Monday, November 29, 2010

Giải Mã Những Bí Ẩn Trong Tử Vi - bài 1



Có rất nhiều vấn đề đã được chúng ta xét nghiệm qua.  Nhưng quan trọng nhất là Lục Thập Hoa Giáp, Cung Bàn Tử Vi, Tử Vi Cục, Tam Hợp Cục, Vòng Sao Tràng Sinh, Lục Xung, Lục Hợp, Lục Hại.  Quan trọng nhất là vì những đối tượng đã được xét nghiệm này đều là thành phần nằm trong một tổng thể tạm gọi là “cơ sở hạ tầng” của bộ môn Tử Vi. 

Những khám phá, bắt nguồn từ những nghi vấn đã tồn tại trong nhiều năm, cho thấy tất cả đều giống nhau ở một điểm: sự thất bại của lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Nói thất bại là vì lý thuyết ngũ hành phổ cập không có khả năng giải thích một cách thỏa đáng và nghiêm túc những nghi vấn đó. 

Nếu những đối tượng đã được xét nghiệm không liên hệ nhau thì kết luận có lẽ chỉ là vậy.  Tuy nhiên, vì tất cả đều là thành phần trong tổng thể cơ sở hạ tầng của bộ môn Tử Vi cho nên chúng ta còn có thêm một kết luận nữa.  Đó là: lý thuyết ngũ hành trong bộ môn Tử Vi hoàn toàn khác với lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Và cũng từ những bằng chứng chúng ta có được, chúng ta nhận ra là lý thuyết ngũ hành trong bộ môn Tử Vi không hai không khác với lý thuyết ngũ hành nguyên thủy của Việt Dịch.

Dựa trên sự nhận dạng hai mặt của một đồng tiền, tác giả tin rằng lý thuyết ngũ hành phổ cập mà mọi người quen thuộc là một lý thuyết đã bị sai lệch trong suốt một thời gian dài tính bằng thế kỷ.  Hệ lụy của sự sai lệch không những là để lại một số vấn đề không thể giải thích được bằng lý thuyết ngũ hành phổ cập để rồi người đời sau chỉ còn biết “mặc nhiên chấp nhận” mà còn tạo ra tình trạng “ô nhiễm môi trường” vì đầy dẫy những biện giải tùy tiện, mơ hồ, mê tín, phi lôgic và  . . . ngày càng xa nguyên lý.  May mắn là lý thuyết ngũ hành nguyên thủy đã giúp chúng ta khám phá ra sự "thất truyền" này.   

Cuối cùng thì khám phá trên có nghĩa là gì trong ứng dụng?  Liệu là chúng ta có còn muốn tiếp tục trú ngụ trong lý thuyết ngũ hành phổ cập? Có còn muốn tiếp tục vận dụng lý thuyết ngũ hành phổ cập để lý giải thông tin trong lá số tử vi???  Với những câu hỏi này người viết không có hàm ý phủ nhận giá trị của bộ môn Tử Vi.  Người viết chỉ phủ nhận giá trị của lý thuyết ngũ hành phổ cập và đề xuất một hướng nhìn mới.
 

NHỮNG NGHI VẤN KHÔNG CÓ GIẢI ĐÁP TRONG TỬ VI
Trong môn Tử Vi cấu trúc của một lá số tùy thuộc vào hai yếu tố gốc là Mệnh và Cục.  Hành của Mệnh bản chất là ngũ hành nạp âm của năm sinh.  Hành của Cục bản chất là ngũ hành nạp âm của tháng mà cung mệnh đóng tại đó.  Mà muốn biết ngũ hành nạp âm thì nhìn vào bảng Lục Thập Hoa Giáp hoặc là sử dụng Ngũ Hổ Độn [theo Can của năm sinh để tìm]. 

Nói về bảng Lục Thập Hoa Giáp, học giả Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã từng phát biểu nó là một bí ẩn lớn trong lý số mà ngay cả danh sư lý số và học giả người Hoa cũng mù mờ.  Và theo ông, lý do cho sự mù mờ đó là vì người Hoa không phải là chủ nhân thực sự của lý học đông phương khởi thủy cho nên đã không thể nắm lấy một cách chuẩn xác.[1] 
        
Theo cái thấy của tác giả, qua những khám phá đã được trình bày trong Giải Mã Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp, điều đã làm cho danh sư lý số và học giả người Hoa phải lúng túng và không thể nào lấp được cái lỗ hỏng lý thuyết là do lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không thể giải thích được qui luật nạp âm của Lục Thập Hoa Giáp.  Hay nói cho rõ hơn là qui luật nạp âm thì đi theo thứ tự từ Kim tới Hỏa tới Mộc tới Thủy và cuối cùng là tới Thổ.  


Còn qui luật Sinh của ngũ hành phổ cập thì theo thứ tự từ Kim tới Thủy tới Mộc tới Hỏa tới Thổ và qui luật Khắc của ngũ hành phổ cập thì theo thứ tự từ Kim tới Mộc tới Thổ tới Thủy tới Hỏa.



Như vậy, cả qui luật Sinh lẫn qui luật Khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập đều không thể giải thích được cái “thứ tự ngoại đạo” Kim -> Hỏa -> Mộc -> Thủy -> Thổ từ đâu mà có và cũng không thể giải thích được vì sau ngũ hành nạp âm lại được cấu tạo theo qui luật “thứ tự ngoại đạo” đó.  Bảng Lục Thập Hoa Giáp là một sản phẩm quan trọng đã tồn tại từ nhiều năm và được ứng dụng rất rộng trong lãnh vực lý số nhờ cái gọi là ngũ hành nạp âm.  Một sản phẩm phát sinh từ lý thuyết ngũ hành mà lý thuyết ngũ hành phổ cập lại không thể giải thích được thì thử hỏi nếu không cho đó là một thất bại thảm hại của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì cho đó là gì?

Sự thật, đã được tác giả chứng minh, là quy luật vận hành ngược chiều kim đồng hồ của hành khí âm và thứ tự nạp âm Kim -> Hỏa -> Mộc -> Thủy -> Thổ trong Lục Thập Hoa Giáp hoàn toàn hợp lý và hoàn toàn trùng khớp với lý thuyết ngũ hành được mô tả trong cuốn Việt Dịch của Hà Hưng Quốc.


 
Nguyên lý đứng sau lưng quy luật vận hành của hai vòng hành khí âm và dương không gì khác hơn là Càn sinh Thuỷ rồi sinh Mộc, Khôn sinh Hỏa rồi sinh Kim, sau hết là sinh Thổđã được giải mã từ câu nói bí nhiệm Thiên Nhất sanh Thủy, Địa Lục thành chi, Địa Nhị sanh Hỏa, Thiên Thất thành chi, Thiên Tam sanh Mộc, Địa Bát thành chi, Địa Tứ sanh Kim, Thiên Cửu thành chi, Thiên Ngũ sanh thổ, Địa Thập thành chi.”   Nó cũng chính là Nguyên Lý của Ngũ Hành trong Việt Dịch.

Tác giả đã giải thích cặn kẻ về nguyên lý này trong cuốn Việt Dịch.  Tác giả cũng đã từng chứng minh (1) cho thấy sự lúng túng của các danh sư và học giả người Hoa là vì sự sai lạc của lý thuyết ngũ hành phổ cập; (2) cho thấy sự chính xác của lý thuyết ngũ hành nguyên thủy trong Việt Dịch và cho thấy sự thâm ảo cùng tính bao trùm của Việt Dịch Đồ, trong tác phẩm Giải Mã Lục Thập Hoa Giáp và trong tác phẩm Bát Môn, Lục Nhâm Và lạc Việt Độn Giáp Dưới Lăng Kính Việt Dịch.

Có những bạn đọc đã đặt nghi vấn: có thể thứ tự nạp âm trong Lục Thập Hoa Giáp chỉ là một trường hợp ngoại lệ?  Hay nói một cách khác [để bênh vực cho lý thuyết ngũ hành phổ cập] thì nó chỉ là “một” trường hợp sai trong ứng dụng và cái một đó không đáng kể so với vô số cái đúng.  Tác giả không nghĩ đơn giản như vậy.  Trước hết, Lục Thập Hoa Giáp là một sản phẩm rất “nặng ký.”  Ứng dụng của nó rộng khắp các môn lý số đông phương.  Nó lại là nền móng cho việc thiết lập một lá số Tử Vi.  Nếu như Lục Thập Hoa Giáp thực sự sai thì chắc chắn toàn bộ học thuyết Tử Vi, và có lẽ nhiều môn lý số khác nữa, sẽ không còn chỗ đứng.  Thêm vào đó, trường hợp “thất bại thảm hại” của lý thuyết ngũ hành không phải chỉ có một.  Thí dụ điển hình là chỉ nhìn vào bộ môn Tử Vi thôi thì đã thấy có thêm trường hợp của cấu trúc Tam Hợp Cục, trường hợp an vòng Tràng Sinh, trường hợp cấu trúc Tam Hợp Cung, trường hợp lập Cục và an sao Tử Vi, trường hợp Lục Xung, trường hợp Lục Hợp, trường hợp Lục Hại, và ngay cả cấu trúc của cung bàn Tử Vi mà lý thuyết ngũ hành phổ cập không đủ khả năng để giải thích một cách thỏa đáng và nghiêm túc.  Đó là chưa nói tới những lấn cấn, những tùy tiện, những vay mượn, những giải thích mơ hồ mà chúng ta thấy đầy dẫy trong những ứng dụng khác do sự thất bại của ngũ hành phổ cập gây ra.

Nói đến tam hợp cục trong Tử Vi, thêm một lần nữa học giả NVTA đã vạch ra cho thấy sự lúng túng của các học giả và danh sư trong thế giới lý học vì không thể nào giải thích ổn thỏa Tam Hợp Kim Cục bằng qui luật Sinh hay qui luật Khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Ông viết:

Thân – Tý – Thìn là tam hợp Thủy cục. Trong đó: Thân (Kim) sinh Tý (Thủy) và tuyệt ở Thìn (Thổ).  Dần – Ngọ – Tuất là tam hợp Hỏa cục. Trong đó: Dần (Mộc) sinh Ngọ (Hỏa) và tuyệt ở Tuất (Thổ). Hợi – Mẹo – Mùi là tam hợp Mộc cục. Trong đó: Hợi (Thủy) sinh Mẹo (Mộc) và tuyệt ở Mùi (Thổ).  Tỵ – Dậu – Sửu là tam hợp Kim cục.  Khi tìm hiểu về các phương pháp ứng dụng của thuyết Âm dương Ngũ hành liên quan đến Tam hợp cục, nguời ta chỉ có thể lý giải quy tắc tam hợp như trên. Riêng tam hợp Kim cục Tỵ – Dậu – Sửu là sự bí ẩn không lý giải được cũng với thời gian tính bằng thiên niên kỷ; bởi vì Tỵ (Âm Hỏa) tại sao lại có thể sinh Dậu (Âm Kim)? Bởi vậy người ta cũng phải học thuộc lòng các tam hợp cục như một tiên đề khi ứng dụng.  Đây cũng là một bằng chứng nữa chứng tỏ sự thất truyền và sai lệch của một hệ thống lý thuyết căn bản.”[1] 

Cái mà học giả NVTA gọi là “một bí ẩn không lý giải được” thiệt đúng là không thể lý giải được bằng lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Bởi vì, nếu căn cứ theo qui luật của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì Tỵ Hỏa làm sao có thể sinh Dậu Kim được để mà gọi là tam hợp.  Dầu cho học giả và danh sư lý số có cố gắng và tùy tiện sử dụng lý thuyết ngũ hành phổ cập để giải thích bất cứ cách nào đi nữa thì Tam Hợp Kim Cục vẫn là “cam” so với ba tam hợp cục kia thuộc về “quít.”  Hay nói một cách khác là những lý giải lấp liếm đó chỉ đủ làm lòa mắt một số người chớ không làm sáng tỏ được nghi vấn về cấu trúc của tam hợp cục.  

Và trong cách an vòng sao Tràng Sinh học giả NVTA cũng có nhận xét:

[Trích]
Theo phép khởi Tràng Sinh trong Tứ hành của cục thì:
1) Dần Ngọ Tuất - tam hợp Hoả cục - trong đó Dần Mộc sinh Ngọ Hoả mộ ở Tuất.  Tràng Sinh khởi từ Dần. [Dần mộc à Ngọ hỏa à Tuất thổ]. 
2) Thân Tý Thìn - Tam hợp Thuỷ cục - Trong đó Thân Kim sinh Tý Thuỷ mộ ở Thìn được Tràng Sinh khởi từ Thân. [Thân kim à Tý thủy à Thìn thổ]. 
3) Hợi Mão Mùi -Tam hợp Mộc cục - Trong đó Hợi Thuỷ sinh Mão Mộc mộ ở Mùi. Tràng Sinh khởi từ Hợi.  [Hợi thủy à Mão mộc à Thổ]. 
4) Tỵ Dậu Sửu - Tam hợp Kim cục - Trong đó Tỵ Hoả sinh Dậu Kim mộ ở Sửu. Tràng Sinh khởi từ Tỵ [Tỵ hỏa à Dậu kim à Sửu thổ].
5) Thổ cục - Tràng Sinh khởi từ Thân (Chung với hành Thuỷ?!).

Trên đây là qui ước cho phương pháp an sao Tràng Sinh trong các sách Tử Vi phổ thông về môn này, Và các Tử Vi gia từ hàng ngàn năm vẫn an như vậy, sau đó là luận đoán và họ cũng không quan tâm lắm: "Tại sao lại như vậy?". Bởi vì, như tôi đã nhiều lần tường trên diễn đàn:  Một nguyên lý lý thuyết đã thất truyền, chỉ còn phương pháp ứng dụng và hiệu quả của nó. Bởi vậy người ta không thể giải thích vì sao lại như vậy.

Nhưng gần đây, tư duy logic từ khoa học Tây Phương đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu Đông phương xét lại các cơ sở phương pháp ứng dụng Đông phương. Và họ có nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể như cụ Thiên Lương cho rằng Tràng Sinh không khởi từ tứ di mà phải khởi từ tứ chính là Tý Ngọ Mão Dậu và cũng còn nhiều ý kiến khác.

Bây giờ chúng ta nhận xét Tứ hành : Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả (Không có Thổ) trên thì có hành Kim là “có vẻ" không tuân theo qui luật tương sinh của Ngũ hành: Tỵ Hoả làm sao sinh Dậu Kim?”
[2]

[Hết Trích]

Cái mà học giả NVTA nói là “có vẽ không tuân theo qui luật tương sinh của Ngũ hành” thiệt đúng là nó không tuân theo qui luật sinh khắc của lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Lý Quang Địa cũng thấy như vậy.  Bằng chứng là Tinh Lịch Khảo Nguyên [sách thời Khang Hi do Lý Quang Địa biên soạn] viết Mộc Tràng Sinh ở Hợi, Hỏa Tràng Sinh ở Dần, Kim Tràng Sinh ở Tỵ, Thuỷ Tràng Sinh ở Thân, Thổ cũng Tràng Sinh ở Thân, sống nhờ ở Dần. Tất cả từ Tràng Sinh, Mộc Dục, Quan Đái, Lâm Quan, Đế Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng, thuận kinh qua 12 thời. Thiên Đạo tuần hoàn, sinh sinh không ngừng. Cho nên phương Mộc vượng mà Hỏa đã sinh; phương Hỏa Vượng mà Kim đã sinh, phương Kim vượng mà Thuỷ đã sinh, phương Thuỷ vượng mà Mộc đã sinh. Từ Tràng Sinh thuận đẩy lên, nhỏ bé non nớt tất nhiên lớn mạnh, mới vượng thịnh thì tất suy nhược, dứt hết mới quay trở lại bắt đầu, vận động không cùng. Cho nên đó là đạo lý khiến cho Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa đan xen nhau vận hành, cho nên khí của Ngũ Hành thuận bày ra.”  Nếu như cách an sao Tràng Sinh của Tử Vi tuân theo quy luật Sinh của lý thuyết ngũ hành thì sách Tinh Lịch Khảo Nguyên đã không viết “phương Mộc vượng mà Hỏa đã sinh; phương Hỏa Vượng mà Kim đã sinh, phương Kim vượng mà Thuỷ đã sinh, phương Thuỷ vượng mà Mộc đã sinh”  vì cụm chữ này của sách Khảo Nguyên rõ ràng là xác định cái thứ tự “ngoại đạo” Mộc à Hỏa à Kim à Thủy à Mộc và cụm chữ “thiên đạo tuần hoàn sinh sinh không ngừng” xác định cấu trúc vòng tròn của thứ tự ngoại đạo này.  Hay trình bày một cách khác qua hình vẽ thì cấu trúc “tuần hoàn sinh sinh không ngừng” để “khí của ngũ hành thuận bày ra” chính là cái hình này:  
 
 
 
Mà cấu trúc này của ngũ hành thì, thêm một lần nữa cho thấy, hoàn toàn trùng khớp với cấu trúc ngũ hành của Việt Dịch:
 

 
Học giả NVTA đã dùng quái Khôn của Lạc Việt Hậu Thiên Bát Quái để chứng minh sự hợp lý của Tam Hợp Kim Cục.  Đây là một cái hay của ông.  Tuy nhiên, theo thiển ý của tác giả, dầu cho Lạc Việt Hậu Thiên Bát Quái có chính xác và sự khế hợp có đúng như học giả NVTA lý giải đi nữa thì nó vẫn là sự vay mượn từ bên ngoài để giải thích một vần đề “con” mà đáng lý ra một lý thuyết “mẹ” đẻ ra nó phải có khả năng tự giải thích.  Nói một cách khác là dầu cho học giả NVTA có chứng minh được sự hợp lý của Tam Hợp Kim Cục đi nữa thì cũng không thể nào bào chữa được cho “sự thất bại” của lý thuyết ngũ hành phổ cập trong việc giải thích Tam Hợp Kim Cục.  Hay nói một cách khác nữa, truy cứu cho tận cùng, cũng giống như trường hợp của Lục Thập Hoa Giáp, toàn bộ tam hợp cục là một sản phẩm hoàn toàn không tựa trên lý thuyết ngũ hành phổ cập.   

Ngôn ngữ có vẽ “đao to búa lớn” này có thể làm cho một số đọc giả, học giả và danh sư lý số không hài lòng vì cho rằng tác giả muốn phủ nhận lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Tác giả đành phải chịu lỗi vậy vì quả thật là tác giả đang phủ nhận ngũ hành phổ cập.   

Và, như đã nói, không phải chỉ có hai trường hợp đã được học gỉa NVTA nói tới mà còn nhiều cái khác nữa trong bộ môn Tử Vi hoàn toàn không tựa trên lý thuyết ngũ hành phổ cập.  Những nhà lý số và học giả nương náu trong lý thuyết ngũ hành phổ cập đã không thể nào lý giải nổi nên cho đó là “bí ẩn” hoặc vay mượn từ bên ngoài những lý thuyết khác để giải thích một cách khiên cưỡng.  Lập trường của tác giả là lý thuyết ngũ hành phải tự giải thích được những vấn đề thuộc về ngũ hành.    

Nếu những vấn đề liên quan đến Ngũ Hành trong bộ môn Tử Vi không tựa trên nền tảng của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập thì tựa trên nền tảng nào?  Xin thưa, cũng giống như trường hợp của Lục Thập Hoa Giáp, nó tựa trên Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy được trình bày trong Việt Dịch.  Trong bài viết này tác giả sẽ tuần tự giải mã từng bí ẩn một.

Việt Dịch là một hệ thống lý luận mới mẻ và hãy còn xa lạ đối với cộng đồng đọc giả Việt.  Chính vì sự xa lạ này cho nên tác giả xin trích lược một số đoạn trong Việt Dịch để rồi từ chỗ xuất phát này sẽ chứng minh cho đọc giả thấy lý thuyết ngũ hành nguyên thủy mới thực sự là nền tảng cho những vấn đề liên quan đến Ngũ Hành trong bộ môn Tử Vi.  

Để có thể lĩnh hội trọn vẹn những gì sắp được trình bày ở đây, có lẽ hay hơn hết là những ai trong chúng ta chưa có cơ hội đọc qua những bài viết của học giả NVTA và Việt Dịch của Hà Hưng Quốc thì xin hãy làm điều đó trước.  Ở đây tác giả chỉ có thể trình bày phớt qua mà thôi vì thế nó sẽ không thể làm hết được công việc giải thích về Việt Dịch cũng như về những vấn đề mà học giả NVTA đã bỏ công nghiên cứu, và như vậy sẽ làm mất đi phần nào lý thú và sức thuyết phục của những bài viết nếu đọc giả không tham khảo thêm tài liệu như đã đề nghị.  Website Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương (www.lyhocdongphuong.com) có bài của học giả NVTA. Còn quyển Việt Dịch và những bài viết của tác giả Hà Hưng Quốc thì có thể download ở website Scribd (www. scribd.com) hoặc website docstoc (www. docstoc.com) hoặc tại một số thư viện online (dùng search engine đánh vào “Hà Hưng Quốc” sẽ thấy nhiều chỗ để truy cập).



[1] Bí Ẩn Tam Hợp Kim Cục Tỵ Dậu Sửu của Nguyễn Vũ Tuấn Anh
[2] Tử Vi Th ổ Cục của Nguyễn Vũ Tuấn Anh

 

2 comments:

  1. Những nghiên cứu của anh rất có giá trị, tôi xin mạn phép đăng lại trong blog mình để thức giả tìm tòi suy ngẫm!

    ReplyDelete
  2. Dung day , co gi khong "logic" tai Tam-Hop -----> Ty /Dau /Suu ?!?!

    ReplyDelete