Wednesday, December 8, 2010

Bát Môn, Lục Nhâm và Lạc Việt Độn Toán Dưới Lăng Kính Việt Dịch - bài 1



Trong tác phẩm Lạc Việt Độn Toán, học giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã viết “Một phương pháp hoặc một lý thuyết khoa học được coi là đúng thì phải có tính hệ thống, tính nhất quán, tính quy luật, tính khách quan và có khả năng tiên tri.  [Đây là] Tiêu chí khoa học.  Tri thức khoa học hiện đại thừa nhận tiêu chí khoa học này. . .  Một lý thuyết khoa học được coi là đúng, phải có khả năng giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó một cách hoàn chỉnh, nhất quán, thể hiện được tính khách quan, tính qui luật và khả năng tiên tri. . . . Một lý thuyết khoa học mới phải dung nạp được những lý thuyết khoa học trước đó phản ánh những qui luật thực tại đã được thừa nhận.”  Tựa trên cơ sở này để xét toàn bộ nội dung của Việt Dịch thì có thể nói rằng rõ ràng là Việt Dịch đã cho thấy khả năng giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó một cách hoàn chỉnh, nhất quán, thể hiện được tính khách quan, tính qui luật và khả năng dự đoán.  Việt Dịch cũng cho thấy nó có khả năng dung nạp những lý thuyết có trước nó.  Thí dụ như thuyết âm dương, bát quái và ngũ hành.  Điều này không lạ vì Việt Dịch vốn được cấu thành trên nên tảng tổng hợp của những lý thuyết này.  Đi xa hơn một chút, Việt Dịch có thể dung nạp Chu Dịch.  Điều này cũng không có chi lạ.  Sáu mươi bốn quẻ của Chu Dịch chỉ nằm ở tầng thứ hai của Việt Dịch, còn Việt Dịch là một hệ thống bao hàm từ tầng thứ nhất cho tới tầng thứ tám.[1]   Khả năng tiên tri của Chu Dịch được thừa nhận từ nhiều năm.  Nhưng, Chu Dịch có phải là một lý thuyết khoa học hay không thì không dám nói.  Việt Dịch cũng có khả năng dự đoán rất cao nhưng nó có phải là một lý thuyết khoa học hay không thì không phải là điều tác giả quan tâm.  Điều mà tác giả quan tâm là muốn nghiệm chứng sâu rộng hơn khả năng dung nạp của Việt Dịch đối với những môn khác của lý học đông phương, như học giả NVTA đưa ra “khả năng tiên tri của các phương pháp dự báo thuộc Lý học Đông phương cổ phải phản ánh một qui luật nào đó của vũ trụ, tính khái quát càng lớn chứng tỏ tính quy luật càng rất bao trùm.”   Chính vì động lực muốn biết về khả năng dung nạp của Việt Dịch cho nên lần này tác giả nhắm vào những bộ môn mà khả năng tiên tri của chúng đã được xác định, ít ra là thỏa đáng theo cách đánh giá của học giả NVTA.  Và một bộ môn được nói đến nhiều nhất trong cộng đồng nghiên cứu Lý Học Đông Phương là môn Lạc Việt Độn Toán, một công trình được cho là “phục hồi di sản cổ Việt” của học giả NVTA.  Tại sao lại chọn Lạc Việt Độn Toán?  Vì nó là con đẻ của học giả NVTA.  Thực tình mà nói thì tác giả chọn Lạc Việt Độn Toán làm đối tượng nghiên cứu không ngoài hai lý do.  Thứ nhất là vì tác giả thấy có hứng thú với những công trình của vị học giả này cũng như với tất cả những gì liên quan đến nguồn gốc cổ Việt.  Và, thứ hai, vì dự cảm là Bát Môn và Lục Nhâm có một sự liên hệ mật thiết với Việt Dịch.  Liên hệ thế nào với Việt Dịch là điều mà chúng ta đang hướng tới trong bài viết này.  Nhưng trên tiến trình hướng tới sự khám phá đó thì chúng ta cần phải điểm qua một số thông tin về Lạc Việt Độn Toán để rồi từ nền tảng này chúng ta sẽ đặt Việt Dịch cạnh bên để thử xem Việt Dịch có giải thích được Bát Môn, Lục Nhâm, và Lạc Việt Độn Toán.  Để tránh những lỗi lầm không cần thiết, tác giả sẽ cố gắng trích nguyên văn của học giả NVTA trong việc cung cấp thông tin về Lạc Việt Độn Toán.[2] 


LẠC VIỆT ĐỘN TOÁN: KHÁI LƯỢC
Nói về công trình của mình, học giả NVTA đã viết: “Tôi không tự cho mình là người sáng tạo ra môn Lạc Việt độn toán.  Mà chỉ là người phục hồi lại môn này và những nguyên lý của nó từ những di sản còn lại lưu truyền trong văn hoá phương Đông.  Hay nói cách khác: Nội dung của Lạc Việt độn toán đã tồn tại trên thực tế từ hàng thiên niên kỷ trước.  Nó đã bị thất truyền khi nền văn minh Việt sụp đổ ở miền nam sông Dương Tử. Nay được phục hồi lại nhân danh nền văn hiến Lạc Việt. . . . Sự phục hồi môn Lạc Việt độn toán từ những di sản văn hoá phi vật thể lưu truyền trong dân gian chính là một bằng chứng sắc sảo không chỉ minh chứng cho sự hoàn chỉnh nhất quán và tính khoa học của thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về văn minh Lạc Việt mà còn là một bằng chứng cho thấy một nền văn minh đã thất truyền vì lịch sử bị vùi lấp.  Đó chính là nền văn hiến của người Lạc Việt trải gần 5000 năm, một thời huyền vĩ ở miền nam Dương Tử. . . . Hiện nay, nếu coi hệ thống những luận điểm nhân danh nền văn hiến Việt là đúng thì chúng ta mới chỉ dừng lại ở mối liên hệ hợp lý và nhất quán giữa các vấn đề liên quan trên một nguyên lý nhất quán. Nhưng chưa xác định được định lượng các mối liên hệ thực tại nào làm nên lý thuyết này. Đây sẽ là quá trình lâu dài, gian khổ và tốn nhiều tâm huyết của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, căn cứ vào những tiêu chí khoa học cho một lý thuyết hoặc một phương pháp hay giả thiết khoa học, chúng ta đủ cơ sở để ứng dụng một cách nhất quán nguyên lý được phục hồi để phục chế lại những giá trị văn hoá khoa học cổ đại, mà một trong những giá trị này chính là phương pháp dự báo Lạc Việt độn toán.”

Nói về Lạc Việt Độn Toán, học giả NVTA đã viết: “Phương pháp dự báo của Lạc Việt độn toán ứng dụng trên thực tế từ nhiều năm qua trên mọi phương diện do tác giả và những anh chị em nghiên cứu tham khảo thực hiện đã cho thấy khả năng dự báo rất hiệu quả của môn này. . . . [K]hả năng tiên tri của các phương pháp dự báo thuộc Lý học Đông phương cổ phải phản ánh một qui luật nào đó của vũ trụ, tính khái quát càng lớn chứng tỏ tính quy luật càng rất bao trùm. Vấn đề là chúng ta hiểu gì về thực tại vận động của những qui luật đó qua những phương pháp dự đoán thuộc Lý học Đông phương. Lạc Việt độn toán đã thoả mãn yêu cầu đó bởi tính khái quát cao: chỉ có 48 quẻ để dự báo cho tất cả sự vật sự việc từ nhỏ đến lớn so với quẻ Dịch có 64 quẻ và tính chi tiết hoàn hảo cho từng hào.  Điều này chứng tỏ Bốc Dịch với 64 quẻ là sản phẩm được hoàn hảo ở một giá trị nhận thức về vũ trụ, trái đất và con người sâu hơn Lạc Việt độn toán.  Chúng ta có thể nhận xét rằng Lạc Việt độn toán trên thực tế ra đời trước khi có phương pháp Bốc Dịch. Nói một cách khác: Lạc Việt độn toán có tính khái quát và gần với những nguyên lý căn bản của thuyết Âm Dương Ngũ hành, tuy không sâu và chi tiết bằng Bốc Dịch. Nhưng vì tính thất truyền của một nguyên lý lý thuyết phản ánh một thực tại đã tạo dựng ra nó và sự sai lệch do thất truyền nên phương pháp Bốc Dịch trở nên huyền bí và có những sai lệch và đây cũng là tình trạng chung của các phương pháp tiên tri phương Đông . Trên đây cũng chỉ là ý tưởng ban đầu về sự suy luận tính lịch sử thời gian của sự ra đời hai phương pháp Bốc Dịch và Lạc Việt độn toán. Hy vọng đó sẽ là những ý tưởng để sau này có ai nghiên cứu về lịch sử hình thành các phương pháp tiên tri của Lý Học Đông phương sẽ tiếp tục tìm hiểu và tìm ra những lời giải cho các hiện tượng từ hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn năm trước. 

Và làm thế nào nào để phục hồi Bát Môn và Lục Nhâm để từ đó kết hợp chúng thành một trong cái gọi là Lạc Việt Độn Toán, học giả NVTA đã giải thích:

Lạc Việt độn toán lấy Hà Đồ phối Hậu thiên Lạc Việt’ làm nguyên lý căn để về nguyên lý lý thuyết. Điều này thể hiện tính nhất quán trong nguyên lý học thuật cổ Đông phương thuộc về văn minh Lạc Việt, có khả năng lý giải một cách hợp lý những vấn đề và hiện tượng liên quan đến nó. Nguyên lý này ứng dụng một cách nhất quán trong việc lý giải mọi phương pháp và hiện tượng liên quan đến Lý học Đông phương từ Tử Vi, bốc Dịch, phong thuỷ..vv... Là cơ sở cho sự hiệu chỉnh và phục hồi những giá trị của học thuyết Âm Dương Ngũ hành đã thất truyền. Tính nhất quán là một trong yếu tố cần chứng tỏ một lý thuyết được coi là khoa học. Bởi vậy sự trùng khớp giữa đồ hình Bát Môn và Hà Đồ một lần nữa chứng tỏ tính hoàn chỉnh và nhất quán của nguyên lý Hà Đồ phối Hậu Thiên Lạc Việt’.  So sánh hai hình sau đây, chúng ta sẽ nhận thấy điều này.  



Chứng tỏ rõ hơn nguyên lý này, chúng ta nghiệm lý như sau: trên Cửu cung Hà Đồ và Cửu Cung Lạc thư đều có từng cặp Ngũ hành cho tám cung (Bát Môn) -  Hà Đồ tính thuận theo chiều kim đồng hồ theo chiều Ngũ hành tương sinh và Lạc Thư tính nghịch theo chiều kim đồng hồ theo chiều Ngũ hành tương khắc. Điều này được minh hoạ bằng hình dưới đây:




So sánh hai đồ hình trên chúng ta thấy hai cụm: Thuỷ (Hiển thị màu xanh Dương) - Càn (Tây Bắc), độ số 6, Khảm (Chính Bắc) độ số 1 và Mộc (Hiển thị màu xanh lá cây) – Cấn (Đông Bắc) độ số 8, Chấn (Chính Đông) độ số 3 có vị trí và phương vị hoàn toàn giống nhau.  Nhưng đến hai cụm Hoả và Kim thì có những khác biệt sau đây:

* Ở Lạc Thư: Phía Đông Nam và chính Nam là độ số của Âm Dương Kim số 4 – 9 phối quái Ly Hoả và quái Tốn Mộc (Theo sách Hán). Ở Hà Đồ: Phía Đông Nam và chính Nam là độ số của Âm Dương Hoả số 2 – 7 phối quái Ly Hoả và quái Khôn Thổ.

* Ở Lạc Thư: Phía Tây Nam và chính Tây là độ số của Âm Dương Hoả, số 2 – 7 phối quái Khôn Thổ và quái Đoài Kim.  Ở Hà Đồ: Phía Tây Nam và chính Tây là độ số của Âm Dương Kim số 4 – 9 phối quái Tốn Âm Kim và quái Đoài Dương Kim.

Về nguyên tắc (Về lý): Bát môn chỉ có thể hoặc phối Lạc Thư hoặc phối Hà Đồ. Và dù phối với đồ hình nào thì trên Bát môn độn giáp cũng phải có hai cặp cùng hành tương ứng. Đây là tiền đề thứ nhất. Từ đó cho chúng ta một hệ quả là sự nghiệm suy sau:

Chúng ta nhận thấy rằng:

* Khai - sự trôi chảy, sự dẫn hướng hành Thuỷ. Như vậy cặp cùng hành với Khai là Hưu trên Bát Môn cũng phải thuộc Thuỷ (Hưu: Thuỷ Tù - sự ngưng trệ). Trong các sách cổ như Thái Ất, Kỳ Môn đều coi Khai Hưu thuộc Thuỷ. 
 
* Khai Hưu thuộc Thuỷ thì Sinh Thương tiếp theo phải thuộc Mộc dù phối Bát Môn với Lạc Thư hay Hà Đồ (xem hình trên).

Nếu chúng ta sắp Bát môn với bất cứ Lạc Thư hoặc Hà Đồ thì cũng sẽ có hai hành hợp lý tiếp nối là:

*  Lạc thư: Đỗ Cảnh thuộc Kim, độ số 4 - 9.
Hà Đồ : Đỗ Cảnh thuộc Hoả, độ số 2 - 7.

* Lạc thư: Tử Kinh thuộc Hoả, độ số 2 – 7
Hà Đồ: Tử Kinh thuộc Kim, độ số 4 - 9.

Theo suy lý về khái niệm trực tiếp của danh từ thì tôi thấy Đỗ Cảnh : Sự thành đạt, vẻ đẹp thì đây chính là nội dung gần gũi của quẻ Ly thuộc Hoả. Do đó hai cung Đỗ Cảnh hoàn toàn phù hợp với Hà Đồ nằm ở phương Nam tương ứng với quái Ly.  Tương tự, sự chứng nghiệm cho thấy hai cung Tử Kinh phù hợp với hành Kim, có tính sát phạt, đồng nghĩa với khái niệm trực tiếp của hai danh từ này. Sự phối Bát môn với Hà Đồ còn cho chúng ta phương vị của Bát Môn cũng chính là phương vị của Hà Đồ. Tính hợp lý của sự phối hợp này còn cho chúng ta sự hợp lý của mọi vần đề liên quan.  Bởi vậy: Đồ hình căn bản và là nguyên lý của Bát Môn chính là Hà Đồ.

Ta cũng dễ dàng nhận thấy:
 Trong Bát môn độn giáp lưu truyền trong dân gian, các quẻ không có ngũ hành và phương vị từng quẻ riêng biệt chỉ có khái niệm của quẻ đó qua tên quẻ.  Đồ hình Lạc thư nếu không phối Hậu Thiên, cũng không thể xác định phương vị qua độ số. Bởi vì, nếu xét riêng Lạc Thư gọi 1 Thuỷ là phương Bắc thì không thể độ số 9 - độ số của - Kim lại ở phương Nam. Nhưng ngược lại, Hà Đồ nếu đứng riêng một mình thì tự nó có phương vị tương ứng với Hậu Thiên qua độ số 1 Chính Bắc hợp với Khảm Thủy, 7 chính Nam hợp với Ly Hoả, 9 chính Tây hợp với Đoài Kim và 3 Mộc chính Đông hợp với Chấn Mộc. Bởi vây: Hậu Thiên phối với Hà Đồ thì phương vị và ngũ hành của Tứ chính (Khảm - Chấn - Lý - Đoài), hoàn toàn phù hợp với phương vị ngũ hành của Hà Đồ và tính chất của các quái thuộc tứ chinh. Do đó: Bát Môn khi phối với Hà Đồ thì tám cung Bát môn sẽ có phương vị của Hà Đồ và đuợc ứng dụng trong Lạc Việt Độn Toán.
 
Kết luận:
Hà Đồ phối Hậu Thiện Lạc Việt chính là nguyên lý căn để của phương pháp ứng dụng Bát Môn độn giáp trong phương pháp dự báo Lạc Việt độn toán.
. . .
Tôi đưa các dị bản khác nhau của Lục Nhâm tiểu độn nhằm chứng tỏ những nguyên lý lý thuyết căn bản của các phương pháp độn toán Đông phương (bao gồm cả Tử Vi; Tử Bình....) và sự nhận thức về một thực tại là tiền đề của nó đã bị thất truyền , mà trong trường hợp này đó chính là những dị bản của Lục Nhâm tiểu độn.  Phương pháp lưu truyền ở miền Bắc có tính năm, giống cách tính trong bài viết của Thái Tuế bắt đầu năm Tý ở cung Đại An. Phương pháp ở miền Nam toán từ tháng 1 bắt đầu ở cung Đại An và không toán năm. Còn một dị bản thứ ba khác là các cung Đại An , Tốc hỷ, Tiểu cát bị lệch sang phải và thay chỗ cho nhau, dị bản này cũng tính tháng Giêng từ cung Đại an và không tính năm. Về cách gọi thì miền Bắc gọi môn này là Lục Nhâm đại độn, ở miền Nam gọi là Lục Nhâm tiểu độn. Dù với cách gọi nào thì cả ba phương pháp này đều có một nền tảng đồ hình giống nhau và đều không có sự liên hệ với Ngũ Hành. Lục Nhâm đại độn có 6 cung, có sự liên hệ  với Lục khí và tương quan thực tại với chu kỳ của sao Thái tuế và chỉ có Hậu thiên bát quái Lạc Việt mới có khả năng kết hợp hai cặp quái Điên đảo dịch thành 2 cặp bất dịch và tạo thành 6 cực như sau:

 
Hậu Thiên Lạc Việt đổi chổ Tốn Khôn mới tạo được cặp bất dịch này.  Trên cơ sở này mới tạo thành 6 cực liên hệ với 6 quẻ Lục Nhâm như sau:
 


Từ cơ sở này, tính chất của 6 cung Lục Nhâm như sau:

Lưu Niên: Giữ lại thời gian. Biểu tương cho sự ngăn trở hiểm ác, âm mưu… Đây chính là hành thuỷ, vậy liên hệ với quẻ Khảm.
Tốc Hỷ: Niềm vui đến nhanh. Biểu tượng cho sáng sủa, vẻ đẹp…Đây chính là hành Hoả,vậy liên hệ với quẻ Ly.

Xích khẩu: Tranh chấp, cự cãi, lý luận, xung sát … Đây là thuộc tính của hành Kim, vậy liên hệ với Tốn – Đoài.

Như vậy tứ hành đã an vị. Còn hai quẻ nữa khởi đầu của vạn sự chính là Càn Khôn…liên hệ với: Càn – Đại An và Khôn – Vô vong. Từ đó ta thấy Lục Nhâm chính là sự sắp xếp theo những cặp đối xứng và xung sát nhau như:

Khảm Thuỷ - Ly Hoả;
Tốn Đoài Kim - Cấn Chấn Mộc;
Khôn Âm Hỏa đới Thổ - Càn Âm Kim đới Thủy.  

theo chiều tương khắc của Ngũ Hành.  Xin xem sự mô tả dưới đây:

Khảm------------------Ly------------------Tốn và Đoài
Thuỷ----------------- Hoả-----------------Kim
Lưu niên------------Tốc Hỷ--------------Xích Khẩu
Càn--------------------Khôn---------------Cấn và Chấn
Dương Thổ----------Âm Thổ-------------Mộc
Đại an----------------Vô Vong------------Tiểu Cát

Qua sự phân tích trên, chúng ta thấy có sự liên hệ của Hà Đồ với Bát môn và Hà Đồ - Hậu thiên Lạc Việt với Lục Nhâm. Cả hai, Bát Môn và Lục Nhâm đều có gốc từ Hà Đồ. từ đó suy luận ra chúng phải có liên hệ với nhau. Bát Môn trực tiếp từ Hà Đồ - cái có trước - thuộc Dương sẽ Tĩnh.  Lục Nhâm có sau từ Hậu thiên Lạc Việt - hệ quả của hệ quả - thuộc Âm sẽ động.  Xin lưu ý  Dương Tịnh - Âm Động là lý thuyết căn bản được phục hồi từ Văn hiến Lạc Việt còn sách Hán thì ngược lại Dương Động - Âm Tịnh.

Đến đây ta đã thấy hai phương pháp độn Lục Nhâm và Bát Môn phải có một sự liên hệ với nhau trong một phương pháp tiên tri hoàn chỉnh.  Xét hai phương pháp ta thấy 6 cung trong Lục Nhâm chính là tượng của lục khí tương tác và là một nửa chu kỳ Âm Dương của vòng Thái Tuế. Chu kỳ sao Thái Tuế - Sao Mộc quay quanh mặt trời là 12 năm, phân Âm Dương mỗi chu kỳ là 6 năm. Trong Lạc Thư Hoa Giáp thì 6 năm vừa đúng một vận có tính qui luât. 10 vận vừa đúng một hoa giáp 60 năm; phân Âm Dương thành 2 kỷ, mỗi kỷ 30 năm, khác với  Lục thập hoa giáp từ sách Hán, không thể hiện được một vận là 6 năm.  Đối chiếu với các hiện tượng liên quan thì việc tính thêm năm vào phương pháp độn Lục Nhâm là hợp lý.

Phương pháp dự báo Lạc Việt độn toán là sự kết hợp giữa hai quẻ của Bát Môn và Lục Nhâm trong cùng một thời điểm toán quẻ.

* Bát môn thuộc Dương – theo nguyên lý Dương trước Âm sau và Dương tịnh Âm Động. Nến quẻ Lạc Việt độn toán lấy Bát Môn làm quẻ ngoại thể hiện hoàn cảnh, điều kiện bên ngoài của sự việc, sự vật cần luận đoán.
* Lục Nhâm có sau thuộc Âm. Nến quẻ Lạc Việt độn toán lấy Lục Nhâm thể hiện bản chất sự việc sự vật cần luận đoán.

Tóm lại  Lạc Việt độn toán hoàn toàn dựa trên sự phục hồi của Thuyết Âm Dương Ngũ hành từ văn minh Lạc Việt, trong đó lấy Hà Đồ làm đồ hình là nguyên lý và Lục Nhâm Đại độn và Bát môn độn giáp là những mảnh còn sót lại của một phương pháp độn toán rất kỳ vĩ từ ngàn xưa.  Đó là lý do môn độn toán này tồn tại hàng ngàn năm, cùng các phương pháp rất trí tuệ khác mà sự thất truyền không lớn là Thái Ất, Tử vi. Lạc Việt độn toán có tính qui luật, tính minh triết về những giá trị căn bản liên quan đến con người. Hay nói một cách khác: nó mang dấu ấn của một tri thức Hàn lâm.  Lạc Việt độn toán là một phương pháp không hề tồn tại trong cổ thư chữ Hán. Do đó nó khẳng định tính nhất quán, tính hệ thống và khả năng tiên tri theo tiếu chí khoa học mình chứng cho nền văn hiến Lạc Việt một thời huyền vĩ ở bớ Nam sông Dương Tử với lịch sử trải gần 5000 năm.

Kết Luận: Bát Môn độn giáp và Lục Nhâm đại độn là hai nội dung căn bản của phương pháp dự báo Lạc Việt độn toán. Quẻ Lạc Việt độn toán là sự kết hợp giữa hai quẻ Bát Môn và Lục Nhâm trong cùng một thời điểm toán quẻ.”  

Giải thích về cách độn Bát Môn và Lục Nhâm và ý nghĩa, học giả NVTA viết: 


 “Độn Bát Môn Đại Độn dùng 8 đốt ngón tay trên bàn tay [1] Bắt đầu từ cung Sinh ở đốt thứ nhất ngón trỏ là tháng thứ nhất trong năm, tính thuận theo chiều kim đồng hồ - mỗi tháng một cung - đến tháng cần toán. [2] Tiến 1 cung là ngày mùng 1 của tháng đó, tính thuận mỗi ngày một cung - đến ngày cần toán. [3] Tiến 1 cung là giờ Tí của ngày đó, tính thuận - mỗi giờ một cung - đến giờ cần toán trong ngày, dừng tại cung nào ra quẻ tên cung đó. Thí dụ: Giờ Tuất, ngày 19 tháng 5.  Bắt đầu từ cung Sinh là tháng 1 đếm thuận chiều kim đồng hồ đến tháng 5, dừng ở cung Tử. Tiến 1 cung là cung Kinh, đếm thuận đến 19 là cung Hưu. Tiến 1 cung là cung Sinh giờ Tí đếm đến giờ Tuất, toán được là cung Đỗ, tức quẻ Đỗ. . . .
Sinh nghĩa là: Sống, là sự bắt đầu (cho một việc, một cái gì đó), là ý tưởng ban đầu, là mầm cây, là cỏ, là cây nhỏ, là loại cây mềm yếu (cây Liễu chẳng hạn), là mùa xuân, là sự hứa hẹn, là hy vọng… Cung Sinh là Âm Mộc, nhưng nghĩa Sinh thuộc Dương Mộc. Độ số là 3. Về phương vị là chính Đông. Về màu sắc là xanh lá mạ, xanh non. . . Thương nghĩa là: Buồn, là thuộc trạng thái tình cảm, là cây lớn, là sự phát triền sung mãn sắp chuyển sang giai đoạn suy vi. Cung Thương là Dương Mộc, nhưng nghĩa của Thương thuộc Âm Mộc. Độ số là 8. Về phương vị là Đông Bắc. Về màu sắc là xanh lá cây sậm. . . Đỗ nghĩa là: Đạt, là sự thành đạt, là kết quả tốt đẹp, là được việc, là quí nhân phù trợ. Cung Đỗ là Âm Hoả, nhưng nghĩa của Đỗ thuộc Dương Hoả. Độ số là 7. Về Phương vị là chính Nam. Về màu sắc là màu đỏ. . . Cảnh nghĩa là: Đi chơi ở trong sự nhàn hạ, phong lưu.Là từ xa tới, là du lịch, là đi xa, là vẻ đẹp, là nhà đẹp, cao rộng có vườn cây hoặc nội thất rực rỡ. Cung Cảnh thuộc Dương Hoả, nhưng nghĩa của Cảnh thuộc Âm Hoả. Độ số là 2. Về phương vị là Đông Nam. Về màu sắc là màu đỏ nâu. Cảnh, vì là Âm Hỏa – chính vị Khôn Thổ (Theo Hậu thiên Lạc Việt) – nên còn có ý nghĩa là Âm Thổ: miếng đất đẹp. . . . Tử nghĩa là: Chết, sự chấm dứt, kết thúc, là cắt đứt, là sát phạt, là tiền bạc tài sản lưu động, là người làm nghề cơ khí, kim khí, là võ nghiệp, nếu là bác sĩ thì liên quan đến mổ xẻ, là nghe… Cung Tử thuộc Âm Kim, nhưng nghĩa của Tử thuộc Dương Kim. Độ số là 9. Về phương vị là chính Tây. Về màu sắc là màu trắng. Tử, cũng còn có nghĩa là con cái. . . . Kinh nghĩa là: Kinh sợ, đột ngột, sự bất ngờ, là giật gân, là người làm việc táo bạo, mạo hiểm … Cung Kinh thuộc Dương Kim, nhưng nghĩa của Kinh thuộc Âm Kim. Độ số là 4. Về màu sắc là trắng xám. . . Khai nghĩa là dòng nước chảy, là sự khai thông, là trôi đi, là thoát khỏi sự bế tắc, là đi xa thuận lợi, … Cung Khai thuộc Âm Thuỷ, nhưng nghĩa của Khai thuộc Dương Thuỷ. Độ số là 1. Về màu sắc là xanh dương, là đen bóng. . . Hưu nghĩa là: Nghỉ, sự ngưng trệ, sự nghỉ ngơi do bất lực, kiệt sức, là bế tắc. Cung Hưu thuộc Dương Thuỷ, nhưng nghĩa của Hưu thuộc Âm Thuỷ. Độ số là 6. Về màu là màu đen xỉn, xanh đen.


Độn Lục Nhâm dùng 8 đốt ngón tay trên bàn tay. [1] Năm Tí từ cung Đại An, trên đốt thứ nhất ngón trỏ, chiều thuận kim đồng hồ - mỗi năm một cung - đến năm cần toán, dừng ở cung nào là tháng 1 của năm đó. [2] Từ tháng 1 tính thuận - mỗi tháng một cung - đến tháng cần toán, dừng ở cung nào là ngày 1 của tháng đó. [3] Từ ngày 1 tính thuận mỗi ngày một cung – đến ngày cần toán dừng lại ở cung nào là giờ Tí của ngày đó.  Từ giờ Tí tính thuận đến giờ cần toán, ta sẽ được quẻ Lục Nhâm cần toán.  Thí dụ: Giờ Tuất ngày 19 tháng 5 năm Tỵ. Bắt đầu từ cung Đại an là năm Tí, đếm thuận theo chiều kim đồng hồ đến năm Tỵ là cung Không vong. Từ cung Không vong là tháng 1, đếm thuận đến tháng 5 là cung Xích khẩu. Từ cung Xích khẩu là ngày 1, đếm thuận đến ngày 19 là cung Xích khẩu. Từ cung Xích khẩu là giờ Tí, đếm thuận đến giờ Tuất là cung Lưu niên, toán được cung Lưu Niên. . .  

Đại an thuộc Dương Thổ, nghĩa là bình yên lớn. Tính chất chậm chạp nhưng chắc chắn, thuộc về tài sản là nhà đất lớn, là miếng đất hoặc vùng đất lớn, là nguồn lợi ổn định, chắc chắn. Về người là bậc quân tử chín chắn, nữ hiền hậu tính cách điềm đạm, là người đầy đặn, béo tốt. Về công việc là sự ổn định, là người làm tại nơi trung tâm, có quyền chức địa vị. Về nơi làm việc là cơ quan hoặc bộ phận quan trọng. Về bệnh liên quan đến dạ dày hoặc tỳ.Về phương vị là nơi trung tâm. Về màu sắc là màu vàng thổ. Độ số là 5. . . Lưu niên thuộc Thuỷ, nghĩa là giữ lại thời gian. Có tính hiểm độc, lừa dối, âm mưu, là mưu toan, là sự do dự, lo lắng. Thuộc về tài sản là thất thoát, phá sản. Thuộc về sự việc là trì trệ. Là công việc không chính danh, có tính phiêu lưu mạo hiểm, là phi pháp, phi đạo đức. Là chết chóc tai nạn. Về bệnh thì liên quan đến máu huyết hoặc thận. Về phương vị là phương Bắc hoặc Tây Bắc. Về màu là màu đen hoặc xanh dương. Về độ số là 1 và 6. . . Tốc hỷ thuộc Hoả, nghĩa là sự vui vẻ, may mắn, là nhanh chóng, là tốt đẹp sáng sủa. Về người là quí nhân hay giúp đỡ người khác, là người thông minh, tài cao học rộng. Về công việc là chính danh, về học vấn là sự thành đạt, có học vị cao, là những dịch vụ phục vụ cho vẻ đẹp, cho nhu cầu tinh thần. Về hiện tượng là thuộc về văn hóa, giáo dục. Là người mang những giá trị tinh thần cao quí. Về bệnh liên quan đến tim hoặc tinh thần. Về màu sắc là màu đỏ, về phương vị là hướng Nam hoặc Đông Nam. Về độ số là 2 và 7. . . Xích khẩu thuộc Kim. Nghĩa là sự tranh luận, cãi nhau, tiếng ồn ào, tiếng động. Về sự việc là tranh chấp kiện tụng. Về nghề nghiệp là nghề liên quan đến kim khí, máy móc; liên quan đến miệng như: dạy học, luật sư, quảng cáo, thông tin… Về người là người hay nói, lý luận khúc chiết, là người thấp, đầy đặn, nhiều lý trí. Về bệnh tật là bệnh liên quan đến phổi, tai, xương cốt. Về hướng là hướng Tây hoặc Tây Nam. Về màu sắc là màu trắng hoặc xám trắng. Về độ số là 4 và 9. . . Tiểu cát thuộc Mộc. Nghĩa là niềm vui nhỏ, là tin tức vui, là tình cảm, tình yêu, sự quí mến. Về sự vật là sách vở, là tri thức, học hành, là cây cối. Về người là người giàu tình cảm, là hôn nhân, tình duyên. Về nghề nghiệp là người buôn bán nhỏ, có tiểu lợi, là người làm ăn liên quan đến gỗ cây, sách vở, tri thức… Về hình thể là người yểu điệu, mình dây, duyên dáng; đàn ông cao gầy có tính hiền, ham học hỏi. Về bệnh liên quan đến gan.Về hướng là hướng Đông hoặc Đông Bắc. Về màu sắc là màu xanh lá cây. Về độ số là 3 và 8. . . Vô vong thuộc Âm Thổ. Nghĩa là không được việc gì, hoặc không sao cả; là đất bỏ hoang. Về người là người vô tích sự, thất nghiệp. Gặp hạn thì hoá giải. Về màu sắc là màu vàng đất xỉn. Về phương vị là ở cạnh nơi trung tâm, ở phía dưới, là nền nhà. Về độ số là 10. . .
Quẻ Lạc Việt độn toán là sự kết hợp giữa hai quẻ Lục Nhâm và Bát môn lấy trong cùng một không thời gian toán quẻ. . . .  Như vậy, kết hợp hai cung của Bát môn và Lục Nhâm trong cùng đơn vị thời gian luận quẻ trong bài trên là:
* 1 – 3: Giờ Tuất ngày 19 tháng 5 - Quẻ Bát Môn = Đỗ.
* 2 – 3: Giờ Tuất ngày 19 tháng 5 - Quẻ Lục Nhâm = Lưu Niên.
Ta có quẻ của Lạc Việt độn toán là: Đỗ - Lưu Niên - năm âm

Quẻ Bát môn trong Lạc Việt độn toán  tương ứng hoàn cảnh, điều kiện môi trường của sự vật sự việc, với quẻ Thượng trong bốc Dịch. Quẻ Lục Nhâm trong Lạc Việt độn toán tương ứng với hiện trạng, bản chất sự vật, sự việc, với tương ứng với quẻ Hạ trong Bốc Dịch. . . Bát môn thuộc Dương – theo nguyên lý Dương trước Âm sau và Dương tịnh Âm Động.  Nên quẻ Lạc Việt độn toán lấy Bát Môn làm quẻ ngoại thể hiện hoàn cảnh, điều kiện bên ngoài của sự việc, sự vật cần luận đoán.  Lục Nhâm có sau thuộc Âm. Nên quẻ Lạc Việt độn toán lấy Lục Nhâm thể hiện bản chất sự việc sự vật cần luận đoán.”

Đến đây chúng ta đã có khá đầy đủ thông tin về môn Lạc Việt Độn Toán.  Dĩ nhiên những trích đoạn như vậy không thể nào đại diện được cho công trình của học giả NVTA mà chỉ đủ để làm cơ sở cho những điều mà chúng ta muốn cứu xét.  Và bây giờ thì đã đến lúc chúng ta có thể đi vào công việc triển khai sự so sánh để thử xem Việt Dịch có thể giải thích được Bát Môn và Lục Nhâm như đã nêu ra.



[1]  Tám tầng của Việt Dịch gồm có:
·          Tầng thứ nhất: (23)1 = (2x2x2)1 = (8)1 = 8 quẻ.  
·          Tầng thứ hai: (23)2 = (2x2x2)2 = (8)2 = 64 quẻ
·          Tầng thứ ba: (23)3 = (2x2x2)3 = (8)3 = 512 quẻ.   
·          Tầng thứ tư: (23)4 = (2x2x2)4= (8)4 = 4096 quẻ
·          Tầng thứ năm: (23)5 = (2x2x2)5= (8)5 = 32768 quẻ
·          Tầng thứ sáu: (23)6 = (2x2x2)6= (8)6 = 262144 quẻ
·          Tầng thứ bảy: (23)7 = (2x2x2)7= (8)7 = 2097152 quẻ
·          Tầng thứ tám: (23)8 = (2x2x2)8= (8)8 = 16777216 quẻ
Tuy nhiên trên thực tế ứng dụng thì Việt Dịch chỉ có tối đa 40320 quẻ, Y = 8! = 8x7x6x5x4x3x2x1= 40320  

[2] Những chữ trong ngoặc vuông [  ] là của tác giả.  Tất cả được trích từ Lạc Việt Độn Toán của Nguyễn vũ Tuấn Anh

4 comments:

  1. Chào anh/chị!
    Tôi đang phân vân chỗ bấm độn: một số bài thì nói rằng khởi cung nào thì tính ngày bắt đầu/giờ tý tại cung đó. Còn ở đây thì tiến một cung thì mới bắt đầu là ngày 01 và hoặc giờ tý. Cũng chỉ là thắc mắc, nếu có thể vui lòng cho tôi biết tại sao và gửi về dungnv039@gmail.com. Chân thành cảm ơn

    ReplyDelete
    Replies
    1. 1 cái là tiến là độn giáp , 1 cái bắt đầu tại tý là nhâm độn nhé chị .. chị tìm hiểu 2 cái riêng biết dồi kết hợp

      Delete
    2. 1 cái là tiến là độn giáp , 1 cái bắt đầu tại tý là nhâm độn nhé chị .. chị tìm hiểu 2 cái riêng biết dồi kết hợp

      Delete
  2. Bạn dungnv039: "..khởi cung nào thì tính ngày bắt đầu/giờ tý tại cung đó ..." : đúng đó bạn.

    ReplyDelete