoạn văn trên, tôi sẽ trình bày một cách khác.  Ngắn gọn là,


·     một tuần gồm 10 Can.


·     lấy 10 Can phối hợp với 12 Chi sẽ dư ra hai chi.  Hai chi dư ra là vị trí của Tuần Không. 


·     có tất cả 5 tuần là tuần Giáp Tí, tuần Giáp Dần, tuần Giáp Tuất, tuần Giáp Ngọ và tuần Giáp Thìn.  Và 5 Tuần tương đương thời gian 60 năm hoặc 60 ngày hoặc 60 giờ.





Theo đó,


·     trong tuần Giáp Tí thì Tuần Không nằm tại Tuất-Hợi.  Cách tính cho thấy trong hình H13A.






·     trong tuần Giáp Dần thì Tuần Không nằm tại Tí-Sửu.  Cách tính cho thấy trong hình H13B.







·     trong tuần Giáp Thìn thì Tuần Không nằm tại Dần-Mẹo.  Cách tính cho thấy trong hình H13C.





·     trong tuần Giáp Ngọ thì Tuần Không nằm tại Thìn-Tỵ.  Cách tính cho thấy trong hình H13D.





·     trong tuần Giáp Tuất thì Tuần Không nằm tại Thân-Dậu.  Cách tính cho thấy trong hình H13E.

 

 


Như vậy,


·     tuần Giáp Tí thì Tuần Không nằm tại Tuất-Hợi.


·     tuần Giáp Dần thì Tuần Không nằm tại Tí-Sửu.


·     tuần Giáp Thìn thì Tuần Không nằm tại Dần-Mão.


·     tuần Giáp Ngọ thì Tuần Không nằm tại Thìn-Tỵ.


·     tuần Giáp Tuất thì Tuần Không nằm tại Thân-Dậu.




Tuần Không không bao giờ nằm tại hai vị trí Ngọ-Mùi.


Tuần Không có nghĩa là "không nằm trong tuần này"  (phải đợi đến tuần kế), hiểu theo nội hàm của độn pháp.




ĐIỂM NHẤN BỎ TÚI


Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng Tuần Không luôn nằm ở vị trí Giáp Ất của tuần kế.   




Nhìn vào Việt Dịch Đồ, hình H27B, chúng ta thấy Giáp là vị trí Sinh của dòng hành khí dương (vòng vuông đen thuận chiều kim đồng hồ, với thông tin nằm bên ngoài vòng xanh lá ) và Ất cũng là vị trí Sinh của dòng hành khí âm  (vòng xanh lá ngược chiều kim đồng hồ, với thông tin nằm bên trong vòng xanh lá).  



Như vậy, nhìn từ góc độ của Việt Dịch Đồ, thì Tuần Không Giáp Ất nằm tại điểm Sinh của chu kỳ SINH TỬ.  Hay nói cách khác, Tuần Không có nghĩa là"chờ hiển lộ ra bên ngoài".  
   





Áp dụng vào luận giải Tử Vi, một cung có Tuần Không án ngữ thì các sao nằm trong bản cung bị án ngữ có thể xung, chiếu tới các cung tam hợp, cung nhị hợp, và cung đối của nó để hội hiệp với các sao khác nằm trong các cung hợp/đối đó.  Ngược lại, các sao nằm trong các cung hợp/đối đó không thể chiếu/xung tới được bản cung bị Tuần Không án ngữ.  Nói cách khác, Tuần Không là "tường lửa" ngăn chận không cho bên ngoài xâm nhập vào trong nhưng bên trong lại được tự do ra ngoài.

Chốt lại, cung có Tuần Không án ngữ thì "trong có thể ra, ngoài không được phép vào"

Ngược với cung có Triệt Không án ngữ "trong không được phép ra, ngoài có thể vào".

 

[i] do Lý Quang Địa thời Khang Hy biên soạn


[ii] do Lý Cốc Thành thời Càn Long biên soạn

TRIỆT LỘ KHÔNG VONG: NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Hà Hưng Quốc

Triệt Không còn gọi là Triệt Lộ Không Vong.  Triệt là gì?  Thế nào là Không?  Ý nghĩa của Triệt Không là gì?


Sách Tinh Lịch Khảo Nguyên, Phụ Luận, viết: "Triệt Lộ Không Vong gặp Nhâm Quý vậy.  Đi đường mà gặp nước thời không đi được. Như Can Giáp dùng Ngũ Thử Độn khởi Giáp Tí, thuận đi đến Nhâm Thân, Quý Dậu, vậy nên ngày Giáp lấy Thân Dậu là Triệt Lộ Không Vong. Ngoài ra phỏng theo như thế."


Sách Hiệp Kỉ Biện Phương Thư, Lịch Lệ, viết: "Triệt Lộ Không Vong, Can Giáp, Kỷ ở Thân Dậu; Can Ất Canh ở Ngọ Mùi, Can Bính Tân ở Thìn Tỵ; Can Đinh, Nhâm ở Dần Mão; Can Mậu, Quý ở Tí Sửu, Tuất Hợi".


Cách thành lập Triệt Không nằm trong đoạn văn của Tinh Lịch Khảo Nguyên.  Kết quả hay tất cả vị trí Triệt Không nằm trong đoạn văn của Hiệp Kỷ Biện Phương Thư.  Tất cả chỉ có thế và đã tự đầy đủ.


Tuy nhiên, để giúp cho những bạn chưa nắm được nội dung của hai đoạn văn trên, tôi sẽ trình bày một cách khác.  Ngắn gọn là,


·     Dùng Ngũ Thử Độn.  Phương pháp độn tóm lược trong hình H12 bên dưới.


·     Độn tới Nhâm Quí thì Triệt Không nằm tại hai vị trí đó. 


Theo đó,


·     Ngày Giáp hoặc Kỷ thì khởi tại giờ Giáp Tí độn tới Nhâm, Quí.  Triệt Không nằm tại Nhâm Thân, Quí Dậu.  Cách tính cho thấy trong hình H14A.





·     Ngày Ất hoặc Canh thì khởi tại giờ Bính Tí độn tới Nhâm, Quí.  Triệt Không nằm tại Nhâm Ngọ, Quí Mùi.  Cách tính cho thấy trong hình H14B.





·     Ngày Bính hoặc Tân thì khởi tại giờ Mậu Tí độn tới Nhâm, Quí.  Triệt Không nằm tại Nhâm Thìn, Quí Tỵ.  Cách tính cho thấy trong hình H14C.





·     Ngày Đinh hoặc Nhâm thì khởi tại giờ Canh Tí độn tới Nhâm, Quí.  Triệt Không nằm tại Nhâm Dần, Quí Mẹo.  Cách tính cho thấy trong hình H14D.





·     Ngày Mậu hoặc Quí thì khởi tại giờ Nhâm Tí độn tới Nhâm, Quí.  Triệt Không nằm tại Nhâm Tí, Quí Sửu.  Cách tính cho thấy trong hình H14E.





Như vậy,


·     Can Giáp/Kỷ thì Triệt Không nằm tại Thân-Dậu.


·     Can Ất/Canh thì Triệt Không nằm tại Ngọ-Mùi.


·     Can Bính/Tân thì Triệt Không nằm tại Thìn-Tỵ.


·     Can Đinh/Nhâm thì Triệt Không nằm tại Dần-Mão


·     Can Mậu/Quí thì Triệt Không nằm tại Tí-Sửu.


Triệt Không không bao giờ nằm tại hai vị trí Tuất-Hợi.


Triệt Không có nghĩa là "hết đường đi tới ".  Hết đường đi tới hiểu theo nội hàm của phương pháp độn "Triệt Lộ Không Vong gặp Nhâm Quý vậy."







ĐIỂM NHẤN BỎ TÚI

Nhưng tại sao lại hết đường đi?  Căn cứ vào nguyên văn của Khảo Nguyên là do "Đi đường mà gặp nước thời không đi được."   



Liệu giải thích trên có hợp lý?  Rõ ràng là Triệt Không chỉ nằm Nhâm Quý Thủy.  


Thử nhìn từ một góc độ khác.  Trong hình Việt Dịch Đồ, hình H27B, cho thấy Nhâm là vị trí Khảm Thủy và Quý là vị trí Càn Thủy.  Càn Thủy cũng là vị trí của Tí, nơi dương tận, là điểm cuối chu kỳ của dòng hành khí dương (vòng vuông màu đen).   Khảm Thủy cũng là vị trí của Tí, nơi âm cực, là điểm cuối chu kỳ của dòng hành khí âm (vòng tròn màu xanh).  Nói tóm lại, Nhâm Quý Thủy là điểm cuối "cùng tận" của chu kỳ âm dương, là điểm lùi đã "cùng" và tiến đã "tận".  Là "không thể thoát ra". 


Như vậy, từ góc độ của Việt Dịch Đồ thì Triệt Không đúng là "hết đường" là "không thể thoát ra".






Ứng dụng vào luận giải Tử Vi, một cung có Triệt Không án ngữ thì các sao nằm bên trong sẽ không thể vượt ra ngoài bản cung bị án ngữ để xung/chiếu tới các cung tam hợp, cung nhị hợp, và cung đối để hội hiệp với các sao nằm trong các cung hợp/đối đó. Chính xác đây là tình trạng "nội bất xuất".  Ngược lại, các sao nằm trong các cung hợp/đối thì tự do xung/chiếu tới bản cung bị án ngữ. Nói cách khác, Triệt Không là "tường giam" không cho bên trong thoát ra ngoài nhưng bên ngoài thì được phép vào trong.

Chốt lại, Triệt Không có nghĩa là "trong không được phép ra, ngoài có thể vào".

Nó ngược với Tuần Không "trong có thể ra, ngoài không được phép vào".