Monday, November 1, 2010

Giải Mã Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp - Hà Hưng Quốc (#2)


Những bí ẩn của Lục Thập Hoa Giáp hoàn toàn phơi bày dưới lăng kính Việt Dịch. Cách tiếp cận mới đưa đến những khám phá lạ khiến chúng ta tự hỏi phải chăng tổ tiên Lạc Việt mới chính là chủ nhân đích thực của Bảng Lục Thập Hoa Giáp?

Trở về: Giải Mã Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp - bài 1


2. NHỮNG BÀN CẢI VỀ QUY LUẬT NẠP ÂM
CỦA LỤC THẬP HOA GIÁP
Trong mớ bòng bong của những giải thích về ngũ hành nạp âm mà học giả NVTA đã tra cứu và đưa ra để dẫn chứng có vài đoạn văn bản đáng cho chúng ta đặc biệt chú ý.  Đoạn thứ nhất là của Thẩm Quát.  Ông ta viết: 

Nạp Âm lục thập Giáp Tí, rất ít người biết nguyên lý của nó. Sự thực là phép của 60 luật lữ cung nhằm làm cung pháp. Một luật hàm 5 âm, 12 luật tức nạp 60 âm. Phàm Dương ‘Khí’ bắt đầu ở phương Đông mà đi về bên phải, Âm ‘Khí’ khởi từ phương Tây mà đi về bên trái, Âm Dương đan xen nhau mà sinh biến hóa.  Chỗ gọi là khí bắt đầu ở phương Đông nầy là bốn mùa bắt đầu ở Mộc, đi về bên phải chuyển tới Hỏa, Hỏa chuyển tới Thổ, Thổ chuyển tới ở Kim, Kim chuyển tới ở Thủy. Chỗ bảo rằng Âm bắt đầu ở phương Tây nầy là Ngũ Âm bắt đầu ở Kim, chuyển xoay về bên trái tới Hỏa, Hỏa chuyển tới Mộc, Mộc chuyển tới Thủy, Thủy chuyển tới Thổ. . .  Phương pháp cơ bản của Nạp Âm là cùng loại với ‘thú thê’ (lấy vợ) cách tám sinh con. Thứ tự của Ngũ Hành Nạp Âm là trước trọng sau mạnh, mạnh rồi mới đến quí. Tam nguyên của Độn Giáp đã ghi chép như thế vậy.  Giáp Tí là trọng của Kim (Thương của Hoàng Chung), lấy vợ cùng vị tức là Ất Sửu (Thương của Đại Lữ cùng ngôi vị). Bảo rằng là loại của Giáp với Ất, Bính với Đinh. Ở dưới đều phỏng theo thế. Cách tám sinh ra Nhâm Thân ở dưới là mạnh của Kim (Thương của Di Tắc), cách tám đó là Đại Lữ sinh ra Di Tắc vậy. Ở dưới đều phỏng theo thế. Nhâm Thân lấy vợ cùng một ngôi vị là Quý Dậu (Thương của Nam Lữ). Cách tám, Canh Thìn sinh ra ở trên quý của Kim (Thương của Cô Tẩy), như thế tam nguyên của Kim hết. Nếu chỉ lấy thời Dương mà nói thì dựa vào Độn Giáp chuyển thuận: trọng-mạnh-quí. Nếu kiêm nói về vợ thì nghịch chuyển: mạnh-trọng-quí. Canh Thìn lấy vợ Tân Tỵ cùng ngôi vị (Thương của trọng lữ), cách tám ở dưới sinh Mậu Tí, trọng của Hỏa (Chủy Kim của Hoàng Trung). Tam nguyên [của kim] hết thì đi về bên trái chuyển tới phương Nam, Hỏa Mậu Tí - Kỷ Sửu (Chủy của Đại Lữ) sinh ra Bính Thân, mạnh của Hỏa (Chủy của Di Tắc) Bính Thân lấy vợ Đinh Dậu (Chủy của Nam Lữ) sinh Giáp Thìn, quý của Hỏa (Chủy của Cô Tẩy), Giáp Thìn lấy vợ Ất Tỵ (Chủy của Trọng Lữ) sinh Nhâm Tí, trọng của Mộc (Giác của Hoàng Chung). Tam nguyên Hỏa hết thì đi về bên trái chuyển tới phương Đông Nam – Mộc. Như đi về bên trái đến Đinh Tỵ là Cung của Trọng Lữ ngũ âm hết lần một. Quay lại từ Giáp Ngọ, trọng của Kim, lấy vợ Ất Mùi, cách tám sinh Nhâm Dần. Giống như phép của Giáp Tí thì hết ở Quý Hợi (gọi là Nhuy Tân lấy vợ Lâm Chung, trên sinh ra loại của Thái Thốc). Tí đến Tỵ là Dương, vì vậy từ Hoàng Chung đến Trọng Lữ, đều là hạ sinh. Từ Ngọ đến Hợi là Âm, vì vậy từ Lâm Chung đến Ứng Chung đều thượng sinh.[1]    
        
Nhận xét về đoạn văn trên học giả NVTA đã viết: 
  
Qua đoạn trích dẫn ở trên thì chúng ta nhận thấy rằng . . . Cho dù bạn xoay chuyển thế nào thì Thẩm Quát vẫn sai.  Điều này được chứng minh như sau: Chúng ta so sánh chu kỳ đã dẫn của Thẩm Quát với chu kỳ nạp âm Ngũ hành ngay trong cổ thư chữ Hán như sau:
1) Ngũ Âm bắt đầu ở Kim => Giáp Tý/Ất Sửu = Hải trung Kim.
2) Chuyển xoay về bên trái tới Hỏa => Bính Dần/ Đinh Mão = Lư Trung Hoả.
3) Hỏa chuyển tới Mộc => Mậu Thìn/Kỷ Tỵ = Đại lâm Mộc.
4) Mộc chuyển tới Thủy                            
# Nhưng tiếp theo Mậu Thìn/ Kỷ Tỵ trong Lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán lại là hai năm:Canh Ngọ/Tân Mùi thuộc Lộ Bàng Thổ?
5) Thủy chuyển tới Thổ
# Nhưng trong Lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán lại là hai năm: Nhâm Thân/Quí Dậu thuộc Kiếm Phong Kim?

Như vậy; quí vị cũng thấy rằng: Thực tế của chính bảng lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán đã phủ nhận cách giải thích của Thẩm Quát.  Bản thân ông Thẩm Quát cũng chỉ giải thích; chứ chưa chứng minh được nguyên lý của nó.[2] 

Nghiệm kỹ đoạn phân tích trên của học giả NVTA thì chúng ta thấy có lẽ là ông đã “thông dịch” sai giải thích của Thẩm Quát.  Vì qua thí dụ từ 1 tới 5 mà học giả NVTA đưa ra làm luận cứ cho thấy là dường như học giả NVTA muốn nói như thế này:

Nếu làm theo như Thẩm Quát giải thích thì 5 hành đi liền nhau phải là (1) Giáp Tí/ Ất Sửu = Hải Trung Kim; (2) Bính Dần/ Đinh Mão = Lư Trung Hỏa; (3) Mậu Thìn/ Kỷ Tỵ = Đại Lâm Mộc; (4) Canh Ngọ/ tân Mùi = Thủy nào đó; (5) Nhâm Thân/ Quý Dậu = Thổ nào đó. 

Nhưng trong bảng LTHG thì ghi rõ là (1) Giáp Tí/ Ất Sửu = Hải Trung Kim; (2) Bính Dần/ Đinh Mão = Lư Trung Hỏa; (3) Mậu Thìn/ Kỷ Tỵ = Đại Lâm Mộc; (4) Canh Ngọ/ Tân Mùi = Lộ Bàng Thổ [chứ không phải Thủy nào đó]; (5) Nhâm Thân/ Quý Dậu = Kiếm Phong Kim [chứ không phải Thổ nào đó]. 

Từ đó học giả NVTA kết luận: Thực tế của chính bảng lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán đã phủ nhận cách giải thích của Thẩm Quát   

Thực là đáng tiếc vì Thẩm Quát đã không nói như vậy.  Thẩm Quát không nói là nạp 5 hành liên tiếp như học giả NVTA dẫn chứng.  Vì một lý do nào đó mà học giả NVTA đã bỏ qua quy luật cách bát và quy luật tam nguyên áp vào mỗi hành trước khi chuyển từ một hành này qua một hành khác và chuyển theo thứ tự từ Kim tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ mà Thẩm Quát đã nêu ra trong phần thí dụ.  Nếu theo thí dụ của Thẩm Quát mà tự kiến tạo cho mình một bảng LTHG [và tôi đã thực hiện] rồi đem đối chiếu kết quả [tôi đã đối chiếu với bảng LTHG trong cuốn Văn Hoá Cổ Phương Đông của Trần Văn Tam, trang 150, NXB Văn Hoá Thông Tin, xb năm 2000] thì không có sự sai biệt như học giả NVTA đã dẫn chứng.        
Tuy là lời văn hơi tối nhưng đoạn văn trên của Thẩm Quát mô tả khá rõ ràng những quy luật ngũ hành nạp âm của LTHG.  Và những quy luật đó là: (1) lấy hành khí âm để nạp [do đó mới gọi là nạp âm]; (2) khởi đầu là nạp hành Kim vào Giáp Tí (3) rồi sau đó nạp tiếp và phải tuân theo những quy luật là (3a) nạp cách bát và (3b) nạp đủ 3 lần [tam nguyên] xong thì  chuyển qua hành kế; (4) hành chuyển theo thứ tự từ Kim tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ; (5) Can Chi vợ sẽ lấy theo hành khí của Can Chi chồng [Can Chi chồng là Giáp Tí thì Can Chi vợ là Ất Sửu đứng kế]; (6) Tam Nguyên theo thứ tự từ Mạnh tới Trọng tới Quí ; (7) Từ Giáp Tí đến Quý Tỵ là tròn một vòng 30 năm đầu và từ Giáp Ngọ đến Quý Hợi là tròn một vòng 30 năm sau. 
Thẩm Quát giải thích là hành khí Dương bắt đầu ở phương Đông mà xoay vần theo chiều kim đồng hồ còn hành khí âm khởi từ phương Tây mà xoay vần theo chiều ngược kim đồng hồ.  Có thế Âm Dương mới đan xen nhau mà sinh biến hóa.  Theo đó, tiến trình nạp âm [tức là nạp hành khí Âm] sẽ nạp từ Kim rồi tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ theo thứ tự.  Còn phương pháp nạp âm thì khởi đầu là nạp Kim vào Giáp Tí.  Rồi lìa vị trí Giáp Tí đếm 8 [“cách bát”] nạp Kim cho Nhâm Thân, rồi lìa vị trí Nhâm Thân đếm 8 nạp Kim cho Canh Thìn.  Nạp đủ ba lần Kim [“tam nguyên”] xong thì chuyển qua hành Hỏa.  Lìa vị trí Canh Thìn đếm 8 nạp Hỏa cho Mậu Tý, rồi Bính Thân, rồi Giáp Thìn.  Và tiếp tục như vậy cho đến hết 30 năm của nửa chu kỳ đầu.  Rồi quay lại nạp Kim vào Giáp Ngọ cho đến hết 30 năm của nửa chu kỳ sau.  Đủ 60 năm hoa giáp.  Tuân thủ quy luật thứ tự của 5 hành.  Trong mỗi hành tuân thủ quy luật Cách Bát và quy luật Tam Nguyên.  Và, Can Chi vợ nằm sát bên dưới của Can Chi chồng sẽ lấy theo hành khí của Can Chi chồng.  Từng cặp một giống như vậy và cho tất cả.   
Tuy có việc đáng tiếc nhưng học giả NVTA lại nhận xét đúng ở một điểm quan trọng là “Bản thân ông Thẩm Quát cũng chỉ giải thích; chứ chưa chứng minh được nguyên lý của nó.  Tôi có thể bổ túc thêm là dầu Thẩm Quát có là người đích thân khám phá ra những quy luật nạp âm của LTHG đi nửa cũng chưa chắc là đã có thể hiểu rõ nguyên lý làm nền cho những quy luật đó.  Nếu Thẩm Quát hiểu rõ thì đã không nói “chỗ gọi là khí bắt đầu ở phương Đông nầy là bốn mùa bắt đầu ở Mộc, đi về bên phải chuyển tới Hỏa, Hỏa chuyển tới Thổ, Thổ chuyển tới ở Kim, Kim chuyển tới ở Thủy. Chỗ bảo rằng Âm bắt đầu ở phương Tây nầy là Ngũ Âm bắt đầu ở Kim, chuyển xoay về bên trái tới Hỏa, Hỏa chuyển tới Mộc, Mộc chuyển tới Thủy, Thủy chuyển tới Thổ.”   Vì chỉ có bao nhiêu lời vỏn vẹn nằm ngay trong hai câu nói này đã cho thấy rất rõ là ở câu trên, “chỗ gọi là khí . . . tới ở Thủy” [phần vận hành thuận chiều kim đồng hồ], thì Thẩm Quát vẫn còn nương náu trong quy luật Sinh của lý thuyết ngũ hành phổ cập [qua thứ tự Mộc -> Hỏa -> Thổ -> Kim -> Thủy do chính ông xác nhận] nhưng tới câu kế, “Chỗ bảo rằng Âm . . . chuyển tới Thổ” [phần vận hành nghịch chiều kim đồng hồ], thì Thẩm Quát lại phải xuôi theo một quy luật khác [qua thứ tự Kim -> Hỏa ->  Mộc -> Thủy -> Thổ] hoàn toàn khác với quy luật Khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập mà ông ta nương tựa.  Không thể nói là Thẩm Quát không nhìn ra điều này.  Nhưng ông không thể nào ngộ ra được một chút manh mối nào về một quy luật khác” đó.  Ông lại không thể phủ nhận hoặc bỏ đi cái gọi là “một qui luật khác” đó vì nếu phủ nhận thì không còn có cách nào khác để giải thích những quy luật nạp âm làm nên cái cấu trúc của bảng LTHG còn bỏ đi thì không biết phải thay thế bằng cái gì khi mà vòng Khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không có khả năng để giải thích cấu trúc của bảng LTHG.  Thẩm Quát cũng không dám dựa trên quy luật Khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập để sửa đổi bảng LTHG, dầu là ông tin và nương tựa vào lý thuyết đó, vì thực tế chứng minh là bảng LTHG có một giá trị nhất định mới tồn tại được cả ngàn năm qua.  Không có lối thoát cho Thẩm Quát giải quyết bất cập này [và những bất cập tương tự đầy dẫy trong lý số và dịch học từ xưa đến nay].  Nhưng, như tôi đã phân tích, Thẩm Quát chỉ cho chúng ta thấy sự bất cập và lọng cọng của ông chứ không phải sai bét như là học giả NVTA đã cố gắng chứng minh.  

Cái gọi là “một quy luật khác” lại là một trong những nguyên lý cấu tạo Việt Dịch Đồ và do đó chỉ có Việt Dịch mới có đủ khả năng để giải thích.  Nhưng trước khi vận dụng Việt Dịch để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta muốn nghiên cứu thêm một vài đoạn trích dẫn từ sách của những học giả và danh sư khác để nhận diện đâu là cái mấu chốt của vấn đề trước đã.  Lã Hải Tập nói:
                                 
Cho nên vạn vật mới sinh nở tất nguồn gốc ở “Khí”, khí tức Kim. Kim thụ khí, thuận hành thì là Thể của Ngũ Hành, nghịch hành thì là Dụng của Ngũ Hành. Thuận hành là Thể của Ngũ Hành, lấy tương sinh làm thứ tự vì vậy dựa theo thứ tự làm Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ. Nghịch hành là Dụng của Ngũ Hành, đem phù trợ làm gốc. Như Kim nhân Hỏa bắt đầu mà có thể thành hữu dụng, Hỏa tất bắt đầu từ Mộc mới có thể phát sinh, Mộc không có Thủy tức không được phong phú tốt tươi, Thủy hẳn thác gửi vào Thổ mới có thể dừng mà tích giữ được thành sông nước, vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc, Thủy Thổ.  Cho nên Đại Náo (sau cuộc đại tạo) tạo ra Giáp Tí, tức lấy như thế làm thứ tự của Nạp Âm Ngũ Hành. Đại để như vậy vì Kim có thể thu nhận tiếng mà truyền bá khí ra. Phép nầy là: Giáp lấy Ất làm vợ, cách tám sinh con, con sinh cháu mà đi tiếp về sau, kế tục ngôi vị của nó ở đời tiếp. Như Giáp Tí là Kim, Giáp lấy Ất làm vợ, cách tám sinh Nhâm Thân là con. Nhâm lấy Quý làm vợ, cách tám là Canh Thìn tức là cháu. Canh lấy Tân làm vợ, cách tám là Mậu Tí đời Hỏa ngôi vị Kim. Thứ hai nói về Hỏa, Mậu kế tục nó về sau. Mậu lấy Kỷ làm vợ, cách tám là Bính Thân, ấy là con vậy; Bính lấy Đinh làm vợ, cách tám là Giáp Thìn, tức là cháu. Giáp lấy Ất làm vợ, cách tám là Nhâm Tí, đó là ngôi vị đời Mộc. Thứ ba gọi là Mộc, Nhâm kế tục đời nó. Nhâm lấy Quý làm vợ, cách tám làm Canh Thân, ấy là con vậy. Canh lấy lấy vợ Tân, cách tám là Mậu Thìn, ấy là cháu vậy. Mậu lấy vợ Kỷ cách tám là Bính Tí, đó là ngôi vị đời Thủy. Thứ tư gọi là Thủy, Bính kế tục sau nó, Bính lấy vợ Đinh, cách tám là Giáp Thân, ấy là con vậy. Giáp lấy vợ Ất, cách tám là Nhâm Thìn, ấy là cháu vậy. Nhâm lấy vợ Quý, cách tám là Canh Tí, đó là ngôi vị đời Thổ. Thứ năm gọi là Thổ. Canh lấy vợ Tân, cách tám là Mậu Thân, ấy là con vậy. Mậu lấy vợ Kỷ, cách tám là Bính Thìn, ấy là cháu vậy. Bính lấy vợ Đinh, cách tám là Giáp Tí, đó là ngôi vị đời Kim quay trở về. Giáp Ngọ, Ất Mùi khởi như phép trước. Đúng là vì vậy mới có thuyết ngũ Tí quy Canh. Đạo gia lưu truyền chọn nghĩa nầy dùng để phối ngôi vị của ngũ phương, tự số đầu Can Tí đến chữ Canh thì là số đó. Giáp Tí Kim, từ số Giáp đến bảy thì gặp Canh, nên phương Tây Kim được thất (7) khí. Mậu Tí là Hỏa, từ Mậu Tí đến ba số thì gặp Canh, nên phương Nam Hỏa được tam (3) khí. Nhâm Tí là Mộc, từ Nhâm đến chín số thì gặp Canh, nên phương Đông Mộc được cửu (9) khí. Bính Tí là Thủy, từ Bính đến năm số thì gặp Canh, nên phương Bắc Thủy được ngũ (5) khí. Canh Tí là Thổ, thì tự được một là nhất (1) khí ở phương giữa. Ấy là ngũ Tí quy Canh. Chính là biết Kim nầy thụ khí trước tiên, thuận hành thì là Thể của Ngũ Hành, nếu nghịch hành là Dụng của Ngũ Hành. Vì vậy 60 Giáp Tí Nạp Âm nầy, lấy làm Dụng của vạn vật.[3]

Nhận xét về đoạn văn trên học giả NVTA đã viết:

Qua đoạn trích dẫn ở trên thì quí vị quan tâm cũng nhận thấy rằng: Theo Lã Hải Tập thì nguyên lý của nạp âm Ngũ hành chỉ ở đoạn trên. Đoạn dưới cũng chỉ diễn tả cụ thể hơn về nguyên tắc “Cách bát sinh tử (Nguyên lý này vẫn ứng dụng trong Lạc thư hoa giáp. Xin chứng minh ở phần sau). Nhưng chính nguyên lý này lại bị phủ nhận ngay trong bàng lục thập hoa giáp trong cổ thư chữ Hán. Bởi vì khi kết thúc hành Kim – Chu kỳ 24 năm – theo nguyên lý “Cách bát sinh tử thì con của Kim phải là Thuỷ ; nhưng trong nạp âm Ngũ hành từ cổ thư chữ Hán lại là Hoả).   

Bây giờ chúng ta xem lại đoạn trên trong phần trích dẫn từ Lã Hải Tập: ‘Cho nên vạn vật mới sinh nở . . .  truyền bá khí ra.’

Như vậy; qua đoạn trích dẫn trên; quí vị cũng nhận thấy rằng:
Với phương pháp so sánh và chứng minh tương tự với Thẩm Quát ở trên; chúng ta cũng không thấy tính qui luật nào trong chính cách nạp âm Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán phù hợp với lập luận (Phần in đậm) của Lã Hải Tập. Xin quí vị quan tâm xem phần so sánh minh hoạ dưới đây:
1) Kim nhân Hoả mà bắt đầu => Giáp Tý/ Ất Sửu.
Với hiện tượng này thì hợp lý với luận đề giải thích của Lã Hải Tập qua câu “Nghịch hành là Dụng của Ngũ Hành”. Trong trường hợp này; là sự tương tác trực tiếp giữa hai hành nghịch hành là Hoả & Kim.
2)Nhưng đến trường hợp tiếp theo của nạp âm trong lục thập hoa giáp từ cổ thư chữ Hán là Bính Dần; Đinh Mão thuộc Lư Trung Hoả thì lại không thể giải thích được bằng luận đề trên:
Hỏa tất bắt đầu từ Mộc mới có thể phát sinh,
Như vậy; trong trường hợp này; thì nguyên nhân của Hoả lại là lý tương sinh: Mộc sinh Hoả và nó lại tự phản bác với luận đề Nghịch hành ở trên?
3) Trường hợp nạp âm tiếp theo Bính Dần/ Đinh Mão trong bảng lục thập hoa giáp theo cổ thư chữ Hán là: Mậu Thìn/ Kỷ Tỵ thuộc Đại Lâm Mộc cũng không thể giải thích bằng cả lý thuân lẫn nghịch theo Lã Hải tập:
‘Mộc không có Thủy tức không được phong phú tốt tươi, Thủy hẳn thác gửi vào Thổ mới có thể dừng mà tích giữ được thành sông nước’.
Như vậy; đến lần này thì có đến ba hành liên hệ sinh khắc mới giải thích được và phủ nhận luôn chính luận đề của tác giả Lã Hải Tập:
Mộc (của hai năm Mậu Thìn/ Kỷ Tỵ: Đại lâm Mộc) do Thuỷ sinh. Thuỷ lại phải nương vào Thổ để tồn tại?[4]

Thêm một lần nữa thật là đáng tiếc vì Lã Hải Tập không phải nói như vậy.  Trong suốt đoạn “Cho nên vạn vật mới sinh nở tất nguồn gốc ở “Khí”, khí tức Kim. Kim thụ khí, thuận hành thì là Thể của Ngũ Hành, nghịch hành thì là Dụng của Ngũ Hành. Thuận hành là Thể của Ngũ Hành, lấy tương sinh làm thứ tự vì vậy dựa theo thứ tự làm Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ. Nghịch hành là Dụng của Ngũ Hành, đem phù trợ làm gốc. Như Kim nhân Hỏa bắt đầu mà có thể thành hữu dụng, Hỏa tất bắt đầu từ Mộc mới có thể phát sinh, Mộc không có Thủy tức không đước phong phú tốt tươi, Thủy hẳn thác gửi vào Thổ mới có thể dừng mà tích giữ được thành sông nước, vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc, Thủy Thổ cho thấy giải thích của Lã Hải Tập là chỉ để nói lên một qui luật: Dụng khí khởi từ Kim và nghịch hành tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ.  Chỉ đơn giản có vậy.  Những lời dong dài khác chỉ là lý sự để ngụy tạo sự hợp lý cho cái quy luật đó.  Hay nói một cách khác là Lã Hải Tập, trong đoạn Cho nên . . . Thủy Thổ, chỉ muốn giải thích quy luật vận hành của khí trong trời đất chứ chưa nói tới những quy luật nạp âm.  Còn nắm lấy quy luật này để đưa vào nạp âm như thế nào là một chuyện khác.  Và phải nhận ra là Lã Hải Tập đã giải thích những quy luật nạp âm rất cặn kẽ ở đoạn kế tiếp, còn cặn kẽ hơn cả giải thích của Thẩm Quát.  Học giả NVTA đã, vì một lý do nào đó, không xét tới chi tiết của đoạn sau để rồi “thông dịch” sai đoạn văn của Lã Hải Tập và, dựa trên lý luận tương tự như đã sử dụng với Thẩm Quát, đi đến kết luận là chúng ta cũng không thấy tính qui luật nào trong chính cách nạp âm Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán phù hợp với lập luận của Lã Hải Tập.”  Qua đoạn văn của Lã Hải Tập không khó cho chúng ta nhận ra là những quy luật nạp âm được ông giải thích thực sự không khác với những quy luật ở trong đoạn văn của Thẩm Quát.  Và những quy luật đó là: (1) lấy hành khí Âm [ông ta gọi là Dụng khí] để nạp; (2) khởi đầu là nạp hành Kim vào Giáp Tí (3) rồi sau đó nạp tiếp và phải tuân theo những quy luật là (3a) nạp cách bát và (3b) nạp đủ 3 lần [tam nguyên] xong thì chuyển qua hành kế; (4) hành chuyển theo thứ tự từ Kim tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ; (5) Can Chi vợ sẽ lấy theo hành khí của Can Chi chồng; (6) Từ Giáp Tí đến Quý Tỵ là tròn một vòng 30 năm đầu và từ Giáp Ngọ đến Quý Hợi là tròn một vòng 30 năm sau.  Lã Hải Tập không nói đến Tam Nguyên [Mạnh, Trọng, Quý] nhưng lại nói đến khí số và quy luật “5 Tí quy Canh” của đạo gia để giải thích nạp âm trong 60 Giáp Tí là lấy Dụng [thay vì Thể] của hành khí. 
Tuy vậy, học giả NVTA vẫn chỉ trích đúng ở chỗ “ngụy lý của Lã Hải Tập.    Cũng giống như trường hợp của Thẩm Quát, tuy là Lã Hải Tập có nắm vững những quy luật nạp âm nhưng bản thân ông lại không hiểu rõ nguyên lý nào đã làm nền tảng cho những quy luật đó.  Vì vậy những giải thích của ông chỉ là “gọt chân cho vừa giày” [theo ngôn ngữ của NVTA].  Chỉ trong hai câu võn vẹn Thuận hành là Thể của Ngũ Hành, lấy tương sinh làm thứ tự vì vậy dựa theo thứ tự làm Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ.  Nghịch hành là Dụng của Ngũ Hành, đem phù trợ làm gốc.  là chúng ta đã có thể nhìn ra sự ngụy biện.  Ở câu trước, quá rõ là ông nói tới quy luật Sinh trong lý thuyết ngũ hành phổ cập và đồng hóa “thuận hành” với “tương sinh.”  Càng rõ hơn khi ông xác định “thứ tự . . . Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ [Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim = quy luật Sinh của lý thuyết ngũ hành phổ cập]. Ở câu kế tiếp, ông nói nghịch hành nhưng lại không đồng hóa với “tương khắc.”  Nếu đã đồng hoá thì ông đã không nói “vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc Thủy Thổ.Mà thứ tự này thì không phải là thứ tự của quy luật Khắc trong lý thuyết ngũ hành phổ cập [quy luật Khắc trong ngũ hành phổ cập phải là Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim = thứ tự Kim Mộc Thổ Thủy Hỏa].  Còn như muốn hiểu nghịch hành là ngược lại thứ tự của tương sinh thì cũng không phải.  Vì với thứ tự Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ [tưởng tượng 5 hành nằm trên vòng tròn có thứ tự theo chiều kim đồng hồ] thì chiều ngược lại của thứ tự này [ngược lại chứ không phải Khắc] phải là Kim, Thổ, Hỏa, Mộc, Thủy [tưởng tượng 5 hành nằm trên vòng tròn có thứ tự theo chiều ngược kim đồng hồ].  Như vậy, phân tích thế nào đi nữa thì đoạn văn của Lã Hải tập vẫn không che dấu nổi những bất cập và lúng túng.  Càng tệ hơn là ông ta đã nhập nhằng Sinh với Khắc trong đoạn Nghịch hành là Dụng của Ngũ Hành, đem phù trợ làm gốc. Như Kim nhân Hỏa bắt đầu mà có thể thành hữu dụng, Hỏa tất bắt đầu từ Mộc mới có thể phát sinh, Mộc không có Thủy tức không được phong phú tốt tươi, Thủy hẳn thác gửi vào Thổ mới có thể dừng mà tích giữ được thành sông nước, vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc, Thủy Thổ.để cố gắng đi đến “vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc Thủy Thổ.  Lập luận kiểu đó là khiên cưỡng và gian lận, chưa nói tới những điều sai bét khác nằm trong những câu nói trên.  Rõ ràng là một cố gắng rất . . . tuyệt vọng. 
Chẳng lẻ Lã Hải Tập không nhận ra lập luận khiên cưỡng và gian lận của ông ta?  Tôi có thể trả lời câu hỏi này một cách quả quyết là Lã Hải Tập thấy rất rõ.  Vì nếu không thấy rõ thì ông ta đâu có bỏ công “gọt chân cho vừa giày” làm gì.  Cũng giống như tình trạng của Thẩm Quát, thực ra thì vì Lã Hải Tập bị kẹt trong lý thuyết ngũ hành phổ cập và không có lối thoát nên đành phải chấp nhận quy luật vận hành “ngoại đạo” theo cái thứ tự “Kim, Hỏa, Mộc, Thủy, Thổ không biết từ đâu ra rồi tìm cách mà ngụy biện để ra vẻ là cũng lĩnh hội và thông suốt như ai.  
Như tôi đã từng nói, cái gọi là “quy luật vận hành ngoại đạo” chỉ có Việt Dịch mới có đủ khả năng để giải thích.  Nhưng trước khi vận dụng Việt Dịch để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta muốn nghiên cứu thêm một vài đoạn trích dẫn từ sách của những học giả và danh sư khác để nhận diện đâu là cái mấu chốt của vấn đề trước đã.

Trong những người nghiên cứu về quy luật nạp âm của LTHG có một số rất thành thực và đã không ngại công khai sự mù mờ của mình, trong đó thì có tác giả của sách Khảo Nguyên.  Sách Khảo Nguyên đã viết:     

Nạp Âm Ngũ Hành bắt đầu Kim, thứ đến Hỏa, thứ đến Mộc, thứ đến Thủy, thứ đến Thổ, đã không có gốc đầu - cuối của nó, lại không dùng sinh khắc, vì vậy thuyết nầy chẳng biết nó ở đâu đến. Khảo sát rõ nghĩa của nó, đại để là theo lời dạy của tổ tiên lấy ý của Dịch tượng, tức là lý của Tiên Thiên – Hậu Thiên Bát Quái vậy.

Giáp Tí, Ất Sửu là Kim thượng nguyên; Nhâm Thân, Quý Dậu là Kim trung nguyên; Canh Thìn, Tân Tỵ là Kim hạ nguyên, tức Tam Nguyên thì đủ một vòng. Sau đó chuyển tới ở Mậu Tí, Kỷ Sửu là Hỏa thượng nguyên; Bính Thân Đinh Dậu là Hỏa trung nguyên, Giáp Thìn Ất Tỵ là Hỏa hạ nguyên. Từ đó về sau đều dựa vào thứ tự Kim, Hỏa, Mộc, Thủy, Thổ mà dùng nhạc luật cùng ngôi vị với thú thê (lấy vợ), phép cách bát sinh con, cuối cùng đến Đinh Tỵ mà nạp Âm tiểu thành vậy. Lại từ Giáp Ngọ, Ất Mùi là Kim thượng nguyên khởi như phép trước, đến cuối cùng ở Đinh Hợi, mà nạp Âm đại thành vậy.

Theo 10 Can, 12 Chi đan xen nhau là 60, năm âm (âm thanh), 12 luật nhân với nhau cũng là 60. Giáp Tí Kim, Ất Sửu cũng là Kim, lấy vợ cùng ngôi vị vậy. Ất Sửu Kim mà Nhâm Thân lại là Kim, cách bát sinh con vậy. Một lần đi tất cả Tam Nguyên mà sau chuyển sang đi tiếp, giống như Xuân có ba tháng mạnh-trọng-quí mà sau chuyển sang Hạ vậy. Từ Giáp Tí đến Đinh Tỵ mà Tam Nguyên Ngũ Hành được một vòng. Giống như Dịch đi ba vạch là tiểu thành vậy. Từ Giáp Ngọ đến Đinh Hợi mà Tam Nguyên Ngũ Hành lại được một vòng nữa, giống như Dịch đi sáu vạch là đại thành vậy. Cách lập phép đó đều ứng với luật lữ.[5]

Rõ ràng là sách Khảo Nguyên cũng xác định những quy luật nạp âm của LTHG.  Những quy luật đó không khác với những quy luật cho thấy ở những đoạn văn trước.  Và những quy luật mà sách Khảo Nguyên đưa ra là: (1) lấy hành khí Âm [dòng hành khí đi ngược chiều kim đồng hồ] để nạp; (2) khởi đầu là nạp hành Kim vào Giáp Tí (3) rồi sau đó nạp tiếp và phải tuân theo những quy luật là (3a) nạp cách bát và (3b) nạp đủ 3 lần [tam nguyên] xong thì chuyển qua hành kế; (4) hành chuyển theo thứ tự từ Kim tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ; (5) Can Chi vợ sẽ lấy theo hành khí của Can Chi chồng; (6) Từ Giáp Tí đến Quý Tỵ là tròn một vòng 30 năm đầu và từ Giáp Ngọ đến Quý Hợi là tròn một vòng 30 năm sau.  Sách Khảo Nguyên cũng có giải thích rằng Tam Nguyên tương ứng với ba tháng Mạnh, Trọng, Quí của từng mùa trong năm.     
Điều đáng chú ý là sách Khảo Nguyên đã nói “Nạp Âm Ngũ Hành bắt đầu Kim, thứ đến Hỏa, thứ đến Mộc, thứ đến Thủy, thứ đến Thổ, đã không có gốc đầu - cuối của nó, lại không dùng sinh khắc, vì vậy thuyết nầy chẳng biết nó ở đâu đến.  Trong câu này sách Khảo Nguyên cho thấy 4 điều:
 
·        Thứ nhất, cụm chữ “Nạp Âm Ngũ Hành bắt đầu Kim, thứ đến Hỏa, thứ đến Mộc, thứ đến Thủy, thứ đến Thổxác định thứ tự của ngũ hành trong nạp âm là Kim tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ, giống như hình phía dưới. 
·        Thứ hai, cụm chữ “không có gốc đầu-cuối của nóxác định thứ tự của ngũ hành trong nạp âm là theo cấu trúc của một vòng tròn, giống như hình phía dưới. 
·        Thứ ba, cụm chữ lại không dùng sinh khắcxác định là lý thuyết ngũ hành phổ cập không có chỗ đứng trong LTHG.  
·        Thứ tư, cụm chữ thuyết này chẳng biết nó ở đâu đếnxác định là toàn bộ kiến thức chứa đựng trong tất cả Hán thư không thể giải thích về cái vòng tròn Kim -> Hỏa -> Mộc -> Thủy và cuối cùng là Thổ.   

 
 Dựa trên những thông tin rút ra được từ những đoạn văn của Thẩm Quát, Lã Hải Tập và sách Khảo Nguyên [cùng một số khác không được trực tiếp đề cập đến ở đây nhưng được học giả NVTA trích dẫn trong Bí Ẩn 60 Hoa Giáp], nó đã quá rõ nét để chúng ta nhận diện được một số sự thật như sau: 
  1. Mọi người đều biết quy luật vận hành của khí.  Hành khí Dương thì khởi từ Đông Mộc và xoay thuận theo chiều kim đồng hồ. Hành khí Âm thì khởi từ Tây Kim và xoay ngược chiều kim đồng hồ.  Hai hành khí đan xen nhau mà phân phối khắp 8 phương.
  2. Mọi người đều biết những quy luật nạp âm của LTHG. 
  3. Nhưng không một ai có thể trưng ra một nguyên lý hay một mô hình khả dĩ có thể giải thích cho quy luật vận hành của khí cũng như giải thích cho những quy luật nạp âm. 

Và đồng thời sau lưng của những sự thật này chúng ta cũng nhận ra được những sự thật khác là:
  1. Lý thuyết ngũ hành phổ cập không đủ khả năng để giải thích quy luật nạp âm làm nên cấu trúc của bảng LTHG. 
  2. Những bế tắc không lối thoát buộc họ phải vận dụng ngụy lý và ngụy ngôn, như chúng ta đã phân tích, để giải thích và giải thích tuỳ tiện mỗi người một lối. 

Vậy thì vấn đề then chốt ở đây thực sự là gì?  Câu trả lời, theo ý kiến của tôi, có lẽ là:

  1. NHỮNG KHIÊN CƯỠNG, LÚNG TÚNG, BẤT CẬP LÀ HẬU QUẢ CỦA SỰ BẾ TẮC DO ĐÃ ĐÁNH MẤT MỘT MÔ HÌNH MẸĐẠI DIỆN CHO MỘT HỆ THỐNG NHẤT QUÁN TRONG ĐÓ CHO THẤY SỰ  KẾT HỢP CỦA NHỮNG NGUYÊN LÝ CỐT LÕI CÓ KHẢ NĂNG GIẢI THÍCH HẦU HẾT NHỮNG VẤN ĐỀ MỘT CÁCH KHOA HỌC VÀ CHÍNH XÁC. 

Vì thế mà học giả NVTA đã nói “Trải đã hàng ngàn năm, mặc dù hết sức cố gắng, những nhà nghiên cứu cổ kim vẫn không thể nào tìm ra được nguyên lý nào làm nên sự lập thành bảng nạp âm Lục thập hoa giáp.  Và đại danh sư Thiệu Vĩ Hoa đã tự thú “Nạp âm ngũ hành trong bảng 60 Giáp tý căn cứ theo nguyên tắc gì để xác định; người xưa tuy có bàn đến nhưng không có căn cứ rõ ràng và cũng chưa bàn được minh bạch. Do đó vẫn là huyền bí khó hiểu. Bảng 60 Giáp tý biến hoá vô cùng; đối với giới học thuật của Trung Quốc cho đến nay vẫn là huyền bí khó hiểu.

Chúng ta có được cái gì thuyết phục hơn để hổ trợ cho cái giả thuyết vừa đưa ra?  Với câu hỏi này, bây giờ có lẽ là thời điểm thuận lợi nhất để cho Việt Dịch nhập cuộc để thử xem nó có trực tiếp trả lời được câu hỏi hay không, và như vậy cũng có nghĩa là có thể giúp soi sáng được vấn đề then chốt, trước khi xét tới những bí ẩn khác của LTHG.



[1] Trích trong Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Viện Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương.
[2] Trích trong Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Viện Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương.
[3] Trích trong Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Viện Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương.
[4] Trích trong Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Viện Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương.
[5] Trích trong Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Viện Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương.  Tác giả đã chỉnh từ Đinh qua Quý vì nghĩ rằng đó là lỗi do typing chứ không phải chủ ý.




No comments:

Post a Comment