XÉT VIỆT DỊCH ĐỒ VÀ LẠC VIỆT ĐỘN TOÁN
TRONG TƯƠNG QUAN VỚI LỤC NHÂM
Tương tự như đã làm với Bát Môn, bây giờ chúng ta đem vòng trong của Việt Dịch Đồ phối vào 9 cung chúng ta sẽ có được cái hình Bánh Chưng Lục Nhâm. So hình Bánh Chưng Lục Nhâm với hình ngôi sao Hậu Thiên Bát Quái Lạc Việt [xoay 180 độ], nếu tạm quên quái mà chỉ nhìn vào 6 chữ của Lục Nhâm và vị trí của chúng trên cả hai hình thì có thể nói là không khác nhau. Đem hình Bàn Tay Lục Nhâm Lạc Việt ra so với hình ngôi sao Hậu Thiên Bát Quái Lạc Việt và với hình Bánh Chưng Lục Nhâm thì có một sự khác biệt rất lớn.
Trước hết chúng ta hãy xét cấu trúc của hình Bánh Chưng Lục Nhâm theo tinh yếu Việt Dịch và hình ngôi sao HTBQ-LạcViệt. Trong hai hình này có đến 4 cung hoàn toàn giống nhau. Đó là cung Đại An (Càn), cung Vô Vong (Khôn), cung Tốc Hỉ (Ly) và cung Lưu Niên (Khảm). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì như đã nói trước đây là HTBQ của Lạc Việt và HTBQ của Việt Dịch trùng nhau tới 5 quái. Và 5 quái đó là Càn, Khôn, Khảm, Ly, Cấn. Hai cung còn lại trong số 6 cung của Lục Nhâm, tức là cung Tiểu Cát và cung Xích Khẩu thì chỉ giống nhau về vị trí trên cung bàn nhưng không giống nhau về quái nằm trong cung bàn.
Trước hết chúng ta hãy xét hai cung không giống nhau này:
XÍCH KHẨU --
Với hình ngôi sao HTBQ-LạcViệt thì quẻ Xích Khẩu an ngay cung của cặp Tốn-Đoài, là cặp quái bất dịch do kết hợp những quái điên đảo dịch theo ngôn ngữ của LVĐT.
Học giả NVTA đã nói “chỉ có Hậu thiên bát quái Lạc Việt mới có khả năng kết hợp hai cặp quái Điên đảo dịch thành 2 cặp bất dịch và tạo thành 6 cực.” Phát biểu này chỉ chính xác có một nửa. Đúng là chỉ có Lạc Việt Độn Toán mới có hai cặp điên đảo dịch nhưng không phải chỉ có LVĐT mới có khả năng tạo thành 6 cực. Kết hợp hai quái để làm thành một quẻ là một điều không có gì mới mẻ hay lạ lùng. Chu Dịch đã làm điều đó và Việt Dịch cũng có khả năng đó. Việt Dịch không những có khả năng kết hợp hai quái làm thành một quẻ mà còn có khả năng kết hợp tối đa đến 8 quái để làm thành một quẻ. Chính vì khả năng này mà Việt Dịch không cần viết lời cho từng hào.
Với Việt Dịch Đồ, hai quái Chấn và Đoài được kết hợp làm nên quẻ “Chấn +9 Canh” + “Đoài -4 Tân” nằm ở hướng chánh Tây tới Tây Nam, hành Kim, và là cung an quẻ Xích Khẩu của Lục Nhâm. Chấn là quái gốc [nội quái] còn Đoài là quái ngọn [ngoại quái] tính theo vòng vận hành ngược kim đồng hồ. Như vậy, Việt Dịch Đồ và hình ngôi sao của LVĐT thống nhất về vị trí, phương hướng và ngũ hành của quẻ Xích Khẩu nhưng khác nhau về cặp quái nằm trong cung Xích Khẩu.
LVĐT diễn giải “Xích Khẩu: tranh chấp, cự cãi, lý luận, xung sát. . . Đây là thuộc tính của hành Kim, vậy liên hệ với Tốn – Đoài.” và “Xích khẩu thuộc Kim. Nghĩa là sự tranh luận, cãi nhau, tiếng ồn ào, tiếng động. Về sự việc là tranh chấp kiện tụng. Về nghề nghiệp là nghề liên quan đến kim khí, máy móc; liên quan đến miệng như: dạy học, luật sư, quảng cáo, thông tin… Về người là người hay nói, lý luận khúc chiết, là người thấp, đầy đặn, nhiều lý trí. Về bệnh tật là bệnh liên quan đến phổi, tai, xương cốt. Về hướng là hướng Tây hoặc Tây Nam. Về màu sắc là màu trắng hoặc xám trắng. Về độ số là 4 và 9.”
Việt Dịch giải thích “Chấn . . . không phải chỉ làm chấn động trong ý nghĩa vật lý mà còn là chấn động trong ý nghĩa dư luận xã hội, là tai tiếng, là tiếng đồn, là nổ ra những sự kiện ô nhục, là xì-căn-đăng; không phải chỉ là làm cho nổ trong ý nghĩa vật lý mà còn là làm cho nổ ra trong ý nghĩa dư luận xã hội, là tố cáo, là tố giác, là bôi nhọ công khai, là gây ra hiểu lầm; . . . không phải chỉ hoá quang trong ý nghĩa vật lý mà còn là làm cho thấy trong ý nghĩa dư luận xã hội, là giải thích, là biện minh, là trưng ra bằng chứng. . .” và “Đoài không những là mềm, là lỏng mà còn là nơi mềm lỏng tụ hội, là ao đầm, là bọc nước chứa thai nhi, là giai đoạn thụ thai, là trứng, là âm hộ, là miệng, là vật ngậm lấy, là người nữ; không những là mềm, là lỏng mà còn trạng thái mềm lỏng hòa vào nhau, là nhuyễn, là sệt, là dễ thẩm thấu, là dễ nắn, là chất bùn, là chất bã, là cream, là lotion, là gel, là paste, là thức ăn nhuyễn, là ruột non, là ruột già. . .” Những giải thích trên cho thấy quá rõ ý nghĩa Chấn là tranh chấp và Đoài là cái miệng.
Như vậy, sự kết hợp hai quái Chấn-Đoài không phải là quẻ nói về những tranh chấp liên quan đến cái miệng hay sao? Không phải là quẻ Xích Khẩu hay sao? LVĐT cũng xác nhận “Xích Khẩu: tranh chấp, cự cãi, lý luận, xung sát. . . Đây là thuộc tính của hành Kim, vậy liên hệ với Tốn – Đoài.” và “Xích khẩu thuộc Kim. Nghĩa là sự tranh luận, cãi nhau, tiếng ồn ào, tiếng động. Về sự việc là tranh chấp kiện tụng.”
Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao mà hai bên thống nhất với nhau từ vị trí của Xích Khẩu, cho đến ý nghĩa của quẻ Xích Khẩu, cho đến phương hướng, ngũ hành và độ số của cung Xích Khẩu mà lại có thể hoàn toàn khác nhau về cặp quái nằm trong cung Xích Khẩu???
Cũng giống như lập luận trước đây trong phần lý giải Bát Môn, có lẽ chúng ta có thể bàn là LVĐT đã dùng âm dương, ngũ hành và độ số chứ không vận dụng những quẻ trong HTBQ-LạcViệt để diễn giải ý nghĩa những chữ của Lục Nhâm, dầu rằng cấu trúc của HTBQ-LạcViệt đã được vận dụng để an vị 6 chữ của Lục Nhâm. Và như vậy thì ý nghĩa của nhóm “độ số-âm dương-ngũ hành” mà LVĐT vận dụng để diễn giải chữ Xích Khẩu của Lục Nhâm khế hợp hoàn toàn với quẻ Chấn-Đoài của Việt Dịch như đã cho thấy trong phần phân tích vừa qua. Điều này không có gì lạ vì tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của Xích Khẩu [điển hình là “Xích Khẩu: tranh chấp, cự cãi, lý luận, xung sát. . . Đây là thuộc tính của hành Kim . . . Về hướng là hướng Tây hoặc Tây Nam. Về màu sắc là màu trắng hoặc xám trắng. Về độ số là 4 và 9. . .] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Xích Khẩu cùng quẻ Chấn-Đoài trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Xích Khẩu thuộc “Chấn +9 Canh” + “Đoài -4 Tân” hành Kim hướng chánh Tây tới TN đóng ở Dậu + Thân vị”]. Mà Việt Dịch thì dùng thuần nội hàm của 8 quái để giải. Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “+9 Canh, hành Kim, hướng chánh Tây” chính là chỗ đứng của quẻ Chấn và “-4 Tân, hành Kim, hướng TN” chính là chỗ đứng của quái Đoài hay sao? Nếu là như vậy thì chẳng phải luận điểm của Việt Dịch về “tính bất khả ly giữa những phần tử trong một tập hợp “độ số- âm dương-ngũ hành-quái” lại càng thêm khả tín hay sao?
TIỂU CÁT --
Với hình HTBQ-LạcViệt thì quẻ Tiểu Cát an ngay cung của cặp Cấn-Chấn, là một cặp quái điên đảo thứ hai của LVĐT.
Với hình HTBQ-LạcViệt thì quẻ Tiểu Cát an ngay cung của cặp Cấn-Chấn, là cặp quái
điên đảo dịch theo ngôn ngữ của LVĐT.
Với Việt Dịch Đồ, hai quái Tốn và Cấn được kết hợp làm nên quẻ “Tốn +3 Giáp” + “Cấn -8 Ất” nằm ở hướng chánh Đông tới Đông Bắc, hành Mộc và là cung an quẻ Tiểu Cát của Lục Nhâm. Tốn là quái gốc [nội quái] còn Cấn là quái ngọn [ngoại quái] tính theo vòng vận hành ngược kim đồng hồ. Như vậy, Việt Dịch Đồ và LVĐT thống nhất về vị trí, phương hướng và ngũ hành của quẻ Xích Khẩu nhưng khác nhau về cặp quái nằm trong cung Tiểu Cát.
LVĐT diễn giải “Tiểu cát thuộc Mộc. Nghĩa là niềm vui nhỏ, là tin tức vui, là tình cảm, tình yêu, sự quí mến. Về sự vật là sách vở, là tri thức, học hành, là cây cối. Về người là người giàu tình cảm, là hôn nhân, tình duyên. Về nghề nghiệp là người buôn bán nhỏ, có tiểu lợi, là người làm ăn liên quan đến gỗ cây, sách vở, tri thức… Về hình thể là người yểu điệu, mình dây, duyên dáng; đàn ông cao gầy có tính hiền, ham học hỏi. Về bệnh liên quan đến gan. Về hướng là hướng Đông hoặc Đông Bắc. Về màu sắc là màu xanh lá cây. Về độ số là 3 và 8.” Và “Niềm vui nhỏ, dịu dàng, mềm mỏng, vươn lên….Đây là thuộc tính của hành Mộc.”
Việt Dịch giải thích “Tốn . . . không những là không khí mà còn là gió, là nhập vào, là len vào, là thâm nhập, là len lén, là nhè nhẹ, là rụt rè, là thập thò, là e lệ, là nhún nhường, là bâng khuâng, là lãng đãng, là dìu dịu, là bềnh bồng, là quấn quít, là ngây ngất, là choáng váng, là vấn vương, là nhớ nhung; không những là không khí, là gió mà còn là hơi thở, là mây trời, là phiêu bồng, là lan tỏa, là bay, là lay động, là mềm mại, là mỏng manh; không những là không khí, là hơi thở, là nhập vào mà còn là hơi thở đầu đời nhập vào dòng sống, là chào đời, là nứt mộng, là đâm chồi, là nhú ra, là lú ra, là giai đoạn sơ sinh, là vô tư, là ngây thơ, là nhân hậu, là nhu hòa, là nguyên tánh [nguyên tánh là gốc của nhu hoà, nhân hậu], là tạng can; không những là âm thanh, là làm phát ra âm thanh mà còn là tiếng nói, là nhạc, là dư luận, là truyền thông, là phát sóng, là truyền tải thông tin, là tuyên truyền; không những là làm cho nghe tiếng mà còn là làm cho nghe thấy ước muốn, làm cho nghe thấy ý kiến, là đệ đạt nguyện vọng, là đề nghị yêu sách, là trình bày ý kiến, là đưa ra quan điểm, là thố lộ ý nghĩ, là tiết lộ nội tâm, là tâm sự với người khác; không những là làm cho nghe tiếng mà còn là làm cho nghe thấy sự thật, là bàn bạc, là hội thảo, là nghiên cứu, là điều tra, là tường trình, là báo cáo, là phản hồi tin tức. . .” và “Cấn không những là đặc, là cứng mà còn là thô, là xốp, là vật liệu lấy ra từ quặng mõ, là nguyên liệu, là chưa tinh chế, là chưa mài giũa, là chưa hữu dụng, là chưa thành nhân; không những là cứng mà còn là cứng cáp, là vươn lên, là ngóc lên, là trổ mã, là dậy thì, là đứng sừng sững, là núi đồi, là trụ cột, là tháp, là chầy, là cán, là vật để cắm vào, là dương vật, là người nam; không những là vật chất hữu hình trong ý nghĩa vật lý mà còn là vật chất hữu hình theo qui ước xã hội, là tài sản hữu hình (tangible assets), là bất động sản không những là cứng trong ý nghĩa vật lý [vật chất hữu hình có tính cứng vật lý] mà còn là cứng theo qui ước xã hội [vật chất hữu hình có tính cứng qui ước], là tài sản cứng (hard assets), là công cụ sản xuất, là vật dụng cứng (hardwares).
Những giải thích trên của Việt Dịch không phải cho thấy nội hàm của quẻ Tốn-Cấn dung nạp ý nghĩa “niềm vui nhỏ, là tin tức vui, là tình cảm, tình yêu, sự quí mến” hoặc “Niềm vui nhỏ, dịu dàng, mềm mỏng, vươn lên” mà LVĐT diễn giải về ý nghĩa của quẻ Tiểu Cát đó hay sao? Không phải những chữ “là tài sản hữu hình (tangible assets), là bất động sản. . . là tài sản cứng, . . là công cụ sản xuất, là vật dụng cứng (hardwares).” phản ảnh “nghề nghiệp. . . buôn bán . . . tiểu lợi . . . làm ăn” mà LVĐT diễn giải đó hay sao?
Vấn đề được đặt ra là với sự thống nhất với nhau của hai bên từ vị trí của Tiểu Cát, cho đến ý nghĩa của quẻ Tiểu Cát, cho đến phương hướng, ngũ hành và độ số của cung Tiểu Cát nhưng lại hoàn toàn khác nhau về cặp quái nằm trong cung Tiểu Cát thì phải giải thích thế nào đây ???
Cũng giống như lập luận trước đây trong phần lý giải Bát Môn, có lẽ chúng ta có thể bàn là LVĐT đã dùng âm dương, ngũ hành và độ số chứ không vận dụng những quẻ trong HTBQ-LạcViệt để diễn giải ý nghĩa những chữ của Lục Nhâm, dầu rằng cấu trúc của HTBQ-LạcViệt đã được vận dụng để an vị 6 chữ của Lục Nhâm. Nếu đúng là như vậy thì ý nghĩa của nhóm “độ số-âm dương-ngũ hành” mà LVĐT vận dụng để diễn giải chữ Tiểu Cát của Lục Nhâm khế hợp hoàn toàn với quẻ Tốn-Cấn của Việt Dịch như đã cho thấy trong phần phân tích vừa qua. Điều này không có gì lạ vì tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành mà LVĐT cung cấp trong phần diễn giải ý nghĩa của Tiểu Cát [điển hình là “Tiểu cát thuộc Mộc . . . về hướng là hướng Đông hoặc Đông Bắc. Về màu sắc là màu xanh lá cây. Về độ số là 3 và 8.”] hoàn toàn trùng lập với tập hợp của độ số, âm dương, ngũ hành ở vị trí chữ Tiểu Cát cùng quẻ Tốn-Cấn trong Việt Dịch Đồ [điển hình là “Tiểu Cát thuộc “Tốn +3 Giáp” + “Cấn -8 Ất” hành Mộc hướng chánh Đông tới ĐB đóng ở Dần + Mão vị”]. Mà Việt Dịch thì dùng thuần 8 quái để giải. Như vậy chẳng phải là LVĐT đã gián tiếp chứng minh và xác nhận “+3 Giáp, hành Mộc, hướng chánh Đông” chính là chỗ đứng của quái Tốn và “-8 Ất, hành Mộc, hướng ĐB” chính là chỗ đứng của quái Cấn hay sao? Và nếu đúng là như vậy thì chẳng phải luận điểm của Việt Dịch về “tính bất khả ly giữa những phần tử trong một tập hợp “độ số- âm dương-ngũ hành-quái” lại càng thêm khả tín hay sao?
Chưa hết, kết hợp phần luận giải hai quẻ Xích Khẩu và Tiểu Cát với phần luận hai quẻ chữ Sinh và Tử của Bát Môn chúng ta dễ dàng nhận ra là không có một khe hở nhỏ và từ đó mới thấy vị trí của hai quái Tốn và Chấn trong Việt Dịch Đồ quả thật là vô cùng thuyết phục.
Bây giờ thì chúng ta có thể tuần tự xét đến 4 cung có sự thống nhất giữa ngôi sao 6 cánh của LVĐT và Việt Dịch Đồ: Đại An, Vô Vong, Tốc Hỉ và Lưu Niên. Cũng là sự thống nhất giữa HTBQ-LạcViệt và Việt Dịch Đồ về vị trí của 4 quái Càn, Khôn, Khảm, Ly.
ĐẠI AN & VÔ VONG –
Lạc Việt Độn Toán diễn giải “Đại an thuộc Dương Thổ, nghĩa là bình yên lớn. Tính chất chậm chạp nhưng chắc chắn, thuộc về tài sản là nhà đất lớn, là miếng đất hoặc vùng đất lớn, là nguồn lợi ổn định, chắc chắn. Về người là bậc quân tử chín chắn, nữ hiền hậu tính cách điềm đạm, là người đầy đặn, béo tốt. Về công việc là sự ổn định, là người làm tại nơi trung tâm, có quyền chức địa vị. Về nơi làm việc là cơ quan hoặc bộ phận quan trọng. Về bệnh liên quan đến dạ dày hoặc tỳ. Về phương vị là nơi trung tâm. Về màu sắc là màu vàng thổ. Độ số là 5.” Và “Vô vong thuộc Âm Thổ. Nghĩa là không được việc gì, hoặc không sao cả; là đất bỏ hoang. Về người là người vô tích sự, thất nghiệp. Gặp hạn thì hoá giải. Về màu sắc là màu vàng đất xỉn. Về phương vị là ở cạnh nơi trung tâm, ở phía dưới, là nền nhà. Về độ số là 10.” Giải thích này của LVĐT rõ ràng là qui hai quẻ Đại An và Vô Vong vào vị trí trung ương Mậu Kỷ, xác định bởi cụm chữ “dương thổ . . . độ số 5” và “âm thổ . . . độ số 10.”
Làm sao LVĐT có thể qui hai quẻ Đại An và Vô Vong vào vị trí trung ương Mậu Kỷ??? Không phải điều này sẽ hoàn toàn phá vở chính cái nền tảng mà LVĐT đã dùng nó để chứng minh sự hợp lý trong việc phối 6 quẻ Lục Nhâm vào ngôi sao 6 cánh [cũng là HTBQ-Lạc Việt] hay sao? Không phải điều này sẽ hoàn toàn phá vở chính cái nền tảng mà LVĐT đã dùng nó để chứng minh sự hợp lý trong việc phối hợp Lục Nhâm với Bát Môn hay sao? Không phải điều này cũng sẽ phá vở luôn cả yếu tính nhất quán cần có trong sự thiết lập lý thuyết mà học giả NVTA đã nói tới hay sao? Trong một đoạn khác khi cứu xét 6 quẻ Lục Nhâm thì LVĐT có giải thích “Lưu Niên: Giữ lại thời gian. Biểu tương cho sự ngăn trở hiểm ác, âm mưu… Đây chính là hành thuỷ, vậy liên hệ với quẻ Khảm. Tốc Hỷ: Niềm vui đến nhanh. Biểu tượng cho sáng sủa, vẻ đẹp…Đây chính là hành Hoả,vậy liên hệ với quẻ Ly. Xích khẩu: Tranh chấp, cự cãi, lý luận, xung sát … Đây là thuộc tính của hành Kim, vậy liên hệ với Tốn – Đoài Tiểu Cát: Niềm vui nhỏ, dịu dàng, mềm mỏng, vươn lên….Đây là thuộc tính của hành Mộc. Vậy liên hệ với Cấn - Chấn. Như vậy tứ hành đã an vị . Còn hai quẻ nữa khởi đầu của vạn sự chính là Càn Khôn…liên hệ với: Càn – Đại An và Khôn – Vô vong.” Không phải đoạn giải thích này xác nhận là Đại An nằm ở Càn và Vô Vong nằm ở Khôn với cụm chữ “Càn - Đại An và Khôn – Vô Vong” hay sao? Mà khi đã xác nhận hai quẻ nằm trên trục Càn-Khôn thì độ số phải là 2 và 6 chứ làm sao có thể là 5 và 10 được? Rõ ràng là ở đây đã có một vướng mắc lớn!!. Và cũng rõ ràng là LVĐT đã chỉ sử dụng lý lẽ ngũ hành để mà phối vị trí của Lục Nhâm. Không có gì sai với việc vận dụng lý thuyết ngũ hành. Tuy nhiên, chỉ vận dụng ngũ hành mà bỏ đi tinh yếu của HTBQ-LạcViệt, theo nhận xét riêng của tác giả, thì đây là một sự việc rất đáng tiếc vì nó chính là lý do gây ra tất cả “lạng quạng” trong phần lập luận cho Lục Nhâm của LVĐT mà tác giả sẽ từ từ chứng minh cho thấy.
Việt Dịch thì giải thích một cách khác. Đại An và Vô Vong chắc chắn là phải nằm trên trục Càn-Khôn vì tự ý nghĩa của hai chữ Đại An và Vô Vong đã đặt trên cơ sở luận lý “Trời tịnh thì yên [an]; Đất tịnh thì chết [vong]” của Dịch. Đúng như LVĐT đã nói, nó là hai quẻ khởi đầu của vạn sự. Và, đó không phải là lý do tại sao Lục Nhâm lại khởi độn từ vị trí của quẻ Đại An hay sao? Mà quẻ Đại An thì thuộc “Càn -6 Quý.” Trên Việt Dịch Đồ thì “Càn -6 Quý” lại nằm ở Tí vị của vòng ngoại giới, như cho thấy trong hình bên dưới. Tí vị không phải là nơi khởi đầu của vạn sự trong trời đất hay sao?
LVĐT có nói “Xin lưu ý Dương Tịnh - Âm Động là lý thuyết căn bản được phục hồi từ Văn hiến Lạc Việt. Còn sách Hán thì ngược lại Dương Động - Âm Tịnh.” Theo Việt Dịch thì “Dương tịnh là an, Âm động là sống” và ngược lại “Dương động là nguy, Âm tịnh là chết.” Dương ở đây chỉ về trời, tức là ngôi Càn. Âm ở đây là chỉ về mặt đất, tức là ngôi Khôn. Dịch lý này vốn là ở cấp độ đại thể/ tổng thể trỏ vào môi trường tổng quát hay điều kiện vĩ mô. Dương “tịnh” có nghĩa là những hoạt động diễn ra trong “trạng thái bình thường” hay quân bình. Tịnh của ngôi Trời có nghĩa là vận hành trong điều kiện ổn cố, điều độ, hài hoà, an bình chứ không có nghĩa là không có cái gì xê dịch, động đậy. Như vậy, nó là sự tịnh trong ý nghĩa so sánh tương đối chứ không phải là vắng bặt, im lìm. Với Âm tịnh thì nghĩa chữ tịnh hoàn toàn khác với nghĩa chữ tịnh vừa nói. Tịnh của ngôi Đất có nghĩa là vắng bặt những hoạt động thể hiện sự sống, không thấy sự hiện hữu của những hoạt động có tính cách sống. Hay nói một cách khác là ngôi Đất đang vận hành trong điều kiện không hổ trợ cho sự sống, trong trạng thái đã hủy diệt hết sự sống, trong tình trạng đánh mất sự quân bình cần thiết cho sự sống và rớt vào bất ổn cao độ chứ không có nghĩa là không có cái gì xê dịch hay động đậy. Còn khi nói về những tiểu thể/ cá thể nằm bên trong tổng thể đó, tức là lý lẽ ở cấp độ vi mô, và trỏ vào hoạt động của những tiểu thể/ cá thể, tức hiện tượng vi diệu sinh hoá trên mặt đất, thì động là dương còn tịnh là âm. Cả dương và âm tức cả động và tịnh của tiểu thể/ cá thể đều là những biến dịch liên tục bên trong cái âm động và dương tịnh của đại thể/ tổng thể. Sự động tịnh của đại thể/ tổng thể không là cái chết sống của chính đại thể/ tổng thể, không gây ra cái chết sống cho chính đại thể/ tổng thể mà là gây ra cái chết sống của những tiểu thể/ cá thể nằm bên trong đại thể/ tổng thể đó. Và chính là cái Dịch lý trỏ vào đại thể đã được cổ nhân áp vào trục Càn-Khôn cho ra hai quẻ Đại An và Vô Vong.
Việt Dịch giải thích “Càn là tượng không gian dương tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘không gian dương tính’ có nghĩa là ‘không gian mở,’ là ‘trống rỗng, thông thoáng,’ là ‘có thể chứa đựng,’ là ‘có thể làm giảm áp suất,’ là ‘có thể che’.” Chỉ cần bao nhiêu đó thôi cũng đủ để thấy là nội hàm của quẻ “Càn -6 Quý” hoàn toàn dung nạp ý nghĩa Đại An của Lục Nhâm. Nói một cách khác, nếu mở rộng diễn giải thì Việt Dịch sẽ giải thích thêm “Càn không những là không gian mở, thông thoáng mà còn là không gian quân bình, ổn cố, điều độ, hài hòa, an bình.”
Như vậy cũng có nghĩa là quẻ Đại An và ý nghĩa quẻ Đại An của Lục Nhâm có tương quan chặt chẽ với quẻ Hưu và ý nghĩa quẻ Hưu của Bát Môn. Điều này cũng dễ hiểu vì cả hai đều thuộc quẻ “Càn -6 Quý” trên HTBQ của Việt Dịch và được giải thích bởi nội hàm của quẻ Càn. Và quẻ Đại An của Lục Nhâm lẫn quẻ Hưu của Bát Môn đều là quẻ cát tường.
Việt Dịch cũng giải thích “Khôn là không gian âm tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘không gian âm tính’ có nghĩa là ‘không gian đóng,’ là ‘khép kín, chắn,’ là ‘đã chiếm dụng, không chứa thêm,’ là ‘có thể nâng đỡ, chở,’ là ‘có thể làm tăng áp suất’.” Chỉ cần bao nhiêu đó thôi cũng đủ để thấy là nội hàm của quẻ “Khôn -2 Đinh” hoàn toàn dung nạp ý nghĩa “Nguy” tức Vô Vong của Lục Nhâm. Nói một cách khác, nếu mở rộng diễn giải thì Việt Dịch sẽ giải thích thêm “không những là không gian đóng, khép kín, không chứa thêm, làm tăng áp suất mà còn là không hổ trợ sự sống, là đánh mất tính cách hài hòa, là rớt vào bất ổn cao độ, là hủy diệt sự sống, là nguy, là không xong, là đưa đường dẫn lối đến cái chết.”
Quẻ Vô Vong của Lục Nhâm có liên hệ với quẻ Cảnh của Bát Môn vì cả hai đều là “Khôn -2 Đinh” trên HTBQ của Việt Dịch và ý nghĩa của chúng cùng được giải thích bởi nội hàm của quẻ Khôn. Nhưng quẻ Cảnh không phải là một quẻ xấu mà là một quẻ trung tính trong khi đó quẻ Vô Vong lại là một quẻ hoàn toàn xấu. Điều này không có gì là không hợp lý. Vì đối với Việt Dịch, bất cứ quẻ nào của Bát Quái cũng có đủ cả hai mặt tốt và xấu. Nếu không có đủ cả âm dương thì nó đã không là lý của dịch.
Như vậy, quẻ Đại An của Lục Nhâm và quẻ Hưu của Bát Môn là hai quẻ rớt vào trường hợp vừa “cùng” vừa “đồng.” Còn quẻ Vô Vong của Lục Nhâm và quẻ Cảnh của Bát Môn thì rớt vào trường hợp tuy “cùng” mà “dị.” Hai cặp này lại nằm trên cùng một trục và đối xứng nhau qua trục. Đây cũng là nằm trong lý âm dương của dịch.
Nếu nhìn sâu thêm một chút nữa thì chúng ta cũng sẽ nhận ra là trục Càn-Khôn trong Lục Nhâm mang đặc tính là một trục thuần tịnh. Vì Càn tịnh nên mới Đại An và vì Khôn tịnh nên mới Vô Vong.
LƯU NIÊN & TỐC HỈ –
Lạc Việt Độn Toán diễn giải “Lưu niên thuộc Thuỷ, nghĩa là giữ lại thời gian. Có tính hiểm độc, lừa dối, âm mưu, là mưu toan, là sự do dự, lo lắng. Thuộc về tài sản là thất thoát, phá sản. Thuộc về sự việc là trì trệ. Là công việc không chính danh, có tính phiêu lưu mạo hiểm, là phi pháp, phi đạo đức. Là chết chóc tai nạn. Về bệnh thì liên quan đến máu huyết hoặc thận. Về phương vị là phương Bắc hoặc Tây Bắc. Về màu là màu đen hoặc xanh dương. Về độ số là 1 và 6.” và “Tốc hỷ thuộc Hoả, nghĩa là sự vui vẻ, may mắn, là nhanh chóng, là tốt đẹp sáng sủa. Về người là quí nhân hay giúp đỡ người khác, là người thông minh, tài cao học rộng. Về công việc là chính danh, về học vấn là sự thành đạt, có học vị cao, là những dịch vụ phục vụ cho vẻ đẹp, cho nhu cầu tinh thần. Về hiện tượng là thuộc về văn hóa, giáo dục. Là người mang những giá trị tinh thần cao quí. Về bệnh liên quan đến tim hoặc tinh thần. Về màu sắc là màu đỏ, về phương vị là hướng Nam hoặc Đông Nam. Về độ số là 2 và 7.” Những giải thích này cho thấy Lưu Niên được quy vào hành Thủy với cả hai độ số 1 và 6 còn Tốc Hỉ thì được quy vào hành Hỏa với cả hai độ số 2 và 7.
Làm sao LVĐT lại có thể gom cả hai quái Khảm và Càn vào cho Lưu Liên, xác nhận qua cụm “Về phương vị là phương Bắc hoặc Tây Bắc. Về màu là màu đen hoặc xanh dương. Về độ số là 1 và 6” ??? Làm sao LVĐT lại có thể gom cả hai quái Khôn và Ly vào cho Tốc Hỉ, xác nhận qua cụm “Về màu sắc là màu đỏ, về phương vị là hướng Nam hoặc Đông Nam. Về độ số là 2 và 7.” ??? Không phải là sự xác nhập như thế này sẽ phá vở cấu trúc của ngôi sao 6 cánh [cũng là HTBQ-LạcViệt] mà LVĐT đã nhờ vào nó để thiết lập chỗ đứng cho bộ môn độn toán của Lạc Việt hay sao? Hay nói một cách khác là nếu chấp nhận lý giải “có tất cả 2 độ số” cho mỗi quẻ của Lục Nhâm thì cái hình ngôi sao 6 cánh sẽ không còn đúng nữa mà phải đổi qua hình cái thánh giá 4 cánh cho 4 quẻ Xích Khẩu, Tiểu Cát, Lưu Liên, Tốc Hỉ còn trung tâm thì cho hai quẻ Đại An và Vô Vong. Rồi giữa Lục Nhâm và Bát Môn sẽ không còn sự liên hệ khắng khít nữa, mà sự khắng khít đó chỉ có thể thành lập qua HTBQ-LạcViệt. Có thật sự đây là chủ ý của học giả NVTA? Không thể nào! Vì nếu là chủ ý thì tại sao còn đưa ra hình ngôi sao 6 cánh? Như tác giả đã từng nói, lìa bỏ tinh yếu HTBQ của Lạc Việt để rồi chỉ dùng lý thuyết ngũ hành mà phân bố 6 quẻ của Lục Nhâm là một sai lầm. Nếu học giả NVTA không cố ý làm điều đó mà lại tự trói vào điều đó thì quả thật là có một sự “xẩy chân” trong tiến trình thiết lập lý thuyết cho LVĐT. Nó phá mất cái gọi là “khả năng giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó một cách hoàn chỉnh, nhất quán . . .”
Việt Dịch giải thích “Khảm là tượng năng lượng âm tính. Lý giải ở một tầng thấp hơn thì ‘năng lượng âm tính’ có nghĩa là ‘lạnh, trầm xuống, chảy tràn vào chỗ thấp, rung chuyển khi bên ngoài xúc chạm vào, tối tăm, nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của môi trường, có thể làm giảm nhiệt, có thể hóa hàn, có thể làm đông lạnh, có thể làm tắt.’ . . . không những là thấm xuống, là chảy tràn vào chỗ thấp mà còn là nước, là dòng chảy . . . không những là năng lượng âm tính, là tối tăm mà còn là thâm hiểm, là ưu lự, là toan tính, là bày mưu, là nghĩ kế, là trí, là mưu trí, là làm kế hoạch, là đưa ra quyết sách, là thâm sâu, là cái vực, là uyên, là hiểu biết đến cùng cực, là lãm.” Nếu áp dụng nội hàm của “Khảm + 1 Nhâm” trong Việt Dịch để giải nghĩa chữ Lưu Liên của Bát Môn thì có lẽ nó sẽ được giải thích “Khảm không những là dòng chảy mà còn là trôi dạt, là lưu đày, là lưu nhậm, là đi xa; không những là dòng chảy mà còn là miên man, là liên tục, là miệt mài, là không dứt được, là quyến luyến, là giữ lại không cho đi, là ngăn trở; không những là thấm xuống, là chảy tràn xuống chỗ thấp mà còn là ứ đọng, là đình trệ, là trể nải. Tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ Lưu Liên trong từ điển chữ Hán thì thấy Lưu Liên (a) 留連 là quyến luyến; (b) 留 còn lại, đợi dịp, lưu giữ, đình trệ; (c) 流 trôi dạt, lưu đày, dòng chảy. Còn trong từ điển chữ Nôm thì Lưu Liên (a) là miệt mài, mê mết, không dứt được; (b) là dính chặt, không rời được (nói về tình cảm). Những giải thích này cho thấy là nội hàm của quẻ Khảm trong Việt Dịch dung nạp ý nghĩa của chữ Lưu Niên ở mức độ rất cao.
Quẻ Lưu Liên của Lục Nhâm và quẻ Khai của Bát Môn có liên hệ khắng khít vì cùng ở vị trí “Khảm +1 Nhâm” và cùng được giải thích bởi nội hàm của quẻ Khảm. Tuy nhiên Khai là quẻ cát tường trong khi Lưu Liên lại là quẻ xấu. Điều này không có gì lạ, vì như đã từng nói, trong Việt Dịch không có một quẻ nào trong Bát Quái có nội hàm hoàn toàn xấu hoặc hoàn toàn tốt. Thêm một lần nữa chúng ta thấy sự thể hiện của cái gọi là “cùng mà không đồng” trong dịch lý.
Việt Dịch giải thích “Ly là tượng năng lượng dương tính. . . . không những là năng lượng dương tính mà còn là sinh lực dương tính, là sức sống thể hiện, là giai đoạn thai nhi lớn nhanh trong bụng mẹ, là giai đoạn con gái lớn nhanh trong vòng tay mẹ, là giai đoạn trước khi làm mẹ, là trung nữ, là con gái giữa, là hậu bối bên mẹ, là tánh khí sôi nổi, là sự hưng phấn, là bồng bột, là nhiệt tình, là hăng hái, là chân tình, là hiến dâng, là con tim, là tạng tâm; không những là năng lượng dương tính mà còn là năng lượng thanh nhẹ, là nguyên thần, là lễ nghi [nguyên thần là gốc của của lễ nghi, nhiệt tình]; không những là nóng, là tỏa sáng mà còn là nhan sắc đẹp sáng, là phong cách nóng bỏng, là gợi cảm, là hấp dẫn, là quyến rũ. . .” Nội hàm của chữ Ly trong Việt Dịch mô tả dạng-thể-tính-trạng-hành của “năng lượng dương tính” trong thế giới vi diệu sinh hóa. Nếu áp dụng nội hàm của quẻ Ly để diễn giải chữ Tốc Hỉ của Lục Nhâm thì Việt Dịch cũng sẽ nói “Tốc Hỉ là nhanh chóng, là điều vui, là sự sáng, là quới nhân giúp đỡ, là việc tốt lành.” Những giải thích này cho thấy là nội hàm của quẻ Ly trong Việt Dịch dung nạp ý nghĩa của chữ Tốc Hỉ ở mức độ rất cao.
Quẻ Tốc Hỉ của Lục Nhâm và quẻ Đỗ của Bát Môn có liên hệ khắng khít vì cùng ở vị trí “Ly +7 Bính” và cùng được giải thích bởi nội hàm của quẻ Ly. Quẻ Tốc Hỉ của Lục Nhâm lẫn quẻ Đổ của Bát Môn đều là quẻ cát tường.
Như vậy, quẻ Tốc Hỉ của Lục Nhâm và quẻ Đỗ của Bát Môn là hai quẻ rớt vào trường hợp vừa “cùng” vừa “đồng.” Còn quẻ Lưu Liên của Lục Nhâm và quẻ Khai của Bát Môn thì rớt vào trường hợp tuy “cùng” mà “không đồng.” Hai cặp này lại nằm trên cùng một trục và đối xứng nhau qua trục. Đây cũng là nằm trong lý âm dương của dịch.
Tóm lại, qua những phân tích vừa rồi chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Việt Dịch Đồ sẵn sàng và hoàn toàn dung nạp 6 chữ của Lục Nhâm cũng như dung nạp diễn giải của LVĐT về 6 chữ đó. Cũng không khó để chúng ta nhận thấy Việt Dịch Đồ khế hợp với cấu trúc của Lục Nhâm một cách hoàn hảo, và có thể khẳng định là hoàn hảo hơn Hà Đồ Bát Môn của Lạc Việt.
No comments:
Post a Comment