Friday, January 27, 2012

Giải Mã Những Bí Ẩn Trong Tử Vi - bài 6


trở về: Giải Mã Những Bí Ẩn Trong Tử Vi - bài 5


Giải Mã Bí Ẩn 6 Xung, 6 Hợp, 6 Hại
Xung, hợp và hại là những khái niệm được ứng dụng rất rộng trong các môn lý số.  Môn Tử Vi cũng không ngoại lệ.  Đa số người chấp nhận và sử dụng chúng một cách “không thắc mắc.”  Nhưng có những người nhìn vào và đặt câu hỏi đại loại như là “Chúng từ đâu mà có? Dựa vào nguyên lý nào mà chúng được hình thành?  Tại sao cặp này lại không theo lôgic như những cặp khác? . . .” thì người ta bắt đầu nhận ra là còn có rất nhiều điều “bí ẩn” xung quanh những cái dường như rất quen thuộc, rất thông dụng và . . . vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.               
             


A. LỤC XUNG

Lục Xung gồm 6 cặp địa chi xung nhau trong từng cặp một.  6 Xung gồm có:
1)     Tí Ngọ xung nhau
2)     Sửu Mùi xung nhau
3)     Dần Thân xung nhau
4)     Mão Dậu xung nhau
5)     Thìn Tuất xung nhau
6)     Tỵ Hợi xung nhau

Mỗi cặp đối nhau trên cung bàn của Tử Vi như trong hình H42.
  
H42

Hỏi tại sao Hợi Tỵ xung nhau thì được giải thích là vì Âm Thủy của Hợi “khắc” Âm Hỏa của Tỵ. Hỏi tại sao Tí Ngọ xung nhau thì được giải thích là vì Dương Thủy của Tí “khắc” Dương Hỏa của Ngọ. Hỏi tại sao Dần Thân xung nhau thì được giải thích là vì Dương Kim của Thân “khắc” Dương Mộc của Dần.  Hỏi tại sao Mão Dậu xung nhau thì được giải thích là vì Âm Kim của Dậu khắc Âm Mộc của Mão.  Theo sự giải thích, nó rõ ràng là khái niệm “xung” được thành lập dựa trên nguyên lý “khắc” của lý thuyết ngũ hành [dù là có âm dương kèm theo].  Và điều này có thể nhìn thấy ngay trên cung bàn của Tử Vi.      

Nếu hỏi tiếp tại sao Sửu Mùi xung nhau khi mà cả hai cùng là Kỷ Thổ và tại sao Thìn Tuất xung nhau khi mà cả hai cùng là Mậu Thổ thì thường là được trả lời bằng cái nhìn “ngẩn ngơ.”  May mắn hơn thì sẽ được giải thích là vì Mùi Thổ đới Kim “khắc” Sửu Thổ đới Mộc và Tuất Thổ đới Thủy “khắc” Thìn Thổ đới Hỏa.
H43

 
Với những trả lời trên dường như tất cả được giải thích một cách ổn thỏa đâu vào đấy.  Có điều là  nếu căn cứ theo lý thuyết ngũ hành phổ cập thì 5 hành tương đương nhau và 5 hành lại liên tục theo nhau trên “lộ trình SINH” thì làm gì có được Thổ nằm ở trung ương để phân phối ra bốn cung  Thìn Tuất Sửu Mùi?  Xem vòng tròn bên trái trong hình H43 thì rõ.  Mà không có hành Thổ ở trung ương để phân phối ra 4 cung Thìn Tuất Sửu Mùi thì làm gì có Thổ ở Tứ Quí để làm trung gian cho hành khí chuyển dịch từ Mộc sang Hỏa, từ Hỏa sang Kim, từ Kim sang Thủy rồi từ Thủy sang Mộc.  Mà không có Thổ ở 4 cung Thìn Tuất Sửu Mùi thì làm gì có Thổ đới Hỏa, đới Kim, đới Thủy, đới Mộc để mà Thìn Tuất xung nhau và Sửu Mùi xung nhau?   

Hơn nữa, mỗi cặp “xung nhau” chứ không phải xung một chiều.  Thí dụ như Tí Ngọ xung nhau có nghĩa là Tí xung Ngọ và đồng thời Ngọ cũng xung Tí.  Mà nếu là vậy thì “lộ trình KHẮC” của lý thuyết ngũ hành phổ cập chỉ có thể giải thích được một chiều chứ làm sao có thể giải thích được chiều ngược lại để mà nói là xung nhau. Thí dụ điển hình là chiều Tí xung Ngọ thì đúng là do Thủy khắc Hỏa theo lý thuyết ngũ hành phổ cập nhưng chiều ngược lại Ngọ xung Tí thì làm gì có lộ trình Hỏa khắc Thủy [chỉ có lộ trình Hỏa khắc Kim] trong lý thuyết ngũ hành phổ cập để mà thành lập cái gọi là xung.  Xem ngôi sao 5 cánh trong hình H43 thì rõ.  

Chưa hết, nếu như có khiên cưỡng dùng lý lẽ “khắc xuất” và “khắc nhập” để lý giải đi nữa thì tính chất của khắc xuất cũng sẽ không tương đồng với tính chất khắc nhập.  Điều này có nghĩa là sự vận dụng lý lẽ khắc xuất và khắc nhập cũng không thể giúp để thành lập một cách nghiêm túc cái gọi là “xung nhau” [Tí xung Ngọ không đồng với Ngọ xung Tí thì không thể nói Tí Ngọ xung nhau].             

Như vậy thì, không khó để chúng ta nhận ra là, lý thuyết ngũ hành phổ cập không đủ khả năng để giải thích sự phân bố của ngũ hành trên 12 cung bàn của Tử Vi một cách thuyết phục.  Và cũng không đủ khả năng giải thích Lục Xung một cách thỏa đáng.  Hay nhìn vấn đề và trình bày một cách khác, chúng ta có thể cho là 12 cung bàn của Tử Vi và Lục Xung không được thành lập trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành phổ cập.   

Nếu chúng không được thành lập trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì chúng được thành lập trên nền tảng của lý thuyết nào?  Câu trả lời rất đơn giản.  Cũng như đã từng trả lời trước đây, chúng được thành lập trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy.  Nhìn vào vế bên phải của hình H43 chúng ta sẽ nhận ra ngay sự thật này mà không cần nói thêm một lời nào.  Tuy nhiên để làm cho sáng tỏ hơn, chúng ta cũng nên có sự giải thích.

Như đã từng trình bày trước đây, hành Thổ trong lý thuyết ngũ hành nguyên thủy là một hành trội hơn và đứng vai trò trung gian cho 4 hành còn lại.  Chỉ có 4 hành Thủy Mộc Hỏa Kim là tương tác nhau theo nguyên lý sinh khắc.  Đối lập nhau là khắc.  Kim khắc Mộc tương đồng với Mộc khắc Kim, không hành nào trội hơn.  Hay nói cách khác là Kim Mộc khắc nhau.  Đó là “tương khắc” đúng nghĩa.  Thủy Khắc Hỏa tương đồng với Hỏa khắc Thủy, không hành nào trội hơn.  Hay nói cách khác là Thủy Hỏa khắc nhau.  Đó là “tương khắc” đúng nghĩa.  Bên cạnh nhau là sinh, dầu là theo chiều kim đồng hồ hai ngược kim đồng hồ.  Theo chiều kim đồng hồ: Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Kim, Kim sinh Thủy.  Ngược chiều kim đồng hồ: Kim sinh Hỏa, Hỏa sinh Mộc, Mộc sinh Thủy, Thủy sinh Kim.  Mộc sinh Hỏa cũng tương đồng với Hỏa sinh Mộc, không chiều nào trội hơn chiều nào.  Đó là “tương sinh” đúng nghĩa.  Còn Thổ đứng ở trung ương làm trọng tâm.  Khi phân tán ra ngoài và đứng giữa hai hành khác thì làm trung gian cho sự chuyển hóa.  Xem hình vòng tròn bên phải của H43.  Chính cái vai trò rất đặc biệt của hành Thổ và cái cấu trúc “Thổ ở tâm, 4 hành bên ngoài” của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới có được cái nền tảng để từ đó thành lập 12 cung bàn của Tử Vi như chúng ta thấy trong hình H42, hay ít ra mới có được cái cơ sở để giải thích một cách hợp lý và nghiêm túc cái cấu trúc và sự phân bố ngũ hành trên 12 cung bàn của Tử Vi.  Lý thuyết ngũ hành phổ cập không thể.  Và cũng chính cái nguyên lý “khắc nhau” hay “tương khắc” của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới là nền tảng để thành lập 6 Xung, hay ít ra mới là nền tảng để giải thích một cách hợp lý tính cách “xung nhau” của 6 cặp địa chi.  Lý thuyết ngũ hành không thể.  

Chúng ta sẽ có cơ hội để đi vào chi tiết làm sáng tỏ hơn nữa về sự liên quan chặt chẽ giữa cấu trúc hình của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy [hình vòng tròn bên phải của H43] với cấu trúc hình của 12 cung bàn của Tử Vi trong phần Giải Mã bí ẩn 12 Cung Bàn Của Tử Vi


B. LỤC HỢP
Lục Hợp gồm 6 cặp địa chi hợp nhau theo từng cặp một.  6 Hợp gồm có:
1)     Sửu hợp nhau
2)     Dần Hợi hợp nhau   
3)     Mão Tuất hợp nhau
4)     Thìn Dậu hợp nhau
5)     Tỵ Thân hợp nhau
6)     Ngọ Mùi hợp nhau

Mỗi cặp nhị hợp bày ra trên cung bàn của Tử Vi như cho thấy trong hình H44.



H44

 
Giải thích về Lục Hợp, Đỗ Đình Tuấn viết:

“Theo sự xếp đặt địa chi trong 12 cung : Tý Sửu ở dưới làm đất hợp thổ. Ngọ ở trên làm mặt trời (Thái-dương), Mùi làm mặt trăng (Thái-âm) hợp hỏa, mặt trời mặt trăng ở trên làm trời. Thiên khí của trời tỏa xuống, địa khí của đất bốc lên tạo ra 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông. Dần Hợi ở dưới ngang nhau hợp Xuân mộc. Xuân rồi đến Hạ, nên Mão Tuất hợp hạ hỏa. Hạ đến Thu, nên tiến lên Thìn Dậu hợp Thu kim. Thu đến Đông, nên Tỵ Thân hợp Đông thủy.”  (Trích: Tử Bình Thuyết Minh, Trang 7).

Có lẽ nó cũng không quá đáng để người viết [tôi] vỏ đoán là Đỗ Đình Tuất chỉ chép lại sự giải thích này từ trong một Hán thư nào đó chứ không phải là của riêng ông.  Thực tình mà nói có lẽ mức độ “hí lộng” của đoạn văn trên đã đến mức khó có đối thủ.   

Có một giải thích khác thì cho rằng mỗi cặp hợp nhau là do yếu tố âm dương.  Thí dụ như Dần Hợi hợp nhau là vì Dần thuộc Dương còn Hợi thuộc Âm.  Sách Tam Mệnh Thông Hội viết “hễ hoà hợp, âm dương tương hoà, thì khí âm khí dương hợp nhau. Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất là 6 dương chi gặp Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi 6 âm chi. Một âm một dương hoà hợp với nhau.” 

Có hai trở ngại với giải thích này.  Thứ nhất, so sánh trong nhóm, nếu âm dương là yếu tố để thiết lập cho cái gọi là “hợp” thì tại sao lại chỉ chọn 6 cặp hợp theo kiểu này mà không là kiểu khác [hợp hàng dọc hay hợp chéo hay hợp với tất cả thay vì hợp hàng ngang] trong khi có đến 6 Âm và 6 Dương phân bổ trên cung bàn?  Thứ hai, so sánh ngoài nhóm, xung được thiết lập dựa trên yếu tố ngũ hành còn hợp lại được thiết lập dựa trên yếu tố âm dương và chỉ dựa trên yếu tố âm dương là thế nào?   Giải thích này thiếu sự nhất quán và xuyên suốt.  Trong sách Linh Khu có viết:
Hoàng Đế hỏi Thiếu Sư: Ta thường nghe nói về con người, có người thuộc Âm, có người thuộc Dương, Người như thế nào thì thuộc Âm ? Người như thế nào thuộc Dương ?’.  Thiếu Sư đáp: Trong khoảng Thiên Địa, bên trong lục hợp, tất cả không tách khỏi ngũ hành, con người cũng ứng theo đó, nhưng cũng không phải chỉ có 1 mẫu người Âm, 1 mẫu người Dương mà thôi, nó chỉ được nói 1 cách giản lược mà thôi, lời nói không thể diễn tả rõ rệt được.” (Trích: Linh Khu, Thiên 72: Thông Thiên)

Tách rời âm dương ra khỏi ngũ hành để có được một giải thích “khả dĩ” là một nỗ lực khiên cưỡng, ít ra là trong phạm trù của môn Tử Vi.        

Google chữ “lục hợp” chúng ta có trên 390 ngàn kết quả.  Xới tung tất cả để tìm được một giải thích là lục hợp được thành lập trên căn bản nào thì khó hơn tìm vàng.  Trong số vài ba giải thích tìm thấy, không có được một giải thích nghiêm túc [ít ra là trong quá trình tìm kiếm của người viết].  Tại sao một vấn đề đơn giản như vậy lại không thể tìm được lời giải thích?  Điều này nó nói lên cái gì?   

Với người viết thì đó là vì lý thuyết ngũ hành phổ cập đã thất bại một cách thảm hại trong vấn đề Lục Hợp.  Nó không thể nào giải thích được sự “hợp nhau” của từng cặp địa chi trong Lục Hợp. 
Nếu vận dụng ngũ hành phổ cập để lý giải thì làm sao có thể thành lập được sự tương sinh giữa hai hành Thổ Mộc của cặp Mão Tuất và giữa hai hành Thổ Thủy của cặp Tí Sửu?  Nếu vận dụng ngũ hành phổ cập để lý giải thì làm sao có thể thành lập được sự tương sinh giữa hai hành Hỏa Kim ở hai cặp Thìn Dậu và Tỵ Thân?   Mà đã không thành lập được sự tương sinh giữa hai hành trong mỗi cặp thì không thể thành lập sự “hợp nhau” cho mỗi cặp.  Cho nên, từ không thể giải thích mới dẫn tới chỗ không có giải thích, ngoại trừ một vài cố gắng khiên cưỡng. 

Nếu lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không thể giải thích được vậy thì lý thuyết ngũ hành nguyên thủy có giải thích được không?  Dĩ nhiên là được!

Nhìn vào hình H44 chúng ta sẽ thấy:
·        Tí Sửu hợp nhau là vì Dương Thủy của Tí “sinh” Âm Mộc của Sửu [Thổ đới Mộc] và ngược lại.
·        Dần Hợi hợp nhau là vì Âm Thủy của Hợi “sinh” Dương Mộc của Dần và ngược lại.
·        Mão Tuất hợp nhau là vì Dương Thủy của Tuất [Thổ đới Thủy] “sinh” Âm Mộc của Mão và ngược lại.
·        Thìn Dậu hợp nhau là vì Dương Hỏa của Thìn [Thổ đới Hỏa]  “sinh” Âm Kim của Dậu và ngược lại.
·        Tỵ Thân hợp nhau là vì Âm Hỏa của Tỵ “sinh” Dương Kim của Thân và ngược lại.
·        Ngọ Mùi hợp nhau là vì Dương Hỏa của Ngọ ‘sinh” Dương Kim của Mùi [Thổ đới Kim] và ngược lại.

Lý thuyết của ngũ hành nguyên thủy rút ra từ cuốn sách Việt Dịch của Hà Hưng Quốc được gói gọn trong hình bên phải của H45.  Nó đã được giải thích ở phần Lục Xung cho nên không cần phải nhắc lại.



H45

C. LỤC HẠI
 Lục Hại gồm 6 cặp địa chi hại nhau theo từng cặp một.  6 Hại gồm có:
1)     Tí Mùi hại nhau;
2)     Ngọ Sửu hại nhau;
3)     Dậu Tuất hại nhau;
4)     Thìn Mão hại nhau;
5)     Thân Hợi hại nhau; và
6)     Tỵ Dần hại nhau.

Mỗi cặp hại nhau trên cung bàn của Tử Vi như trong hình H46.

H46

Lục Hại được giải thích: “Hại do hợp và xung tạo ra.  Thí dụ: Tí Sửu hợp mà Mùi xung Sửu, vậy Mùi làm hại Tí.  Tí Sửu hợp, Ngọ xung Tí, vậy Ngọ làm hại Sửu.  Tương tự có Tí Mùi hại nhau, Sửu Ngọ hại nhau, dần Tỵ hại nhau, Mão Thìn hại nhau, Thân Hợi hại nhau, Dậu Tuất hại nhau..” (Tử Bình Thuyết Minh của Đỗ Đình Tuấn, trang 8-9). 

Chiếu theo lôgic này thì chúng ta có thể trình bày như sau:
1)     Tí Mùi hại nhau vì (a) Tí Sửu hợp, Mùi xung Sửu, vậy Mùi hại Tí; và ngược lại (b) Ngọ Mùi hợp, Tí xung Ngọ, vậy Tí hại Mùi.
2)     Ngọ Sửu hại nhau vì (a) Tí Sửu hợp, Ngọ xung Tí, vậy Ngọ hại Sửu; và ngược lại (b) Ngọ Mùi hợp, Sửu xung Mùi, vậy Sửu hại Ngọ.
3)     Dậu Tuất hại nhau vì (a) Mão Tuất hợp, Dậu xung Mão, vậy Dậu hại Tuất; và ngược lại (b) Thìn Dậu hợp, Tuất xung Thìn, vậy Tuất hại Dậu.
4)     Thìn Mão hại nhau vì (a) Mão Tuất hợp, Thìn xung Tuất, vậy Thìn hại Mão; và ngược lại (b) Thìn Dậu hợp, Mão xung Dậu, vậy Mão hại Thìn.
5)     Thân Hợi hại nhau vì (a) Dần Hợi hợp, Thân xung Dần, vậy Thân hại Hợi; và ngược lại (b) Tỵ Thân hợp, Hợi xung Tỵ vậy Hợi hại Thân.
6)     Tỵ Dần hại nhau vì (a) Dần Hợi hợp, Tỵ xung Hợi, vậy Tỵ hại Dần; và ngược lại (b) Tỵ Thân hợp, Dần xung Thân, vậy Dần hại Tỵ.

   
Hại qua hại lại [hai chiều] cho nên nói là hại nhau.  Vận dụng chữ “hợp” và chữ “xung” để giải thích Lục Hại có cái bất lợi là nó đã che lấp yếu tố ngũ hành trong việc thành lập chữ “hại.”  Chúng ta cần lột bỏ cái lớp che này để thấy chân tướng của nó cho rõ hơn.  Trước hết là lột bỏ chữ “xung” và chữ “hợp” để thấy chữ “sinh” và chữ “khắc” mà không vội quan tâm đến ngũ hành, chỉ quan tâm đến lôgic.  Sau khi đã xác lập cung nào sinh cung nào và cung nào khắc cung nào đúng với lôgic hợp xung tạo hại xong rồi thì chúng ta mới lột bỏ chữ “cung” để thay vào đó là “ngũ hành” của “cung”.  Sau cùng chúng ta mới bàn tới lý thuyết ngũ hành.       

Như chúng ta đã biết:
1)     không thành lập được “tương sinh”  giữa hai cung thì không thể thành lập được “tương hợp” giữa hai cung đó;
2)     không thành lập được “tương khắc” giữa hai cung thì  không thể  thành lập “tương xung” giữa hai cung đó; và
3)     không thành lập được “tương xung” và “tương khắc” giữa ba cung liên hệ thì không thành lập được “tương hại” giữa hai trong số ba cung đó.

Ngược lại, một khi:
1)     Đã xác lập “tương hại” giữa 2 cung thì cũng đương nhiên xác lập “tương xung” và “tương hợp” của 3 cung liên hệ;
2)     Đã xác lập “tương xung” giữa hai cung thì cũng đương nhiên xác lập “tương khắc” giữa hai cung đó; và
3)     Đã xác lập “tương hợp” giữa hai cung thì cũng đương nhiên các lập “tương sinh” giữa hai cung đó.

H47

 
Hay nói cách khác, một khi đã xác lập “C hại B” tức là đồng thời xác lập “A sinh B” và xác lập “C khắc” A.”  Tương tự, một khi đã xác lập “B hại C” tức là đồng thời xác lập “D sinh C” và xác lập “B khắc D.”  Xem H47.  

Như vậy:

1)     Tí Mùi hại nhau thì (a) Sửu sinh Tí, Mùi khắc Sửu, vậy Mùi hại Tí; và ngược lại (b) Ngọ sinh Mùi, Tí khắc Ngọ, vậy Tí hại Mùi.  Xem H47A.

H47A


2)       Ngọ Sửu hại nhau thì (a) Tí sinh Sửu, Ngọ khắc Tí, vậy Ngọ hại Sửu; và ngược lại (b) Mùi sinh Ngọ, Sửu khắc Mùi, vậy Sửu hại Ngọ.  Xem H47B.


 
H47B

3)       Dậu Tuất hại nhau thì (a) Mão sinh Tuất, Dậu khắc Mão, vậy Dậu hại Tuất; và ngược lại (b) Thìn sinh Dậu, Tuất khắc Thìn, vậy Tuất hại Dậu.  Xem H47C.


 
H47C

4)       Thìn Mão hại nhau vì (a) Tuất sinh Mão, Thìn khắc Tuất, vậy Thìn hại Mão; và ngược lại (b) Dậu sinh Thìn, Mão khắc Dậu, vậy Mão hại Thìn. Xem H47D.


H47D

5)       Thân Hợi hại nhau vì (a) Dần sinh Hợi, Thân khắc Dần, vậy Thân hại Hợi; và ngược lại (b) Tỵ sinh Thân, Hợi khắc Tỵ vậy Hợi hại Thân.  Xem H47E.


H47E

6)       Tỵ Dần hại nhau vì (a) Hợi sinh Dần, Tỵ khắc Hợi, vậy Tỵ hại Dần; và ngược lại (b) Thân sinh Tỵ, Dần khắc Thân, vậy Dần hại Tỵ.  Xem H47F.


H47F

Bây giờ chúng ta xé tới liên hệ ngũ hành của từng trường hợp một, và xét trong tương quan với lý thuyết ngũ hành phổ cập và lý thuyết ngũ hành nguyên thủy.  Một lần nữa cũng xin nhắc lại là sự khác nhau giữa hai lý thuyết ngũ hành được tóm gọn trong hình H48.



H48

Trường Hợp Tí Mùi Hại Nhau:
  1. Trong liên minh Tí Sửu, Mộc của Sửu [Thổ đới Mộc] sinh Thủy của Tí.  Hậu thuẩn của Sửu làm tăng sức mạnh của Tí.  Mùi xung Sửu là vì Kim của Mùi [Thổ đới Kim] khắc Mộc của Sửu [Thổ đới Mộc].  Sửu bị Mùi đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Tí, vì vậy mới nói Mùi hại Tí.  Xem H49, hình bên phải. 
Trong liên minh Ngọ Mùi, Hỏa của Ngọ sinh Kim của Mùi [Thổ đới Kim].  Hậu thuẩn của Ngọ làm tăng sức mạnh của Mùi.  Tí xung Ngọ là vì Thủy của Tí khắc Hỏa của Ngọ.  Ngọ bị Tí đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Mùi, vì vậy mới nói Tí hại Mùi.  Xem H49, hình bên trái.
 
 
H49

 
Xét những liên hệ sinh khắc, nói “Mộc sinh Thủy” [trong phần A] và nói “Hỏa sinh Kim” [trong phần B] là điều không thể nào chấp nhận được, chiếu theo lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Nhưng cổ nhân sáng tạo ra Lục Hại đã nói thế, không phải người viết nói [đó cũng là lý do tại sao người viết phải tốn nhiều thời gian cẩn thận thiết lập từng bước một để chứng minh luận điểm của mình].  Như vậy thì chỉ có thể đi đến một trong hai kết luận là (1) Lục Hại hoàn toàn sai hoặc (2) Lý thuyết ngũ hành phổ cập không đủ khả năng giải thích.  Bây giờ nếu chúng ta nhìn lại H48, hình bên phải, chúng ta sẽ nhận ra rằng “Mộc sinh Thủy” và “Hỏa sinh Thủy” hoàn toàn hợp lý với lý thuyết ngũ hành nguyên thủy bởi vì nguyên lý tương sinh [hai chiều] của nó.  Hay nói một cách khác, lý thuyết ngũ hành nguyên thủy có khả năng giải thích ngũ hành sinh khắc trong Lục Hại trong khi lý thuyết ngũ hành phổ cập hoàn toàn bất lực.     

Trường Hợp Ngọ Sửu Hại Nhau:
  1. Trong liên minh Tí Sửu, Thủy của Tí sinh Mộc của Sửu [Thổ đới Mộc].  Hậu thuẩn của Tí làm tăng sức mạnh của Sửu.  Ngọ xung Tí là vì Hỏa của Ngọ “khắc” Thủy của Tí.  Tí bị Ngọ đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Sửu, vì vậy mới nói Ngọ hại Sửu.  Xem H50, hình bên phải.
Trong liên minh Ngọ Mùi, Kim của Mùi [Thổ đới Kim] “sinh” Hỏa của Ngọ.  Hậu thuẩn của Mùi làm tăng sức mạnh của Ngọ.  Sửu xung Mùi là vì Mộc của Sửu [Thổ đới Mộc] “khắc” Kim của Mùi [Thổ đới Kim].  Mùi bị Sửu đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Ngọ, vì vậy mới nói Sửu hại Ngọ.  Xem H50, hình bên trái

H50


Xét những liên hệ sinh khắc, nói “Hỏa khắc Thủy” [trong phần A] hay nói “Kim sinh Hỏa” và “Mộc khắc Kim” [trong phần B] đều là  “không đúng” với kinh điển của lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Chiếu theo nguyên lý sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì chỉ có Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim và Kim khắc Mộc.  Nhưng rõ ràng là liên hệ ngũ hành của Lục Hại đã xác lập “Hỏa khắc Thủy” và “Kim sinh Hỏa” và “Mộc khắc Kim” [không phải người viết xác lập].  Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy cũng hoàn toàn đồng ý với Lục Hại.  Nếu chấp nhận Lục Hại thì rõ ràng là lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không đủ khả năng để giải thích Lục Hại và chỉ có lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới làm được điều đó.

Trường Hợp Dậu Tuất Hại Nhau:
  1. Trong liên minh Mão Tuất, Mộc của Mão sinh Thủy của Tuất [Thổ đới Thủy].  Hậu thuẩn của Mão làm tăng sức mạnh của Tuất.  Dậu xung Mão là vì Kim của Dậu khắc Mộc của Mão.  Mão bị Dậu đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Tuất, vì vậy mới nói Dậu hại Tuất.  Xem H51, hình bên phải.
Trong liên minh Thìn Dậu, Hỏa của Thìn [Thổ đới Hỏa] sinh Kim của Dậu. Hậu thuẩn của Thìn làm tăng sức mạnh của Dậu. Tuất xung Thìn là vì Thủy của Tuất [Thổ đới Thủy] khắc Hỏa của Thìn [Thổ đới Hỏa].  Thìn bị Tuất đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Dậu, vì vậy mới nói Tuất hại Dậu.  Xem H51, hình bên trái.



H51


Xét những liên hệ sinh khắc, nói “Mộc sinh Thủy” [trong phần A] hay nói “Hỏa sinh Kim” và “Hỏa khắc Thủy” [trong phần B] đều là không thấy trong kinh điển của lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Chiếu theo nguyên lý sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì chỉ có Thủy sinh Mộc, Hỏa khắc Kim và Thủy khắc Hỏa.  Nhưng rõ ràng là liên hệ ngũ hành của Lục Hại đã xác lập “Mộc sinh Thủy” và “Hỏa sinh Kim” và “Hỏa khắc Thủy” [không phải người viết xác lập].  Hơn nữa lý thuyết ngũ hành nguyên thủy cũng hoàn toàn đồng ý với Lục Hại.  Nếu chấp nhận Lục Hại thì rõ ràng là lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không đủ khả năng để giải thích Lục Hại.  Và chỉ có lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới làm được điều đó.

Trường Hợp Thìn Mão Hại Nhau:
  1. Trong liên minh Mão Tuất, Thủy của Tuất [Thổ đới Thủy] sinh Mộc của Mão.  Hậu thuẩn của Tuất làm tăng sức mạnh của Mão.  Thìn xung Tuất là vì Hỏa của Thìn [Thổ đới Hỏa] khắc Thủy của Tuất.  Tuất bị Thìn đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Mão, vì vậy mới nói Thìn  hại Mão.  Xem H52, hình bên phải.
  2. Trong liên minh Thìn Dậu, Kim của Dậu sinh Hỏa của Thìn [Thổ đới Hỏa].  Hậu thuẩn của Dậu làm tăng sức mạnh của Thìn.  Mão xung Dậu là vì Mộc của Mão khắc Kim của Dậu.  Dậu bị Mão đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Thìn, vì vậy mới nói Mão hại Thìn.  Xem H52, hình bên trái.

H52


Xét những liên hệ sinh khắc, rõ ràng là Lục Hại đã xác lập “Hỏa khắc Thủy” [trong phần A] và “Kim sinh Hỏa” cùng “Mộc khắc Kim” [trong phần B].  Chiếu theo nguyên lý sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì chỉ có Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim và Kim khắc Mộc.  Tuy nhiên lý thuyết ngũ hành nguyên thủy lại hoàn toàn đồng ý với Lục Hại.  Nếu chấp nhận Lục Hại thì rõ ràng là lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không đủ khả năng để giải thích.  Và chỉ có lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới làm được điều đó.

Trường Hợp Thân Hợi Hại Nhau:
  1. Trong liên minh Dần Hợi, Mộc của Dần sinh Thủy của Hợi.  Hậu thuẩn của Dần làm tăng sức mạnh của Hợi.  Thân xung Dần là vì Kim của Thân khắc Mộc của Dần.  Dần bị Thân đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Hợi, vì vậy mới nói Thân  hại Hợi.  Xem H53, hình bên phải.
  2. Trong liên minh Tỵ Thân, Hỏa của Tỵ sinh Kim của Thân.  Hậu thuẩn của Tỵ làm tăng sức mạnh của Thân.  Hợi xung Tỵ là vì Thủy của Hợi khắc Hỏa của Tỵ.  Tỵ bị Hợi đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Thân, vì vậy mới nói Hợi hại Thân.  Xem H53, hình bên trái.


H53


Xét những liên hệ sinh khắc, rõ ràng là Lục Hại đã xác lập “Mộc sinh Thủy” [trong phần A] và “Hỏa sinh Kim” [trong phần B].  Chiếu theo nguyên lý sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì chỉ có Thủy sinh Mộc chứ không có Mộc sinh Thủy và chỉ có Hỏa khắc Kim chứ không có Hỏa sinh Kim.  Tuy nhiên lý thuyết ngũ hành nguyên thủy lại hoàn toàn đồng ý với Lục Hại.  Nếu chấp nhận Lục Hại thì rõ ràng là lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không đủ khả năng để giải thích.  Và chỉ có lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới làm được điều đó.

Trường Hợp Tỵ Dần Hại Nhau:
 vì (a) Dần Hợi hợp, Tỵ xung Hợi, vậy Tỵ hại Dần; và ngược lại (b) Tỵ Thân hợp, Dần xung Thân, vậy Dần hại Tỵ.
  1. Trong liên minh Dần Hợi, Thủy của Hợi sinh Mộc của Dần.  Hậu thuẩn của Hợi làm tăng sức mạnh của Dần.  Tỵ xung Hợi là vì Hỏa của Tỵ khắc Thủy của Hợi.  Hợi bị Tỵ đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Dần, vì vậy mới nói Tỵ hại Dần.  Xem H54, hình bên phải.
  2. Trong liên minh Tỵ Thân, Kim của Thân sinh Hỏa của Tỵ.  Hậu thuẩn của Thân làm tăng sức mạnh của Tỵ.  Dần xung Thân là vì Mộc của Dần khắc Kim của Thân.  Thân bị Dần đánh thẳng mặt làm cho nó không còn đủ sức để giúp đồng minh Tỵ, vì vậy mới nói Dần hại Tỵ.  Xem H54, hình bên trái.


H54
  

Xét những liên hệ sinh khắc, rõ ràng là Lục Hại đã xác lập “Hỏa khắc Thủy” [trong phần A] cùng với “Kim sinh Hỏa” và “Mộc khắc Kim” [trong phần B].  Chiếu theo nguyên lý sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì chỉ có Thủy khắc Hỏa chứ không có Hỏa khắc Thủy, chỉ có Mộc sinh Hỏa chứ không có Kim sinh Hỏa, và chỉ có Kim khắc Mộc chứ không có Mộc khắc Kim.  Tuy nhiên lý thuyết ngũ hành nguyên thủy lại hoàn toàn đồng ý với Lục Hại.  Nếu chấp nhận Lục Hại thì rõ ràng là lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không đủ khả năng để giải thích.  Và chỉ có lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới làm được điều đó.

Tóm lại có tất cả là 12 trường hợp hại một chiều làm thành 6 hại nhau.  Với 4 cung Tí Sửu Ngọ Mùi chỉ có 4 trường hợp hại.  Đó là Ngọ hại Sửu, Sửu hại Ngọ, Tí hại Mùi và Mùi hại Tí. 4 trường hợp hại một chiều này làm thành 2 hại nhau.  Đó là, Ngọ Sửu hại nhau và Tí Mùi hại nhau.  Xem H55.  Với 4 cung Thìn Tuất Mão Dậu chỉ có 4 trường hợp hại.  Đó là Thìn hại Mão, Mão hại Thìn, Dậu hại Tuất và Tuất hại Dậu. 4 trường hợp hại một chiều này làm thành 2 hại nhau.  Đó là, Thìn Mão hại nhau và Tuất Dậu hại nhau.  Xem H56.  Với 4 cung Dần Thân Tỵ Hợi chỉ có 4 trường hợp hại. Đó là Tỵ hại Dần, Dần hại Tỵ, Thân hại Hợi và Hợi hại Thân. 4 trường hợp hại một chiều này làm thành 2 hại nhau.  Đó là, Tỵ Dần hại nhau và Thân Hợi hại nhau.  Xem H57. 

H55
H56
H57

 

Như đã trình bày, 12 TRƯỜNG HỢP NÀY ĐÃ XÁC LẬP chiều SINH và chiều KHẮC của ngũ hành trong từng trường hợp một đối với những cung liên hệ để thành lập HẠI.  Và chúng ta thấy đã rất nhiều lần lý thuyết ngũ hành phổ cập không thể giải thích được nguyên lý sinh khắc của ngũ hành trong Lục Hại qua sự xác lập của 12 trường hợp trên.  Trong khi đó, nguyên lý sinh khắc của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy lại có khả năng giải thích một cách trọn vẹn.  Sự thật phơi bày, không tùy tiện cũng không biện chứng lòng vòng. 

Cũng như trước đây, thêm một lần nữa những cái dường như là bí ẩn thực ra chẳng có gì là bí ẩn.  Chúng chỉ đơn giản là những dấu ấn thất bại của lý thuyết ngũ hành phổ cập trong việc giải thích về những điều liên quan đến ngũ hành.  Nếu không phủ nhận Lục Hại, chúng ta không thể nói gì khác ngoài việc chấp nhận là lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không thể giải thích được những tương tác của ngũ hành trong Lục Hại.  Không thể giải thích được vì, theo người viết, Lục Hại không được thiết lập trên nền tảng của lý thuyết ngũ hành phổ cập, một lý thuyết đã bị sai lệch theo thời gian.  Ngược lại, lý thuyết ngũ hành nguyên thủy, lấy từ trong Việt Dịch, mới chính là nền tảng của Lục Hại do đó có khả năng giải thích Lục Hại [và những bí ẩn khác] một cách dễ dàng.  
  


tiếp theo: Giải Mã Những Bí Ẩn Trong Tử Vi - bài 7

2 comments:

  1. Tử vi 2019 của 12 cung hoàng đạo. Xem chi tiết về tình duyên, công danh, sự nghiệp, học tập
    https://meozodiac.com/tu-vi-12-cung-hoang-dao-nam-2019

    ReplyDelete
  2. BÀI VIẾT RẤT TƯỜNG MINH VÀ THUẬN LÝ

    ReplyDelete