Monday, February 25, 2013

DI SẢN & MINH TRIẾT VIỆT TRONG SỰ TÍCH VUA BẾP, HÌNH ẢNH HAI ÔNG MỘT BÀ VÀ TỤC LỆ CÚNG ĐƯA NGÀY 23 THÁNG CHẠP


Hà Hưng Quốc, Ph.D.


Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà.  Đó là hai câu ca dao của người Việt nói về sự tích Vua Bếp (Táo Quân).  Và sự tích đó được kể lại như sau:

Ngày xửa ngày xưa có một cặp vợ chồng tên Trọng Cao và Thị Nhi.  Hai vợ chồng ăn ở với nhau đã lâu nhưng không có con nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ nhau.  Có một hôm Trọng Cao vì giận quá nên đã đánh vợ.  Thị Nhi bỏ nhà ra đi.  Sau đó Thị Nhi đã gặp gỡ và bằng lòng làm vợ một người đàn ông khác tên Phạm Lang.  Trọng Cao, sau khi hết giận, nghĩ lại và thấy mình vô cùng có lỗi nên bỏ nhà ra đi tìm vợ, đi tìm cho đến khi tiền bạc mang theo đều tiêu sạch sành sanh và trở thành người ăn xin. 

Một hôm, trong lúc Phạm Lang đi vắng, thì ông Trọng Cao tình cờ đến ăn xin ở trước cửa nhà Phạm Lang.  Thị Nhi và Trọng Cao nhận ra nhau nên Thị Nhi đã mời Trọng Cao vào trong nhà để tiếp đãi.  Hai người nhắc lại chuyện xưa và tỏ lòng hối hận về những chuyện không hay đã xảy ra lúc trước.  

Phạm Lang trở về, Thị Nhi lo ngại bị chồng hiểu lầm nên bảo Trọng Cao chui vào đống rơm sau vườn tạm thời lánh mặt để bà từ từ tìm cơ hội giải thích với chồng.  Về đến nhà ông Phạm Lang lật đật lo đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng.  Trọng Cao trốn bên trong đống rơm không dám chui ra nên bị thiêu chết.  Bà Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao vì nghe theo sự sắp đặt của mình mà bị thiêu chết cho nên đã nhào vào đống lửa đang cháy để chết theo.  Khi Phạm Lang ra vườn thấy vợ mình chết thảm nên cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba người được đưa lên thượng giới.  Ông Trời phán rằng ba người đều giữ trọn đạo làm người cho nên sắc phong chung cho cả ba là VUA BẾP.” (Nguồn: Dân Gian Việt)

Nội dung của truyện được dân gian truyền miệng từ đời này sang đời khác đại khái là như thế.  Mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp thì người Việt làm một lễ cúng để đưa Vua Bếp về Trời.  Tục lệ cúng đưa cùng với sự tích và  hình vẽ “hai ông một bà” cưỡi một con cá chép lên Thiên Đình mỗi năm để báo cáo về việc ăn ở của gia đình chủ nhà từ rất lâu đã là một tín ngưỡng của dân gian Việt.  Và, đây là một trong số những di sản văn hóa phi vật thể quí giá của Việt còn tồn tại.  Sở dĩ nó quí giá là vì những viên ngọc lấp lánh được tiền nhân gói gởi bên trong.  

Dĩ nhiên sự tích là hư cấu và hình ảnh của ba ông bà Vua Bếp cũng là hư cấu.  Nhưng tập tục và tín ngưỡng dân gian là thật.  Lấy cái thật để bảo tồn cái hư cấu chắc chắn phải có lý do.  Vậy thì, cái lý do đó là gì?  Tiền nhân Việt đã gởi gấm cái gì trong đó??  

Lý do thì rất đơn giản và chỉ có một.  Đó là, tạo dựng ra một tín ngưỡng dân gian làm vỏ bọc nhằm bảo tồn một di sản văn hóa phi vật thể quí giá để truyền lại cho con cháu Việt.  Chỉ có tiền nhân Việt mới dám làm như vậy.  Cái cách làm này tự nó cũng đã là một dấu ấn của Việt.  Người viết đã nhiều lần chứng minh về điều này, các bạn có thể tự tìm đọc.

Và vì “tạo dựng ra vỏ bọc tín ngưỡng dân gian” là chủ ý rất “khoa học” của tiền nhân cho nên tín ngưỡng dân gian Việt không phát sinh từ sự mê tín.  Sự tích Vua Bếp, hình ảnh hai ông một bà, và tập tục cúng đưa ba ông bà Vua Bếp về trời ngày 23 tháng Chạp hàng năm cũng không ngoại lệ: không phát sinh từ sự mê tín.     

Còn muốn biết tiền nhân gởi gấm cái gì thì chúng ta cần phải tra cứu cho thấu đáo, triệt thượng lẫn triệt hạ. 


1. Hình Ảnh Hai Ông Một Bà Cỡi Cá Chép
Hình ảnh một bà ở giữa hai ông là hình ảnh biểu thị cho quái Ly với một hào âm ở giữa hai hào dương.  Con cá chép là biểu tượng của quái Khảm với một hào dương ở giữa hai hào âm. Xem hình H1.   



Con cá chép ở đây là cá chép của Thiên Đình.  Trước kia vì từng phạm tội nên bị đày xuống trần gian để tu hành sữa lỗi.  Sau đó nhờ viên thành đạo quả nên đã hóa rồng quay về lại cõi Trời.  Rồng là biểu tượng của chơn dương.  Một khi quái Khảm đã giũ bỏ được hai hào âm chỉ còn lại một hào dương thì đó chính là lúc cá chép hóa rồng.

Ba ông bà Vua Bếp phải cưỡi con cá chép thì mới có thể về được Thiên Đình.  Nó có nghĩa là, ba ông bà Vua Bếp quái Ly cần có sự trợ giúp của cá chép quái Khảm thì mới về được cõi Trời.  Nhưng mà, không phải nhờ sự trợ giúp của con cá chép tầm thường quái Khảm mà nhờ sự trợ giúp của con cá chép có khả năng hóa rồng là một hào chơn dương để ba ông bà Vua Bếp lấy hào chơn dương đó lấp vào chỗ hào âm của quái Ly và như thế thì Ly sẽ biến thành Kiền.  Khi quái Ly đã biến thành quái Kiền thì tức khắc ba ông bà Vua Bếp đã về đến Thiên Đình, vì Kiền chính là Thiên.  Xem hình H2.



Nói một cách khác, theo đạo gia, thì hình ảnh ba ông bà Vua Bếp cỡi cá chép hóa rồng về Trời là biểu thị cho tiến trình “chiết Khảm điền Ly.”  Ba ông bà Vua Bếp lúc vừa ngồi lên để cỡi cá chép thì chỉ mới là giai đoạn đầu Ly ngồi trên Khảm nước lửa chưa xong, tức quẻ Hỏa Thủy Vị Tế.  Phải đợi cho đến khi cá chép hóa thành rồng là lúc Khảm nhường một hào dương duy nhất cho Ly để Ly hóa Kiền và Khảm hoá Khôn thì lúc đó mới xong, mới có thể vào chầu Ngọc Đế.             

Tiến trình của ba vị Vua Bếp cỡi cá hóa rồng về chầu Ngọc Đế là một tiến trình Khảm Ly hóa Càn Khôn.  Càn Khôn vốn dĩ đã bị nghiêng lệch, Khảm Ly lên ngôi ở chính vị cho nên Tiên Thiên đã biến ra Hậu Thiên, thánh đã biến ra phàm, thuần khiết đã biến ra ô nhiễm.   Ba ông bà Vua Bếp cỡi cá hóa rồng về chầu Ngọc Đế là một tiến trình từ Hậu Thiên về lại với Tiên Thiên.    



Nói một cách khác, nó là một tiến trình của con người trở về với sự tôn nghiêm và hiền thiện, trở về với nguyên thể và vô nhiễm, trở về với thế giới đại đồng thiêng liêng và huyền nhiệm.

Lạy đấng người nơi tôi
Tôn nghiêm và hiền thiện
Có khả năng chuyển hóa
Đem tù hãm tối tăm
Đốt tan trong ánh sáng
Những nghiêng lệch tạm thời
Bỗng chốc về đúng chỗ
Trời, người, đất dung thông
Thế giới hoát đại đồng
Thiêng liêng và huyền nhiệm
Lạy đấng người nơi tôi
Nguyên thể và vô nhiễm.”

Tù hãm tối tăm” là hình ảnh biểu thị tiêu cực của quái Khảm.  Đốt tan trong ánh sáng” là hình ảnh biểu thị tích cực của quái Ly.  Những nghiêng lệch tạm thời” ngụ ý là Càn Khôn đã thất chính và Khảm Ly đã giành ngôi.  Khảm Ly là nơi hình thành trước tiên của một sinh mạng, của tâm và trí của một con người.  Bỗng chốc về đúng chỗ” ám chỉ giây phút hào dương lìa quái Khảm lấp vào chỗ trống của hào âm nơi quái Ly (đồng thời hào âm lìa quái Ly lấp vào chỗ trống của hào dương nơi quái Khảm tức là hai hào độc âm và độc dương nơi hai quái Khảm Ly hoán vị cho nhau), là giây phút cá chép hóa rồng, để Ly Khảm hóa Càn Khôn, để con người phút chốc trở thành “đấng người . . . nguyên thể và vô nhiễm.”  Như vậy, bài thơ Lạy Đấng Người Nơi Tôi của Hà Hưng Quốc ở trên thực ra cũng là mô tả tiến trình đó, tiến trình chiết Khảm điền Ly, tiến trình của ba ông bà Vua Bếp cỡi cá hóa rồng về chầu Ngọc Đế, một cách thi vị hơn thôi. 

Trở về với sự tôn nghiêm và hiền thiện, với nguyên thể và vô nhiễm, với thế giới đại đồng thiêng liêng và huyền nhiệm là Dịch, là Đạo Dịch.  Và với Nữ Oa, Dịch cũng chính là Trời.  Như  vậy, ba ông bà Vua Bếp cỡi cá hóa rồng về chầu Ngọc Đế là biểu thị của Đạo Dịch, là Dịch, là tương cận với động thái “bắt con rùa đội Trời lên” trong truyền thuyết Nữ Oa.  Mà đã là Dịch thì là của Việt.  Chắc chắn là của Việt!  Khẳng định là của Việt!  Người viết đã minh chứng nhiều lần trong những tác phẩm của mình và các bạn có thể tìm đọc. 


2. Ngày 23 Tháng Chạp
Ngày 23 tháng Chạp chỉ cách “trừ tịch” hay “giao thừa” có một tuần.  Theo tự điển Hán Việt, giao có nghĩa là chỗ tiếp nhau, khoảng thời gian giáp nhau và thừa có nghĩa là liên tiếp, nối theo nhau.  Như vậy hai chữ giao thừa là chữ đôi cùng một ý nghĩa.  Đêm Giao Thừa có nghĩa là một đêm của khoảng thời gian tiếp giáp nhau giữa năm cũ và năm mới.  Cũng theo từ điển Hán Việt thì Trừ có nghĩa là cuối, là hết. Tịch có nghĩa là đêm.  Trừ tịch có nghĩa là đêm cuối cùng của năm.  Nhưng theo người viết thì chữ tịch ở đây còn có nghĩa là tịch lặng, giống như “vạn lại thử giai tịch muôn tiếng trong trời đất đều yên lặng.”  Chữ tịch này đúng với ý nghĩa của những chữ KHAI, TỊCH, SINH, TỬ nằm trên Việt Dịch Đồ bên dưới.  Chữ TỊCH nằm ở tháng Sửu tức tháng Chạp âm lịch, giai đoạn đông miên mà vạn vật ngủ vùi và sự sống qui tàng vào bên trong.  Như vậy, trừ tịch có nghĩa là “hết TỊCH” tức chuyển sang SINH.  Dầu giải theo ý nghĩa nào thì “trừ tịch” hay “giao thừa” đều vẫn là giao điểm giữa một chu kỳ cũ và một chu kỳ mới. 
  
Chỗ “hết TỊCH tới SINH” là giao điểm của một năm mới và năm cũ.  SINH nằm ở vị trí Tốn +3 Giáp, tháng Dần, tức tháng Giêng âm lịch (nằm cạnh vòng đen ngoài cùng) thuộc vòng hành khí thuận chiều kim đồng hồ của Việt Dịch Đồ.  Còn TỊCH nằm ở tháng Sửu tức tháng Chạp âm lịch.  Thời điểm giao thừa là thời điểm “tiếp nối theo” của một chu kỳ mới.  Chu kỳ đó là chu kỳ thời gian/ tiết khí của một năm.  Xem H27B phía dưới.
     
Suy nghĩ ở một tầng cao hơn, chu kỳ đó còn là chu kỳ của một đời người.  Không phải mỗi lần Tết đến thì những người có tuổi đều liên tưởng đến ngày sự sống của mình chấm dứt hay sao?  Có lẽ vì vậy mà có người đã nói ăn Tết có nguồn gốc từ ăn Chết. Trong ý nghĩa này thì chữ SINH cũng vẫn nằm ở vị trí Tốn +3 Giáp nhưng thuộc dòng hành khí ngược chiều kim đồng hồ của Việt Dịch Đồ (nằm trên và trong vòng tròn màu xanh lá cây).




SINH nằm ở vị trí Tốn +3 Giáp của dòng hành khí ngược chiều kim đồng hồ (trên và trong vòng xanh lá của Việt Dịch Đồ) chỉ có ý nghĩa là “được đẻ ra.”  Còn chữ sinh mang ý nghĩa là “chỗ bắt đầu của một sinh mạng” (đầu thai) thì nằm ở vị trí Chấn +9 Canh của dòng hành khí ngược chiều kim đồng hồ (trên và trong vòng tròn màu xanh lá của Việt Dịch Đồ).  Ở tại vị trí này thì sinh cũng là tử và tử cũng là sinh.  Vị trí này là thời điểm giao thừa của một chu kỳ mới cũng là thời điểm chấm dứt một chu kỳ cũ, là thời điểm giao thừa của một sinh mệnh mới cũng là thời điểm chấm dứt một sinh mệnh cũ, là chỗ chấm dứt và khởi đầu của vòng tròn luân hồi.  Vị trí này được đại diện bởi chữ TỬ và vòng luân hồi được đại diện bởi vòng tròn màu tím vận hành ngược chiều kim đồng hồ trên Việt Dịch Đồ.        

Ngày 23 tháng Chạp chỉ cách Giao Thừa có một tuần.  Nó rất gần với cái Tết.  Một năm chỉ có 52 tuần. Ngày 23 tháng Chạp là ngày bước vào tuần cuối cùng của năm.  Một đời cũng chỉ có trên dưới 60 năm.  Nếu lấy một năm làm đơn vị thời gian cho một đời người thì ngày 23 tháng Chạp của một đời người (nghĩa bóng) cũng là thời điểm bước vào đơn vị thời gian cuối cùng của một sinh mạng.  Nó cũng nhắc cho người có tuổi nhớ rằng họ rất gần với Giao Thừa của một đời người, rất gần với cái Chết, TỬ.   

Nếu hình ảnh “hai ông một bà Vua Bếp” nhắc cho người ta nhớ chuyện “lửa nước chưa xong, Hỏa Thủy Vị Tế” thì ngày 23 tháng Chạp nhắc cho người ta nhớ một đời người đã sắp hết, cái chết đã cận kề, thêm một lần luân hồi sắp đến.  Cho nên, hãy mau mau cỡi cá chép hóa rồng về chầu Ngọc Đế.  Cho nên, hãy mau mau chiết Khảm điền Ly cho Càn Khôn không còn nghiêng lệch.  Cho nên, hãy mau mau trở về với sự tôn nghiêm và hiền thiện, trở về với nguyên thể và vô nhiễm, trở về với thế giới đại đồng thiêng liêng và huyền nhiệm.


3. Sự Tích Vua Bếp
Sự tích Vua Bếp của người Việt chỉ có 3 dị bản.  Tuy tình tiết trong mỗi phiên bản, có khác nhau nhưng hai đặc điểm luôn luôn được bảo vệ:  Thứ nhất là đặc điểm hai ông một bà và thứ hai là đặc điểm linh hồn của cả ba được đưa lên Thiên Đình chầu Ngọc Đế nhận sắc phong.  Điều này chứng tỏ người Việt hiểu rõ và gìn giữ được “cái hồn, cái cốt” của di sản cho tới hôm nay.  Lý do tại sao hai đặc điểm này là “cái hồn, cái cốt” của di sản sự tích Vua Bếp thì cái thứ nhất đã vừa được giải thích xong, đã triệt thượng, còn cái thứ hai sẽ được giải thích ngay trong đoạn này.

Trong khi đó thì sự tích Táo Quân của người Hoa có đến 40 dị bản.  Chúng không những khác xa với sự tích Vua Bếp của người Việt, từ tình tiết tới nội hàm, mà còn khác xa giữa 40 dị bản của chính họ.  Điều này chứng tỏ họ không phải là chủ nhân sáng tạo ra tập tục đưa Vua Bếp về Trời.  Lại càng không phải là chủ nhân của Dịch.  Vì nếu họ là chủ nhân của Dịch thì họ đã nắm chắc “cái hồn, cái cốt” của sự tích và tập tục, do đó sẽ không đưa đến tình trạng “loạn” dị bản chứa đựng những nội hàm vô cùng tầm thường.  

Đặc điểm “hai ông một bà” đã bị nhiều người “tục hóa” thành “chuyện tình tay ba.”  Nhưng đó là cách nhìn theo “tiểu thuyết.”  Người Hoa không nắm được “cái hồn, cái cốt” của sự tích cho nên họ nghĩ đặc điểm “hai ông một bà” là điều xúc xiểm thuần phong mỹ tục vì vậy đã đào mồ chôn đặc tính đó và tạo ra những dị bản hoàn toàn khác.  Một khi đặc điểm “hai ông một bà” đã bị chôn sâu xuống mồ thì cái hồn cốt Dịch không hiện diện nữa.  Người Hoa tự hào Dịch là tài sản lớn nhất và quí báu nhất của họ.  Vậy mà họ tự đào mồ chôn sống hồn cốt Dịch trong những dị bản Táo Quân của họ được ư?  Hay hỏi một cách khác, bạn có thể cả tin người Hoa là chủ nhân của Dịch, của sự tích và tập tục cúng đưa Vua Bếp về Trời hàng năm được ư? 

Thực ra thì tình tiết của sự tích Vua Bếp nó nói lên cái gì?  Cái chìa khóa để tìm ra đáp án của câu hỏi này nằm ở đặc điểm thứ hai: hai ông một bà được lên Trời chầu Ngọc Đế nhận sắc phong.

Như trong Việt Dịch của Hà Hưng Quốc đã ghi: “Ly là tượng ‘năng lượng dương tính’ có nghĩa là ‘nóng, tỏa sáng, cháy bùng, nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của môi trường, bốc lên, có thể làm tăng nhiệt, có thể hóa nhiệt, có thể đốt cháy.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên . . . Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên . . . những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn năng lượng vật lý.  Chúng mô tả năng lượng sống, loại năng lượng tiêu thụ và thể hiện, của thế giới vi diệu sinh hóa.” 

Về mặt tiêu cực, Ly còn có nghĩa là nóng tính, sân hận, tranh chấp, vân vân.  Về mặt tích cực, Ly còn có nghĩa là chân thành, nhiệt tình, hăng hái, vân vân.  Ly còn là năng lượng thanh nhẹ (so với năng lượng của Khảm), là nguyên thần, là lễ nghi (nguyên thần là gốc của lễ nghi).

Cũng theo Việt Dịch của Hà Hưng Quốc: “Khảm là tượng năng lượng âm tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘năng lượng âm tính’ có nghĩa là ‘lạnh, trầm xuống, chảy tràn vào chỗ thấp, rung chuyển khi bên ngoài xúc chạm vào, tối tăm, nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của môi trường, có thể làm giảm nhiệt, có thể hóa hàn, có thể làm đông lạnh, có thể làm tắt.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên. . .  Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên . . . những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn năng lượng vật lý.  Chúng mô tả năng lượng sống, loại năng lượng sáng tạo và tiềm phục, của thế giới vi diệu sinh hóa.”

Về mặt tiêu cực, Khảm là năng lượng nặng trược (so với năng lượng của Ly), là nhục dục, là tinh trùng, là tối tăm, là ưu phiền.  Về mặt tích cực, Khảm còn là năng lượng sáng tạo, tái tạo, phục hồi, phục sinh, phục hoạt; là đáp ứng, hiểu biết; là thuần khiết, tinh khôi.       

Trọng Cao và Thị Nhi “ăn ở với nhau” đã lâu mà “không con” sinh ra “buồn phiền” hay “cãi cọ” rồi dẫn tới bạo hành “đánh vợ” và cuối cùng là dẫn tới sự đổ vỡ hoàn toàn.  Chuỗi tình tiết này biểu thị mặt tiêu cực của Khảm Ly.  Tiêu cực của Khảm (ăn ở với nhau, không con, buồn phiền) đã dẫn tới tiêu cực của Ly (cãi cọ, đánh vợ, đổ vỡ) tạo ra địa ngục trong đời sống vợ chồng.  Thiếu hiểu biết, thiếu đáp ứng, thiếu cảm thông (tiêu cực của Khảm) đã đưa đến cách ứng xử vô lễ với nhau (tiêu cực của Ly) tạo ra thảm cảnh gia đình tan vỡ.  Cái vòng lẫn quẩn tiêu cực làm cho đời sống con người xứng với hai chữ “trầm luân.”         



Trình bày theo Việt Dịch thì Khảm là gốc còn Ly là ngọn, Khảm là nội quái còn Ly là ngoại quái.  Từ cái gốc tiêu cực dẫn đến cái ngọn tiêu cực.  Tổ hợp N trong hình H3 cũng chính là quẻ Ly trên Khảm dưới “lửa nước chưa xong, hỏa thủy vị tế” của Chu Dịch.  Chưa xong cái gì?  Là tình lý chưa xong, là lễ trí chưa xong, là thần khí chưa xong (Ly = tình, lễ, thần; Khảm = lý, trí, khí).  Nó cũng có nghĩa là làm người chưa xong.  Gây thương tổn cho người là bất nhân.  Cư xử thô bỉ với người là vô lễ.  Không thuộc về mình mà tước đoạt là phi nghĩa.  Thiếu hiểu biết và cảm thông là hạ trí.  Làm người mà bất nhân, phi nghĩa, vô lễ, hạ trí thì làm sao xong được?!! 

Thị Nhi “bỏ nhà ra đi” và trên con đường ly khai với quá khứ đó đã gặp được Phạm Lang, một người đàn ông xa lạ nhưng tốt bụng.  Rồi Thị Nhi bằng lòng làm vợ Phạm Lang, bắt đầu một cuộc sống mới. Trọng Cao hối hận nên đi tìm vợ.  Trên bước đường ăn mày và tìm vợ, Trọng Cao đã tình cờ gặp lại Thị Nhi.  Hai người “nhận ra nhau.  Thị Nhi đã “mời Trọng Cao vào bên trong nhà tiếp đãi” như một người khách, một người bạn.  Hai người “nhắc lại chuyện xưa và tỏ lòng hối hận.”  Phạm Lang về nhà, Thị Nhi “lo ngại bị chồng hiểu lầm” nên bảo Trọng Cao chui vào đống rơm sau vườn “tạm thời lánh mặt” để bà từ từ “tìm cơ hội giải thích với chồng.   

Thị Nhi bỏ nhà ra đi” là một quyết định dứt khoát bước ra khỏi cái địa ngục, đoạn tuyệt với trầm luân.  Với quyết định này, từ trong đổ vỡ hoàn toàn một cơ hội đã nảy sinh, một người mới đã xuất hiện, một gia đình mới được hình thành và một Thị Nhi mới được phục sinh.  Đoạn tuyệt với cái không hay, phục sinh từ đáy huyệt của tâm hồn, vươn lên từ những ngổn ngang đổ nát là mặt tích cực của Khảm.  Và tình tiết ở đây đã thể hiện một nhân sinh quan hoàn toàn khác biệt với nhân sinh quan khắc nghiệt của Tống Nho.  Nó phản ảnh tính nhân bản của một xã hội trưởng thành và độ lượng, độ lượng với chính mình và độ lượng với người khác.  Trong cái xã hội trưởng thành và độ lượng đó Thị Nhi mới có cơ hội để bước ra khỏi địa ngục, mới có cơ hội để phục sinh.  
 
Thị Nhi tình cờ gặp lại cố nhân nhưng không để lòng oán hận, không quay lưng giả vờ làm người xa lạ, không hả hê với bất hạnh của người đã từng nhiếc mắng hành hạ mình.  Ngược lại, Thị Nhi đã chân thật đối xử với Trọng Cao nên họ đã “nhận ra nhau” và cũng đã ứng xử rất lễ độ và nhiệt tình cho nên “mời Trọng Cao vào bên trong nhà tiếp đãi”.  Chân thật, nhiệt tình, lễ độ là mặt tích cực của Ly. 

Sau khi làm vợ của Phạm Lang, Thị Nhi trở nên người đàn bà khôn ngoan tinh tế hơn do đó bà biết “lo ngại bị chồng hiểu lầm,” biết “tìm cơ hội giải thích với chồng,” biết “khuyên Trọng Cao tạm thời lánh mặt.”  Thị Nhi cũng trở thành một con người trưởng thành hơn, tinh tế hơn, hiểu biết hơn, tự biết nhìn lại và tự phê những hành vi sai lầm của mình lúc trước cho nên đã “nhắc lại chuyện xưa và tỏ lòng hối hận.”  Khôn ngoan, tinh tế, trưởng thành, hiểu biết là mặt tích cực của Khảm. 

Trọng Cao đã thiệt tình hối hận với hành vi thô lỗ, bạo hành của mình và đã biến sự hối hận đó thành hành động tận tâm “bỏ nhà ra đi tìm vợ, đi tìm cho đến khi tiền bạc mang theo đều tiêu sạch sành sanh và trở thành người ăn xin.  Gặp lại nhau với thân phận một người ăn mày trước cửa nhà nàng, Trọng Cao không oán trách cố nhân đã bỏ nhà ra đi và rồi đã làm vợ một người đàn ông khác, không tự ty mặc cảm hay ghen hờn, chỉ thật thà vui mừng gặp lại cố nhân và thật tình hối tiếc những sai lầm mình gây ra lúc trước.  Thiệt tình, tận tâm, thật thà vui mừng là mặt tích cực của Ly.

Trọng Cao lúc này tuy đã nghèo hơn nhiều về vật chất nhưng đã giàu hơn nhiều về tinh thần và cung cách ứng xử.  Cũng giống như Thị Nhi, Trọng Cao đã trưởng thành hơn và thông tình đạt lý hơn.  Trưởng thành, thông tình đạt lý là mặt tích cực của Khảm. 



Trình bày theo Việt Dịch thì Ly là gốc còn Khảm là ngọn, Ly là nội quái còn Khảm là ngoại quái.  Từ cái gốc tích cực dẫn đến cái ngọn tích cực.  Tổ hợp M trong hình H4 cũng chính là quẻ Khảm trên Ly dưới “nước lửa đã xong, thủy hỏa ký tế” của Chu Dịch. 

Đã xong cái gì?  Là tình lý đã xong, là lễ trí đã xong, là thần khí đã xong.  Tích cực của Ly đã dẫn đến tích cực của Khảm.   Trọng Cao và Thị Nhi khép lại một đoạn quá khứ một cách có hậu.  Họ ứng xử văn minh hơn cả một số người sau thiên niên kỷ 2000. 

Không may là những điều không tiên liệu được đã cướp đi mạng sống của cả ba người.  Vì quan tâm cho hạnh phúc và danh dự của Thị Nhi mà Trọng Cao đã cam tâm chịu chết cháy trong đống rơm chứ không chui ra.  Vì vô tình mà gây ra thương tổn sinh mạng của bạn mà Thị Nhi cam tâm đền mạng.  Vì nặng nghĩa vợ chồng và vì vô tình mà gây ra thương tổn cho sinh mạng cho người khác mà Phạm Lang cam tâm đi theo. 

Sự tích “hai ông một bà” hoàn toàn không có chuyện tình tay ba giữa một người đàn bà với hai người đàn ông, không có những trái ngang tơ rối của tình yêu lãng mạn, không có dục tình vượt rào lễ nghi, không có dối trá và phản bội.  Ở đây chỉ thấy hình ảnh một bà vợ đoan chính của một Phạm Lang cần cù thương vợ. Và người đàn bà này cũng là một người bạn (không phải vợ + cũ) có đầy đủ nhân cách và tôn nghiêm của một Trọng Cao (không phải chồng + cũ) trưởng thành và độ lượng.  Và cuối cùng, ở mức độ khốc liệt nhất, nhân cách và tâm hồn của họ đã thăng hoa theo sức nóng và ánh sáng của lửa Ly.  Gom chung lại, như một thể duy nhất, ba người họ đã thể hiện đầy đủ nhân, nghĩa, lễ, trí.  Họ đã làm xong, LÀM NGƯỜI.    

Nếu nhân cách và tâm hồn của họ không xứng đáng với hai chữ thăng hoa thì họ đã không được rước về Thiên Đình để đứng trước mặt Ngọc Hoàng nhận sắc phong.  Nếu là chuyện tình tay ba thô tục và xúc xiểm thuần phong mỹ tục thì làm gì có chuyện họ được rước về Thiên Đình để đứng trước mặt Ngọc Hoàng nhận sắc phong.  Vì thế, đặc điểm thứ hai này, được rước về Thiên Đình để đứng trước mặt Ngọc Hoàng nhận sắc phong, là một phần trong “cái hồn, cái cốt” của di sản Việt.     

Thêm một lần nữa, chúng ta thấy ý nghĩa và sự tương tác của hai quái Ly Khảm, cả hai mặt tiêu cực và tích cực, đã dàn trải xuyên suốt tình tiết của câu chuyện.  Hai nói một cách khác, tình tiết sự tích Vua Bếp được hư cấu chỉ là để chuyển tải ý nghĩa và sự tương tác của hai quái Khảm Ly.  Chính xác hơn, là để chuyển tải đạo lý vị tế và ký tế của Dịch trong giới hạn Ly Khảm. 

Trong sự tích vua Bếp, không những chúng ta thấy Dịch hiển hiện mà còn thấy cả Ngũ Hành Nguyên Thủy và Đồ Dịch Việt. 

Nhân là thường của đức Mộc.  Nghĩa là thường của đức Kim.  Lễ là thường của đức Hỏa. Trí là thường của đức Thủy.  Thánh là thường của đức Hoàng Thổ.  Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Thánh là Ngũ Thường và Mộc, Kim, Hỏa, Thủy, Thổ là Ngũ Đức của Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Giữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí ở vòng ngoài để rồi bước vào bái lạy đền Thánh ở trung tâm là dấu ấn không thể lầm lẫn của Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Sống: thể hiện trọn vẹn Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí.  Chết: bước vào Thiên Đình nhận sắc phong của Ngọc Đế.  Được đưa lên trời để bước vào Thiên Đình nhận sắc phong của Ngọc Đế chính là bước vào đền Thánh của Hoàng Thổ ở trung tâm của Ngũ Hành Nguyên Thủy. 



Thánh là là dấu ấn đặc thù của Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Hoàng Thổ ở trung tâm là dấu ấn đặc thù của Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Mà, Ngũ Hành Nguyên Thủy là của Việt.  Chắc chắn là của Việt!  Khẳng định là của Việt!  Người viết đã nhiều lần chứng minh về điều này và các bạn có thể tìm đọc để phối kiểm. 

Chưa hết, sự tích Vua Bếp cho thấy Bát Quái và Ngũ Hành nằm chung trong một tổng thể gọi là Đồ Dịch Việt.  Tình tiết câu chuyện đã được hư cấu để chuyển tải Ngũ Đức, Ngũ Thường và Dịch đúng sát với mô hình Đồ Dịch Việt.  Mà Đồ Dịch Việt “một ngàn phần trăm” là của Việt.  Bởi vì, vốn dĩ cấu trúc và bản chất của Ngũ Hành Phổ Cập của người Hoa không thể nào kết hợp được với Bát Quái.          


Vài Lời Để Khép Lại Bài Viết
Như chúng ta đã thấy, tập tục cúng đưa Vua Bếp về trời ngày 23 tháng Chạp hàng năm, sự tích “hai ông một bà” Vua Bếp, và hình tượng ba ông bà Vua bếp cỡi cá hóa rồng về chầu Ngọc Đế gần với dân gian tới mức độ không thể gần hơn, thiết thực với xã hội đến độ không thể thiết thực hơn, và giản dị đến mức không thể giản dị hơn.  Đó là đặc tính của minh triết Việt.  

Minh triết Việt không xa rời thực tế sinh động.  Minh triết Việt không cư trú trong tháp ngà ngôn ngữ.  Minh triết Việt không chơi vơi giữa không trung cao vòi của lý luận.  Minh triết Việt không làm cho những điều đơn giản trở thành rối rắm và bế tắc như những triết gia Tây phương đã làm.  Minh triết Việt không làm cho Thần, Vật phân ly như khoa học gia Tây Phương đã làm.  Minh triết Việt thật ra chỉ tự nhiên như . . . Dịch,  như . . . sự tích Vua Bếp, như . . . tập tục cúng đưa Vua Bếp về trời ngày 23 tháng Chạp hàng năm.  

            Không những nó chứa đựng minh triết Việt mà nó còn gói ghém trong đó cả một gia tài phi vật thể quý giá của Việt.  Gia tài phi vật thể được bảo tồn đến ngày hôm nay để truyền thừa cho chúng ta là nhờ tiền nhân Việt đã khôn ngoan che giấu nó bên sau vỏ bọc tín ngưỡng dân gian.  Nếu không có vỏ bọc này thì chưa chắc gia tài này còn tồn tại sau những lần “tận lực hủy diệt” có “kế sách” của kẻ thù phương Bắc.  Và đến ngày hôm nay, chúng ta mở vỏ bọc đó ra kiểm lại di sản của cha ông để lại mới thấy rằng và có thể khẳng định rằng Âm Dương Ngũ Hành là của Việt, Bát Quái là của Việt, Hà Đồ là của Việt, Dịch là của Việt . . . và còn nhiều thứ khác nữa.  Một khi đã xác nhận những thứ này là của Việt thì nền văn hóa Việt không thể nào là nền văn hóa phái sinh của nền văn hóa Trung Hoa.  Ngược lại thì chính xác. 

Mỗi năm ít ra chúng ta sẽ có một lần cơ hội để nói cho con cháu chúng ta biết rằng tập tục cúng đưa Vua Bếp về Trời ngày 23 tháng Chạp không phải là sản phẩm của mê tín vớ vẩn như nhiều người đã lầm tưởng và nên tự hào vì đã có nó .  Nó là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá và là một phần của một nền văn hóa Việt, nền văn hóa đã đẻ ra nền văn hóa Trung Hoa ngày nay.  Hãy nói với con cháu chúng ta biết minh triết Việt là như thế đấy và di sản cha ông để lại to lớn như thế đấy.   

            Sau hết, xin tất cả chúng ta hãy nhớ bảo vệ hình ảnh “hai ông một bà cỡi cá hóa rồng” vì đó mới thật sự là Vua Bếp của chúng ta.

       

1 comment: