VIỆT DỊCH ĐỒ
Tinh yếu của Việt Dịch nằm ở một đồ hình H1 bên dưới, tạm gọi là Việt Dịch Đồ, trong đó sự kết hợp giữa Hậu Thiên Bát Quái với Hà Đồ cho ra hai phiên bản nằm chồng lên nhau nhưng một nằm ở bên trong với sự vận hành nghịch chiều kim đồng hồ và một nằm ở vòng ngoài với sự vận hành theo chiều kim đồng hồ. Vòng bên ngoài đại diện cho sự thể hiện, hành khí dương, ngoại giới, thiên nhiên, hoặc khách thể. Vòng bên trong đại diện cho sự tiềm ẩn, hành khí âm, nội giới, con người, hoặc chủ thể.
H1: Việt Dịch Đồ
Việt Dịch Đồ thoát thai từ hai hai vế [2 cụm chữ] chứa đựng huyền nghĩa thâm sâu. Vế thứ nhất là “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật.” Vế thứ hai là “Thiên Nhất sanh Thủy, Địa Lục thành chi, Địa Nhị sanh Hỏa, Thiên Thất thành chi, Thiên Tam sanh Mộc, Địa Bát thành chi, Địa Tứ sanh Kim, Thiên Cửu thành chi, Thiên Ngũ sanh thổ, Địa Thập thành chi.” Hai vế tổng cộng có tất cả 67 lời. Và sáu mươi bảy lời đó là “tổng trì” của Việt Dịch.
Nhìn sâu vào Việt Dịch Đồ chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ba điểm quan trọng:
- Điểm thứ nhất là Hậu Thiên Bát Quái (HTBQ) trong Việt Dịch Đồ không giống với bất cứ phiên bản nào từ trước đến nay. So với những phiên bản của người Hoa thì khác rất xa. HTBQ của Văn Vương chỉ có được 3 quái Càn, Khảm, Cấn là trùng vị trí với các quái trong Việt Dịch Đồ còn 5 quái kia đều sai chỗ. So với HTBQ của Lạc Việt thì thấy có phần gần nhau. Có đến 5 quái trong HTBQ của Lạc Việt là Càn, Khảm, Cấn, Khôn, Ly trùng vị trí với các quái trong Việt Dịch Đồ còn 3 quái kia thì sai chỗ.
- Điểm thứ hai là quái, độ số, thiên can, ngũ hành và âm dương trong Việt Dịch Đồ luôn luôn đi chung nhau thành 8 tập hợp, dầu là vận hành thuận chiều kim đồng hồ hay nghịch chiều kim đồng hồ, dầu là phối vào 9 cung bàn hay phối vào 12 cung bàn. Nhìn vào hình Việt Dịch Đồ là chúng ta đã có thể nhận ra “sự kết hợp bất khả ly” giữa những yếu tố này. Và vì vậy, khi đã nhận ra điều này trên Việt Dịch Đồ thì chúng ta cũng sẽ nhận ra là, HTBQ vòng ngoài thật ra không khác HTBQ vòng trong.
- Điểm thứ ba là Hà Đồ không phối với HTBQ [theo ý nghĩa thông thường phối là kết hợp chúng lại với nhau] mà Hà Đồ và Hậu Thiên Bát Quái thực ra là một đôi song sinh [do đó nếu muốn thì có thể tách chúng ra làm hai chứ tự bản thân thì chúng đã được “đẻ ra trong cùng một bọc” không cần phải phối].
Việt Dịch Đồ là tinh yếu của Việt Dịch. Và như trong sách Việt Dịch đã viết:
“Đồ hình [H1] [tức Việt Dịch Đồ] được cho là ‘một kết hợp trọn vẹn và kỳ ảo’ là vì việc trời, việc đất, việc người đồng thể hiện. Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý của trời, lý của đất, lý của người đồng thể hiện. Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý sự của cá nhân, lý sự của tập thể, lý sự của nhân loại đồng thể hiện. Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý sự vô hình, lý sự hữu hình, lý sự qui ước đồng thể hiện. Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì nó hàm chứa minh triết của Đông Phương. Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì nó vạch ra phạm trù đồng quy và hiệp nhất của các giáo lý Đông-Tây.”
Kỳ ảo của Việt Dịch Đồ thể hiện tùy theo góc độ của từng vấn đề, khi đưa một số chú giải vào hình, thí dụ như H2 phía dưới.
H2: VIỆT DỊCH ĐỒ VỚI VÀI CHÚ GIẢI; NK = Nhựt kinh (tuyến mặt trời)
Nhìn vào vòng trong, vòng ngược chiều kim đồng hồ, của Việt Dịch Đồ chúng ta thấy ngay hai vị trí SINH và TỬ. TỬ nằm ở phía Tây, Chấn +9 Canh Kim, còn SINH nằm ở phía Đông, Tốn +3 Giáp Mộc. Nhìn vào vòng ngoài của Việt Dịch Đồ, vòng thuận chiều kim đồng hồ, chúng ta cũng thấy hai vị trí SINH và TỬ. TỬ cũng nằm hướng Tây, Chấn +9 Canh Kim, đóng ở Thân vị. SINH cũng nằm ở hướng Đông, Tốn +3 Giáp Mộc, đóng ở Dần vị.
Trước hết chúng ta hãy suy nghiệm về cái vòng tròn sinh hoá của con người, vòng tròn chỉ sự chuyển dịch ngược chiều kim đồng hồ trên Việt Dịch Đồ. Với vòng tròn bên trong này của Việt Dịch Đồ này chúng ta thấy chỉ có hai chữ SINH và TỬ ở hai đầu Đông và Tây. Nhưng phải coi chừng vì ẩn trong vòng tròn sinh hóa c ủa con người thực ra có đến hai chu kỳ. Một chu kỳ gồm một nửa là từ TỬ tới SINH và một nửa còn lại là từ SINH tới TỬ [nhìn vào hai đường vẽ màu xanh lá]. SINH ở đây có nghĩa là được ĐẺ RA và TỬ ở đây là lúc HẾT THỞ. Tạm gọi nó là chu kỳ ĐẺ RA – HẾT THỞ. Còn chu kỳ thứ hai là một chu kỳ khác [nhìn vào đường vẽ màu tím], một chu kỳ chỉ về sự hiện hữu của một con người, mà nơi bắt đầu và nơi chấm dứt của sự hiện hữu đó đều nằm ngay chữ TỬ. Chấm dứt một chu kỳ cũ và bắt đầu một chu kỳ mới. Sinh tử liền nhau thành vòng tròn bất tận. Ở chỗ chữ TỬ đó là cái mốc đánh dấu nơi chấm dứt và cũng là nơi bắt đầu của một chu kỳ hiện hữu của con người. Ở chỗ chữ TỬ đó là cái mốc đánh dấu nơi ĐẾN với thế gian và cũng là nơi ĐI khỏi thế gian. Tạm gọi nó là chu kỳ ĐẾN/ĐI để dễ phân biệt. Và cái chu kỳ ĐẾN/ĐI là một vòng tròn bất tận. Như vậy thì đã quá rõ ràng là chỗ chữ SINH không phải là nơi bắt đầu của sự sống, sự hiện hữu, sự có mặt trong thế gian này. SINH chỉ là nơi “ló mặt ra” để “nhập cuộc” vào dòng sinh động của thế gian này mà thôi chứ còn sự sống, sự hiện hữu, sự có mặt trong thế gian này đã bắt đầu từ chỗ của chữ TỬ. Có nhìn thấy rõ được hai vòng tròn này trên Việt Dịch Đồ thì mới thấy hết cái bí ảo và diệu dụng của Việt Dịch Đồ và cái minh triết của Đông Phương. Khái niệm có hai vòng chu kỳ không phải là khó hiểu nhưng rất khó thấy nếu không được chỉ vạch ra và cũng dễ lầm vì cả hai đều được gọi là “chu kỳ sinh tử” của con người.
Chúng ta hãy suy nghiệm về cái vòng tròn sinh hóa của vạn vật, vòng tròn màu đen bên ngoài vẽ theo khuôn vuông có những mũi tên chỉ hướng chuyển dịch thuận chiều kim đồng hồ, trên Việt Dịch Đồ. Cũng có hai chữ SINH và TỬ nằm trong vòng tròn đó. Chữ SINH nằm ở Dần vị là chỗ “chui ra khỏi đất” của cây cỏ. Chữ TỬ nằm ở Thân vị là chỗ “tàn tạ, héo úa” của cây cỏ. Từ chỗ SINH tới chỗ TỬ là một nửa chu kỳ của vạn vật và một nửa này “bộc lộ ra bên ngoài” sức sống của vạn vật. Từ chỗ TỬ tới chỗ SINH là một nửa còn lại chu kỳ của vạn vật và một nửa này “thu về lại bên trong” sức sống của vạn vật. SINH là chỗ bắt đầu của giai đoạn “bộc lộ ra ngoài” và cũng là chỗ chấm dứt giai đoạn “thu về lại bên trong.” TỬ là chỗ chấm dứt giai đoạn “bộc lộ ra ngoài” và cũng là chỗ bắt đầu của giai đoạn “thu về lại bên trong.” Bên cạnh cái chu kỳ SINH-TỬ vừa mô tả còn có một chu kỳ khác cũng vận hành cùng lúc. Đó là chu kỳ KHAI/BẾ. Trên Việt Dịch Đồ có chữ KHAI ở Tí, chữ TỊCH ở Sữu nằm cạnh chữ SINH ở Dần. Chúng đại diện cho câu nói “Thiên khai ư Tí, Địa tịch ư Sửu, Nhân sinh ư Dần 天開於 子, 地闢於丑, 人生於寅.” Theo cách dịch của người khác thì “Thiên khai ư Tí ” có nghĩa là “Trời khai triển từ Hội Tí.” Ở đây thì chúng ta không đủ khả năng để quyết đoán chuyện khai thiên lập địa cho nên chỉ muốn bàn luận trên cơ sở có thể nắm bắt được và theo đó chúng ta hiểu Thiên là Càn, là Dương và Khai 開 là mới, là bắt đầu, hàm ý chỗ bắt đầu của một chu kỳ mới. “Thiên khai ư Tí” có nghĩa là khí Dương bắt đầu ở Càn Tí. Mà đã là chỗ bắt đầu của một chu kỳ mới thì cũng là chỗ chấm dứt của một chu kỳ cũ trong vòng tròn sinh hoá không ngừng nghĩ. Như vậy thì chỗ KHAI mở ra chu kỳ mới phải được hiểu ngầm cũng là chỗ BẾ 閉 tức đóng lại chu kỳ cũ. Tại cái mốc KHAI/BẾ đó trong chu kỳ vận hành của khí thì đó là điểm cực âm. Mà âm cực thì dương sinh. “Địa tịch ư Sửu được người khác hiểu là “Đất mở từ Hội Sửu.” Ở đây chúng ta hiểu Tịch là lặng lẽ. Và “Địa tịch ư Sửu có nghĩa là Đất lặng lẽ ở Sửu. Tại sao lặng lẽ ở Sửu? Vì thời tiết cực lạnh của mùa Đông. Địa ở đây là Hàn Thổ, là đất nằm ở vị trí Quí Sửu thời điểm mà tiết khí Tiểu Hàn và Đại Hàn bao trùm mặt đất, lúc mà tất cả sinh vật đều đi vào đông miên. Vì không còn thấy được cái sinh động của sự sống nên nói là lặng lẽ. Tịch 寂 ở đây phải là lặng lẽ. Vì nếu Tịch 闢 là mở, là vỡ đất ra làm ruộng thì thử hỏi làm sao làm ruộng ở tiết khí Đại Hàn? Địa ỡ đây không phải là Khôn như có người lầm tưởng để rồi cho rằng Khôn nằm cạnh Càn là hợp lý và dùng đó để triển khai hý luận, điên đảo qui luật căn bản Càn-Khôn. Tuy thể hiện của thiên nhiên lúc này là sự lặng lẽ bao trùm trên mặt đất, nhưng bên dưới sự lặng lẽ đó khí Dương vẫn tiếp tục âm thầm tăng trưởng để rồi đến Dần thì bộc lộ ra bên ngoài thành sự sống tưng bừng. “Nhân sinh ư Dần” được người khác hiểu là “Người sinh ra ở Hội Dần.” “Nhân” cũng là một phần tử của cộng đồng “vạn vật.” Chỉ vì người có tánh linh hơn hết nên được chọn làm đại biểu của vạn vật. Vì thế chúng ta hiểu “Nhân sinh ư Dần” có nghĩa là “người và vạn vật đều sinh ra ở Dần,” tức là tại vị trí Tốn +3 Giáp trên Việt Dịch Đồ. Và tương quan này thể hiện rất rõ ở mốc SINH trong vòng tròn sinh hóa của vạn vật với mốc SINH trong vòng tròn sinh hóa của con người. Tương quan đó được đại diện qua cụm “Tốn +3 Giáp.” Trở lại với chu kỳ KHAI/BẾ, chúng ta đừng quên SINH rất khác với KHAI. SINH là chỗ sự sống của vạn vật bộc lộ ra bên ngoài, là chỗ cây cỏ chui ra khỏi đất, là chỗ con người chui ra khỏi bụng mẹ. KHAI là chỗ khí Dương bắt đầu, là chỗ khí Âm cực thịnh trong chu kỳ chuyển dịch của khí. Chu kỳ KHAI/BẾ của vạn vận cũng giống như chu kỳ ĐẾN/ĐI của con người. Còn chu kỳ SINH-TỬ của vạn vật cũng giống với chu kỳ ĐẺ RA - HẾT THỞ của con người.
VIỆT DỊCH ĐỒ VÀ BÁT MÔN, LỤC NHÂM
Với Việt Dịch Đồ thì chúng ta có thể xếp tám chữ của Bát Môn và sáu chữ của Lục Nhâm vào cùng một đồ hình. Tám chữ Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai, Hưu được phối vào HTBQ vòng ngoài với thứ tự trước sau theo chiều kim đồng hồ và chữ Sinh nằm ở “Tốn +3 Giáp.” Lý do tại sao khởi từ chữ Sinh sẽ được giải thích sau. Sáu chữ Đại An, Xích Khẩu, Tốc Hỉ, Vô Vong, Tiểu cát, Lưu Niên được phối vào HTBQ vòng trong với thứ tự trước sau theo chiều nghịch kim đồng hồ và chữ Đại An nằm ở “Càn -6 Quý.” Hai cung “Chấn +9 Canh” và “Đoài -4 tân” kết hợp thành một cung để an Xích Khẩu vào đó. Hai cung “Cấn -8 Ất” và “Tốn +3 Giáp” kết hợp thành một cung để an Tiểu Cát vào đó. Kết quả cho thấy trong đồ hình H3A và H3B bên dưới:
H3A: Phối 8 Chữ Bát Môn và 6 chữ Lục Nhâm lên Việt Dịch Đồ
H3B: Phối 8 Chữ Bát Môn và 6 chữ Lục Nhâm lên Việt Dịch Đồ (Bỏ Chú Thích)
Hai đồ hình H3A và H3B hoàn toàn giống nhau, chỉ là H3B đơn giản hơn vì không còn những chú thích.
No comments:
Post a Comment