Monday, November 1, 2010

Giải Mã Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp - Hà Hưng Quốc (#1)

Những bí ẩn của Lục Thập Hoa Giáp hoàn toàn phơi bày dưới lăng kính Việt Dịch. Cách tiếp cận mới đưa đến những khám phá lạ khiến chúng ta tự hỏi phải chăng tổ tiên Lạc Việt mới chính là chủ nhân đích thực của Bảng Lục Thập Hoa Giáp?

Bảng Lục Thập Hoa Giáp (LTHG) là một sản phẩm đã tồn tại rất nhiều năm, được ghi nhận từ lâu rồi trong những cổ thư Hán.  Bản thân của LTHG lại là một sản phẩm được đem vào hầu hết trong mọi ứng dụng của lý số.  Đáng lẽ với một chiều dài thời gian như vậy và với sự phổ cập như vậy thì người Hoa, hay nói chính xác hơn là những học giả và danh sư lý số người Hoa, phải hiểu rõ về nó mới phải.  Nhưng dường như từ xưa cho đến giờ tất cả những bàn bàn luận luận của họ đều dựa trên những khái niệm rất mơ hồ và tùy tiện.  Họ không biết từ nguyên lý nào mà quy luật nạp âm được hình thành và theo đó là cho ra nội dung của bảng LTHG.  Sách Khảo Nguyên đã viết: “. . . chẳng biết nó ở đâu đến.  Khảo sát rõ nghĩa của nó, đại để là theo lời dạy của tổ tiên lấy ý của Dịch tượng, tức là lý của Tiên Thiên – Hậu Thiên Bát Quái vậy.”[1]  Thiệu Vĩ Hoa, một nhà nghiên cứu gốc Hoa hiện đại và rất nổi tiếng, cũng thừa nhận “Nạp âm ngũ hành trong bảng 60 Giáp Tý căn cứ theo nguyên tắc gì để xác định; người xưa tuy có bàn đến nhưng không có căn cứ rõ ràng và cũng chưa bàn được minh bạch. Do đó vẫn là huyền bí khó hiểu. Bảng 60 Giáp Tý biến hoá vô cùng; đối với giới học thuật của Trung Quốc cho đến nay vẫn là huyền bí khó hiểu.”[2]  Bảng 60 Giáp Tý  là một cách gọi khác của bảng LTHG. 
Chính vì sự ù ù cạc cạc này của các học giả và danh sư lý số gốc Hoa mà học giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh (NVTA) của Việt Nam đã có nhận xét “bảng nạp âm hoa giáp 60 năm . . . cũng không tránh khỏi một hiện tượng chung cho tất cả các phương pháp ứng dụng khác của thuyết Âm Dương Ngũ hành là không có một nguyên lý lý thuyết làm tiền đề cho sự tồn tại của nó. Và là một điều bí ẩn trải hàng ngàn năm - Kể từ khi nền văn hiến vĩ đại của người Lạc Việt sụp đổ ở miền nam sông Dương Tử.”  Và ông mạnh miệng cho rằng “Bức màn huyền bí của văn minh Đông phương chỉ có thể được hé mở khi tìm về cội nguồn đích thực của nó là lịch sử 5000 văn hiến của người Lạc Việt.[3] 
Không khó cho người ta nhận ra số lượng không nhỏ của những dấu vết văn hoá “nguyên thủy vốn không phải là của người Hán” dọc theo chiều dài bức tường Vạn Lý Trường Thành của văn hoá Trung Quốc.  Hệ quả tất yếu không thể dấu diếm từ sự cưỡng đoạt văn hoá, nhất là cưỡng đoạt văn hóa Bách Việt, là đã để lại những lỗ trống trên mặt bằng kiến thức của các học giả và danh sư gốc Hoa.  Tự họ thấy rõ những lỗ trống đó nhưng không thể nào san lấp cho đầy [tác giả sẽ chứng minh về phát biểu này của mình ngay trong bài viết này].  Cho nên sự phủ nhận bản quyền lý học Đông Phương thuộc về người Hán của học giả NVTA không phải là không có nền tảng.[4]   
Rồi học giả NVTA cũng đã triển khai lý luận để chứng minh là nội dung của bảng LTHG đã sai lạc ở hai hành Thủy và Hoả, dựa trên quy luật ngũ hành tương sinh và Hà Đồ, và đưa ra một bảng nạp âm khác trong đó hai hành Thủy và Hoả được hoán chuyển vị trí của nhau.  Sự hoán chuyển vị trí của hai hành này dẫn sự phân phối rất ngăn nắp 5 vận khí, từ vận 1 cho thấy vận khí khắc thiên can cho đến vận 5 cho thấy thiên can khắc vận khí, đi theo vòng kim đồng hồ.
Phải nhìn nhận là chính công trình nghiên cứu này của học giả NVTA đã khơi dậy sự tò mò của tôi và vì thế tôi muốn truy cứu --và truy cứu một cách khác-- để giải mã những bí ẩn nằm trong LTHG.  Với tôi, những vấn đề được đặc biệt quan tâm và muốn có câu trả lời là:
  1. Việt Dịch có khả năng giải thích là dựa vào nguyên lý nào mà có những quy luật Ngũ Hành Nạp Âm để rồi theo đó tạo tác ra nội dung của LTHG ?
  2. Việt Dịch có thể chứng minh được sự chính xác (hoặc không chính xác) trong cấu trúc và sự hữu lý (hoặc không hữu lý) trong nội hàm của LTHG?
  3. Bảng LTHG có được mức độ khả tín cao hay không, đánh giá một cách tổng quát sau khi đã có đáp án cho hai câu hỏi trên?      

Và, nếu như Việt Dịch có thể giúp giải mã những bí ẩn của LTHG một cách trọn vẹn thì liệu là qua tiến trình đó có thể nào:
  1. Chứng minh được tinh yếu của Việt Dịch là chìa khoá để hiểu LTHG?
  2. Chứng minh được sự dung nạp của Việt Dịch, đối với Ngũ Hành Nạp Âm nói chung và LTHG nói riêng?
  3. Chứng minh được lý thuyết ngũ hành nguyên thủy trong Việt Dịch là có cơ sở vững chắc?

Điều bất ngờ là trong tiến trình tìm hiểu tôi đã tình cờ khám phá ra một điều vô cùng lý thú.  Đó là, dường như có dấu ấn Lạc Việt trong nội dung của Bảng Lục Thập Hoa Giáp.  Nếu đúng như tôi nghĩ thì khám phá này có lẽ quan trọng hơn cả những vấn đề mà lúc đầu tôi đã quan tâm.  Dĩ nhiên đây là quan điểm cá nhân.

Tôi sẽ không tốn thời gian để lập lại những gì mà những học giả và danh sư lý số gốc Hoa đã viết từ xưa đến giờ.  Cũng không lập lại những gì mà học giả NVTA đã viết.  Và lại càng không muốn sử dụng những vật liệu xưa cũ đã từng được hàng khối người nhai đi nhai lại để bênh vực hay phản biện.  Như đã nói, tôi muốn tiếp cận LTHG một cách hoàn toàn mới: nhìn qua lăng kính Việt Dịch.
Việt Dịch là một hệ thống lý luận mới mẻ và hãy còn xa lạ đối với cộng đồng nghiên cứu lý số.  Chính vì sự xa lạ này cho nên tôi sẽ phải trích dẫn nguyên văn từ Việt Dịch khá nhiều và lập đi lập lại cũng khá nhiều.  Điều này có thể làm người đọc ít kiên nhẫn cảm thấy khó chịu.  Biết vậy nhưng chỉ đành phải xin lỗi trước và buộc phải làm như vậy thôi.
Để có thể lĩnh hội trọn vẹn những gì sắp được trình bày ở đây, những ai trong chúng ta chưa có cơ hội tham khảo những bài viết Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của học giả NVTA và quyển sách Việt Dịch của tác giả Hà Hưng Quốc thì hãy nên làm điều đó trước hoặc là sau khi đọc bài viết này.  Ở đây tôi chỉ có thể trình bày phớt qua để dọn đường đi vào phần phân tích nguyên lý hình thành quy luật để thiết lập cấu trúc của bảng Lục Thập Hoa Giáp; do đó, nó sẽ không thể làm hết được công việc giải thích về Việt Dịch cũng như về những vấn đề mà học giả NVTA đã bỏ công nghiên cứu, và như vậy sẽ làm mất đi phần nào lý thú và sức thuyết phục của bài viết này nếu đọc giả bỏ qua việc tham khảo thêm tài liệu như đã đề nghị. Website Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương (www.lyhocdongphuong. org.vn) có đầy đủ những bài viết của học giả NVTA. Còn quyển Việt Dịch của tác giả Hà Hưng Quốc thì có thể download ở website Scribd (www. scribd.com) hoặc website docstoc (www. docstoc.com) hoặc tại một số thư viện online [dùng search engine đánh vào “Hà Hưng Quốc” hay “Việt Dịch” [trong dấu ngoặc kép] sẽ thấy nhiều chỗ để truy cập] hoặc là vào blog “vươn ươm Việt Dịch” tại địa chỉ www.vietdich.blogspot.com/p/viet-dich.html để đọc.


1. VIỆT DỊCH GIẢN LƯỢC
A. Việt Dịch Đồ
Tinh yếu của Việt Dịch nằm ở một đồ hình H27 bên dưới, gọi là Việt Dịch Đồ, trong đó sự kết hợp giữa Hậu Thiên Bát Quái với Hà Đồ cho ra hai phiên bản nằm chồng lên nhau nhưng một nằm ở bên trong với sự vận hành nghịch chiều kim đồng hồ và một nằm ở vòng ngoài với sự vận hành theo chiều kim đồng hồ.  Vòng bên ngoài đại diện cho sự thể hiện, hành khí dương, ngoại giới, thiên nhiên, hoặc khách thể.  Vòng bên trong đại diện cho sự tiềm ẩn, hành khí âm, nội giới, con người, hoặc chủ thể. 


Việt Dịch Đồ thoát thai từ hai hai vế [2 cụm chữ] chứa đựng huyền nghĩa thâm sâu.  Vế thứ nhất là “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật.”   Vế thứ hai là “Thiên Nhất sanh Thủy, Địa Lục thành chi, Địa Nhị sanh Hỏa, Thiên Thất thành chi, Thiên Tam sanh Mộc, Địa Bát thành chi, Địa Tứ sanh Kim, Thiên Cửu thành chi, Thiên Ngũ sanh thổ, Địa Thập thành chi.  Hai vế tổng cộng có tất cả 67 lời.  Và sáu mươi bảy lời đó là “tổng trì của Việt Dịch.        
Nhìn sâu vào Việt Dịch Đồ chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ba điểm quan trọng:
  • Điểm thứ nhất là Hậu Thiên Bát Quái (HTBQ) trong Việt Dịch Đồ không giống với bất cứ phiên bản nào từ trước đến nay.  So với những phiên bản của người Hoa thì khác rất xa.  HTBQ của Văn Vương chỉ có được 3 quái Càn, Khảm, Cấn là trùng vị trí với các quái trong Việt Dịch Đồ còn 5 quái kia đều sai chỗ.  So với HTBQ của Lạc Việt thì thấy có phần gần nhau.  Có đến 5 quái trong HTBQ của Lạc Việt là Càn, Khảm, Cấn, Khôn, Ly trùng vị trí với các quái trong Việt Dịch Đồ còn 3 quái kia thì sai chỗ. 
  • Điểm thứ hai là Thiên Can, Địa Chi, Âm Dương, Độ Số, Ngũ Hành và Bát Quái trong Việt Dịch Đồ luôn luôn đi chung nhau thành 9 tập hợp, dầu là vận hành thuận chiều kim đồng hồ hay nghịch chiều kim đồng hồ, dầu là phối vào 9 cung bàn hay phối vào 12 cung bàn.  Nhìn vào hình Việt Dịch Đồ là chúng ta đã có thể nhận ra “sự kết hợp bất khả lycủa những yếu tố này trong mỗi cụm.  Và vì vậy, khi đã nhận ra điều này trên Việt Dịch Đồ thì chúng ta cũng sẽ nhận ra là, HTBQ vòng ngoài thật ra không khác HTBQ vòng trong. 
  • Điểm thứ ba là Hà Đồ không phối với HTBQ [theo ý nghĩa thông thường phối là kết hợp chúng lại với nhau] mà Hà Đồ và Hậu Thiên Bát Quái thực ra là một đôi song sinh trong một tổng thể hợp nhất bao gồm các yếu tố Âm Dương, Ngũ Hành, Độ Số, Thiên Can, Địa Chi và Bát Quái [do đó nếu muốn thì có thể tách chúng ra làm hai chứ tự bản thân thì chúng đã được đẻ ra trong cùng một bọc].


B. Hà Đồ, Ngũ Hành và Nguyên Lý Vận Hành
Trong tiến trình đưa đến Việt Dịch Đồ, vế thứ hai trong 67 lời mật ngữ là Thiên Nhất sanh Thủy, Địa Lục thành chi, Địa Nhị sanh Hỏa, Thiên Thất thành chi, Thiên Tam sanh Mộc, Địa Bát thành chi, Địa Tứ sanh Kim, Thiên Cửu thành chi, Thiên Ngũ sanh thổ, Địa Thập thành chi.đã được tác giả của Việt Dịch giải mã tường tận là Càn sinh Thuỷ rồi sinh Mộc, Khôn sinh Hỏa rồi sinh Kim, sau hết là sinh Thổ.   Ý nghĩa của cụm chữ màu xanh này là xác định vị trí 5 thiên thể và chiều xoay cơ bản, mà Càn-Khôn là trục, trong tương quan giữa mặt đất và bầu  trời.  Xem hình H21.  

    
Cũng từ cụm chữ màu xanh này mà quy luật vận hành cơ bản của ngũ hành được xác định là từ Thuỷ tới Mộc tới Hoả tới Kim rồi Thổ ở trung tâm.  Hay trình bày một cách khác là Thủy -> Mộc -> Hỏa -> Kim -> Thổ ở trung tâm


C. Từ Hà Đồ, Ngũ Hành & Nguyên Lý Vận Hành
Dẫn Tới Hậu Thiên Bát Quái & Việt Dịch Đồ         
Cũng là thông tin có được từ vế thứ 2 của 67 lời bí ẩn cho biết vị trí của trục Càn-Khôn và chiều vận hành, một cánh cửa bí mật khác lại được mở ra với chiếc chìa khoá đó: Bát Quái Hậu Thiên.  Việt Dịch đã viết:

Một khi trục không gian Càn-Khôn lìa bỏ chính vị để về nằm cạnh trục năng lượng Khảm-Ly thì hai trục còn lại, trục vật chất hữu hình Đoài-Cấn và trục vật chất vô hình Chấn-Tốn, bắt buộc phải về nằm cạnh nhau.  Sự tái phối trí các trục để chuyển Tiên Thiên Bát Quái Đồ thành Hậu Thiên Bát Quái Đồ diễn ra theo tiến trình (1) trục Càn-Khôn rời vị trí [tiên thiên] ban đầu của nó và xoay thuận 1/8 vòng tròn [xoay 45 độ theo chiều xoay cơ bản, là chiều kim đồng hồ] về nằm cạnh trục Khảm-Ly [như xác định được trong hai đồ hình 20, 21] chiếm vị trí của trục Chấn-Tốn, theo đó (2) trục Chấn-Tốn bị đẩy ra khỏi vị trí của nó và xoay thuận 3/8 vòng tròn [xoay 135 độ theo chiều xoay cơ bản, là chiều kim đồng hồ] trám vào chỗ trống vị trí do trục Càn-Khôn bỏ lại, như trong hình H23.   

 
Hay nói một cách khác là trục Càn-Khôn và trục Chấn-Tốn hoán đổi vị trí cho nhau nhưng sự hoán đổi tuân thủ quy luật thuận hành [thay vì Càn-Khôn qua Chấn-Tốn, Chấn-Tốn qua Càn-Khôn theo chiều một thuận một nghịch].  Như vậy thì “Càn Khôn thất chính” đã biến Tiên Thiên Bát Quái thành ra Hậu Thiên Bát Quái.  Và Hậu Thiên Bát Quái Đồ sau khi điều chỉnh để trục Khảm-Ly nằm theo hướng Bắc-Nam thì nó sẽ giống với hình H24.  


Chưa hết, cũng từ thông tin chứa đựng trong cụm chữ bí ẩn đó, chúng ta có thể tìm ta ra sự liên hệ mật thiết giữa Hà Đồ và Hậu Thiên Bát Quái.  Chồng Hậu Thiên Bát Quái lên Hà Đồ chúng ta sẽ có được cái mà ngôn ngữ dịch học gọi là “Hậu Thiên Bát Quái phối Hà Đồ” giống như hình H25.  



Tuy nói là phối nhưng chữ phối có vẻ không hợp lý.  Phối là đem cái này ráp với cái kia, là tìm cách cho cái này ăn khớp với cái kia, và cho kết quả là ráp đúng hay ráp sai.  Còn ở đây Hậu Thiên Bát Quái và Hà Đồ “phải đi chung” với nhau vì là một cặp song sinh, đã tự ăn khớp với nhau vì là hai phần bất khả ly của một tổng thể được cổ thánh mã hóa vào cụm chữ bí ẩn.  Chức năng của cái này chỉ có thể phát huy trọn vẹn hoặc ý nghĩa của cái này chỉ có thể được hiểu trọn vẹn khi có mặt của cái kia cùng lúc.  Và, chức năng của tổng thể chỉ có thể phát huy trọn vẹn hoặc ý nghĩa của tổng thể chỉ có thể được hiểu trọn vẹn khi có mặt của hai cái cùng lúc.  Và với một tổng thể thì vấn đề chỉ có thể là tìm cách cho cái này tách rời ra khỏi cái kia và chỉ có sự chọn lựa là cho cái này tách rời cái kia hay không mà thôi.  Hay nói một cách khác nó là một tiến trình hoàn toàn ngược lại với phối.  Tuy nhiên chúng ta cứ tạm gọi là “Hậu Thiên Bát Quái phối Hà Đồ” như trước đi.  Sở dĩ chúng ta phải nói đến điều này là vì muốn nhấn mạnh tính chất quan trọng của cái gọi là “bất khả ly” đối với việc tìm hiểu cái tổng thể mà chúng ta sẽ nói đến và muốn cho mọi người thấy rằng câu hỏi Hậu Thiên Bát Quái đi chung với Hà Đồ là đúng hay sai sẽ không còn là một nghi vấn cần thiết nữa.  
  Bát Quái thì 4 tượng đã thể hiện qua 4 trục và đã phân ra thành 8 quái. Hà Đồ chuyển động. Tiên thiên dịch hành theo chiều xoay cơ bản. Vì thế, hậu thiên độ số xuất hiện như chạy ngược kim đồng hồ.  Bốn cặp số Hà Đồ phân bố ra 8 vị trí.  Tám số Hà Đồ phối với 8 quái Hậu Thiên.  Xem hình H26A.   Vòng cung đỏ để chỉ chiều xoay cơ bản [thuận hành] còn vòng cung xanh để chỉ Quái-Số phân bố theo tiên thiên dịch hành. 


 
Tiếp theo sau sự kết hợp của số với quái, hậu thiên dịch hành theo chiều xoay cơ bản.  Hậu thiên độ số xuất hiện như chạy trước tiên thiên độ số theo chiều kim đồng hồ.  Tám số Hà Đồ phối với tám hướng của Ngũ Hành Phương Vị [cũng có nghĩa là Quái-Số của Hà Đồ Bát Quái phối với Thiên Can Ngũ Hành].  Xem hình H26B.   Vòng cung đỏ để chỉ chiều xoay cơ bản [thuận hành] còn những đường tên đen để chỉ Quái-Số phân bố theo hậu thiên dịch hành.



Khi hai dòng chuyển dịch thể hiện cùng một lúc với chuyển dịch tiên thiên nằm bên trong và chuyển dịch hậu thiên nằm bên ngoài, tức là thể hiện sự chuyển động trọn vẹn của Hà Đồ, thì chúng ta sẽ có được một đồ hình tổng thể trong đó độ số, bát quái, ngũ hành, thiên can, địa chi và những thông tin khác tạo thành một cấu trúc hợp nhất và trọn vẹn giống như hình H27.  Và từ giờ trở đi chúng ta sẽ gọi đồ hình này là Việt Dịch Đồ. 



Như chúng ta nhìn thấy, trên Việt Dịch Đồ có tất cả 8 cụm thông tin chính yếu.  Mỗi cụm thông tin kết hợp những phần tử của nó lại với nhau và bất khả ly.  Khi nói tới một phần tử nào của cụm cũng là nói tới toàn cụm.  Nói một cách khác, hoán vị của bất cứ phần tử nào ra khỏi cụm của nó hoặc bất cứ cụm nào ra khỏi vị trí của nó sẽ phá họai cấu trúc của cụm và cấu trúc của Việt Dịch Đồ.” (Nguồn: Việt Dịch – Hà Hưng Quốc).
           
Với cấu trúc 8 quái Hậu Thiên phối với 8 số của Hà Đồ cộng với sự vận hành Tiên Thiên và Hậu Thiên mà Việt Dịch Đồ xuất hiện.

Việt Dịch Đồ là tinh yếu của Việt Dịch.  Và như trong sách Việt Dịch đã viết:

Việt Dịch Đồ được cho là ‘một kết hợp trọn vẹn và kỳ ảo’ là vì việc trời, việc đất, việc người đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý của trời, lý của đất, lý của người đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý sự của cá nhân, lý sự của tập thể, lý sự của nhân loại đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý sự vô hình, lý sự hữu hình, lý sự qui ước đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì nó hàm chứa minh triết của Đông Phương.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì nó vạch ra phạm trù đồng quy và hiệp nhất của các giáo lý Đông Tây.  (Nguồn: Việt Dịch – Hà Hưng Quốc).


D. Từ Việt Dịch Đồ Tới Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy
Liên quan đến vấn đề Thuyết Ngũ Hành, trong sách Việt Dịch cũng có viết:

“Với Việt Dịch Đồ, hình H27, nó không khó cho chúng ta nhận ra là toàn bộ lý thuyết ngũ hành đã nằm ẩn trong đó.  Một trong những thể hiện quan trọng của Việt Dịch Đồ là hai dòng hành khí vận hành ngược chiều nhau, dòng hành khí nằm ở vòng bên ngoài vận hành theo chiều kim đồng hồ còn dòng hành khí nằm ở vòng bên trong vận hành ngược chiều kim đồng hồ.  Chú ý ở điểm là cả hai chiều vận hành đều là thuận hành.  Hay nói cách khác theo ngôn ngữ Ngũ Hành là chiều kim đồng hồ lẫn chiều ngược kim đồng hồ đều là chiều sinh.  Như vậy, với 5 hành ở 5 phương vị và với hai dòng hành khí vận hành ngược chiều nhau, lý thuyết ngũ hành nguyên thủy đã tự thể hiện đầy đủ mà không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài.  Gọi lý thuyết ngũ hành nằm ẩn trong Việt Dịch Đồ này là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.
Để giúp cho thấy rõ hơn, chúng ta có thể đơn giản hóa Việt Dịch Đồ và minh họa thành một mô hình riêng cho lý thuyết ngũ hành, trong đó hành Thổ nằm ở trung tâm còn 4 hành Thủy, Mộc, Hỏa, Kim nằm trên một vòng tròn với quy luật sinh vận hành hai chiều ngược nhau.  Chính đặc tính sinh hai chiều này nên nó được gọi là tương sinh.  Hay nói cách khác, hai hành nằm cạnh nhau thì tương sinh.  Và, suy ra, hai hành đối lập nhau thì tương khắc.  Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy có thể tóm gọn và so sánh với lý thuyết ngũ hành phổ cập như trong hình H45. 

       
Như chúng ta đã thấy, tuyệt đối không có một chút chứng cớ nào cho sự hiện hữu của lý thyết ngũ hành phổ cập.  Không thấy ngũ hành là 5 loại vật chất cũng không thấy sinh khắc theo hai quy luật của thuyết ngũ hành phổ cập.”  (Nguồn: Việt Dịch – Hà Hưng Quốc).


Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy của Việt Dịch khác xa với lý thuyết ngũ hành phổ cập mà mọi người đều biết.  Sự khác biệt nhau nằm ở chỗ:

  1. Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy có nguồn gốc từ thiên văn.  Lý thuyết ngũ hành phổ cập có nguồn gốc từ năm loại vật chất.   
  2. Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy coi chức năng và sức mạnh của 5 hành là 4+1. Chức năng và sức mạnh của 4 hành Thủy, Mộc, Hỏa, Kim ngang nhau nhưng riêng hành Thổ thì trội hơn 4 hành kia.  Chức năng căn bản của hành Thủy là để định hướng Bắc và cho độ số +1, -6.  Từ chỗ đó những tương quan được ghi nhận và những qui ước được thành lập.  Chức năng căn bản của hành Mộc là để xác định hướng Đông và cho độ số +3, -8.  Từ chỗ đó những tương quan được ghi nhận và những qui ước được thành lập.  Chức năng căn bản của hành Hỏa là để xác định hướng Nam và cho độ số +7, -2.  Từ chỗ đó những tương quan được ghi nhận và những qui ước được thành lập.  Chức năng căn bản của hành Kim là xác định hướng Tây và cho độ số là +9, -4. Từ chỗ đó những tương quan được ghi nhận và những qui ước được thành lập.  Chức năng của hành Thổ là xác định điểm trung tâm của 4 hướng và cho độ số +5, -10.  Theo đó, hành Thổ làm trung gian cho 4 hành kia và dung nạp được cả 4 hành kia.  Trong khi đó thì lý thuyết ngũ hành phổ cập coi sức mạnh và chức năng của năm hành Thủy, Mộc, Hoả, Thổ, Kim đều ngang nhau.  Tính bình đẳng thể hiện qua hai quy luật sinh khắc.
  3. Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy của Việt Dịch không diễn giải Sinh và Khắc theo cách của lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Với Việt Dịch thì hai hành tiếp cận nhau thì Sinh, dầu là vận hành theo chiều kim đồng hồ hay ngược chiều kim đồng hồ.  Hai hành đối lập nhau là Khắc.  Chú ý là Việt Dịch chỉ nói vận hành theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ chứ không có nói thuận hành hoặc nghịch hành.  Mọi vận hành, dầu ngược chiều kim đồng hồ hay theo chiều kim đồng hồ, đều là thuận hành trong cái nhu cầu riêng của chủ thể chi phối sự vận hành đó.   

Bây giờ thì chúng ta có tạm đủ một số thông tin về Việt Dịch cho nên tôi sẽ dừng lại phần giản lược ở đây.  Bước kế tiếp là chúng ta hãy thử lắng nghe những học giả và danh sư lý số nói gì về Bảng Lục Thập Hoa Giáp và thử phân tích những điều nghe thấy được liên quan đến LTHG.

 

[1] Trích trong Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Trung Tâm Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương
[2] Tái trích: Chu Dịch và Dự Đoán Học của Thiệu Vĩ Hoa, trang 68, NXB Văn Hoá Thông Tin 1996. Nguồn: Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Trung Tâm Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương. 
[3] Nguồn: Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Trung Tâm Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương.
[4] Theo ý nghĩ của cá nhân tác giả, chúng ta không nên ngần ngại đặt lại mọi vấn đề và lao vào khai quật tất cả mặt bằng văn hóa Hán cũng như mặt bằng văn hoá Việt để truy tìm những bằng chứng đòi lại bản quyền thuộc về Lạc Việt.  Chúng ta có may mắn sống giữa kỹ nguyên mà thông tin tràn ngập.  Nếu không bắt tay ngay từ bây giờ thì đợi đến bao giờ?  Và dầu là sự thật phơi bày từ những khai quật đó có tạm thời đốt cháy toàn bộ hệ thống kiến thức hiện hữu của bất cứ cá nhân nào đi nữa thì từ tro than đó cũng sẽ có khả năng bay lên một con hỏa phượng mới.  Tại sao phải ngần ngại?  Biết hoài nghi và luôn luôn hướng tới những khám phá mới không phải là thiên năng và thiên chức của những học giả hay sao?



No comments:

Post a Comment