Monday, April 23, 2012

Giải Mã Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống - bài 3


TRANH NGŨ HỔ: CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ MỘT BỨC MỘC BẢN NGHỆ THUẬT DÂN GIAN HAY LÀ MỘT DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA VIỆT CỔ ĐƯỢC TIỀN NHÂN MÃ HÓA VÀ GIẤU SAU VỎ BỌC TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN NHẰM BẢO TỒN VÀ TRUYỀN LẠI CHO CON CHÁU VIỆT?

Hà Hưng Quốc
02/13/2012


Trở lại: Giải Mã Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống - bài 2



3. SỰ TỒN TẠI CỦA HAI MẠCH LÝ THUYẾT
VÀ DẤU ẤN VIỆT TRONG NỀN VĂN HÓA HÁN
Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống là đặc sản Việt và nó lại là một phần trong mạch ngũ hành nguyên thủy nằm trong cả hai nền văn hóa Trung & Việt.  Sự thật này đã là một phức tạp cho chúng ta khi cố gắng tìm hiểu về cội nguồn của mạch lý thuyết ngũ hành nguyên thủy.  Sự tồn tại đồng thời của hai mạch lý thuyết ngũ hành trong cả hai nền văn hóa làm cho vấn đề càng phức tạp hơn.  Chúng ta thử men theo con đường lịch sử từ hơn bốn ngàn năm trước tới hiện tại để xem có tìm ra vài dấu tích nào khả dĩ có thể giải thích về sự tồn tại của hai mạch lý thuyết ngũ hành và cội nguồn của chúng từ nền minh triết Việt.

TS Nguyễn Văn Vịnh, Viện nghiên cứu xã hội và phát triển- Đại học Hà Nội, trong bài Những Cơ Sở Lý Thuyết Khoa Học Của Thuật Phong Thủy đã viết: “Sự đề cập đầu tiên đến ngũ hành là ở tác phẩm “Kinh thư” – một bộ sử cổ nhất của nhân loại- trong phần về cửu trù hồng phạm, theo đó Ngũ hành là: thủy, mộc, thổ, hỏa, kim. Trong đó, thủy là ướt và xuống, mộc là cong và thẳng, hỏa là cháy và lên, thổ là để gieo mạ làm mùa, kim là theo và đổi.”  Trần Thị Huyền, trong bài Sự Hình Thành Và Phát Triển Học Thuyết Âm Dương Ngũ Hành Trong Tư Tưởng Cổ Đại Trung Quốc cũng xác nhận là ngũ hành được nói tới lần đầu tiên trong tác phẩm Kinh Thư ở chương Hồng Phạm và đã ghi nhận: “qua lời ‘Cổ Tử cáo với Vua Vũ nhà Chu’[??]. Trong Cửu trù ‘Hồng Phạm’ thì ngũ hành về mặt tự nhiên được hình thành bằng những tên của năm loại vật chất cụ thể (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và kèm theo tính chất của các loại vật chất đó, năm loại vật chất này không thể thiếu được đối với đời sống con người. Đứng về mặt thiên thời, ‘Hồng phạm’ cho rằng có cái gọi là ngũ ‘kỷ’ (một là năm, hai là tháng, ba là ngày, bốn là các vì sao, năm là lịch số). Về hiện tượng xã hội và hiện tượng tinh thần của con người, ‘Hồng phạm’ đề xuất ‘ngũ sự’ và ‘ngũ phúc’.  Ngũ sự như: một là tướng mạo, hai là lời nói, ba là trông, bốn là nghe, năm là suy nghĩ. Ngũ phúc như: một là thọ, hai là phúc, ba là thông minh, bốn là hiếu đức, năm là khảo trung mệnh. Qua đó nhận thấy ‘Hồng phạm’ dùng ngũ hành để liên hệ hiện tượng tự nhiên với hiện tượng xã hội, nhằm thuyết minh thế giới là một chỉnh thể thống nhất, có trật tự.”  Theo truyền thuyết thì Hồng-Phạm Cửu-Trù là của Vua Vũ nhà Hạ (2100 - 1600 TCN).  Như vậy thì, vào thời điểm sớm nhất được ghi nhận, cách đây hơn 4100 năm, thuật ngữ “ngũ hành” chỉ đơn giản là một khái niệm về tính chất  của 5 loại vật chất.  Quan trọng hơn, nó chỉ là một loại“ngũ” trong số những cái “ngũ” nằm trong nỗ lực “ngũ hoá” mọi thứ chung quanh bắt nguồn từ tư duy “thế giới là một chỉnh thể thống nhất.”        

Đến thời Chiến Quốc (475 – 221 TCN), Trâu Diễn đã đem khái niệm ngũ hành ghép vào các triều đại vua chúa. “Ý tưởng của ông đã thành một nếp khẳng định trong ý thức hệ của giai cấp phong kiến, đến nỗi gây ra cuộc tranh luận về việc chọn tên "hành" cho triều đại nhà Hán (một triều đại mà học thuyết âm dương ngũ hành rất thịnh và được đem ứng dựng vào tất cả các công việc hàng ngày, vào mọi mặt của đời sống xã hội). Lý luận của Trâu Diễn được các danh gia đương thời hấp thụ và quán triệt vào các lĩnh vực của hình thái ý thức xã hội.”[1]  Trên căn bản, ngũ hành vẫn là 5 loại vật chất.  
   
Đến thời Tây Hán (206 – 23 TCN), Đổng Trọng Thư (179 – 117 TCN), một nho sĩ uyên bác của thời đại, đưa ra thuyết ngũ hành có nhiều điểm khác với Trâu Diễn. “Đi sâu vào hình thái của quy luật ngũ hành, Đổng Trọng Thư cho rằng: trật tự của ngũ hành bắt đầu từ mộc qua hỏa, thổ, kim, thủy. Khi phân tích quy luật sinh khắc của ngũ hành, ông đã dựa hẳn vào sự diễn biến của khí hậu bốn mùa. Theo ông, sở dĩ có sự vận chuyển bốn mùa là do khí âm, dương biến đổi.”[2]  Đến thời điểm này thì ngũ hành, khởi thủy từ khái niệm đơn giản, theo thời gian đã phát triển thành một lý thuyết khá tinh vi, nhưng trên căn bản ngũ hành vẫn 5 loại vật chất. 

Cũng vào thời Tây Hán, Tư Mã Thiên (145 – 86 TCN), một sử gia lừng danh, đã viết trong Thiên Quan: “Chòm sao Bắc Đẩu là xe trời. Nó vận chuyển ở trung ương, chỉ huy bốn phương, phân Âm Dương, định bốn mùa, điều hòa ngũ hành, chi phối mọi sự, chuyển hóa thời tiết, định độ số trời.”[3]  Trong đoạn văn ngắn này Tư Mã Thiên đã nói tới ngũ hành.  Bằng vào ý tứ của tác giả thì ngũ hành là năm loại vật chất. 

Đến thời nhà Đường (618-907) bộ môn Tử Bình ra đời.  Nguồn gốc của Tử Bình được ghi chép:

[Trích dẫn]
“Tử-bình hay số Bát-tự là một khoa thuật số, căn cứ vào can chi của giờ ngày tháng năm sinh, để luận ngũ hành hơn kém và theo khí hòa mà tiên đoán vận mệnh con người. Người phát minh ra khoa xem số Bát-tự là Lạc Lộc, sống vào đời Đường (618-907), chuyện về lý số học, tiên liệu việc như thần, người đương thời lúc bấy giờ xưng tụng gọi là Lạc-Lộc Tử, sáng tác ra bài Lạc-Lộc Tử tam mệnh tiêu tức phú. Sau đó cũng vào đời Đường, Lý-hư Trung nghiên cứu bài phú trên và cải biến thêm. Đến đời Ngũ-đại (907-960), Từ Cư-Dịch, tự Tử-Bình, thường xưng là Bồng-Lai Tẩu, quê ở Đông-Hải, ẩn ở núi Hoa-Sơn cùng với Lã Đồng-Tân, tu tâm dưỡng khí theo đạo thần tiên, rất giỏi về khoa tinh mệnh, bình chú bài Lạc-Lộc Tử tam mệnh tiêu phú gọi là Lạc-Lộc Tử tiêu tức phú chú 2 quyển, diễn giải hết lại thuật coi Bát-tự của Lạc-Lộc Tử, nên đời sau tôn ông làm tổ sư của khoa Bát-tự và gọi môn coi Bát-tự là Tử-Bình. Đời Tống (960-1279), Từ Đạo-Hồng đem thuật này truyền bá cho mọi người ở Giang-Nam. Dần dần cho đến ngày nay, khắp nơi ở Trung-Hoa quần chúng đều thích và biết xem số Tử-Bình.”

[Ngưng trích dẫn]
(Nguồn: Tử Bình Thuyết Minh, trang 1, tác giả Đỗ Đình Tuấn)

Tử Bình là một bộ môn chuyên ứng dụng sinh khắc của ngũ hành.  Trên căn bản, ngũ hành vẫn là 5 loại vật chất.  Sự phát triển của môn Tử Bình được ghi chép:

[Trích dẫn]
Để khám phá sự thần bí của vận mệnh, thì từ xưa đến nay mọi người đã bỏ ra nhiều công sức, viết nên nhiều tác phẩm lớn, trong đó các tác phẩm quan trọng nhất có Uyên hải tử bình, Tử bình chân thuyên, Tam mệnh thông hội, Trích thiên tuỷ, Cùng thông bảo giám, Thần phong thông khảo, Mệnh lý ước ngôn, Tinh bình hội hải, Thiên lý mệnh cảo. Uyên hải tử bình ra đời vào triều đại Tống, là tác phẩm mở đầu cho mệnh lý tứ trụ. Nó đặt nền móng vững chắc cho mệnh lý học đời sau, tuy trước khi sách này ra đời thì cũng có tác phẩm nổi tiếng có liên quan nhưng do thể hệ chưa hoàn thiện, lý luận chưa rõ, phương pháp chưa chuẩn nên bị quên lãng vào một góc của lịch sử, cho đến nay khi nhắc đến mệnh lý tứ trụ thì chúng ta chúng ta đặt Uyên hải Tử Bình trên địa vi tôn chủ của mệnh lý học, không học Uyên hải Tử Bình thì không thể không hiểu bản chất gốc gác của mệnh lý học, không thể hiểu sự liên quan đến các tác phẩm mệnh lý nổi tiếng đời sau, không thể nắm bắt triệt để khung lý luận cơ bản của mệnh lý học, không thể phân biệt mức độ nặng nhẹ, thật giả giữa nhiều quan điểm hay trường phái khác nhau, không thể nhanh chóng bước vào cổng của mệnh lý học. Nhưng là tác phẩm lý luận khá hoàn thiện đầu tiên của một môn học vấn thì Uyên hải Tử Bình vẫn có chỗ chưa hoàn thiện. Quyển sách này không phải là tác phẩm thuộc về một người, cũng không phải được làm thành sách ở một thời kỳ. Sách này tuy gọi là tác phẩm nổi tiếng Từ Tử Bình nhưng không phải do ông viết, cho đến tận 300 năm sau khi ông mất thì Từ Đại Thăng thu thập thành quả luận mệnh của Quỷ Cốc Tử, Lạc Lục Tử, Từ Tử Bình, biên tập thành hai quyển sách “Uyên hải” và “Uyên nguyên”, thời Minh thì hai quyển sách này được tái bản lại hợp thành Uyên hải tử bình, đến những năm Gia Tĩnh thì Khâm thiên giám Lý Khâm bổ sung nó, năm thứ 7 Sùng Trinh thì lại tiến hành sửa đổi bổ sung, do đó nói “Uyên hải tử bình” là lấy Uyên hải và Uyên nguyên làm quyển gốc, sau nhiều lần thu thập cải biên mà thành, đây là một trong những nguyên nhân làm cho nội dung của nó bị rơi vãi, hoặc cũng chính vì lý do này mà Kỷ Hiểu Lam không đưa sách này vào “Tứ khố toàn thư”, trong “Cổ kim đồ thư tập thành” cũng không ghi chép.

[Ngưng trích dẫn]
(Nguồn: sách Uyên Hải Tử Bình của Từ Tử Bình. Trích dẫn bởi thành viên trong diễn đàn Trung Tâm Nghiên Cứu Nhân Học.)

Mãi cho tới ngày hôm nay, căn bản của lý thuyết ngũ hành phổ cập vẫn là gói gọn trong “5 loại vật chất cộng với hai quy luật sinh khắc.” 

Trong suốt chiều dài hơn 4100 năm, theo dòng chảy của thời gian, từ khi còn là khái niệm đơn sơ cho tới khi trở thành một lý thuyết đạt tới tầm cao, có thể nói lý thuyết ngũ hành phổ cập là một mạch lý thuyết hoàn toàn khác với mạch lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, hay nói cho chính xác hơn là khác với mạch lý thuyết ngũ hành nguyên thủy.     

Truy ngược lại dòng chảy của thời gian, từ lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống vào thời điểm hiện tại, ngược về thời điểm của bộ môn Tử Vi ra đời, rồi ngược về thời điểm của Ngũ Hành Nạp Âm Lục Thập Hoa Giáp ra đời, chúng ta có thể thấy một mạch lý thuyết ngũ hành khác: mạch lý thuyết ngũ hành nguyên thủy. 

Về nguồn gốc khoa Tử Vi, căn cứ theo trích lục của học giả Trần Đại Sỹ, thì trong Tử Vi Kinh tức Tử Vi Chính Nghĩa, phần Hy Di tiên sinh liệt truyện đã viết: ‘Tiên sinh làu thông Dịch-lý, Thiên-văn, Hình-tượng, Lịch-số, Địa-lý. Nhân thấy các khoa đều có uyên nguyên với số mạng nhân sinh, do vậy khải ngộ, soạn ra bộ Tử-vi kinh truyền cho đức Thái-tổ nhà ta.’ Và cũng đã kể lại giai thoại: “Tống Thái-tổ hỏi tiên sinh về khoa Tử vi, tiên sinh rút ra trong bọc tập sách nhỏ đề Tử-vi chính nghĩa trao cho Thái-tổ mà tâu rằng: Đây là tất cả những tinh nghĩa về khoa Tử-vi. Bần đạo không phải là người đặt ra khoa này. Nhân người trước đã nói về Tử-vi, bần đạo nhận thấy Dịch-lý, Hình tượng Thiên văn, Lịch-số, Địa-lý đều có uyên nguyên với nhau, mới tước bỏ những rườm rà của người xưa, họp thành khoa Tử-vi mà thần viết trong tập này. Với khoa Tử-vi, bệ hạ có thể biết kẻ trung, người nịnh, thời nào tốt, thời nào xấu mà mưu đại sự. Đó là học tới bậc sơ đẳng. Còn học uyên thâm hơn, có thể nhân số mạng xấu, dùng người nào thì cứu được kẻ bị nạn, và cứu như thế nào? Thấy kẻ ác thì dùng người nào, cách nào thì trị được, đó là học tới trung đẳng. Còn học tới chỗ uyên thâm cùng cực, có thể làm đảo lộn cả thiên hạ, nắm thiên hạ trong bàn tay. Nhưng bần đạo kính dâng bệ hạ một câu, khi dùng tập sách này, đó là Chữ Nhân, đừng nên dùng vào những việc ác độc, tổn âm đức.”[4]  Tiên sinh họ Trần húy Đoàn tự Hy Di, người đất Hoa Sơn, ngày nay về phía Nam huyện Hoa Âm tỉnh Thiểm Tây.  Thân phụ của tiên sinh là một nhà thiên văn, lịch số đại tài. Về năm sinh của tiên sinh thì không một thư tịch nào chép.  Nhưng căn cứ vào bộ Triệu Thị Minh Thuyết Tử Vi Kinh, khi tiên sinh yết kiến Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn vào niên hiệu Càn Đức nguyên niên có nói “Ngô kim nhật thất thập hữu dư” (tôi năm nay trên 70 tuổi).  Vậy có thể suy ra tiên sinh ra đời vào khoảng 888-893 tức niên hiệu Vạn Đức nguyên niên đời Đường Huy Tông đến niên hiệu Cảnh Phúc nguyên niên đời Đường Chiêu Tông. Tiên sinh mất lúc nào cũng không ai rõ.  Chỉ biết trong sách Triệu Thị Minh Thuyết Tử Vi Kinh có viết: “Niên hiệu Khai-bảo thứ ba (972), Thái-tổ sai sứ đến Hoa-sơn thỉnh tiên sinh, thì đệ tử cáo rằng tiên sinh ngao du sơn thủy đã ba năm không thấy trở về.”  Và cũng theo học giả Trần Đại Sỹ “Hi-Di tiên sinh chết không chỉ định ai làm chưởng môn, thành ra học trò tiên sinh mạnh ai nấy nghiên cứu, không thống nhất. Bản chính bộ sách chép tay lại nằm trong hoàng cung, thành ra trong các đệ tử tiên sinh, người được truyền nhiều thì giỏi, người được truyền ít thì dở nhưng vẫn tưởng mình được truyền đầy đủ. Năm 1127, quân Kim chiếm phía Bắc nước Trung-hoa, nhà Tống di cư xuống phía Nam. Khoa Tử-vi cũng theo đó chia làm Bắc-tông với Nam-tông. Bắc-tông thì theo đúng Hi-Di không sửa đổi gì về các sao, an sao, chỉ nghiên cứu rộng ra áp dụng giống như hoàng tộc nhà Tống. Còn Nam phái bị ảnh hưởng của khoa bói dịch, nên đổi rất nhiều.”[5]  

Bảng Lục Thập Hoa Giáp là một sản phẩm có tầm ảnh hưởng rất rộng nhưng nguồn gốc xuất xứ thì lại rất mù mờ.  Trong thời thông tin bùng nỗ của ngày hôm nay mà cũng chỉ có thể tìm được vài ba dòng: “Người ta cho rằng việc sắp xếp thành LTHG là công của Đại Nạo Thị nhưng việc nạp âm lại do Quỷ Cốc Tử, tên thật là Vương Hũ, ẩn thân tu dưỡng tại hang quỷ cốc trong rừng Thanh Lâm vào cuối đời nhà Châu.  Sau đó ông Man Xiến Tử tức Đông Phương Sóc mới nối tiếp sự nghiệp của Quỷ Cốc Tử hoàn thành tượng và danh từ cho LTHG.”[6]  Quỷ Cốc Tử là nhân vật trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Họ tên không rõ ràng. Được người đời sau hư cấu nên mang tính huyền bí.  Tuy nhiên theo sách Đông Chu Liệt Quốc thì “tên ông là Vương Hủ, người đời Tấn Bình Công Trung Quốc, là bạn thân của Tôn TửMặc Địch. Ông là một nhà tư tưởng, nhà truyền giáo, có rất nhiều học trò theo học, trong số đó có nhiều người trở nên nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bốn học trò được nổi tiếng hay được nhắc đến là Tôn Tẫn người nước Tề, Bàng QuyênTrương Nghi người nước Ngụy, Tô Tần người Lạc Dương (kinh đô nhà Chu). Theo các sách sử, ông là người thông thạo pháp thuật, kiến thức sâu rộng, sau khi về ở ẩn, ông sống trong một hang núi gọi là "Quỷ Cốc" (hang quỉ), bởi chỗ đó núi cao, rừng rậm, âm khí nặng nề, không phải chỗ cho người ở. Tên "Quỷ Cốc Tử" do ông tự đặt ra cho mình. Người đời thường gọi ông là Quỷ Cốc tiên sinh. ông sống thọ và được coi là ông tổ của các thuật tướng số, bói toán, phong thuỷ.”[7]  Mà Tấn Bình Công thì tên thật là Cơ Bưu, là vị vua thứ 31 nước Tấn (557 532 TCN) một chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.  Còn Tôn Tẫn là người nước Tề, một quân sư, một nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng thời Chiến Quốc.  Suy ra Quỷ Cốc Tử và Bảng Lục Thập Hoa Giáp có mặt vào thời kỳ cuối Xuân Thu (770 - 476 TN) đầu Chiến Quốc (475 – 221 TCN), tức là vào khoảng 550 TCN tới 450 TCN.  Riêng Đông Phương Sóc (154 - 93 TCN) “là một học giả nổi tiếng ở tỉnh Sơn Đông, cùng thời với Tư Mã Thiên và dưới thời Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Ông là một người kì trí đa mưu, tinh thông văn sử, đã giúp cho Hán Vũ Đế diệt trừ các thế lực đen tối ở hậu cung; đồng thời đánh bại các chư hầu âm mưu chia rẽ đất nước. Bên cạnh đó, Đông Phương Sóc còn đưa ra nhiều kế sách được người đời xem như là Y Quốc Mật Phương. Với tài năng thiên phú, Đông Phương Sóc luôn được Hán Vũ Đế trọng dụng nhưng tuyệt nhiên không được phong chức đề bạt.”[8]

Ngũ Hành Nạp Âm là một phương pháp đặc thù dùng để thiết lập Bảng Lục Thập Hoa Giáp.  Tuy có rất nhiều người sử dụng bảng LTHG nhưng có rất ít người biết phương pháp ngũ hành nạp âm cho LTHG.  Nền tảng ngũ hành nguyên thủy của nó lại càng ít người biết hơn, ngay cả danh sư lý số và học giả Trung Hoa.                   

Mạch lý tuyết ngũ hành nguyên thủy không dừng lại ở thời điểm ra đời của Ngũ Hành Nạp Âm Lục Thập Hoa Giáp.  Bộ môn Tử Vi lẫn Ngũ Hành Nạp Âm và Bảng Lục Thập Hoa Giáp đều có nguồn gốc thiên văn và lịch pháp nên nó đòi hỏi người sáng tạo ra chúng phải có một kiến thức uyên thâm về thiên văn và lịch pháp.  Chính trong Tử Vi Kinh nói Trần Đoàn tiên sinh cũng xác nhận “Bần đạo không phải là người đặt ra khoa này. Nhân người trước đã nói về Tử-vi, bần đạo nhận thấy Dịch-lý, Hình tượng Thiên văn, Lịch-số, Địa-lý đều có uyên nguyên với nhau, mới tước bỏ những rườm rà của người xưa, họp thành khoa Tử-vi mà thần viết trong tập này.”  Ngay cả tranh Ngũ Hổ Hàng Trống cũng cho thấy sự quan trọng của yếu tố thiên văn và lịch pháp.  Như vậy, nối kết mạch lý thuyết ngũ hành nguyên thủy vào mạch thiên văn lịch số để truy ngược về nguồn cũng là điều hợp lý. 

Theo GS Nguyễn Hữu Quang,[9] Trung Quốc có lịch rất sớm. Khởi đầu là lịch Can Chi rất phôi thai vào thời Hoàng Đế (lên ngôi năm Giáp Tí 2697 TCN), căn cứ theo các bản đất sét nung còn lưu trữ tại Đại Học Yên Kinh.  Sau đó âm dương hợp lịch ra đời vào thời vua Nghiêu (lên ngôi năm Giáp Thìn 2357 TCN), căn cứ theo Kinh Thư trong thiên Nghiêu Điễn.  Lịch này được phỏng theo Quy Lịch của vua Hùng Vương thứ 3, tức Hùng Lân Lang, căn cứ vào chi tiết trong Thuật Dị Ký 述異記 của sách Thông-chí 通志 (2AL, Q II, Ngũ Đế Kỷ Đệ Nhị, Chí #35, tr. 224) của sử gia Trịnh Tiều (1104-1162).  Sách chép:  

[Trích dẫn]

Đào Đường chi thế, Việt Thường quốc hiến thiên tuế thần quy, bối thượng hữu văn, giai khoa đẩu thư, ký khai tịch dĩ lai, Đế mệnh lục chi, vi chi Quy-lịch. 陶唐之世, 越裳國獻千歲神龜,背上有文,皆科斗書,記開闢以來,帝命錄之,謂之龜歷。” 

Dịch: “Đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng thần quy ngàn tuổi, trên lưng có văn, đều là chữ khoa-đẩu [chnòng nọc], chép việc từ thuở khai thiên tịch-địa đến bấy giờ, Đế sai chép và gọi là Lịch Rùa.” 

[Ngưng trích dẫn]

Sách Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý Tường cũng có chép rằng, “năm 2361 trước Công nguyên, tức năm Mậu Thân thứ 5 đời Ðường Nghiêu Sứ thần Việt Thường Thị sang chầu dâng rùa thần".  Theo Kim Lý Tường con rùa gọi là thần quy vì rùa to hơn 4 thước ta [khoảng 1.20 mét], trên lưng có chữ nòng nọc [đẩu văn], ghi tổng quát lịch sử cấu tạo vũ trụ và nhân loại từ thuở ban đầu cho tới đời vua Ðường Nghiêu.[10] 
    
Giáo sĩ L.Wieger, một nhà thông thái dòng Tên, cũng ghi nhận "người Tầu đã dựa vào cống phẩm rùa thần mà làm ra Qui Lịch” ( L.Wieger, Hisfoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine, depnis l’ origine jusqu à nos jonrs./ Lịch Sử Tín Ngưỡng Và Quan Điểm Triết Học ở Trung Hoa, Từ Khởi Thủy Cho Đến Thời Đại Chúng Ta, trích dẫn bởi TS. Thái Văn Kiểm).[11]

Cũng trong Kinh Thư, về việc hiến thần quy, “Ðế Nghiêu nhà Ðường sai Hy Thúc giữ việc này suy trác khí hậu ở Nam Giao, điều hòa mọi việc thời tiết sớm muộn về mùa hè... Suy trác cẩn thận để tháng trong Hạ được đúng với thời tiết. Lại phải xem đến việc thay đổi của người và trời đất.” (Lịch Với Lịch Sử Kinh Tế Chính Trị Và Chiến Tranh của Nguyễn Thường, Nghiên Cứu Lịch Sử số 3 (262) tháng 5 & 6-1992, tr.51-59).[12]   

Với tác giả, câu chuyện tặng rùa thần này là một sự kiện lịch sử rất quan trọng.  Nhưng trước khi trình bày nó quan trọng như thế nào thì chúng ta trước hết cần xác định rõ tính chất khả tín của câu chuyện.    

Nó thực sự là con rùa lớn hay là con đồi mồi, một sản vật từ vùng biển của Việt Thường? Chúng ta khó có thể xác định.  Nhưng dầu là rùa hay đồi mồi thì kích cỡ 1.2 mét không phải là chuyện khó tin.  Rùa ngàn tuổi cũng không phải là chuyện lạ.  Ngàn tuổi chỉ là một cách nói đoán rằng con rùa có tuổi rất cao nhưng không ai biết chắc nó có từ khi nào.  Vã lại, kích cỡ và tuổi thọ của rùa cũng đã được khoa học xác nhận.  Xác rùa hồ Hoàn Gươm hiện đang được giữ tại đền Ngọc Sơn còn lớn hơn và có tuổi thọ cũng gần một ngàn năm.

[Trích dẫn]

“Rùa Hồ Gươm đã gắn liền với Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội,; Rùa đã là di sản vô giá gắn với những Truyền thuyết Lịch sử-Văn hoá linh thiêng từ mấy ngàn năm nay. Vậy mà, câu chuyện thật sau đây của những người trong cuộc từ lâu đã trở thành ‘những kỷ niệm của lịch sử’, nhưng không phải ai cũng biết. . . . Đến 14 giờ cùng ngày, ‘cụ Rùa’ chết. Lãnh đạo thành phố giao cho ngành Công an làm rõ nguyên nhân cái chết; giao cho Công ty công viên thực hiện bảo quản giữ gìn tiêu bản Rùa Hồ Gươm để trưng bày cho nhân dân biết. (Hiện nay ‘cụ’ Rùa vẫn còn được đặt trong tủ kính tại Đền Ngọc Sơn – Hà Nội). Thực hiện khám nghiệm, xác định “Cụ Rùa” dài 2 mét 10, chiều rộng 1m20, nặng 250 kg, trên mai rùa có một lỗ thủng tròn, đường kính rộng 3cm, thủng xuống phổi của rùa, gây mất nhiều máu và có thể là nguyên nhân làm rùa không sống nổi. Kiểm tra bên trong không có mảnh đạn, đầu đạn nào. Trong bao tử rùa vẫn còn năm con cá mè dài khoảng 40 cm và mười hòn sỏi đá to bằng trứng gà, trứng vịt- chính là công cụ nghiền thức ăn để nuôi sống cụ rùa bao năm. Chuyên gia giải phẫu xác định tuổi của rùa thuộc loại ‘Cụ ông’, có độ tuổi trên 900 năm.”

[Ngưng trích dẫn.]         
(Nguồn: Chuyện Về Rùa Hồ Gươm …Không Phải Ai Cũng Biết. Báo Tổ Quốc. Ảnh: Phạm Quyên.]

Tại sao gọi nó là thần quy?  Lớn vóc và sống lâu chưa đủ để gọi là thần, chỉ đáng với hai chữ đại và thọ mà thôi, do đó giải thích của Kim Lý Tường không thuyết phục.  Có hai giải thích khác.  Một, cho nó là thần là vì nó có cùng “phả hệ” với Thần Kim Quy trong huyền sử Việt.  Hai, cho nó là thần vì trên lưng nó “chép việc từ thuở khai thiên tịch địa đến giờ,” những việc vô cùng thần diệu, vô cùng cao siêu.  So ra có lẽ là giải thích thứ hai hợp lý hơn cả.  

Với diện tích bề mặt trên lưng của “thần quy” liệu là có thể “chép việc từ thuở khai thiên tịch-địa đến bấy giờ”?  Chắc chắn là được.  Bao nhiêu diện tích đó dư chỗ để chép xuống vài mô hình có khả năng mô tả sự vận hành của trời đất vạn vật từ thuở khai thiên tịch địa và còn dư chỗ cho một số ghi chú về những mô hình đó.  Giả dụ như, chỉ là giả dụ, trên lưng rùa ghi một mô hình duy nhất là Việt Dịch Đồ (xem trong hình H9).



H9 - VIỆT DỊCH ĐỒ

Và ghi chú trên lưng rùa chỉ vỏn vẹn có 67 chữ như sau: “vô cực nhi thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh càn khôn vạn vật” và “thiên nhất sanh thủy, địa lục thành chi, địa nhị sanh hỏa, thiên thất thành chi, thiên tam sanh mộc, địa bát thành chi, địa tứ sanh kim, thiên cửu thành chi, thiên ngũ sanh thổ, địa thập thành chi.” [từ 67 chữ này mà Việt Dịch Đồ đã hình thành và Việt Dịch được viết ra để giải thích].   

Vào lúc tiếp nhận tặng vật chắc chắn là vua quan Đào Đường có nhận được một số giải thích về nó từ sứ giả của Việt Thường.  Giả dụ như những lời đó cũng giống như một đoạn trong Việt Dịch khi nói về Việt Dịch Đồ như sau:

[Trích dẫn]

“. . . một kết hợp trọn vẹn và kỳ ảo’ là vì việc trời, việc đất, việc người đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý của trời, lý của đất, lý của người đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý sự của cá nhân, lý sự của tập thể, lý sự của nhân loại đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý sự vô hình, lý sự hữu hình, lý sự qui ước đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì nó hàm chứa minh triết của đông phương.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì nó vạch ra phạm trù đồng quy và hiệp nhất của các giáo lý đông tây.”                       

[Ngưng trích dẫn]
(Nguồn: sách Việt Dịch của Hà Hưng Quốc.)

Với Việt Dịch Đồ và những dòng ghi chú cộng với những lời giải thích của sứ giả ngoại giao như giả dụ tuy là không hiểu ý nghĩa của mô hình ghi trên lưng thần quy nhưng chắc chắn là vua quan Đào Đường cảm nhận được tầm quan trọng của văn bản trên lưng rùa.  Do đó họ có nói “ghi mọi chuyện từ thuở khai thiên tịch địa” và cho con rùa là “thần quy” thì cũng không có gì là quá đáng.  Về bản chất nghiêm trọng của vấn đề, nó không khác với những chữ “Unidentifying Flying Objects. Classified information. Top Secret.” được đóng lên bìa hồ sơ trình lên nguyên thủ quốc gia trong thời đại hôm nay. 

Điều mà chúng ta muốn vạch ra ở đây là nội dung của câu chuyện rất đáng tin. 

Nhưng tại sao lại phải quan tâm nhiều tới chuyện rùa và mức độ khả tín của nó?  Bởi vì nhiều lý do.  Thứ nhất, chuyện tặng rùa cho vua Nghiêu là một động thái chuyển giao khoa học [hiểu biết về thiên văn, mùa vụ, vân vân] và kỹ thuật [cách làm quy lịch] có tầm chiến lược, dầu là vua quan Việt Thường có ý thức về hệ quả của việc làm này hay không.  Việc chuyển giao kiến thức và kỹ thuật ngày đó đã có hệ quả ra sao có lẽ sử gia của chúng ta và của Trung Quốc vẫn chưa có dịp nhìn lại và đánh giá.  Thứ hai, từ những thông tin trong câu chuyện tặng thần quy này, chúng ta có thể suy luận ra là văn hóa Việt Thường vào thời điểm đó đã ở một tầm cao, ít nhất là về mặt thiên văn, lịch pháp, lý số và nông nghiệp.  Chỉ ở tầm cao đó mới có đủ khả năng để sáng tạo ra những sản phẩm như lý thuyết ngũ hành nguyên thủy, Ngũ Hành Nạp Âm, Bảng Lục Thập Hoa Giáp, Tử Vi và còn những thứ khác nữa chưa nói tới.  Thứ ba, từ những thông tin trong câu chuyện tặng thần quy này, nó cho chúng ta thấy là vào thời điểm đó đã có một luồng văn hóa ở tận phương nam đi ngược lên phương bắc “khai hóa” Hán tộc, ít ra là trong lãnh vực thiên văn, lịch pháp, lý số và nông nghiệp.  Và, căn cứ vào câu chuyện này thì sản phẩm trí tuệ của phương nam đã đi ngược lên phương bắc thông qua kênh ngoại giao.  Đồng thời phương bắc đặc biệt quan tâm và tiếp thu sản phẩm trí tuệ của phương nam.  Nếu không đặc biệt quan tâm thì sẽ không có chuyện “Đế sai chép” và sai Hy Thúc đi nghiên cứu và học hỏi tận nam giao [phương nam]. 

Trở lại vấn đề của hai mạch lý thuyết ngũ hành, chúng ta đã từng nói là có sự tồn tại đồng thời của hai mạch lý thuyết ngũ hành trong một thời gian dài.  Với những gì chúng qua vừa trình bày qua thì phát biểu trên không phải là không có cơ sở.  Hình H10 ngay phía dưới cho chúng ta thấy rõ hơn về sự tồn tại đồng thời đó của hai mạch lý thuyết ngũ hành.  Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy mãi tới đời Khổng Trọng Thư thời nhà Hán thì lý thuyết ngũ hành phổ cập chỉ mới vừa thành hình và ứng dụng nhiều trong khoa Tử Bình ra đời vào thời nhà Đường (618 – 907) nhưng có lẽ tới thời nhà Tống (960 – 1127) mới đạt được tầm cao của lý thuyết ngũ hành phổ cập, với sự ra đời của Uyên Hải Tử Bình, trong khi lý thuyết ngũ hành nguyên thủy đã đạt tới tầm cao từ thời cuối nhà Châu (550 – 450 TCN), căn cứ vào phương pháp ngũ hành nạp âm cho 60 hoa giáp để thiết lập Bảng Lục Thật Hoa Giáp.  Nếu kết hợp với thông tin về âm dương hợp lịch để suy diễn thì lý thuyết ngũ hành nguyên thủy có lẽ cũng đã đạt tới tầm cao vào thời điểm của Hùng Quốc Vương Lân Lang và lúc đó chắc chắn là kiến thức về thiên văn của người Hán chưa thể sánh với dân Việt Thường.      



H10: Hai Mạch Lý Thuyết Ngũ Hành

Hai mạch lý thuyết cùng tồn tại trong một thời gian dài thì nhất định phải có sự cạnh tranh.  Nhưng cho tới ngày hôm nay có lẽ đây là lần đầu tiên mà sự hiện hữu của hai mạch lý thuyết ngũ hành được nói tới và phơi bày cho nên trên thực tế chưa nghe ai nói tới sự cạnh tranh đó.  Hay là đã có sự “cạnh tranh/ đấu tranh” rất lặng lẽ và tinh tế nhưng chúng ta không nhận ra chỉ vì ngũ hành nguyên thủy đã được mã hóa và che dấu??  Bằng chứng cho thấy là lý thuyết ngũ hành đã được “ai đó” mã hóa và che dấu từ nhiều năm qua. 

Cuối cùng thì chúng ta phải giải thích thế nào về nguồn gốc tạo ra sự tồn tại đồng thời của hai dòng lý thuyết ngũ hành trong nền văn hóa Trung Hoa?  Sự mã hoá và che giấu lý thuyết ngũ hành nguyên thủy trong những sản phẩm chỉ là phản ứng để duy trì một mạch lý thuyết ngũ hành đã hiện hữu, nó không phải là nguyên ủy tạo ra sự tồn tại đồng thời của hai mạch lý thuyết ngũ hành. 

Thực tình thì chúng ta không biết rõ!  Chúng ta chỉ biết rằng nếu như trên lưng thần quy mà Việt Thường tặng cho vua Nghiêu trên 4100 năm trước có ghi chép một văn bản đã chứa một mô hình và những ghi chú tương đương với mô hình Việt Dịch Đồ và 67 chữ xuất xứ của Việt Dịch Đồ như đã giả dụ, thì chuyện tặng rùa đó cũng có nghĩa là Việt Thường đã giao vào tay người Hán bản sơ họa của Bát Quái, Hà Đồ, Âm Dương, Ngũ Hành và Dịch Lý.  Điều này cũng có nghĩa là nó chắc chắn đã có một ảnh hưởng nhất định đối với nền văn hóa Trung Hoa.  Thí dụ điển hình, người Hán làm lịch âm dương theo quy lịch của vua Hùng là ảnh hưởng trực tiếp, đầu tiên, và có sử liệu xác nhận. 

Nhìn dọc theo chiều dài thời gian, nó cũng thật sự không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy xuất hiện chuyện vua Hạ Vũ được Lạc Thư và thấy rãi rác thuật ngữ ngũ hành trong Hồng Phạm.  Theo tác giả thì ý nghĩa của hai chữ “lạc thư” lúc đầu chỉ là “sách chép trên mai rùa.” Và phiên bản chép từ “sách chép trên mai rùa” chính là tập sách do vua Nghiêu sai chép lại từ thần quy mà Việt Thường đã tặng cho.  Vua Hạ Vũ có lạc thư từ “thư viện của hoàng gia” không có gì là lạ.  Nhưng rồi về sau hai chữ “lạc thư” bị huyền thoại hóa thành “Lạc Thư,” là một đồ hình trên lưng rùa xuất hiện ở sông Lạc, bởi những học giả Hán thiếu lương thiện hoặc thiếu hiểu biết. 

Tưởng cũng cần giải thích về chữ LẠC.  Tra Hán Việt Từ Điển, chúng ta thấy chữ lạc được giải thích như sau: 

Bộ 86 hỏa
lạc phát âm luò, lào,
(Động) Dùng lửa đốt nóng kim loại rồi áp lên mình bò, ngựa, đồ vật để làm dấu.
(Động) Là, ủi. Như: lạc y phục ủi quần áo.
(Danh) Pháo lạc một hình phạt thời xưa, lấy lửa đỏ đốt thân thể tội phạm.

Như vậy thì một văn bản được chép bằng cách dùng lửa đốt nóng kim loại rồi áp lên mai rùa không phải đích thực là ý nghĩa của chữ lạc trong lạc thư 洛書 hay sao?  Định nghĩa cho chính xác thì “lạc thư là sách chép bằng cách dùng lửa đốt nóng kim loại rồi áp lên mai rùa.”  Còn nói Lạc Thư là “sách chép trên lưng rùa thần nổi lên ở sông Lạc lúc vua Hạ Vũ đi trị thủy” là nói theo điển tích đã bị học giả Hán huyền thoại hóa.      
  
Nếu xác định hai chữ “lạc thư” là “sách chép bằng cách dùng lửa đốt nóng kim loại rồi áp lên mai rùa” thì chúng ta càng có thêm yếu tố vững chắc để tiến tới luận cứ là những dấu vết “ngũ hành” rãi rác trong Hồng Phạm chính là bằng chứng của tin liệu xuất xứ từ trên lưng rùa Việt Thường tặng vua Nghiêu.  Và kiến thức về ngũ hành vào thời điểm đó của người Hán, như cho thấy trong Hồng Phạm, chỉ mới là những khám phá rất cạn trên bề mặt.  Hay nói cho rõ hơn là chỉ mới cóp được phần thuật ngữ hoặc hơn một chút ít so với những gì chứa đựng trong gói tặng phẩm lạc thư.  Một ứng dụng dựa trên sự hiểu bớt rất cạn cợt về mô hình trên lưng rùa thần đã dẫn học giả Hán đi theo hướng phát triển lý thuyết “ngũ hóa mọi thứ” và sau đó tới thời Chiến Quốc là “ngũ hành hóa” các triều đại vua chúa.  Mãi cho đến thời nhà Hán thì Đổng Trọng Thư mới mằn mò kết tập kiến thức ngũ hành và lý thuyết hóa nó thành ra lý thuyết ngũ hành phổ cập như chúng ta biết ngày nay.

Cửu Trù trong thiên Hồng Phạm cũng là một bằng chứng khác về sự thật của vua Hạ được lạc thư và ảnh hưởng của nó đối với nền văn hóa Trung Hoa.  Chín trù không gì khác hơn là khi nhìn vào hình ảnh mai rùa gợi lên ý niệm “khoanh vùng, tổ chức, tạo trật tự” thành 9 khu vực, 9 nhóm, 9 tập họp, 9 cụm, 9 pháp.  Nhìn thấy mai rùa từ đâu?  Có thể từ thiên nhiên mà cũng có thể từ sách và cũng có thể là cả hai.  Nhưng nảy sinh khái niệm 9 trù không đơn giản chỉ vì nhìn thấy mai rùa mà còn cần có yếu tố khác khích động nguồn cảm hứng. Thân là một ông vua với mối quan tâm trị nước thì nguồn cảm hứng đó đến từ tập sách năm xưa của vua Nghiêu chép lại theo sách ghi trên mai rùa thần của Việt Thường tặng cho [trong tập sách xưa đó có lẽ có cả hình mai rùa để minh họa] nghe ra sẽ hợp lý hơn.  Và có lẽ cũng chính vì hai chữ “rùa thần” đó mà học giả Hán đã tưởng tượng ra chuyện rùa thần xuất hiện trên sông Lạc.  Hay là họ biết rõ nhưng cố ý dựng chuyện để xóa mất dấu tích văn minh Việt Thường trong nền văn hóa Hán vĩ đại?     

Từ thời điểm Hồng Phạm Cửu Trù ra đời cho tới thời điểm lý thuyết ngũ hành phổ cập hình thành là một thời gian rất dài.  Giữa hai thời điểm đó thì Hậu Thiên Bát Quái xuất hiện vào thời đầu nhà Châu và Chu Dịch ra đời.  Ảnh hưởng của Chu Dịch đã đóng góp không ít vào sự hình thành của lý thuyết ngũ hành phổ cập. 

Châu Văn Vương là hậu duệ của vua Hoàng Đế thì chuyện có được Hậu Thiên Bát Quái trong tay rồi từ đó nghiên cứu và đúc kết thành 64 quái của Chu Dịch cũng không có gì là vô lý.  Vã lại Châu Văn Vương được sống ngay trên cái nôi văn hóa Bách Việt [trong đó những “wikipedia sống” đang lẫn lộn trong cư dân Bách Việt bám đất định cư tại chỗ] và thừa hưởng một nền kinh tế nông nghiệp phát triển nhất thời bấy giờ thì với một khối óc thông minh không lẽ Châu Văn Vương không tiếp thu được ít nhiều di sản văn hóa tồn tại trong cư dân Bách Việt và nghiệm ra được những điều lý thú trong Hậu Thiên Bát Quái.

Rồi sau đó với kỳ công của Khổng Tử, Chu Dịch trở thành là Kinh Dịch, là một trong những sản phẩm có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhất trong nền văn hóa Trung Hoa.  “Tới đời Thanh, Tứ khố toàn thư tập hợp được riêng về Dịch có 158 bộ gồm 1761 quyển, phụ lục 8 bộ, 12 quyển.” [13]  Ảnh hưởng của nó kéo dài cho tới ngày nay.

Nhìn lại lịch sử hình thành Kinh Dịch thì “Dịch của Văn Vương tuy đầy đủ nhưng cái lý vẫn còn bí ẩn. Năm trăm năm sau, Khổng Tử làm Thoán Tượng, buộc thêm lời vào ý của Văn Vương, mục đích làm sáng tỏ Dịch của Văn Vương. Từ cuốn sách bói toán, Văn Vương, Khổng Tử đã chuyển thành cuốn sách có ý nghĩa giáo hóa lớn nên được xếp vào Lục kinh. Phùng Ỷ viết:: “Văn vương tán quẻ của Bao Hy, diễn số của cỏ thi, suy việc biến dịch của 9, 6 để sinh ra hào, cho nên quái hào đều liên hệ với nhau bằng lời, và định tên là Dịch. Từ khi Khổng Tử tán Dịch của Văn Vương thì các Dịch của Hạ, Thương đều bỏ. Bởi thế, từ Văn Vương, các sách Dịch mới bắt đầu gọi Dịch, còn trước Văn Vương, chỉ gọi là quái mà thôi. Cho nên Khổng Tử nói Bào Hy vạch Bát quái chứ không nói làm Dịch.”[14]  Và “đến đời Ngụy, Vương Bật chú Dịch mới truất bỏ những lời bàn về toán số mà phát huy phần triết lý trong kinh Dịch. Do đó Dịch học chia làm hai phái: một phái chủ trương Dịch học là sách dùng để bói toán, người cầm đầu là Mạnh Hỷ đời Tây Hán, nổi danh nhất là Trần Đoàn và Thiệu Ung ở đời Tống. Cũng vào thời gian này, do nhiều trường phái Dịch ra đời khiến cho loạn thuyết, Dịch chính truyền bị mai một nên Chu Hy đúc kết Dịch còn sót của dòng chính, sáng tác sách Châu Dịch bản nghĩa truyền tới ngày nay.” [15]

Lịch sử hình thành Kinh Dịch hé cho chúng ta thấy một sự thật là trong nền văn hóa Trung Hoa đã từng có giai đoạn “loạn thuyết.”  Mà loạn thuyết là một cách diễn đạt về thực trạng tồn tại đồng thời của những mạch văn hóa đối chọi nhau.  Và một số mạch văn hoá đã bị mai một.   

Trên cái nền văn hóa đa mạch đó, hai mạch lý thuyết ngũ hành cùng tồn tại trong một thời gian dài cũng là một sự thật, như đã được trình bài qua.

Nói tới sự khác biệt giữa lý thuyết ngũ hành nguyên thủy và lý thuyết ngũ hành phổ cập không thể không nói tới vai trò của Hà Đồ và Lạc Thư.  Dùng chữ “Lạc Thư” là để phân biệt giữa đồ hình có tên Lạc Thư trong huyền thoại của người Hán với “lạc thư” là “sách chép bằng cách dùng lửa đốt nóng kim loại rồi áp lên mai rùa” do Việt Thường tặng vua Nghiêu. 

Hai quy luật tương sinh và tương khắc của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy được giải thích trọn vẹn bởi chính mô hình của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy.  Mô hình này có chung nguồn gốc và hoàn toàn khế hợp với mô hình Hà Đồ.  Trong cuốn Việt Dịch, tác giả Hà Hưng Quốc đã chứng minh Hà Đồ, Hậu Thiên Bát Quái, Âm Dương, Ngũ Hành là một tổng thể hợp nhất.  Tất cả sinh ra chung trong một bọc.  Cái bọc đó là một mô hình mẹ, như có thể thấy trong Việt Dịch Đồ.   

Hai quy luật sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập được giải thích qua hai mô hình sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Quy luật sinh của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì ăn vào mô hình Hà Đồ.  Quy luật khắc thì ăn vào mô hình Lạc Thư.  Mô hình Hà Đồ và mô hình Lạc Thư được cho là hai mặt của một đồng tiền chơn lý.  

Hà Đồ khác với Lạc Thư ở chỗ là (a) độ số 2-7 nằm ở phương nam của Hà Đồ lại nằm ở phương tây của Lạc Thư; và (b) độ số 4-9 ở phương tây của Hà Đồ lại nằm ở phương nam của Lạc Thư. 

Làm sao chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận luận cứ hoán vị hai cặp độ số 2-7 và 4-9 để từ Hà Đồ chế ra Lạc Thư rồi cho đó là hai mặt của một đồng tiền chơn lý?  Chúng ta biết rõ là nằm cùng trong một hệ thời không thì tại một vị trí trong hệ thời không đó không thể có hai cụm thông tin về vị trí đó trái ngược nhau mà cả hai được coi là đều đúng được.  Trừ khi độ số 2-7/4-9 của Hà Đồ khác với độ số 2-7/4-9 của Lạc Thư.  Nếu khác nhau thì Hà Đồ và Lạc Thư không thể coi là hai mặt của một đồng tiền trong cùng một hệ thời không.  Nếu giống nhau thì không thể tùy tiện hoán vị.  Nói một cách khác, khẳng định một trong hai phải có cái sai.  Mà Hà Đồ thì chắc chắn đúng do đó cái sai phải là Lạc Thư.  Vấn đề của Lạc Thư cũng đã được tác giả Hà Hưng Quốc phân tích trong bài Xét Nghiệm Giá Trị Của Bộ Môn Huyền Không cũng như trong cuốn Việt Dịch.

Xét cho tường tận thì có thể nào vô lý đến mức một sản phẩm như lý thuyết ngũ hành lại cần đến hai mô hình làm chỗ tựa cho hai quy luật sinh khắc, lại là hai mô hình không thể dung nạp nhau trong cùng một hệ thời không?  Dầu cho quy luật sinh khắc có được giải thích ăn khớp với Hà Đồ và Lạc Thư đến mức “đẹp như mơ” đi nữa thì ở tầng lôgic cao hơn toàn bộ lý luận [“Hà Đồ Lạc Thư là 2 mặt của một đồng tiền” + tất cả các hệ luận đã sinh ra từ sự gán ghép này] vẫn là phi lôgic [vì tính bất dung nạp giữa hai đồ hình].  Xem ra thì sự tồn tại của Lạc Thư rất cần thiết cho sự hợp lý của lý thuyết ngũ hành phổ cập và ngược lại, dầu là trong tương quan tồn tại và hợp lý đó có ẩn bên trong một lỗ hỏng lôgic chết người.  

Vì một mình Hà Đồ không đủ làm chỗ tựa cho cả hai quy luật sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập mà về sau người ta phải nặn ra mô hình Lạc Thư?  Hay là vì Cửu Trù đã có ảnh hưởng quá sâu đối với nếp suy nghĩ của học giả thời đó cho nên họ tạo dựng ra Lạc Thư rồi lại tựa vào cả Hà Đồ lẫn Lạc Thư để nặn ra hai quy luật sinh khắc để hình thành lý thuyết ngũ hành phổ cập? 

Quanh đi quẩn lại thì chỉ là nảy sinh thêm câu hỏi mà không có đáp án.  Điều mà chúng ta có thể khẳng định được là trên thực tế cả hai mạch lý thuyết ngũ hành cùng tồn tại, và có lúc hòa quyện vào nhau, cùng giúp để tạo nên một thế giới văn hóa diễm ảo của phương đông mà người Trung Hoa đặc biệt tự hào.  Và, điều mà chúng ta có thể khẳng định được là nền văn hoá Hán có cội nguồn từ nền văn hóa Việt cổ.



[1] Nguồn: Sự Hình Thành Và Phát Triển Học Thuyết Âm Dương Ngũ Hành Trong Tư Tưởng Cổ Đại Trung Quốc của Trần Thị Huyền.
[2] Nguồn: Sự Hình Thành Và Phát Triển Học Thuyết Âm Dương Ngũ Hành Trong Tư Tưởng Cổ Đại Trung Quốc của Trần Thị Huyền.
[3] Nguồn: Sử Ký, Phần Thư, Chương Thiên Quan, số 27. Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch.
[4]  Nguồn: Lịch Sử Khoa Tử Vi Trung Hoa và Việt Nam - Trích lục của Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ.
[5] Nguồn:  Lịch Sử Khoa Tử Vi Trung Hoa và Việt Nam Trích lục của Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ.
[6] Nguồn 1:  sách Tử Bình Chân Thuyên của Quảng Văn.  Nguồn 2: Khảo Luận Về Lục Thập Hoa Giáp, đăng 19/09/2009 trên www.quangkhoi.net
[7] Nguồn: Wikipedia
[8] Nguồn: Wikipedia
[9] Nguồn Hán Việt Dịch Sử Lược c ủa GS Nguyễn Hữu Quang, Nguyên Giảng Viên Vật Lý Chuyên về Cơ Học Định Đề  (Axiomatic Mechanics, a branch of Theoretical Physics)
tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn trước năm 1975.
[13] Nguồn: Bàn Lại Lịch Sử Hình Thành Kinh Dịch c ủa Hà Văn Thùy.
[14] Nguồn: Bàn Lại Lịch Sử Hình Thành Kinh Dịch của Hà Văn Thùy.  Phùng Ỷ. Hậu Trai Dịch học. Tứ khố toàn thư trân bản. Thương vụ ấn quán Thương Hải. Dịch tập chú, Kinh thượng thiên, quyển 1, trang 1. (Dẫn theo Nguyễn Hữu Lương trang 109).
[15] Nguồn: Bàn Lại Lịch Sử Hình Thành Kinh Dịch c ủa Hà Văn Thùy.

No comments:

Post a Comment