Wednesday, December 8, 2010

Bát Môn, Lục Nhâm và Lạc Việt Độn Toán Dưới Lăng Kính Việt Dịch - bài 3



XÉT VIỆT DỊCH ĐỒ VÀ LẠC VIỆT ĐỘN TOÁN
TRONG TƯƠNG QUAN VỚI BÁT MÔN LỤC NHÂM

Từ đồ hình trên chúng ta có thể trình bày một cách khác.  Đem vòng ngoài của hình H3B phối vào 9 cung chúng ta sẽ được cái Bánh Chưng Bát Môn.  So hình Bánh Chưng Bát Môn với hình Bàn Tay Bát Môn của Lạc Việt Độn Toán thì không khác.  So hình Bánh Chưng Bát Môn với hình Hà Đồ Bát Môn của LVĐT --nếu tạm quên các quái mà chỉ xét một cách tổng quát các tập hợp của âm dương, độ số và ngũ hành-- thì cũng có thể nói là giống nhau gần như hoàn toàn, ngoại trừ một khác biệt nhỏ. 



Khác biệt đó là, với hình Hà Đồ Bát Môn, nhìn vào nhóm Khai Hưu hành Thủy, thì “Khai độ số 1” nằm ở cung độ số 6 còn “Hưu độ số 6” lại nằm ở cung độ số 1.  Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao đã xác định Khai có độ số 1 Dương Thủy lại nằm ở cung có độ số 6 Âm Thủy và xác định Hưu có có độ số 6 Âm Thủy lại nằm ở cung có độ số 1 Dương Thủy?  Với hình cái Bánh Chưng Bát Môn, cũng nhìn vào nhóm Khai Hưu, thì Khai độ số 1 Dương Thủy nằm chính xác ở cung độ số 1 Dương Thủy [cung +1 Nhâm Khảm] và Hưu độ số 6 Âm Thủy nằm chính xác ở cung độ số 6 Âm Thủy [-6 Quý Càn].  Tình trạng này đều thấy ở các hành còn lại, ngoại trừ hành Thổ. 

Như chúng ta đã biết, Bánh Chưng Bát Môn là sản phẩm lấy ra từ Việt Dịch Đồ.  Còn Hà Đồ Bát Môn là sản phẩm làm ra từ HTBQ của Lạc Việt.  Chỉ dựa trên sự thật này, trên căn bản giải thích sự hợp lý trong việc phân bố độ số và ngũ hành của Bát Môn, liệu chúng ta có dám nói Việt Dịch Đồ đã có phần hợp lý hơn HTBQ-LạcViệt??? 

Xét đến ý nghĩa từng cửa của Bát Môn và ý nghĩa của từng quái chúng ta thấy:

SINH –
Lạc Việt Độn Toán giải thích “Sinh nghĩa là Sống, là sự bắt đầu (cho một việc, một cái gì đó), là ý tưởng ban đầu, là mầm cây, là cỏ, là cây nhỏ, là loại cây mềm yếu (cây Liễu chẳng hạn), là mùa xuân, là sự hứa hẹn, là hy vọng… Cung Sinh là Âm Mộc, nhưng nghĩa Sinh thuộc Dương Mộc. Độ số là 3. Về phương vị là chính Đông. Về màu sắc là xanh lá mạ, xanh non.”  Giải thích này cho thấy ý nghĩa của chữ Sinh hoàn toàn thuộc về “Tốn +3 Giáp” của Việt Dịch Đồ và được LVĐT xác nhận rõ với cụm “. . . nghĩa Sinh thuộc Dương Mộc.  Độ số là 3.  Về phương vị là chính Đông. .”  và vị trí của chữ Sinh lạị nằm ở “Dần vị” của Việt Dịch Đồ cũng là vị trí “+3 Giáp Tốn” trên hình chiếc Bánh Chưng Bát Môn.  Cần để ý một điều là “Tốn +3 Giáp” của Việt Dịch Đồ thuộc hướng chánh Đông [phương vị trên HTBQ] dầu là có đóng ở vị trí Dần của vòng ngoài [vị trí trên 9 cung hoặc 12 cung] và đó cũng chính là lý do tại sao tác giả nói là ở Dần vị mà không nói là ở hướng ĐB.  Như vậy thì Hà Đồ Bát Môn của LVĐT và Việt Dịch Đồ thống nhất với nhau trong vấn đề “chỗ và hướng” của chữ Sinh.     
                                                                                                
Việt Dịch giải thích “Tốn là tượng vật chất vô hình âm tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘vật chất vô hình âm tính’ có nghĩa là ‘không khí, từ trường, hoá âm, làm cho phát ra âm thanh, làm cho nghe tiếng.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên Bát Quái Đồ. Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên Bát Quái Đồ, những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn vật chất vô hình của vũ trụ vật lý. Chúng có khả năng mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vật chất vô hình trong thế giới sống. Do đó, Tốn không những là vật chất vô hình vật lý mà còn là vật chất vô hình theo qui ước xã hội, là tài sản vô hình (intangible asset), là bản quyền (copyright), là thương hiệu (name brand), là giá trị của thương hiệu (goodwill); không những là từ trường mà còn là sức hút của trái đất, là trọng lực, là nam châm, là từ hóa, là làm cho có từ trường, là từ trường của vật thể, không những là từ trường vật lý mà còn là từ trường của con người, là sức thu hút, là sức hấp dẫn [không do nhan sắc như ở ly]; không những là không khí mà còn là gió, là nhập vào, là len vào, là thâm nhập, là len lén, là nhè nhẹ, là rụt rè, là thập thò, là e lệ, là nhún nhường, là bâng khuâng, là lãng đãng, là dìu dịu, là bềnh bồng, là quấn quít, là ngây ngất, là choáng váng, là vấn vương, là nhớ nhung; không những là không khí, là gió mà còn là hơi thở, là mây trời, là phiêu bồng, là lan tỏa, là bay, là lay động, là mềm mại, là mỏng manh; không những là không khí, là hơi thở, là nhập vào mà còn là hơi thở đầu đời nhập vào dòng sống, là chào đời, là nứt mộng, là đâm chồi, là nhú ra, là lú ra, là giai đoạn sơ sinh, là vô tư, là ngây thơ, là nhân hậu, là nhu hòa, là nguyên tánh [nguyên tánh là gốc của nhu hoà, nhân hậu], là tạng can; không những là âm thanh, là làm phát ra âm thanh mà còn là tiếng nói, là nhạc, là dư luận, là truyền thông, là phát sóng, là truyền tải thông tin, là tuyên truyền; không những là làm cho nghe tiếng mà còn là làm cho nghe thấy ước muốn, làm cho nghe thấy ý kiến, là đệ đạt nguyện vọng, là đề nghị yêu sách, là trình bày ý kiến, là đưa ra quan điểm, là thố lộ ý nghĩ, là tiết lộ nội tâm, là tâm sự với người khác; không những là làm cho nghe tiếng mà còn là làm cho nghe thấy sự thật, là bàn bạc, là hội thảo, là nghiên cứu, là điều tra, là tường trình, là báo cáo, là phản hồi tin tức; Tốn nằm sau Khôn vừa đối lập với Chấn tức là vừa nằm sau giai đoạn làm mẹ, vừa nằm cạnh mẹ, vừa nằm ở vị trí đối lập với lão nam, trưởng nam nên là lão nữ, là trưởng nữ, là trưởng bối bên mẹ.(trang 133-136) và Xét về mặt thiên nhiên sinh hoá, bên trong vòng đai [xanh] của đồ hình mô tả chu kỳ sinh hóa của con người qua tám giai đoạn là (1) thụ thai ở Đoài, (2) thai nhi phát triển nhanh ở Ly, (3) thai nhi chiếm đầy bụng mẹ ở Khôn, (4) hài nhi chào đời ở Tốn, (5) thiếu niên háo ăn mau lớn ở Cấn, (6) thanh xuân sung mãn ở Khảm, (7) lập gia đình ở Càn, (8) già nua và chết ở Chấn.” (trang 138) và Mở mắt chào đời, nhập vào dòng sống với tất cả trong sạch không tranh không chấp nên nói là hoà nhập, nhún nhường ở Tốn” (trang 139) hoặc “Vạn vật [vòng ngoài] bừng dậy ở xuân-mộc khởi động một nửa chu kỳ sống động của vòng sinh hoá. Cây cỏ mọc mầm, vỡ đất thập thò lú ra ở Giáp [Tốn +3 Giáp], mong manh mềm mại ở Ất [Cấn -8 Ất]. Con người nhú đầu chui ra khỏi bụng mẹ, hít thở không khí lần đầu nhập vào dòng sống sinh động ở Tốn [Tốn +3 Giáp], mong manh tuổi thơ ở Cấn [Cấn -8 1 Ât]” (trang 138).  Những giải thích này cho thấy quá rõ là nội hàm của “Tốn +3 Giáp” trong Việt Dịch dung nạp ý nghĩa chữ Sinh của Bát Môn đến mức độ cao nhất. 

Như vậy, chữ Sinh của Bát Môn nằm ở cung “+3 Giáp Tốn” của Việt Dịch Đồ đã rõ ràng là một điều vô cùng hợp lý.

TỬ --
Lạc Việt Độn Toán giải thích “Tử nghĩa là: Chết, sự chấm dứt, kết thúc, là cắt đứt, là sát phạt, là tiền bạc tài sản lưu động, là người làm nghề cơ khí, kim khí, là võ nghiệp, nếu là bác sĩ thì liên quan đến mổ xẻ, là nghe… Cung Tử thuộc Âm Kim, nhưng nghĩa của Tử thuộc Dương Kim. Độ số là 9. Về phương vị là chính Tây. Về màu sắc là màu trắng. Tử, cũng còn có nghĩa là con cái.”  Giải thích này cho thấy ý nghĩa của chữ Tử hoàn toàn thuộc về “Chấn +9 Canh” của Việt Dịch Đồ và được LVĐT xác nhận rõ với cụm “. . . nghĩa của Tử thuộc Dương Kim. Độ số là 9. Về phương vị là chính Tây. ” và vị trí của chữ Tử lạị nằm ở Thân vị của Việt Dịch Đồ cũng là vị trí “+9 Canh Chấn” trên hình Bánh Chưng Bát Môn.  Cần để ý một điều là “Chấn +9 Canh” của Việt Dịch Đồ thuộc hướng chánh Tây [phương vị trên HTBQ) dầu là có đóng ở vị trí Thân của vòng ngoài [vị trí trên 9 cung hoặc 12 cung] và đó cũng chính là lý do tại sao tác giả nói là ở Thân vị mà không nói là ở hướng TN.  Như vậy thì Hà Đồ Bát Môn của LVĐT và Việt Dịch Đồ thống nhất với nhau trong vấn đề “chỗ và hướng” của chữ Tử.     

Việt Dịch giải thích “Chấn là tượng vật chất vô hình dương tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘vật chất vô hình dương tính’ có nghĩa là ‘quang khí, ánh chớp, lóe sáng, làm cho hóa quang, làm cho nổ.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên Bát Quái Đồ. Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên Bát Quái Đồ, những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn vật chất vô hình của vũ trụ vật lý. Chúng có khả năng mô tả cả dạng-tính-thể-trạng-hành của vật chất vô hình trong thế giới sống. Do đó, Chấn không phải chỉ là làm cho nổ mà còn là làm cho chấn động, là trạng thái lúc đạt tới tột đỉnh khoái cảm và xuất tinh, là trạng thái của tứ đại phân rã lúc chết, là chết, là rơi rụng, là chấm dứt; không phải chỉ là chấn động mà còn là rung động, là phập phều, là phồng ra thóp vào, là phồng lên xẹp xuống, là mũi, là phổi, là tạng phế, là hóa táo, là ứng vào da; không phải chỉ là chấn động mà còn là phập phồng, là hồi hộp, là run rẩy, là co giật, là nẩy giật, là co thắt của cơ bắp; không phải chỉ làm chấn động  trong ý nghĩa vật lý mà còn là chấn động trong ý nghĩa dư luận xã hội, là tai tiếng, là tiếng đồn, là nổ ra những sự kiện ô nhục, là xì-căn-đăng; không phải chỉ là làm cho nổ trong ý nghĩa vật lý mà còn là làm cho nổ ra trong ý nghĩa dư luận xã hội, là tố cáo, là tố giác, là bôi nhọ công khai, là gây ra hiểu lầm; không phải chỉ là lóe sáng mà còn là sự bừng tỉnh của tâm thức, sự phản tỉnh của thái độ, sự xét lại của tư duy, sự hồi tưởng, sự hoài niệm, là giai đoạn già lão, là tàn phai, là héo úa, là lão hóa; không phải chỉ là hóa quang trong ý nghĩa vật lý mà còn là trải nghiệm lúc hồn phách thoát ra, là trở về cõi sáng, là tiếp điển, là nhận lấy điển quang; không phải chỉ hoá quang trong ý nghĩa vật lý mà còn là làm cho thấy trong ý nghĩa dư luận xã hội, là giải thích, là biện minh, là trưng ra bằng chứng; không phải chỉ là ánh chớp mà còn là thần tốc, là tốc độ, là thật nhanh chóng; không phải chỉ là quang khí trong ý nghĩa vật lý mà còn là quang khí trong tánh cách của con người, là uy nghi, là can liệt, là nghĩa khí, là nguyên tình [nguyên tình là gốc của uy nghi, can liệt, nghĩa khí]; nằm ở giai đoạn già lão lại nằm sau giai đoạn làm cha và cạnh cha nên là lão nam, là trưởng nam, là trưởng bối bên cha.”  (trang 130-133) và “Xét về mặt thiên nhiên sinh hoá, bên trong vòng đai [xanh] của đồ hình mô tả chu kỳ sinh hóa của con người qua tám giai đoạn là (1) thụ thai ở Đoài, (2) thai nhi phát triển nhanh ở Ly, (3) thai nhi chiếm đầy bụng mẹ ở Khôn, (4) hài nhi chào đời ở Tốn, (5) thiếu niên háo ăn mau lớn ở Cấn, (6) thanh xuân sung mãn ở Khảm, (7) lập gia đình ở Càn, (8) già nua và chết ở Chấn.. . . Từ Tốn tới Chấn [4-8] là một nửa dương của vòng tròn chu kỳ sinh hoá. Một nửa đó mô tả trạng thái sống động của một đời người. Từ Chấn tới Tốn [8-4] là một nửa âm của vòng tròn chu kỳ sinh hóa. Một nửa này mô tả trạng thái tiềm ẩn của một đời người. Chào đời ở Tốn [4] và vĩnh biệt cõi đời ở Chấn [8]. Ra khỏi bụng mẹ [thân mẫu] ở Tốn [4] và trở về bụng mẹ [địa mẫu] ở Chấn [8]. Tử sinh đối đãi. Tử rồi sinh, sinh rồi tử quay tròn không dứt. Chết ở Chấn [8] nên không còn thấy mặt ở Đoài [1] và thụ thai cũng ở Đoài [1]. Một sinh mạng cũ chấm dứt ở Chấn [8], một sinh mạng mới bắt đầu ở Đoài [1], chấm dứt và bắt đầu nằm liền nhau trong vòng tròn sinh hoá. Khởi hiện một sinh mạng mới nơi Đoài [1], vắng mặt một sinh mạng cũ cũng ở Đoài [1]. Nơi khởi hiện và nơi biến mất không hai không khác trong vòng tròn sinh hoá. . .” (trang 138-139).  Những giải thích này cho thấy quá rõ là nội hàm của “Chấn +9 Canh” trong Việt Dịch dung nạp ý nghĩa “chết” trong chữ Tử của Bát Môn đến mức độ cao nhất.  Giữa LVĐT và Việt Dịch thống nhất nhau trong phần diễn giải “Tử nghĩa là: Chết, sự chấm dứt, kết thúc, là cắt đứt”   

Như vậy, chữ Tử của Bát Môn nằm ở cung “Chấn +9 Canh” của Việt Dịch Đồ đã rõ ràng là một điều vô cùng hợp lý.  
 
Nghiệm tương quan sinh tử trong câu nói của Việt Dịch “Chào đời ở Tốn [4] và vĩnh biệt cõi đời ở Chấn [8]. Ra khỏi bụng mẹ [thân mẫu] ở Tốn [4] và trở về bụng mẹ [địa mẫu] ở Chấn [8]. Tử sinh đối đãi. Tử rồi sinh, sinh rồi tử quay tròn không dứt.” rồi nhìn vào trục Sinh-Tử trên Bàn Tay Bát Môn, trên hình chiếc Bánh Chưng Bát Môn và trên hình Việt Dịch Đồ chúng ta sẽ thấy cả một sự khế hợp kỳ diệu.  Từ đó chúng ta có thể nói là hai chữ Sinh và Tử của Bát Môn nằm ở hai cung “Tốn +3 Giáp” và “Chấn +9 Canh” không phải chỉ là “vô cùng hợp lý” mà là “cực kỳ hợp lý.” 

Và trong cách độn Bát Môn thì toàn bộ tiến trình khởi đầu nơi chữ Sinh.  Đây không thể nói là một sự ngẫu nhiên mà người ta chọn gốc ngón tay trỏ tức cung Dần để khởi độn.  “Hội Dần là nơi khởi đầu của vạn vật” (trích Hải Thượng Lãng Ông).  Như vậy mốc Sinh-Dần và chỗ khởi độn nằm chung một chỗ không phải là điều hợp lý lắm sao?  Rồi nhìn lại Việt Dịch Đồ vị trí của “Tốn + 3 Giáp” và Sinh môn nằm ở Dần vị trên vòng quay của thiên nhiên và là nơi khởi đầu của vạn vật cũng là nơi khởi đầu của độn toán Bát Môn.  Đây không phải là một thể hiện rất thuyết phục hay sao?      

Tuy là Hà Đồ Bát Môn của LVĐT với Việt Dịch Đồ [và Bánh Chưng Bát Môn] của Việt Dịch đồng ý với nhau gần như hoàn toàn về vị trí và ý nghĩa của hai quẻ Sinh và Tử của Bát Môn nhưng có một điều khác biệt rất lớn.  Với Hà Đồ Bát Môn của Lạc Việt Độn Toán thì chữ Tử nằm vào quẻ Tốn còn chữ Sinh nằm vào quẻ Cấn.  Sinh và Tử là vấn đề hoàn toàn đối lập và cũng là hai quẻ hoàn toàn đối lập trong Bát Môn.  Còn Tốn và Cấn thì không phải là hai quái hoàn toàn đối lập dầu là phiên bản HTBQ-LạcViệt cho thấy Tốn-Cấn có đối xứng nhau qua trục.  Chỉ đối xứng nhau qua trục thì không có thể nói là “hoàn toàn đối lập” được.  Hai quái chỉ hoàn toàn đối lập khi chúng đối lập nhau từng hào một và đối xứng qua trục.  Nhìn vào cấu trúc của mỗi quái trên Tiên Thiên Bát Quái (TTBQ) sẽ thấy rõ tiêu chuẩn này.  Nhìn vào cấu trúc hào của hai quái Tốn-Cấn sẽ không khó để nhận ra là hai quái đối xứng này chưa đủ tiêu chuẩn để gọi là hoàn toàn đối lập nhau.  Còn với Việt Dịch Đồ của Việt Dịch thì chữ Tử nằm ở quẻ Chấn và chữ Sinh lại nằm vào quẻ Tốn.  Tốn và Chấn là hai quẻ hoàn toàn đối lập.  Nhìn vào cấu trúc hào của mỗi quái sẽ thấy điều này.  Vị trí của Tốn-Chấn đối xứng nhau qua trục lại là chỗ xác định mốc then chốt Sinh-Tử của chu kỳ sinh tử trong Việt Dịch.  Ý nghĩa của hai quẻ Tốn và Chấn trong Việt Dịch thì đã được tác giả trích giải rất rõ.  Chỉ bằng vào những bằng chứng này, không phải là Việt Dịch Đồ đã khế hợp khít khao hơn và giải thích hợp lý hơn hai quẻ Tử và Sinh của Bát Môn?  Hay nói một cách khác là liệu chúng ta có dám nói cấu trúc của HTBQ trong Việt Dịch Đồ có phần chính xác hơn là cấu trúc của HTBQ của Lạc Việt? 

Vấn đề được đặt ra ở đây là với sự khác biệt quan trọng như vậy mà làm sau cuối cùng rồi hai bên vẫn đạt đến chỗ đồng thuận gần như hoàn toàn?  Có thể nào “Tốn = Tử” và “Sinh = Cấn” như là hình Hậu Thiên Và Bát Môn của LVĐT đã cho thấy?    

Với câu hỏi thứ nhất có lẽ chúng ta có thể tạm giải thích là LVĐT đã dùng âm dương, ngũ hành và độ số chứ không vận dụng những quẻ trong HTBQ-LạcViệt để diễn giải ý nghĩa 8 chữ của Bát Môn, dầu rằng cấu trúc của HTBQ-LạcViệt đã được vận dụng để an vị 8 chữ của Bát Môn.  Nếu đúng là như vậy thì ý nghĩa của (a) nhóm “độ số-âm dương-ngũ hành” mà LVĐT vận dụng để diễn giải chữ Sinh của Bát Môn khế hợp hoàn toàn với nội hàm quẻ Tốn của Việt Dịch và (b) nhóm “độ số-âm dương-ngũ hành” mà LVĐT vận dụng để diễn giải chữ Tử của Bát Môn khế hợp hoàn toàn với nội hàm quẻ Chấn của Việt Dịch, như đã cho thấy trong phần phân tích vừa qua.  Điều này không có gì lạ vì tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của chữ Tử [điển hình là “nghĩa của Tử thuộc Dương Kim. Độ số là 9. Về phương vị là chính Tây”] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Tử cùng quẻ Chấn trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Tử thuộc Chấn +9 Canh Kim hướng chánh Tây, đóng ở Thân vị”].  Và tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của chữ Sinh [điển hình là “nghĩa Sinh thuộc Dương Mộc. Độ số là 3. Về phương vị là chính Đông.”] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Sinh cùng quẻ Tốn trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Sinh thuộc Tốn +3 Giáp Mộc hướng chánh Đông, đóng ở Dần vị”].  Như vậy, chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “+9 Canh, hành Kim, hướng chánh Tây” chính là chỗ đứng của quẻ Chấn hay sao?  Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “+3 Giáp, hành Mộc, hướng chánh Đông” chính là chỗ đứng của quẻ Tốn hay sao?  Và như vậy thì, chẳng phải luận điểm của Việt Dịch về “tính bất khả ly giữa những phần tử trong một tập hợp “độ số- âm dương-ngũ hành-quái” lại càng thêm khả tín hay sao?[1] 

Tuy những câu hỏi đã được đặt ra, và tuy là Việt Dịch Đồ đã xác định chỗ đứng và sự nghiêm túc của nó cũng như cuốn sách Việt Dịch đã là xong nhiệm vụ giải thích và chứng minh để cho thấy sự nghiêm túc đó, nhưng tinh thần của những câu hỏi vừa rồi [và tất cả những câu hỏi khác trong bài viết này] không phải là để buộc hoặc để dẫn đến kết luận có lợi cho Việt Dịch mà chỉ là sự gợi ý để mở ra những nghiên cứu sâu hơn cho những người quan tâm dầu là đứng về bên lập trường nào.       

THƯƠNG –
Lạc Việt Độn Toán nói, “Thương nghĩa là: Buồn, là thuộc trạng thái tình cảm, là cây lớn, là sự phát triển sung mãn sắp chuyển sang giai đoạn suy vi. Cung Thương là Dương Mộc, nhưng nghĩa của Thương thuộc Âm Mộc. Độ số là 8. Về phương vị là Đông Bắc. Về màu sắc là xanh lá cây sậm.”  Cây lớn ở ở đây có nghĩa là “lớn hơn” trong tương quan so sánh giữa dương mộc và âm mộc là đúng.  Còn “sự phát triển sung mãn sắp chuyển sang giai đoạn suy vi” thì cần xét lại vì khi đã nói tới chu kỳ thì không thể nào từ chỗ vừa sinh ở Mộc mà đã sắp vào suy vi cũng ở Mộc trong khi còn tới 6 bước nữa trong chu kỳ sinh hóa.  Loại trừ cụm chữ này ra thì chúng ta thấy giải thích trên cho thấy nội dung của chữ Thương hoàn toàn thuộc về “Cấn -8 Ất” nằm ở phương vị ĐB của Việt Dịch Đồ và được LVĐT xác định rõ với cụm “. . . nghĩa của Thương thuộc Âm Mộc.  Độ số là 8. Về phương vị là Đông Bắc” và vị trí của chữ Thương lại nằm ở Mão vị của Việt Dịch Đồ cũng là vị trí “-8 Ất Cấn” trên hình Bánh Chưng Bát Môn.  Cần chú ý một điều là “Cấn -8 Ất” của Việt Dịch Đồ thuộc hướng ĐB [phương vị trên HTBQ] dầu là có đóng ở vị trí Mão của vòng ngoài [vị trí trên 9 cung hoặc 12 cung] và đó cũng chính là lý do tại sao tác giả nói là “ở Mão vị” mà không nói là “ở hướng chánh Đông.”  Như vậy thì Hà Đồ Bát Môn của LVĐT và Việt Dịch Đồ thống nhất với nhau trong vấn đề “chỗ và hướng” của chữ Thương. 

Việt Dịch giải thích “Cấn là tượng vật chất hữu hình dương tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘vật chất hữu hình dương tính có nghĩa là đặc, cứng, ngưng kết, làm cho vững vàng, làm cho nặng hơn.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên Bát Quái Đồ. Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên Bát Quái Đồ, những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn vật chất hữu hình của vũ trụ vật lý. Chúng có khả năng mô tả cả dạng-tính-thể-trạng-hành của vật chất hữu hình trong thế giới sống. Do đó, Cấn không những là đặc, là cứng mà còn là thô, là xốp, là vật liệu lấy ra từ quặng mõ, là nguyên liệu, là chưa tinh chế, là chưa mài giũa, là chưa hữu dụng, là chưa thành nhân; không những là cứng mà còn là cứng cáp, là vươn lên, là ngóc lên, là trổ mã, là dậy thì, là đứng sừng sững, là núi đồi, là trụ cột, là tháp, là chầy, là cán, là vật để cắm vào, là dương vật, là người nam; không những là vật chất hữu hình trong ý nghĩa vật lý mà còn là vật chất hữu hình theo qui ước xã hội, là tài sản hữu hình (tangible assets), là bất động sản không những là cứng trong ý nghĩa vật lý [vật chất hữu hình có tính cứng vật lý] mà còn là cứng theo qui ước xã hội [vật chất hữu hình có tính cứng qui ước], là tài sản cứng (hard assets), là công cụ sản xuất, là vật dụng cứng (hardwares); không những là cứng trong ý nghĩa vật lý mà còn là cứng trong thái độ hay trong quyết sách, là thẳng tay trừng trị, là đánh trực diện, là không kiêng nể, là nhổ tận gốc, là tiêu diệt, là không nhượng bộ; không những là ngưng kết mà còn là dừng lại, là chựng lại, là khựng lại, là đậu lại, là chựng lại sự hồn nhiên, là không còn vâng lời cha mẹ, là ương ngạnh, là giai đoạn hướng ngoại, là giai đoạn định hình cá tính, là hình thành kiến chấp; không những là ngưng kết của vật chất mà còn là ngưng đọng của vị, là nếm; không những là ngưng, là chựng mà còn là trì trệ, là đình hoãn, là đình chỉ, là bị ngăn trở, là bị chận đứng, là chưa thể tiến hành, là cần giải tỏa, là đình công; không những là làm cho nặng hơn mà còn là làm cho nặng hơn giá trị của bản thân và của sự liên hệ với người khác, là chân tình, là tánh thiện, là mừng [hỉ], là du hồn [du hồn là chủ của mừng]; không những là làm cho nặng hơn mà còn là làm nặng [tăng] áp lực cho xã hội, còn là làm nặng nề hơn tình hình đôi co giữa hai thế lực, là chống đối, là phản kháng, là đấu tranh, là đối đầu, là đối kháng, là chống cự, là biểu tình, là xuống đường; không những là nặng, là làm cho nặng hơn mà còn là làm cho chìm, là làm cho đắm, là làm cho sụp, là làm cho bị chôn vùi, là rớt xuống, là chìm, là suy thoái, là rớt vào khủng hoảng; vừa nằm ở giai đoạn trước khi thành trung nam vừa nằm gần cha cho nên là giai đoạn thiếu niên, là thiếu nam, là con trai út, là tiểu bối bên cha.” (trang 122-126) và “Vạn vật [vòng ngoài] bừng dậy ở xuân-mộc khởi động một nửa chu kỳ sống động của vòng sinh hoá. Cây cỏ mọc mầm, vỡ đất thập thò lú ra ở Giáp [Tốn +3 Giáp], mong manh mềm mại ở Ất [Cấn -8 Ất]. Con người nhú đầu chui ra khỏi bụng mẹ, hít thở không khí lần đầu nhập vào dòng sống sinh động ở Tốn [Tốn +3 Giáp], mong manh tuổi thơ ở Cấn [Cấn -8 Ât]” (trang 138).  Với những giải thích này không khó để chúng ta nhận ra là có hàng lố chữ trong đó đều là nguyên ủy gây ra chuyện Buồn, ý nghĩa cốt lõi của chữ Thương.  Ngay cả những chữ rất thi vị như “mong manh, mềm mại” cũng vậy vì mong manh, mềm mại cũng có nghĩa là dễ là bị tổn hại hay chết non, tức là những nguyên ủy gây ra chuyện Buồn-Thương.  Mà tự điển Hán Nôm cũng có nói Thương là chết non, là tổn hại.  Cụm chữ “mong manh, mềm mại” trong Việt Dịch giải thích về giai đoạn đầu trong chu kỳ sinh hoá của vạn vật và con người, mà chu kỳ này thì phân bố trên trọn 8 cung, cho nên không thể đem so sánh với “cây lớn” chỉ phân bố trong 2 cung hành Mộc, ở phần giải thích của LVĐT, để kết luận là “chỏi nhau.” 

Như vậy, chữ Thương của Bát Môn nằm ở cung “Cấn -8 Ất” của Việt Dịch Đồ đã rõ ràng là một điều hợp lý.

Cũng giống như lập luận vừa qua trong phần phân tích hai chữ Sinh và Tử, tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của chữ Thương [điển hình là “nghĩa của Thương thuộc Âm Mộc. Độ số là 8. Về phương vị là Đông Bắc.”] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Thương cùng quẻ Cấn trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Thương thuộc Cấn -8 Ất Mộc hướng ĐB, đóng ở Mão vị”].  Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “-8 Ất, hành Mộc, hướng ĐB” chính là chỗ đứng của quẻ Cấn hay sao?  Thêm vào đó vị trí của quẻ Cấn trong HTBQ-LạcViệt hoàn toàn trùng lập với vị trí của quẻ Cấn trong Việt Dịch Đồ chẳng phải càng xác quyết thêm tính khả tín của Việt Dịch Đồ đó hay sao?

ĐỖ --
Lạc Việt Độn Toán giải thíchĐỗ nghĩa là: Đạt, là sự thành đạt, là kết quả tốt đẹp, là được việc, là quí nhân phù trợ. Cung Đỗ là Âm Hoả, nhưng nghĩa của Đỗ thuộc Dương Hoả.  Độ số là 7. Về Phương vị là chính Nam. Về màu sắc là màu đỏ.”  Giải thích này cho thấy ý nghĩa của chữ Đỗ hoàn toàn thuộc về “Ly +7 Bính” của Việt Dịch Đồ và được LVĐT xác nhận rõ với cụm “. . . nghĩa của Đỗ thuộc Dương Hoả.  Độ số là 7. Về Phương vị là chính Nam.” và vị trí của chữ Đỗ lại nằm ở “Tỵ vị” của Việt Dịch Đồ cũng là vị trí “+7 Bính Ly” trên hình chiếc Bánh Chưng Bát Môn.  Cần để ý một điều là “Ly +7 Bính” của Việt Dịch Đồ thuộc hướng chánh Nam [phương vị trên HTBQ] dầu là có đóng ở vị trí Tỵ của vòng ngoài [vị trí trên 9 cung hoặc 12 cung] và đó cũng chính là lý do tại sao tác giả nói là ở Tỵ vị mà không nói là ở hướng ĐN.  Như vậy thì Hà Đồ Bát Môn của LVĐT và Việt Dịch Đồ thống nhất với nhau trong vấn đề “chỗ và hướng” của chữ Đỗ.    

Việt Dịch giải thích “Ly là tượng năng lượng dương tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘năng lượng dương tính’ có nghĩa là ‘nóng, tỏa sáng, cháy bùng, nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của môi trường, bốc lên, có thể làm tăng nhiệt, có thể hóa nhiệt, có thể đốt cháy.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên Bát Quái Đồ. Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên Bát Quái Đồ, những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn năng lượng vật lý. Chúng mô tả năng lượng sống, loại năng lượng tiêu thụ và thể hiện, của thế giới vi diệu sinh hóa. Do đó, Ly không những là năng lượng dương tính mà còn là sinh lực dương tính, là sức sống thể hiện, là giai đoạn thai nhi lớn nhanh trong bụng mẹ, là giai đoạn con gái lớn nhanh trong vòng tay mẹ, là giai đoạn trước khi làm mẹ, là trung nữ, là con gái giữa, là hậu bối bên mẹ, là tánh khí sôi nổi, là sự hưng phấn, là bồng bột, là nhiệt tình, là hăng hái, là chân tình, là hiến dâng, là con tim, là tạng tâm; không những là năng lượng dương tính mà còn là năng lượng thanh nhẹ, là nguyên thần, là lễ nghi [nguyên thần là gốc của của lễ nghi, nhiệt tình]; không những là nóng, là tỏa sáng mà còn là nhan sắc đẹp sáng, là phong cách nóng bỏng, là gợi cảm, là hấp dẫn, là quyến rũ; không những là nóng, là tỏa sáng mà còn là mặt trời, là mắt; không những là nóng mà còn là nóng tính, là cộc cằn; không những là nóng, là có thể hóa nhiệt mà còn là bị bệnh nhiệt, bị bệnh cuồng; không những là năng lượng sống mà còn là năng lượng sát phạt, là tranh đoạt, là tranh dành, là tranh thủ, là chiếm lĩnh, là thu tóm; không những là năng lượng sát phạt mà còn là năng lượng hủy diệt là súng, là đạn, là bom, là đầu đạn nguyên tử, là chiến tranh; không những là năng lượng sát phạt và hủy diệt mà còn là năng lượng tiêu thụ, là tiêu thụ, là mua sắm, là xài, là dùng, là nhu cầu; không những là lửa, là nóng trong ý nghĩa vật lý mà còn là lửa, là nóng theo qui ước xã hội, là vùng nóng (hot zone), là vùng chiến, và hỏa lực (fire power), là vũ khí (fire-arm)”  (trang 116-119).  Hai cách diễn giải tuy khác nhau nhưng ý nghĩa của chữ Đỗ trong phần giải thích của LVĐT không khác với nội hàm của chữ Ly trong Việt Dịch mô tả dạng-thể-tính-trạng-hành của “năng lượng dương tính” trong thế giới vi diệu sinh hóa.  Hay nói một cách khác, nếu áp dụng nội hàm của quẻ Ly trong Việt Dịch để diễn giải chữ Đỗ của LVĐT thì Việt Dịch cũng sẽ nói “Đỗ là thành, là đạt, là được quới nhân phù trợ, là điều vui, là sự tốt đẹp.” 

Như vậy, chữ Đỗ của Bát Môn nằm ở cung “Ly +7 Bính” của Việt Dịch Đồ đã rõ ràng là một điều hợp lý.

Cũng giống như lập luận vừa qua trong phần phân tích hai chữ Sinh và Tử, tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của chữ Đỗ [điển hình là “nghĩa của Đỗ thuộc Dương Hoả.  Độ số là 7. Về Phương vị là chính Nam.”]  hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Đỗ cùng quẻ Ly trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Đỗ thuộc Ly +7 Bính Hỏa hướng chánh Nam, đóng ở Tỵ vị”].  Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “+7 Bính, hành Hỏa, hướng chánh Nam” chính là chỗ đứng của quẻ Ly hay sao?  Thêm vào đó vị trí của quẻ Ly trong HTBQ-LạcViệt hoàn toàn trùng lập với vị trí của quẻ Ly trong Việt Dịch Đồ chẳng phải càng xác quyết thêm tính khả tín của Việt Dịch Đồ đó hay sao?

CẢNH –
Lạc Việt Độn Toán giải thích “Cảnh nghĩa là: Đi chơi ở trong sự nhàn hạ, phong lưu. Là từ xa tới, là du lịch, là đi xa, là vẻ đẹp, là nhà đẹp, cao rộng có vườn cây hoặc nội thất rực rỡ.  Cung Cảnh thuộc Dương Hoả, nhưng nghĩa của Cảnh thuộc Âm Hoả.  Độ số là 2.  Về phương vị là Đông Nam. Về màu sắc là màu đỏ nâu.  Cảnh, vì là Âm Hỏa – chính vị Khôn Thổ (Theo Hậu thiên Lạc Việt) – nên còn có ý nghĩa là Âm Thổ: miếng đất đẹp.”  Giải thích này cho thấy ý nghĩa của chữ Cảnh hoàn toàn thuộc về “Khôn -2 Đinh” của Việt Dịch Đồ và được LVĐT xác nhận rõ với cụm “. . . nghĩa của Cảnh thuộc Âm Hoả.  Độ số là 2.  Về phương vị là Đông Nam.” và vị trí của chữ Cảnh lại nằm ở “Ngọ vị” của Việt Dịch Đồ cũng là vị trí “-2 Đinh Khôn” trên hình chiếc Bánh Chưng Bát Môn.  Cần để ý một điều là “Khôn -2 Đinh” của Việt Dịch Đồ thuộc hướng ĐN [phương vị trên HTBQ] dầu là có đóng ở vị trí Ngọ của vòng ngoài [vị trí trên 9 cung hoặc 12 cung] và đó cũng chính là lý do tại sao tác giả nói là ở Ngọ vị mà không nói là ở chánh Nam.  Như vậy thì Hà Đồ Bát Môn của LVĐT và Việt Dịch Đồ thống nhất với nhau trong vấn đề “chỗ và hướng” của chữ Cảnh.  
 
Việt Dịch giải thích “Khôn là không gian âm tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘không gian âm tính’ có nghĩa là ‘không gian đóng,’ là ‘khép kín, chắn,’ là ‘đã chiếm dụng, không chứa thêm,’ là ‘có thể nâng đỡ, chở,’ là ‘có th làm tăng áp suất.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả thể-dạng-tính-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên Bát Quái Đồ. Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên Bát Quái Đồ, những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn không gian vật lý.  Chúng còn mô tả cả thể-dạng-tính-trạng-hành của không gian sống, không gian của thế giới vi diệu sinh hóa. Do đó, Khôn không những là không gian đóng, là không gian khép kín mà còn là hệ thống đóng, là hệ thống khép kín, là thể chế độc tài, là chế độ áp bức, là xã hội thiếu tự do, là nhà nước khống trị, là kinh tế trung ương quy hoạch, là cơ chế tập quyền [vì những hệ thống/ cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội quyết định không gian sống của con người]; không những là đóng, là khép kín mà còn là thiếu tự do, là phi dân chủ, là đơn cực, là độc tôn, là áp bức, là độc tài, là khống trị, là tập quyền, là bịt kín thông tin, là che dấu sự thật, là chèn ép dân, là chuyên quyền, là độc đoán; không những là không gian khép kín mà còn có nghĩa là thế giới bên trong, là thế giới gia đình, là thế giới nội tâm, là thế giới âm thầm chịu đựng, thế giới thần bí, thế giới cô độc, thế giới cô đơn; không những là khép kín mà còn là âm thầm, là câm nín, là giấu giếm, là kín đáo, là giữ trong lòng, là sự bảo mật, là cái bụng; không những làm tăng áp suất mà còn là làm tăng áp lực tâm lý, là nhẫn nhục, là thuận tùng, là chiều lòn, là cam chịu, là làm vợ, là làm dân, là người tiêu thụ, là người cấp dưới; không những làm tăng áp suất mà còn là làm tăng áp lực sinh lý, là giai đoạn thai to bụng nặng, là lao động quá sức; không những là làm tăng áp suất mà còn là làm tăng áp lực xã hội là áp chế, là cai trị, là cưỡng bách, là bắt phải làm theo, là bắt phải phục tùng, là đàn áp, là vi phạm nhân quyền, là sách nhiễu; không những là nâng đỡ, là chở mà còn là làm mẹ, là vượt biển [sinh con], là chiếc bè chở con qua bể khổ, là sự hy sinh trọn vẹn cho con và chồng, là tình thương không bến bờ dành cho con, là niềm vui [lạc], là thức thần; không những là nâng đỡ mà còn là nâng đỡ sự sống, là nuôi sống, là thị trường, là nơi giao dịch mua bán, là cơ quan tạo cốc khí nuôi thân, là lá lách, là ứng vào thịt, là hóa thấp; không những là đã chiếm dụng mà còn là giai đoạn thai nhi chiếm đầy bụng mẹ sẵn sàng chào đời; không những là không chỗ để chứa thêm mà còn là tâm hẹp hòi [tâm địa hẹp hòi], là óc bảo thủ, là ngoan cố; không những là chắn mà còn là thành lũy, là ngăn chận hiểm họa, là đón ngừa biến cố, là liệu phòng đói no, là tích lũy tài sản, là lo xa nhưng khi tích lũy mà tới chỗ thái quá thì thành ra là bỏn sẻn, là tham lam và khi lo xa tới chỗ thái quá thì thành ra là ích kỷ, là tiểu nhơn.” (trang 112-116).  Nếu áp dụng nội hàm của “Khôn -2 Đinh”  trong Việt Dịch để diễn giải thì chữ Cảnh sẽ được giải thích “là cõi, là bờ, là thành, là lũy, là nhà, là đất đai, là cảnh vật, là cảnh giác, là phòng bị.”  Và dĩ nhiên là ý nghĩa của nó không phải chỉ nằm trong giới hạn của bao nhiêu chữ đó.  Còn một điều chưa có thể giải thích ổn thỏa là cụm chữ “Đi chơi ở trong sự nhàn hạ, phong lưu. Là từ xa tới, là du lịch, là đi xa” trong giải thích của LVĐT.  Có lẽ Việt Dịch sẽ khó có thể dung nạp đoạn lý giải này của LVĐT vì tính chất khép kín, phong tỏa và hướng nội của quẻ Khôn, nhưng Việt Dịch có thể chấp nhận được lý giải “ước mơ được du ngoạn, được đi chơi xa, nghĩ về người ở phương xa.”  Nếu loại trừ cụm chữ trên của LVĐT, thì tuy là cách diễn giải có khác nhau nhưng ý nghĩa chữ Cảnh của LVĐT không khác với nội hàm của quẻ Khôn trong Việt Dịch mô tả dạng-thể-tính-trạng-hành của “không gian âm tính” trong thế giới vi diệu sinh hóa. 

Như vậy, chữ Cảnh của Bát Môn nằm ở cung “Khôn -2 Đinh” của Việt Dịch Đồ đã rõ ràng là một điều hợp lý.

Cũng giống như lập luận vừa qua trong phần phân tích hai chữ Sinh và Tử, tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của chữ Cảnh [điển hình là “nghĩa của Cảnh thuộc Âm Hoả. Độ số là 2. Về phương vị là Đông Nam.”] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Cảnh cùng quẻ Khôn trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Cảnh thuộc Khôn -2 Đinh Hỏa hướng ĐN, đóng ở Ngọ vị”].  Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “-2 Đinh, hành Hỏa, hướng ĐN” chính là chỗ đứng của quẻ Khôn hay sao?  Thêm vào đó vị trí của quẻ Khôn trong HTBQ-LạcViệt hoàn toàn trùng lập với vị trí của quẻ Khôn trong Việt Dịch Đồ chẳng phải càng xác quyết thêm tính khả tín của Việt Dịch Đồ đó hay sao?

KHAI –
Lạc Việt Độn Toán giải thích “Khai nghĩa là dòng nước chảy, là sự khai thông, là trôi đi, là thoát khỏi sự bế tắc, là đi xa thuận lợi, … Cung Khai thuộc Âm Thuỷ, nhưng nghĩa của Khai thuộc Dương Thuỷ. Độ số là 1. Về màu sắc là xanh dương, là đen bóng.”  Giải thích này cho thấy ý nghĩa của chữ Khai hoàn toàn thuộc về “Khảm +1 Nhâm” của Việt Dịch Đồ và được LVĐT xác nhận rõ với cụm “. . . nghĩa của Khai thuộc Dương Thuỷ. Độ số là 1.” và vị trí của chữ Khai lạị nằm ở “Hợi vị” của Việt Dịch Đồ cũng là vị trí “+1 Nhâm Khảm” trên hình chiếc Bánh Chưng Bát Môn.  Cần để ý một điều là “Khảm +1 Nhâm” của Việt Dịch Đồ thuộc hướng chánh Bắc [phương vị trên HTBQ] dầu là có đóng ở vị trí Hợi của vòng ngoài [vị trí trên cung bàn] và đó cũng chính là lý do tại sao tác giả nói là ở Hợi vị mà không nói là ở TB.  Như vậy thì Hà Đồ Bát Môn của LVĐT và Việt Dịch Đồ thống nhất với nhau trong vấn đề “chỗ và hướng” của chữ Khai nhưng Việt Dịch Đồ.  

Việt Dịch giải thích “Khảm là tượng năng lượng âm tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘năng lượng âm tính’ có nghĩa là ‘lạnh, trầm xuống, chảy tràn vào chỗ thấp, rung chuyển khi bên ngoài xúc chạm vào, tối tăm, nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của môi trường, có thể làm giảm nhiệt, có thể hóa hàn, có thể làm đông lạnh, có thể làm tắt.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên Bát Quái Đồ. Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên Bát Quái Đồ, những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn năng lượng vật lý. Chúng mô tả năng lượng sống, loại năng lượng sáng tạo và tiềm phục, của thế giới vi diệu sinh hóa. Do đó, Khảm không những là năng lượng âm tính mà còn là sinh lực âm tính, là sức sống tàng ẩn, là nguyên tinh, là tinh trùng, là mầm trong hạt, là ngòi sống của chu kỳ kế tiếp, là quả thận; không những là năng lượng âm tính, là tính rung chuyển khi có vật ngoài xúc chạm mà còn là động dục, là năng lượng nặng trược, là năng lượng nhục dục, là giai đoạn thanh xuân trước khi lập gia đình, là giai đoạn sung mãn dục tình, là dục tình; không những thấm xuống, là chảy tràn vào chỗ thấp mà còn là nước, là dòng chảy; không những là nhiệt độ thấp, là có thể làm cho tắt lửa nóng mà còn là “sắc đẹp thủy tinh,” là “nhan sắc nõn giá,” là thuần khiết; không những là lạnh mà còn là tánh khí trầm lặng, là lãnh đạm, là hờ hững, là thờ ơ, là phong cách lạnh lùng; không những là lạnh, là có thể hóa hàn mà còn là bị bệnh trầm cảm, là bị bệnh hàn; không những là năng lượng âm tính, là tối tăm mà còn là thâm hiểm, là ưu lự, là toan tính, là bày mưu, là nghĩ kế, là trí, là mưu trí, là làm kế hoạch, là đưa ra quyết sách, là thâm sâu, là cái vực, là uyên, là hiểu biết đến cùng cực, là lãm; không những là năng lượng sống mà còn là năng lượng sáng tạo, là sáng tác, là sáng chế, là tạo ra cái mới, là sản xuất; không những là năng lượng sáng tạo mà còn là năng lượng tái tạo, là phục hồi, là phục sinh, là phục hoạt; không những là năng lượng tái tạo mà còn là năng lượng đáp ứng, là cung, là cung cấp dịch vụ, là phân phối hàng hóa, là bán ra thị trường; Khảm vừa nằm ở giai đoạn trước khi làm cha vừa nằm cạnh vị trí của cha vừa đối lập với vị trí trung nữ cho nên là trung nam, là con trai giữa, là hậu bối bên cha.” (trang 119-122).  Những giải thích này cho thấy rõ là nội hàm của quẻ Khảm trong Việt Dịch dung nạp ý nghĩa của chữ Khai ở mức độ rất cao.  Nếu áp dụng nội hàm của “Khảm + 1 Nhâm” trong Việt Dịch để giải nghĩa chữ Khai của Bát Môn thì có lẽ nó sẽ được giải thích “Khai là mở ra, là đào ra, là khui ra, là bới ra, là nới rộng ra, là bắt đầu tiến hành, là làm cho thông, là làm cho mới.”  Và, dĩ nhiên là nó không bị giới hạn chỉ trong bao nhiêu chữ đó.  Nội hàm của quẻ Khảm trong Việt Dịch có thể là một kho thông tin cung cấp ý nghĩa cho chữ Khai của Bát Môn dưới những hoàn cảnh khác nhau chưa kịp nghĩ đến.        

Như vậy, chữ Khai của Bát Môn nằm ở cung “Khảm +1 Nhâm” của Việt Dịch Đồ đã rõ ràng là một điều vô cùng hợp lý.  
 
Cũng giống như lập luận vừa qua trong phần phân tích hai chữ Sinh và Tử, tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của chữ Khai [điển hình là “nghĩa của Khai thuộc Dương Thuỷ. Độ số là 1. Về màu sắc là xanh dương, là đen bóng.”] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Khai cùng quẻ Khảm trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Khai thuộc Khảm +1 Nhâm Thủy hướng chánh Bắc, đóng ở Hợi vị”].  Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “+1 Nhâm, hành Hỏa, hướng chánh Bắc” chính là chỗ đứng của quẻ Khảm hay sao?  Thêm vào đó vị trí của quẻ Khảm trong HTBQ-LạcViệt hoàn toàn trùng lập với vị trí của quẻ Khảm trong Việt Dịch Đồ chẳng phải càng xác quyết thêm tính khả tín của Việt Dịch Đồ đó hay sao?

HƯU -- 
Lạc Việt Độn Toán giải thích “Hưu nghĩa là: Nghỉ, sự ngưng trệ, sự nghỉ ngơi do bất lực, kiệt sức, là bế tắc. Cung Hưu thuộc Dương Thuỷ, nhưng nghĩa của Hưu thuộc Âm Thuỷ. Độ số là 6. Về màu là màu đen xỉn, xanh đen.”  Giải thích này cho thấy ý nghĩa của chữ Hưu hoàn toàn thuộc về “Càn -6 Quý” của Việt Dịch Đồ và được LVĐT xác nhận rõ với cụm “. . . nghĩa của Hưu thuộc Âm Thủy.  Độ số là 6.” và vị trí của chữ Hưu lại nằm ở “Tí vị” của Việt Dịch Đồ cũng là vị trí “-6 Quý Càn” trên hình chiếc Bánh Chưng Bát Môn.  Cần để ý một điều là “Càn -6 Quý” của Việt Dịch Đồ thuộc hướng TB [phương vị trên HTBQ] dầu là có đóng ở vị trí Tí của vòng ngoài [vị trí trên cung bàn] và đó cũng chính là lý do tại sao tác giả nói là ở Tí vị mà không nói là ở hướng chánh Bắc.  Như vậy thì Hà Đồ Bát Môn của LVĐT và Việt Dịch Đồ thống nhất với nhau trong vấn đề “chỗ và hướng” của chữ Hưu.  
  
Việt Dịch giải thích “Càn là tượng không gian dương tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘không gian dương tính’ có nghĩa là ‘không gian mở,’ là ‘trống rỗng, thông thoáng,’ là ‘có thể chứa đựng,’ là ‘có thể làm giảm áp suất,’ là ‘có thể che.’  Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả thể-dạng-tính-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên Bát Quái Đồ. Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên Bát Quái Đồ, những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn không gian vật lý. Chúng còn mô tả cả thể-dạng-tính-trạng-hành của không gian sống, không gian của thế giới vi diệu sinh hóa. Do đó, Càn không những là không gian mở, là không gian thông thoáng mà còn là thể chế tự do, là chế độ dân chủ, là xã hội đa nguyên, là nhà nước pháp trị, là kinh tế thị trường, là cơ chế phân quyền [vì những hệ thống/ cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội quyết định không gian sống của con người]; không những là mở, là thông thoáng mà còn là tự do, là dân chủ, là đa nguyên, là đa chiều, là pháp trị, là phân quyền, là tản quyền, là minh bạch; không những là mở, là thông thoáng mà còn là thế giới bên ngoài, là ý chí cao xa, là hay lo việc lớn, là bày tỏ, là hiển lộ;  không những là rộng, là thông thoáng mà khi rộng và thông thoáng nhưng không thấy rõ thì thành là mông lung, là mất định hướng, là lạc lối, là si, là yêu [ái là bản chất của tánh si]; không những là làm giảm áp suất mà còn là làm giảm áp lực tâm lý, là làm giảm sự ngộp ngạt tù túng tâm lý, là thoát ra bên ngoài, là hướng ngoại, là làm việc bên ngoài; không những là làm giảm áp suất mà còn là làm giảm áp lực sinh lý, là trược tinh tẩu lậu [tinh khí thoát ra ngoài], là lập gia đình; không những là có thể chứa đựng mà còn là bao dung, là mở vòng tay để đón người, là tâm rộng lượng, là lòng quảng đại, là quân tử;  không những là che mà còn là hứng lấy áp lực, là tàng cây, là dù, là lộng, là cha, là chồng, là người lãnh đạo, là cái đầu, là người trên, là xếp, là chính quyền.”  (trang 110-112) và “Bên ngoài vòng đai đỏ của đồ hình mô tả chu kỳ sinh hoá của thiên nhiên qua 8 giai đoạn là (a) biến mất ở Tân, (b) im lìm ở Nhâm, (c) ngủ vùi ở Quý, (d) bừng dậy thập thò ở Giáp, (e) mềm mại mong manh ở Ất, (f) vươn ra lớn mạnh ở Bính, (g) vững chắc đầy đủ ở Đinh, (h) tàn lụi rũ chết ở Canh.”  (trang 141) và “Vạn vật quy tàng ở đông thủy, im lìm ở Nhâm [b = Nhâm +1 Khảm] ngủ vùi ở Quý [c = Quý -6 Càn] . . .  Giai đoạn quy tàng trong chu kỳ sinh hóa của thiên nhiên thì vạn vật đi vào đông miên để tiết kiệm năng lượng.”  (trang 144).  Những giải thích này cho thấy nội hàm của “Càn -6 Quý” trong Việt Dịch hoàn toàn dung nạp ý nghĩa “Hưu là Nghĩ ngơi” nhưng không chắc sẽ dung nạp ý nghĩa “Hưu là bế tắc hay bất lực” như LVĐT đã diễn giải bởi vì theo Việt Dịch tính chất của Càn là mở ra, là thông thoáng.   Thêm vào đó là lý giải truyền bá trong nhân gian cũng cho rằng Hưu là cát môn.  Mà đã là cát môn thì khó có thể nói dung nạp cụm chữ “bế tắc hay bất lực.”  Suy ra cũng thấy là điều này có sự hữu lý của nó vì đây chỉ mới là Hưu chứ chưa phải là Tù thì làm sau nói là bế tắc.  Nếu áp dụng nội hàm của quẻ “Càn +6 Quý Thủy” trong Việt Dịch để giải nghĩa chữ Hưu của Bát Môn thì có lẽ nó sẽ được giải thích “Hưu là nghĩ ngơi, là thôi, là buông bỏ, là thoái ẩn, là có thể hưởng nhàn, là có thể ngao du bên ngoài, là thong dong, là tự do tự tại, là dẹp bỏ hết phiền não động, là an lạc, là bình yên.”  Và, dĩ nhiên là nó không bị giới hạn chỉ trong bao nhiêu chữ đó.  Nội hàm của quẻ Càn trong Việt Dịch có thể là một kho thông tin cung cấp ý nghĩa cho chữ Hưu của Bát Môn dưới những hoàn cảnh khác nhau.       

Như vậy, chữ Hưu của Bát Môn nằm ở cung “Càn -6 Quý” của Việt Dịch Đồ rõ ràng là có sự hợp lý, dầu rằng những lời giải thích của LVĐT có một nữa không cùng nhịp với giải thích của Việt Dịch.       

Cũng giống như lập luận vừa qua trong phần phân tích hai chữ Sinh và Tử, tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của chữ Hưu [điển hình là “nghĩa của Hưu thuộc Âm Thuỷ. Độ số là 6.”] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Hưu cùng quẻ Càn trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Hưu thuộc Càn -6 Quý Thủy hướng TB, đóng ở Tí vị”].  Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “-6 Quý, hành Thủy, hướng TB” chính là chỗ đứng của quẻ Càn hay sao?  Thêm vào đó vị trí của quẻ Càn trong HTBQ-LạcViệt hoàn toàn trùng lập với vị trí của quẻ Càn trong Việt Dịch Đồ chẳng phải càng xác quyết thêm tính khả tín của Việt Dịch Đồ đó hay sao?

KINH –
Lạc Việt Độn Toán giải thích “Kinh nghĩa là: Kinh sợ, đột ngột, sự bất ngờ, là giật gân, là người làm việc táo bạo, mạo hiểm … Cung Kinh thuộc Dương Kim, nhưng nghĩa của Kinh thuộc Âm Kim. Độ số là 4. Về màu sắc là trắng xám.”  Giải thích này cho thấy ý nghĩa của chữ Kinh hoàn toàn thuộc về “Đoài -4 Tân” của Việt Dịch Đồ và được LVĐT xác nhận rõ với cụm “. . . nghĩa của Kinh thuộc Âm Kim. Độ số là 4.” và vị trí của chữ Kinh lại nằm ở “Dậu vị” của Việt Dịch Đồ cũng là vị trí “-4 Tân Đoài” trên hình chiếc Bánh Chưng Bát Môn.  Cần để ý một điều là “Đoài -4 Tân” của Việt Dịch Đồ thuộc hướng TN [phương vị trên HTBQ] dầu là có đóng ở vị trí Dậu của vòng ngoài [vị trí trên cung bàn] và đó cũng chính là lý do tại sao tác giả nói là ở Dậu vị mà không nói là ở hướng chánh Tây.  Như vậy thì Hà Đồ Bát Môn của LVĐT và Việt Dịch Đồ thống nhất với nhau trong vấn đề “chỗ và hướng” của chữ Kinh.  

Việt Dịch giải thích “Đoài là tượng vật chất hữu hình âm tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì “vật chất hữu hình âm tính” có nghĩa là “mềm, lỏng, nhỏ, có thể bốc hơi, làm cho nhẹ hơn.” Nguyên thủy của những từ ngữ này dùng để mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của vũ trụ vật lý Tiên Thiên Bát Quái Đồ. Trong thế giới vi diệu sinh hoá Hậu Thiên Bát Quái Đồ, những từ ngữ này vượt ngoài giới hạn vật chất hữu hình của vũ trụ vật lý.  Chúng có khả năng mô tả dạng-tính-thể-trạng-hành của cả vật chất hữu hình trong thế giới sống. Do đó, Đoài không những là mềm, là lỏng mà còn là nơi mềm lỏng tụ hội, là ao đầm, là bọc nước chứa thai nhi, là giai đoạn thụ thai, là trứng, là âm hộ, là miệng, là vật ngậm lấy, là người nữ; không những là mềm, là lỏng mà còn trạng thái mềm lỏng hòa vào nhau, là nhuyễn, là sệt, là dễ thẩm thấu, là dễ nắn, là chất bùn, là chất bã, là cream, là lotion, là gel, là paste, là thức ăn nhuyễn, là ruột non, là ruột già; không những là mềm mà còn là dẻo, là dễ cột, là dây, là sợi, là chỉ, là tóc, là trói, là buộc; không những là mềm trong ý nghĩa vật lý [vật chất hữu hình có tính mềm vật lý] mà còn là mềm trong ý nghĩa định tính do qui ước xã hội [vật chất hữu hình có tính mềm qui ước], là phần mềm (software), là tiền tệ (soft power), là chứng khoán, là tài sản mềm (soft assets), là công sức lao động, là kiến thức, là trình độ, là kỹ năng nghề nghiệp, là kinh nghiệm làm việc; không những lỏng trong ý nghĩa vật lý mà còn là lỏng trong ý nghĩa định tính theo qui ước xã hội, là sự lưu hoạt của tiền tệ (credit liquidity), là sự lưu hoạt của chứng khoán (security liquidity), là có thể biến thành tiền, là biến thành tiền (liquidation); không những là lỏng mà còn là làm cho nổi lên, là làm cho đi lên, là làm cho thoát khỏi suy thoái, là ra khỏi khủng hoảng, là đi lên, là kinh tế phục hồi; không những là lỏng trong ý nghĩa vật lý mà còn là lỏng lẻo trong quy củ và sự vận hành, là nới lỏng kiểm soát, là bớt siết chặt ngân sách, là bơm thêm dự trữ trong chính sách tiền tệ, là hạ lãi suất, là giảm bớt yêu cầu; không những là nhỏ mà còn là vi tế, là tinh vi, là khéo léo, là biến hóa không chừng, là mầu nhiệm, là diệu, là vi diệu; không những là làm cho nhẹ hơn mà còn là làm cho nhẹ hơn áp lực tâm lý, là hòa duyệt, là cùng nhịp, là không trái ý nhau, là không thái quá, là không bất cập, là đẹp lòng, là ưa thích; không những là làm cho nhẹ hơn mà còn là làm cho nhẹ áp lực cho xã hội, là làm cho tình hình giữa hai thế lực đang đôi co bớt căng thẳng, là đàm phán, là điều đình, là thương lượng, là thương thuyết, là hòa giải, là xét xử, là giải quyết, là thông qua, là biểu quyết xong, là có thể tiến hành, là lưu thông, là luân chuyển, là ký kết, là hợp đồng; không những là làm cho nhẹ hơn mà còn là làm cho nhẹ hơn giá trị của bản thân và của sự liên hệ với người khác, là giận dữ, là phẫn nộ, là tánh hung, là quỷ phách [quỷ phách là chủ của hung, của nộ]; vừa nằm ở giai đoạn trước khi thành trung nữ vừa nằm gần mẹ cho nên là giai đoạn của thiếu nữ, là thiếu nữ, là con gái út, là tiểu bối bên mẹ.”   Giải thích này cho thấy nội hàm của quẻ Đoài thoạt nhìn vào dường không dung nạp diễn giải của LVĐT.  Nhưng khi Việt Dịch triển khai nội hàm “không những là nhẹ mà còn là nhẹ bóng vía, là hay sợ, hay giật mình, hay hốt hoảng, là dễ bị kinh hãi.”  Thì thấy ngay nó hoàn toàn dung nạp diễn giải “Kinh là Sợ” của LVĐT.  Hàng lố chữ trong nội hàm của quẻ Đoài cũng cho thấy nó liên quan đến vấn đề thương mãi.  Và nếu cho rằng người làm kinh doanh là “người làm việc táo bạo, mạo hiểm” thì sự dung nạp của quẻ Đoài đối với giải thích của LVĐT coi như trọn vẹn.  Tìm kiếm ý nghĩa chữ Kinh trong tự điển Hán và Nôm chúng ta thấy “Kinh là (a) 巠 mạch nước; (b) 溼 ướt, thấp ẩm; (c) 經 经 thường [là đạo đức đã định không thể đổi được], sửa [như kinh lý là sửa trị, kinh doanh là sửa sang hay mở mang việc mua bán], thắt cổ [như tự kinh là tự thắt cổ chết];  (d) 驚 sợ hãi.  Và tất cả những định nghĩa này trong tự điển đều có trong nội hàm của quẻ Đoài.        

Như vậy, chữ Kinh của Bát Môn nằm ở cung “Đoài -4 Tân” của Việt Dịch Đồ rõ ràng là rất hợp lý.      

Cũng giống như lập luận trước, tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của chữ Kinh [điển hình là “nghĩa của Kinh thuộc Âm Kim. Độ số là 4.”] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Kinh cùng quẻ Đoài trong Việt Dịch Đồ.  Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận ““Đoài -4 Tân, Âm Kim, hướng TN.” chính là chỗ đứng của quẻ Đoài hay sao? 

Vị trí của quái Đoài trong HTBQ-LạcViệt không trùng lập với vị trí của quái Đoài trong Việt Dịch Đồ.  Và đây là một trong 3 quái tạo khoảng cách giữa HTBQ-LạcViệt với HTBQ -ViệtDịchĐồ.  Hai quái kia đã được nói đến nhiều trong phần phân tích chữ Sinh và chữ Tử.  Và nếu như lập luận Tốn-Chấn trong phần phân tích hai chữ Sinh-Tử có sức thuyết phục và được chấp nhận thì quái Đoài chỉ còn có một chỗ phải nằm vào là ở góc TN.  Nói một cách khác, trục Sinh-Tử chính là chỗ để suy nghiệm cho thật thấu đáo nếu muốn “to reconcile” sự khác biệt giữa HTBQ của LạcViệt và HTBQ của Việt Dịch.         

Tóm lại, qua những phân tích vừa rồi chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Việt Dịch Đồ sẵn sàng và hoàn toàn dung nạp 8 chữ của Bát Môn cũng như dung nạp diễn giải của LVĐT về 8 chữ đó.  Cũng không khó để chúng ta nhận thấy Việt Dịch Đồ khế hợp với cấu trúc của Bát Môn một cách hoàn hảo, và có lẽ hoàn hảo hơn là Hà Đồ Bát Môn của Lạc Việt theo chủ quan của tác giả.




[1] Việt Dịch chủ trương là độ số, âm dương, ngũ hành và quái luôn luôn phải đi chung thành từng nhóm.  Thí dụ như “Tốn +3 Giáp hành Mộc” là một nhóm hoặc “Ly +7 Bính hành Hỏa” là một nhóm khác.  Không thể nào lấy một vài phần tử của nhóm nhập nhằn với một vài phần tử từ nhóm khác.  Vì làm như vậy là phá hủy chính cái nền tảng làm nên sự hiện hữu của mỗi phần tử trong tập hợp.  Đó cũng chính là lý do vì sao Việt Dịch phủ nhận cấu trúc và giá trị của Lạc Thư.                                     

No comments:

Post a Comment