(Bàn lại với ông Trần Trọng Dương)
Hà Văn Thùy
“Tiếng Việt thời Hùng Vương – hay lâu đài cất từ hơi nước?”* là bài viết có ngôn từ sắc bén, biện luận xác đáng, chứng cứ vững chắc. Thêm nữa, tác giả của nó, ông Trần Trọng Dương luôn giữ thái độ tương kính với người đối thoại, thật đáng là mực thước của văn hóa tranh luận.
Nhìn từ góc độ khoa học, ta thấy, toàn bộ chứng cứ của tác giả đều dựa vào Từ Nguyên, Tứ khố toàn thư… là những thư tịch kinh điển Trung Hoa, vốn được coi là khuôn vàng thước ngọc, là chuẩn mực tối thượng khi so sánh với ngôn ngữ Việt. Giống như định đề trong toán học, người ta chỉ có thể chấp nhận mà không có quyền bàn cãi.
Đó là thói quen mang tính truyền thống có từ nghìn năm nay, đã chi phối mọi suy nghĩ của giới khoa bảng vốn nhiễm nặng chủ nghĩa Hoa tâm. Kinh nghiệm cho hay, càng những người thông thạo cổ văn thì căn bệnh này càng nặng. Nặng đến nỗi người ta chưa bao giờ dám bất kính thử đặt ra câu hỏi: ngôn ngữ Trung Hoa từ đâu ra? Nói cho cùng, dù thế nào đi nữa thì chỉ khi trả lời thỏa đáng câu hỏi trên, mới đủ cơ sở phân định vấn đề đang thảo luận.
Trong bài viết này, chúng tôi mạo muội bàn lại đôi điều.
I. Lịch sử phải viết lại
“Ngôn ngữ Trung Hoa từ đâu ra?” là câu hỏi lớn, đụng chạm tới gốc rễ nền văn hóa vào bậc nhất thế giới. Nhưng trước khi trả lời câu hỏi này, phải trả lời câu hỏi còn quan thiết hơn: người Trung Hoa từ đâu ra?
Cho tới cuối thế kỷ XX, vẫn tồn tại giả thuyết cho rằng, người Hoa Hạ, tổ tiên người Trung Hoa hiện đại, đã từ bắc sông Hoàng Hà vào Trung Nguyên lập nên đất nước Trung Quốc. Một thuyết khác cho rằng, tổ tiên người Trung Hoa đã từ cao nguyên Thiên Sơn di cư xuống tạo dựng nước Trung Hoa. Cả hai thuyết đều nhất quán ở một điểm: người Trung Hoa đã tự làm ra văn hóa cùa mình! Hệ quả của những thuyết này là chủ nghĩa Hoa tâm: Trung Hoa là trung tâm của thế giới. Người Trung Hoa ban phát văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ cho các dân tộc Đông Á. Đó là kiến thức kinh điển cho tới nay của phần lớn giới khoa bảng Việt.
Tuy nhiên, sang thế kỷ này, với hàng loạt phát kiến di truyền học tìm ra tổ tiên cùng hành trình chiếm lĩnh Trái đất của loài người (1), bức tranh thời tiền sử châu Á đã được vẽ lại.
Khoảng 70.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens từ châu Phi theo bờ biển Nam Á tới miền Trung và Bắc Việt Nam. Tại đây, hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid. Sống trong môi trường thuận lợi, người Việt tăng nhân số, lan ra khắp Đông Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt lên khai phá đất Trung Hoa.
Cũng trong thời gian trên, có những nhóm Mongoloid riêng lẻ, đi từ phía tây Đông Dương lên sống ở vùng Thiểm Tây, Cam Túc và bắc Hoàng Hà. Họ chuyển từ săn bắt, hái lượm sang du mục, trở thành tổ tiên của những bộ lạc Mông Cổ thuộc chủng Mongoloid phương Bắc.
Muộn nhất là 5000 năm TCN, ở vùng đệm bên sông Hoàng, đã có sự gặp gỡ hòa huyết giữa người Bách Việt và người Mongoloid phương Bắc, cho ra đời những lớp con lai thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Đấy là chủng thứ 5 trong cộng đồng Bách Việt, do người Lạc Việt (Indonesien) dẫn dắt.
Khoảng 2600 năm TCN, một số bộ tộc Mông Cổ du mục do họ Hiên Viên dẫn đầu, vượt sông Hoàng Hà, chiếm giang sơn của Bách Việt. Một bộ phận ưu tú người Việt lên thuyền, theo Hoàng Hà vượt biển trở lại Việt Nam, dựng nước Văn Lang. Đại bộ phận dân Bách Việt ở lại chung sống với quân xâm lăng. Kẻ thắng trận là những bộ lạc thiểu số với số dân ít, đời sống khó khăn, bắt gặp vùng đất mênh mông, kinh tế trù phú và số dân đông đúc nên không thể và không cần thực hiện chính sách diệt chủng hay nô lệ hoá kẻ thua trận. Người chủ mới đã thực thi chính sách chung sống khôn khéo: đảm bảo quyền lợi cao nhất cho mình đồng thời không bần cùng hóa kẻ bị trị tới mức phải nổi lên chống lại. Trên đại thể, người Mông Cổ bỏ phương thức du mục, chuyển sang làm quan cai trị, làm công nghiệp, thương nghiệp - những ngành nghề hợp với sở trường và sinh lãi cao. Họ để cho người Bách Việt làm nông nghiệp, tạp dịch và đi lính. Chính vì vậy, cùng với người Mông Cổ, người Bách Việt được an cư lạc nghiệp, đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng xã hội mới cả về kinh tế lẫn văn hoá. Nhờ thế, chỉ trong vòng 300 năm, từ Hoàng Đế qua Đế Cốc, Đế Chí, sang Đế Nghiêu (2356 TCN) đã là thời Hoàng Kim của xã hội Trung Hoa cổ. (2)
Quy luật phổ quát của nhân loại là những bộ lạc du mục thường mạnh về vũ trang nhưng văn hóa kém phát triển. Trong khi đó dân nông nghiệp có nền văn hóa cao nhưng lại kém trong chiến trận. Là tộc người giữ vị trí lãnh đạo cộng đồng Bách Việt, người Lạc Việt có ngôn ngữ phát triển. Trong khi đó, ngôn ngữ Hán Tạng (Sino -Tibétan) chỉ tồn tại trong những bộ lạc thiểu số sống ở vùng Thiểm Tây, Cam Túc. Sự vượt trội thể hiện ở chỗ số lượng từ vựng của người Lạc Việt nhiều, có khả năng biểu cảm cao đồng thời có nhiều từ thể hiện những khái niệm trừu tượng, đủ sức làm nên kinh Thi, kinh Dịch...
Khi sống trong cộng đồng cư dân mới, người gốc Bách Việt – mà kẻ xâm lăng gọi là lê dân, tức dân có nước da đen – vẫn dùng tiếng nói và cách nói của mình. Cùng với thời gian, họ học thêm những từ mới của người láng giềng Mông tộc. Cũng như vậy, người Mông bổ sung từ ngữ của lê dân vào tiếng nói của mình. Dần dần toàn bộ từ vựng trở thành của chung. Điều này cũng giống như ngôn ngữ Việt hiện đại: sau năm 1975 trong giao tiếp cũng như viết lách, có việc dùng trộn trạo tiếng Nam lẫn tiếng Bắc.
Từ vựng hòa đồng khá dễ dàng nhưng người gốc Mông và gốc Việt vẫn giữ cách nói tức ngữ pháp riêng của mình. Ngữ pháp là yếu tố khá bền vững của ngôn ngữ và là tiêu chí quan trọng phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Tiếng Việt tuân theo luật “Chính trước phụ sau” với nội dung: “Trong một câu đơn, các từ ngữ nối tiếp nhau theo một trật tự như thế nào mà mỗi từ đi sau làm rõ ý nghĩa của từ đi trước hay của một trong những từ đi trước». Trong khi đó tiếng Hán Mông tuân thủ quy luật ngược lại “phụ trước chính sau”. Do sống dưới sự thống trị của người Mông nên người Việt phải tuân theo cách nói của kẻ cầm quyền. Quá trình này là lâu dài và được chi phối bởi quy luật: các vùng đất trong một quốc gia thường học theo cách nói của trung tâm, của kinh đô. Người Mông thống trị tập trung ở các đô thị, ra mệnh lệnh, giấy tờ theo cách nói, cách viết của mình. Lê dân, dù ngày thường nói và viết theo thói quen của người Việt nhưng khi lên thủ đô, khi viết những văn bản hành chính, buộc phải theo cách nói, cách viết của chính quyền. Rồi trường học được mở, học trò phải nói và viết theo “chuẩn”. Cứ như vậy dần dần cách nói, cách viết của người Mông trở thành thống lĩnh. Ban đầu tiếng nói được ký tự bằng chữ Khoa đẩu của người Việt. Khi chế ra chữ vuông, tất cả từ vựng chuyển sang viết bằng chữ vuông: tiếng Việt biến thành tiếng Hán.(3)
Như vậy, ta có thể nói chắc rằng: Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Chỉ khi người Trung Hoa không còn là chủng Mongoloid phương Nam, không phải là “Viêm Hoàng tử tôn” thì chuyện đó mới không xảy ra!
II. Tìm dấu vết Việt trong thư tịch Trung Hoa
Cái yếu nhất trong các nghiên cứu tiếng Việt cổ của tiến sĩ Lê Mạnh Thát và nhiều người khác là chưa có “xuất thổ văn hiến”, tức là chưa tìm được chữ của tổ tiên được khắc trên đá, trên xương thú, đồ gốm hay đồ đồng để trưng ra trước bàn dân thiên hạ. Nhưng bằng dự cảm, không ít người từ lâu đã nhận ra dấu vết tiếng Việt tồn tại trong ngôn ngữ Trung Hoa.
Trước hết là những tên riêng.
Truyền thuyết cũng như sách vở Trung Hoa đều ghi những tên riêng: Thần Nông, Nữ Oa, Đế Minh, Đế Nghi. Những tên Việt này nói lên điều gì? Trước đây không giải thích được. Nhưng khi khám phá ra lịch sử hình thành dân cư cùng đất nước Trung Hoa, ta hiểu rằng, đó là tên những vị vua Bách Việt tiền Hoàng Đế. Người Trung Hoa là hậu duệ Viêm Đế nên ghi nhớ tổ Thần Nông, Nữ Oa rồi Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai. Có một điều mà chúng ta luôn tự hỏi nhưng chưa trả lời được: vì sao sau Hoàng Đế, một vị vua người Mông Cổ, mang tên Mông Cổ lại là những vị vua tên Việt: Đế Cốc, Đế Chí, Đế Nghiêu, Đế Thuấn? Các vị là người Việt chăng? Có lẽ không phải vậy. Hợp lý hơn thì họ là những người lai, ra đời từ cuộc hòa huyết Việt-Mông. Có thể lúc đầu họ là lê dân bách tính, sống chan hòa trong cộng đồng Việt nên được đặt tên Việt. Nhưng rồi do tài năng, đức độ, họ được cộng đồng bầu làm thủ lĩnh, tôn xưng đế vị? Dù gì đi nữa thì việc xuất hiện những tên riêng Việt như vậy cũng là chỉ dấu xác nhận tiếng Việt đã gia nhập ngôn ngữ Trung Hoa.
Vết tích thứ hai ta thường gặp trong văn tự Trung Hoa là tên 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần…Thời gian dài với mặc cảm tự ty, chúng ta cứ ngỡ rằng ta học của người Tàu. Nhưng gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy: đó là những từ Việt gia nhập ngôn ngữ Hán. Người Hán phải dùng lối tá âm để đưa những từ này vào ngôn ngữ của họ.(4)
Một vết tích khác là câu nhại tiếng kêu của con gà gô (đa đa) : “Bất thực cốc Chu gia.” Người Hán không nói thế, mà nói “Chu gia cốc”. Phải chăng đây là cách nói của dân gian Việt rồi được người Hán dùng theo?
Dấu vết rõ ràng nhất là kết cấu kiểu “trung tâm”, “trung đình”… như tiến sĩ Lê Mạnh Thát phát hiện. Đấy là kết cấu ngữ pháp không bình thường trong Hán ngữ, không chỉ có ở Lục độ tập kinh mà còn khá phổ biến ở kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch…(3) Hiện tượng này chứng tỏ điều gì? Nó nói lên rằng, hình thái trung – định là thành phần không thể phủ nhận trong ngôn ngữ Trung Hoa.
Vấn đề ở đây là, vì sao trong một ngôn ngữ vốn vận hành theo cấu trúc “phụ - chính” lại xuất hiện lối “nói ngược” là kết cấu “chính - phụ” này? Trước đây không thể lý giải được. Vì vậy sự phê bình tiến sĩ Lê Mạnh Thát của ông Trần Trọng Dương tỏ ra đầy sức mạnh: “Ông đã đem những cái “phi đồng đại” ở những không gian địa lý khác nhau so sánh và đồng quy. Nói đơn giản hơn: ông dùng cái tư duy tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt hiện đại) để tìm kiếm một số ít hiện tương tương đồng trong một văn bản Hán văn cổ, sau đó đưa ra 2 chủ ý: 1.Bản Hán văn bị ảnh hưởng của tiếng Việt; 2. Tiếng Việt thời Hùng Vương không có thay đổi gì so với tiếng Việt hiện nay ở kết cấu trung - định”
Nhưng đó là trước kia. Bây giờ chúng ta biết được rằng, tổ tiên ta là chủ nhân ông đầu tiên của đất Trung Hoa, từng sống ba bốn bốn vạn năm trên lưu vực Hoàng Hà, tiếng nói Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán thì vấn đề đã khác. Không còn là “những cái “phi đồng đại” ở những không gian địa lý khác nhau” như ông Trần lầm tưởng mà là sự truyền giao, kế thừa từ nguồn cội!
Rõ ràng, đó là dấu vết của cách nói Việt được bảo lưu trong ngôn ngữ Trung Hoa. Tiếng Việt theo quy luật “chính trước phụ sau”, còn tiếng Hán ngược lại, “phụ trước chính sau” . Trong quá trinh hình thành ngôn ngữ Trung Hoa, do ở vai trò bị trị mà cách nói “chinh trước phụ sau” của người Việt bị mai một, chỉ cấu trúc này tồn tại.
Ở đây, xin có điều bàn lại với ông Trần.
Ông viết:
“ Trung cung, trung tâm, trung đình là những từ song tiết (có nghĩa). Từ pháp của chúng đều là theo cấu trúc phụ-chính. Trung lúc này nghĩa là “ở giữa, ở bên trong” (= inside adj), nghĩa đen là “cung ở chính giữa”, “tim ở trong ngực”, “cái sân giữa.” Các từ này được ghi nhận trong từ điển Từ nguyên [1997. Thương vụ ấn thư quán. Bắc Kinh] như sau:
“Trung cung: 1.Nơi ở của hoàng hậu, để phân biệt hai cung Đông và cung Tây, cho nên thường dùng từ này để gọi thay cho hoàng hậu...2.Chỉ vùng trời nơi sao Bắc cực ở.” [tr.0047.2] Nên câu “王及夫人。自然還在本國中宮正殿上坐。如前不異。Vương cập phu nhân, tự nhiên hoàn tại bản quốc trung cung chính điện thượng tọa, như tiền bất dị” trong truyện 13 tờ 7c13 nên dịch là “vua và phu nhân tự nhiên ngồi ở trung cung (cung chính giữa) nước mình, ngồi trên chính điện như trước, không hề khác.” chứ không dịch là “ngồi trên chính điện trong cung”[tr.583]. Câu “爾王 者之子生於榮樂長於中宮Nhĩ vương giả chi tử, sinh ư vinh lạc, trưởng ư trung cung...” nên dịch là “nàng là con vua, sinh ra trong vui sướng, lớn lên ở nơi cung cấm.” Chỉ có chữ “ư” là giới từ, chữ cung trung là từ song tiết như chữ “vinh lạc” ở câu trên.
“Trung tâm: 1.Nội tâm/ cõi lòng. Tim ở trong ngực, cho nên gọi trung tâm. Bài Hữu phu chi đỗ phần Đường phong trong Kinh thi có câu: ‘trung tâm hiếu chi’; 2. Chính giữa của sự vật...’” [Từ Nguyên: tr.0045.4]. Cho nên, từ “trung tâm” trong các câu “trung tâm sảng nhiên”, “trung tâm hoan hỉ”, “trung tâm đát cụ”...đều dịch lần lượt theo nghĩa là “cõi lòng nhẹ nhõm/ hoan hỉ/ sợ hãi...” cả.”
Đọc đoạn dẫn trên, ta không khỏi thấy sự khiên cưỡng. Trong suy nghĩ thông thường, dân gian đều hiểu “trung cung” nghĩa là trong cung. Giữa hàng trăm hàng nghìn trường hợp “trung cung” với nghĩa trong cung thì cung cấm chỉ là biệt lệ, một trùng hợp duy nhất của ngôn ngữ Hoa.
Còn “trung đình” là cái sân giữa thì… bó tay! Thông thường, một ngôi nhà chỉ có một cái sân! Nếu có hai thì phải một cái phía sau nhà và gọi là sân sau. Vậy tìm đâu ra cái sân giữa?
Còn “tim ở trong ngực, cho nên gọi trung tâm” theo cách giải của Từ nguyên cũng thật tức cười!
Nếu đem cách thức của ông Trần áp dụng vào giải kinh Thư, kinh Thư, kinh Dịch, ta sẽ được:
- Thi vu trung cốc (bài Cát đàm, kinh Thi) sẽ không dịch là dây sắn bò lan trong hang mà phải dịch: dây sắn bò ở hang giữa
- Hồ vi hồ trung lộ (bài Thức vi, kinh Thi) sẽ không dịch là đầm đìa trong sương mà phải dịch: đầm đìa sương giữa
- Tại bỉ trung hà (bài Bách châu, kinh Thi) sẽ không dịch là trôi xuôi giữa dòng mà phải dịch là trôi ở dòng giữa!
- Trung cấu chi ngôn (bài Tường hữu từ, kinh Thi) không dịch là những lời trong buồng kín mà dịch: lời ở căn buồng giữa!
- Hàm tắc tam nhưỡng, thành phú trung bang (Thiên Vũ Cống câu 31 kinh Thư- Thẩm Quỳnh dịch) sẽ không dịch là thuế ruộng chỉ lập thành ở trong nước mà phải dịch: ở nước giữa
- Hoàng thiên ký phó trung quốc dân, việt quyết cương thổ vu tiên vương (Thiên Tử Tài câu 6) sẽ không dịch là Vì rằng trời đã trao cho đấng tiên vương nhân dân bờ cõi đất đai trong nước mà phải dịch: nhân dân bờ cõi đất đai nước giữa
- Kỳ tự thời trung nghệ. Vương quyết hữu thành mệnh (Thiên Thiệu Cáo câu 14) sẽ không dịch Có thể ở giữa nước cai trị nhân dân. Như thế nhà vua sẽ trọn vẹn được mệnh trời, nay được tốt đẹp cả mà phải dịch ở nước giữa!
- Thánh nhân dĩ thiên hạ vi nhất gia, dĩ trung quốc vi nhất nhân (kinh Dịch - Phan Bội Châu, trang 64) sẽ không dịch Thánh nhân xem người thiên hạ như người một nhà, xem người trong nước như người thân của mình, mà phải dịch là xem người nước giữa!
- Đắc thượng vu trung hàng (kinh Dịch, trang 216) sẽ không dịch vào trong hàng ngũ, có nghĩa theo đúng đạo mà phải dịch vào hàng giữa.
- Tượng viết, trung hành độc phục (trang 376) sẽ không dịch là đi giữa bầy ác mà một mình theo đạo thiện nhân mà dịch là đi một mình ở hàng giữa…
Đấy thực ra chỉ là giả định nếu theo sát cách diễn giải Từ nguyên của ông Trần Trọng Dương còn xưa nay cả người Hoa cả người Việt không ai hiểu ngây ngô vậy mà đều hiểu như các nhà túc nho dịch các kinh điển trên. Sở dĩ cùng hiểu như vậy là vì mọi người mặc nhiên chấp nhận kết cấu “trung – định” là kết cấu chính phụ, một bộ phận của ngôn ngữ Trung Hoa.
Ta có thể lý giải nguyên nhân hiện tượng này:
Ông Trần Trọng Dương viết: “trung cung, trung tâm, trung đình là những từ song tiết (có nghĩa). Từ pháp của chúng đều là theo cấu trúc phụ-chính. Trung lúc này nghĩa là “ở giữa, ở bên trong” (= inside adj), nghĩa đen là “cung ở chính giữa”, “tim ở trong ngực”, “cái sân giữa.” Các từ này được ghi nhận trong từ điển Từ nguyên.”
Đúng là ông theo Từ nguyên. Nhưng ai dám bảo cuốn sách này không sai?
Có thể diễn ra tình hình sau: Do ngôn ngữ Trung Hoa được tạo thành từ hai ngôn ngữ Việt và Mông nên cấu trúc chính phụ “trung tâm” và phụ chính “tâm trung” cùng tồn tại, từ thời Hoàng Đế, qua kinh Thi, kinh Thư… Khi làm từ điển, các học giả Trung Quốc nhận ra sự mâu thuẫn đó. Nhưng do không biết được nguồn gốc của kết cấu “chính phụ” nên bẻ quẹo nó thành kết cấu “phụ chính” rồi đưa vào từ điển và giải nghĩa một cách khiên cưỡng.
Đến lượt mình, ông Trần vì tận tín thư nên trượt theo sai lầm của kinh sách Tàu. Trái lại, các vị túc nho vì không nệ vào sách (sai) nên dịch Thi, Thư một cách thông tuệ như chúng ta từng thấy!
Ông Trần Trọng Dương nói đúng một điều:
“Thêm nữa, với sự ghi nhận của từ điển, các từ trung cung, trung tâm, trung đình thuộc về vốn từ vựng cơ bản của tiếng Hán suốt từ thời cổ đại cho đến ngày nay.”
Không khác được. Những cặp đôi này vào ngôn ngữ Trung Hoa từ khi tổ của họ là người Mông Cổ học tiếng Việt! Do vậy, việc ngày nay người Trung Quốc dạy cho học trò phổ thông kết cấu “trung – định” là cần thiết bởi lẽ hơn 2000 năm, người Hoa không bỏ được kết cấu Việt này! Đáng tiếc là đã biết ý kiến của Mai Quang Trạch: “trong lịch sử còn có một giai đoạn mà cả hai hình thái trung- định, định – trung cùng song song tồn tại” nhưng ông Trần Trọng Dương lại theo Từ nguyên mà chuyển cấu trúc này sang dạng “phụ - chính”. Chứng tỏ rằng các vị không hiểu nguyên do của hiện tượng ngôn ngữ này!
Ngày nay, nhờ sự hiểu biết chính xác lịch sử hình thành dân cư cùng văn hóa Á Đông, ta biết được nhiều điều về quá khứ. Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc phát hiện tại di chỉ Bán Pha 2 (gần Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây) một văn bản khắc trên bình gốm 12.000 năm trước với những ký tự “gợi nhớ” đến chữ thời nhà Thương. Tại Giả Hồ (Hà Nam) gần 9000 năm trước đã tìm thấy những ký tự khắc trên mai rùa gợi hình chữ “mục”, “cửa sổ” (5)… Đó là chữ mà người Việt đã sáng tạo gần 10.000 năm trước khi người Hán ra đời! Nhưng rổi sau đó mất đất, mất nước, nên người Việt xuống phía nam mất luôn chữ viết. May mà còn giữ được “tiếng ta”. Sau này, “tiếng ta” được ký tự bằng âm Nôm rồi quốc ngữ. Nhưng mỗi khi truy tìm gốc gác tiếng Việt, lại gặp những Từ nguyên sừng sững trước mặt! Bởi vậy, càng những ai thông thạo cổ văn thì càng tin rằng, tiếng Việt mượn quá nhiều từ tiếng Hán!
III. Kết luận
Theo logic hình thức, ông Trần Trọng Dương đã viết được một tiểu luận có giá trị học thuật. Tuy nhiên, khi coi Từ nguyên là chuẩn mực tối thượng, ông đã vô tình mắc bẫy. Do không thấy được nguyên do tồn tại của kết cấu chính phụ “trung – định” trong Hán ngữ, tác giả của sách đã khiên cưỡng áp đặt nó thành kết cấu phụ - chính rồi giải nghĩa sai lầm. Ông Trần đã trượt theo vết xe đổ của sách Tàu.
Là tín đồ của chủ nghĩa Hoa tâm, ông cho rằng ngôn ngữ Trung Hoa trùm lấp, chi phối ngôn ngữ Việt. Vì vậy khi phát hiện sự thật ngược lại, ngôn ngữ Trung Hoa kế thừa ngôn ngữ Việt từ nguồn cội, hệ thống tri thức tưởng như vững chắc của ông sụp đổ!
Trong khi đó, ý tưởng của Thiền sư Lê Mạnh Thát không phải “lâu đài cất từ hơi nước” mà là dự cảm tài tình về sự đóng góp của tiếng Việt vào ngôn ngữ Trung Hoa.
Sài Gòn, 4. 2008
1. Stephen Oppenheimer: Out of Eden Peopling of the World. http://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html
- J.Y. Chu & đồng nghiệp: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 số 95 tr. 11763-11768.
2. Hà Văn Thùy: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn học. 2007.
3. Hà Văn Thùy: Tiếng Việt, chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán.
Vannghesongcuulong.org.
4. Nguyễn Cung Thông: Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp
5. - ’Earliest writing’found in China. News.bbc.co.uk/1/hi/sci/tech/454594.stm
- Archaeology of Writing .www.geocities.com/cvas.geo/china.html
No comments:
Post a Comment