KẾT HỢP BÁT MÔN LỤC NHÂM TRÊN CƠ SỞ
VIỆT DỊCH ĐỒ VÀ CƠ SỞ BÁT QUÁI LẠC VIỆT
Sự khác biệt căn bản giữa Việt Dịch và LVĐT không nằm ở cấu trúc tổng quát, cũng không nằm ở lý giải ý nghĩa của các cung, mà nằm ở sự khác biệt giữa HTBQ-LạcViệt và HTBQ trong Việt Dịch Đồ của Việt Dịch. Sự khác biệt đó chỉ nằm vỏn vẹn trong 3 quái Tốn, Đoài và Chấn. Đúng sai, sâu cạn đã được phân tích rồi và cần được đánh giá bởi những học giả khác.
Theo ý kiến riêng của tác giả, khái niệm điên đảo dịch của LVĐT là một khái niệm rất sáng tạo và độc đáo. Nhưng có phải chăng chính sự sáng tạo và độc đáo đó mà nó đã che khuất những bất cập còn ẩn ở bên trong một lý thuyết??
Khái niệm kết hợp Bát Môn và Lục Nhâm để thành lập phương pháp độn toán Lạc Việt mang tên LVĐT là một khái niệm tuyệt vời và là một khám phá không thể coi thường. Việt Dịch Đồ của Việt Dịch, với hai vòng vận hành ngược chiều nhau, đã chứng minh sự kết hợp như vậy là có cơ sở [quý vị có thể tìm đọc cuốn Việt Dịch của Hà Hưng Quốc để phối kiểm lại giá trị của câu phát biểu này]. Tác giả tuyên dương công lao này của học giả NVTA. Không có LVĐT của ông chưa chắc đã có bài viết này và những khám phá bổ ích ngày hôm nay.
Và, dưới ánh sáng của những gì đã được phân tích thì chúng ta có thể khẳng định là Việt Dịch Đồ nói riêng và Việt Dịch nói chung có một khả năng dung nạp cao độ đối với Bát Môn và Lục Nhâm.
Không phải chỉ có vậy mà thôi, qua nghiên cứu này chúng ta còn thấy Việt Dịch Đồ dường như có khả năng giải quyết những bất cập trong nhiều lãnh vực lý học mà từ lâu rồi chưa thể giải quyết được. Chỉ là dường như thôi.
Nếu đã chấp nhận sự kết hợp của Bát Môn và Lục Nhâm là có cơ sở và được hổ trợ bởi tinh yếu của Việt Dịch thì, trên cơ sở của Việt Dịch Đồ, vòng vận hành của Bát Môn và Lục Nhâm phải tuân thủ quy luật vận hành của Việt Dịch Đồ. Nói một cách khác là 8 cửa của Bát Môn phải được an và bấm độn thứ tự trước sau theo vòng của chiều kim đồng hồ, khởi từ Sinh môn nằm ở Dần vị, còn 6 quẻ của Lục Nhâm phải được an và bấm độn thứ tự trước sau theo chiều ngược kim đồng hồ, khởi từ Đại An nằm ở Tí vị, như đã được trình bày trên Việt Dịch Đồ. Còn tại sao Bát Môn khởi từ Sinh môn và ở Dần vị và tại sao Lục Nhâm khởi từ quẻ Đại An ở Tí vị thì đã được giải thích tường tận ở trên.
Xin lưu ý một điều là tuy một cái thì theo chiều kim đồng hồ còn một cái theo chiều ngược kim đồng hồ nhưng cả hai đều là thuận hành cả. Hãy thử dùng bàn tay trái để bấm độn Bát Môn. Chỗ khởi đầu là ngay lóng gốc của ngón trỏ [Dần vị] rồi từ đó đi lên lóng giữa của ngón trỏ -> lóng ngọn của ngón trỏ -> qua lóng ngọn của ngón giữa -> qua lóng ngọn của ngón đeo nhẫn -> xuống lóng giữa của ngón đeo nhẫn -> xuống lóng gốc của ngón đeo nhẫn -> rồi qua lóng gốc của ngón giữa, tức là đi vòng theo chiều kim đồng hồ. Thử dùng bàn tay phải để bấm độn Lục Nhâm. Chỗ khởi đầu là ngay lóng gốc của ngón trỏ rồi từ đó đi lên lóng ngọn của ngón trỏ -> qua lóng ngọn của ngón giữa -> qua lóng ngọn của ngón đeo nhẫn -> xuống lóng gốc của ngón đeo nhẫn -> rồi qua lóng gốc của ngón giữa, tức là đi vòng theo chiều ngược kim đồng hồ. Nó không khó để chúng ta nhận ra là cả hai đều là thuận hành phải không?
Bây giờ hãy đặt bàn tay phải lên trên bàn tay trái và trong đầu hãy “chuyển” những vị trí của Lục Nhâm từ bàn tay phải qua bàn tay trái.
Rồi thì, thử dùng duy nhất bàn tay trái để bấm độn cho cả hai. Bát Môn thì vẫn y như cũ còn Lục Nhâm thì cần điều chỉnh, có đúng không? Chỗ khởi đầu cho Lục Nhâm là ngay lóng gốc của ngón đeo nhẫn rồi từ đó đi lên lóng ngọn của ngón đeo nhẫn -> qua lóng ngọn của ngón giữa -> qua lóng ngọn của ngón cái -> xuống lóng gốc của ngón cái -> rồi qua lóng gốc của ngón giữa, tức là đi vòng theo chiều ngược kim đồng hồ. Sự điều chỉnh này không khác nào đem bàn tay phải đặt trên bàn tay trái [cả hai đều lật ngửa] để nhập Bát Môn và Lục Nhâm lại trên cùng một bàn tay.
Như vậy thì Đại An sẽ nằm ở lóng gốc của ngón đeo nhẫn [Tí vị], Xích Khẩu nằm ở lóng ngọn của ngón đeo nhẫn, Tốc Hỉ nằm ở lóng ngọn của ngón giữa, Vô Vong nằm ở lóng ngọn của ngón trỏ, Tiểu Cát nằm ở lóng gốc của ngón trỏ, và Lưu Niên nằm ở lóng gốc của ngón giữa, giống như hình Bàn Tay Lục Nhâm theo Việt Dịch Đồ cho thấy bên dưới.
Vị trí của 6 quẻ trên hình Bàn Tay Lục Nhâm an theo Việt Dịch Đồ hoàn toàn giống với vị trí của 6 quẻ trên ngôi sao 6 cánh Lục Nhâm của LVĐT. Hay nói một cách khác là Việt Dịch Đồ hoàn toàn dung nạp cách an Lục Nhâm của LVĐT.
Tuy nhiên có một điều tác giả vẫn không thể hiểu là vì sao mà vị trí của 6 quẻ trên hình Bàn Tay Lục Nhâm theo tinh yếu của LVĐT lại không khế hợp với chính ngôi sao 6 cánh Lục Nhâm [Hậu Thiên Bát Quái Lạc Việt] cũng là tinh yếu của LVĐT. Xem hai hình bên dưới.
Có phải chăng vì muốn giữ nguyên cách bấm độn được lưu hành ngoài nhân gian??? Chính học giả NVTA đã xác nhận là đã có nhiều phiên bản lưu hành. Mà khi đã có nhiều phiên bản lưu hành thì độ khả tín của tất cả phiên bản cần được cứu xét thật kỷ để gạn lọc. Lấy gì để cứu xét và gạn lọc, nếu không phải là dựa vào những tinh yếu của LVĐT? Lìa bỏ tinh yếu để chấp nhận một phương pháp bấm độn lưu hành thiếu khả tín mà không có sự giải thích thoả đáng chẳng phải là một sự dễ duôi có thể gây sai lầm nghiêm trọng hay sao?
Học giả NVTA cũng có nói là “còn một dị bản thứ ba khác là các cung Đại An, Tốc hỷ, Tiểu cát bị lệch sang phải và thay chỗ cho nhau.” Dòng chữ ngắn ngủi này có thể là một đầu mối quan trọng cho thấy cái “lệch sang bên phải” của quẻ Đại An rất có thể là bằng chứng cho thấy cách an quẻ và bấm độn của phiên bản đó là có cơ sở vì nó giống với cách an và bấm độn theo tinh yếu của Việt Dịch Đồ.
Sự lọng cọng, bất nhất giữa ngôi sao 6 cánh Lục Nhâm của LVĐT và Bàn Tay Lục Nhâm của LVĐT là vấn đề của Lạc Việt Độn Toán. Sự bất cập này của LVĐT chỉ làm suy yếu chính luận thuyết của LVĐT chứ không làm suy yếu những bằng chứng về khả năng dung nạp của Việt Dịch đối với LVĐT.
KẾT LUẬN
Với Việt Dịch thì vấn đề truy cứu khả năng dung nạp của nó đối với Bát Môn và Lục Nhâm một cách riêng lẽ hay một cách tổng hợp đã được xác định rất rõ ràng. Đó là, Việt Dịch không những có khả năng dung nạp Bát Môn và Lục Nhâm một cách toàn vẹn mà còn có khả năng kết hợp Bát Môn và Lục Nhâm thành một, một cách khít khao, dựa trên tinh yếu của Việt Dịch Đồ.
Và, chỉ có Việt Dịch Đồ mới có thể cho được một sự giải thích thực sự hợp lý vì sao Bát Môn và Lục Nhâm có thể kết hợp với nhau.
Không những vậy, tinh yếu của Việt Dịch Đồ còn chứng minh cho thấy sự hợp lý trong cách bấm độn Bát Môn và Lục Nhâm. Bát Môn khởi từ Sinh môn, ở Dần vị, và chuyển dịch theo chiều kim đồng hồ. Lục Nhâm khởi từ Đại An, ở Tí vị, và chuyển dịch theo chiều ngược kim đồng hồ.
Sau cùng, như bài viết này cho thấy, tinh yếu của Việt Dịch Đồ dường như còn có khả năng giải quyết những bất cập trong nhiều lãnh vực lý học đông phương mà từ lâu rồi chưa thể giải quyết được. Có đúng như vậy hay không thì còn phải chờ xem.
Hết.
No comments:
Post a Comment