Friday, October 29, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#18)


Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời
trở về: Việt Dịch - bài 17

8. VIỆT DỊCH ĐỒ VÀ MINH TRIẾT CỦA DỊCH
Việt Dịch Đồ được cho là “một kết hợp trọn vẹn và kỳ ảo” là vì việc trời, việc đất, việc người đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý của trời, lý của đất, lý của người đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý sự của cá nhân, lý sự của tập thể, lý sự của nhân loại đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì lý sự vô hình, lý sự hữu hình, lý sự qui ước đồng thể hiện.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì nó hàm chứa minh triết của đông phương.  Được cho là trọn vẹn và kỳ ảo là vì nó vạch ra phạm trù đồng quy và hiệp nhất của các giáo lý đông tây. 
Với hình học, chúng ta biết những vòng tròn đồng tâm O thì chỉ có một tâm điểm O ở giữa.  Rời khỏi tâm điểm O đi dần ra ngoài thì có vô lượng vòng tròn bán kính r=n, từ số dương n>0 tiến tới số dương cực lớn và mỗi vòng tròn cũng có vô số điểm nằm trên vòng tròn đó.  Một điểm của tâm O thì không xê dịch nhưng một điểm ngoài tâm O thì có thể chuyển động trên quỷ đạo gọi là vòng tròn và cứ mỗi một vòng tròn thì gồm vô lượng điểm cách tâm O một khoảng cách r không đổi.
Với Việt Dịch Đồ, tâm trung là Thổ của Ngũ Hành, là Mậu Kỷ của Thiên Can, là Thái Cực của Bát Quái.  Vòng ngoài là chỗ của Kim, Mộc, Thủy, Hỏa tương tác; là chỗ của Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài thể hiện, là chỗ của Âm, Dương chuyển dịch; là chỗ của Giáp, Ất, Bính, Đinh, Canh, Tân, Nhâm, Quí chia vạch thời không.         
Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết, thì vòng ngoài là chỗ của nhiều còn tâm trung là nơi của một.  Vòng ngoài là trú xứ của sinh sinh hoá hóa còn tâm trung là trú xứ của diệu diệu huyền huyền.  Từ tâm đi ra ngoài là hướng ngoại, từ ngoài trở về tâm là hướng nội.  Từ tâm đi ra ngoài là con đường của nhơn dục còn từ ngoài trở về tâm là con đường của thiên lý. Hướng ngoại để có nhiều, hướng nội để giữ một.  Theo nhiều là lý do của điên đảo, quay cuồng.  Giữ một là cái gốc của thường tịnh lặng lẽ.  Tâm trung là đền thánh của nhơn sanh, tiến vào đền thánh lễ bái không ngoài một chữ Tín của đức Thổ.  Vòng ngoài là nhà lửa của tam giới, lìa bỏ đền thánh để chui vào nhà lửa vui đùa không ngoài một chữ dục của vọng ý. 
Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết, tâm trung là chỗ để giữ đạo tam tòng: tòng thiên, tòng địa và tòng nhân.  Vòng ngoài là chỗ để giới trì tứ đức: đức Nhân của Mộc, đức Nghĩa của Kim, đức Trí của Thủy, đức Lễ của Hỏa.  Thế nào là giữ đạo tam tòng?  Trời vốn “dĩ dị tri” đất vốn “dĩ giản năng.”  Mà giản dị thì “dị tắc dị tri, giản tắc dị tòng[1] dễ biết dễ theo.  Một khi đã dễ biết dễ theo thì có lắm người biết nhiều người theo do đó mà thành tựu công nghiệp lớn “dị tri tắc hữu thân, dị tòng tắc hữu công, hữu thân tắc khả cửu, hữu công tắc khả đại, khả cửu tắc hiền nhân chi đức, khả đại tắc hiền nhân chi nghiệp.”[2]  Nắm được đạo lý giản dị là nắm được đạo lý trong thiên hạ.  Đã nắm được đạo lý trong thiên hạ thì đứng giữa cùng với trời và đất “dị giản nhi thiên hạ chi lí đắc hĩ, thiên hạ chi lý đắc nhi thành vị hồ kì trung hĩ.”[3]  Đứng chung được với trời đất tức là đã giữ đạo tam tòng.  Thế nào là giới trì tứ đức?  Trời đất không có tư tâm, thánh nhân không có tư tâm, cho nên mới nói trời đất bất nhân coi vạn vật như chó rơm, thánh nhân bất nhân coi bá tánh như chó rơm, “thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu, thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.”[4]  Trời đất hành sự chẳng vì mình cũng chẳng vì ai.  Thánh nhân hành sự chẳng vì mình cũng chẳng vì ai.  Hành sự chẳng vì mình cũng chẳng vì ai chánh thật là giới trì.  Ở giữa thiên hạ, lấy thiên hạ làm lòng mình, coi hết thảy như trẻ thơ, “tại thiên hạ, hấp hấp vị thiên hạ hỗn kỳ tâm, thánh nhân dai hài nhi,”[5] đó chánh thật là đức nhân.  Lấy đạo giúp cho người lãnh đạo, không lấy bạo quyền cưỡng bức thiên hạ, “dĩ đạo tá nhân chủ dả, bất dĩ binh cường thiên hạ,” giữ cái vô danh mộc mạc để trí vô dục, tâm yên tịnh, thiên hạ được bình yên “dĩ vô danh chi phác, vô danh chi phác phù diệc tương vô dục, bất dục chi tỉnh, thiên hạ tương tự định,”[6] đó mới chánh thật là đức nghĩa.  Không can thiệp dân sẽ tự nhiên vô tư, không áp bức dân sẽ tự nhiên ngay thẳng, không bày vẽ dân sẽ tự nhiên giàu có, không tham lam dân sẽ tự nhiên thật thà, “ngã vô vi nhi dân tự hóa, ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính, ngã vô sự nghi dân tự phú, ngã vô dục nhi dân tự phác,”[7] cho nên lấy ngay thẳng mà trị quốc, lấy vô sự mà giữ yên thiên hạ, “dĩ chính trị quốc . . . dĩ vô sự thủ thiên hạ,”[8] giúp dân từ bỏ cái quá độ để quay về với tự nhiên, “phục chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên,”[9] lấy thấp làm nền, lấy hèn là gốc “dĩ tiện vi bản, dĩ hạ vi cơ” để ngồi trên mà dân không thấy nặng, ở trước mà dân không thấy ngại, “xử thượng nhi dân bất trọng, xử tiền nhi dân bất hại,”[10] đó mới chánh thật là đức lễ.  Biết đủ không nhục, biết ngừng không nguy, được cái lâu bền, “tri túc bất nhục, tri chỉ bất đải, khả dĩ trường cửu,”[11] làm trọn vẹn mà dường như dở dang nhưng dùng mãi chẳng hư, có đầy đủ mà dường như trống rỗng nhưng dùng mãi không hết, rất ngay thẳng mà như cong, rất hay mà như dở, rất hùng biện mà như ấp úng, “đại thành nhược khuyết kỳ dung bất lệ, đại doanh nhược xung kỳ dụng bất cùng, đại trực nhược khuất, đại xảo nhược chuyết, đại biện nhược nột,”[12]  không ra cửa mà biết khắp thiên hạ, thấy rõ đạo trời, “bất xuất hạ tri thiên hạ, bất khuy dũ kiến thiên đạo,”[13] quay về gốc tịnh, phục mệnh thường hằng, “chí hư cực . . . phục mệnh viết hằng,”[14] đó mới chánh thật là đức trí.  Ở chỗ điên đảo, quay cuồng mà vẫn ung dung tự tại là nhờ trong không xa đạo tam tòng ngoài không lìa giới trì tứ đức.  Giữ đạo tam tòng, giới trì tứ đức là cung cách của hiền thánh.          
Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết, tâm trung là trái tim nguyên thể và vô nhiễm.  Vòng ngoài là nơi đã làm cho máu của Đức Chúa chảy ra.  Ngài “có khả năng chuyển hóa, đem tù hãm tối tăm, đốt tan trong ánh sáng, những nghiêng lệch tạm thời, bỗng chốc về đúng chỗ, trời người đất dung thông, thế giới hoát đại đồng, thiêng liêng và huyền nhiệm[15] là vì tâm nội chưa từng lìa nguyên thể và vô nhiễm, thân ngoại chưa từng lìa tôn nghiêm và hiền thiện.  Ở chỗ ác trược tối tăm mà vẫn nguyên thể và vô nhiễm, vẫn tôn nghiêm và hiền thiện là phẩm hạnh của đấng chúa thánh thần.    
Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết, tâm trung là chỗ vô chấp, vô cầu, vô sinh, vô diệt, bất đồng, bất dị.  Vòng ngoài là chỗ không thực tánh thực tướng, của chấp trước, của trùng trùng duyên khởi, của huyễn hóa, của vô minh, của sinh diệt, của biển nghiệp lực.   Tâm trung là thế giới của “diệu trạm tổng trì bất động tôn,”[16] là đại viên cảnh trí, là đương xứ tức chân, là tuyệt thánh khí trí, là bất động hiện quán, là bản lai diện mục, là sanditthiko, là akàliko, là opanayiko.  Vòng ngoài là thế giới “như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển,”[17] là “hoa đốm giữa hư không,”[18] là lý trí vọng thức, là chỗ “gate, gate, paragate, parasamgate,”[19]  là khổ đế và tập đế.  Tâm trung là nhà của như lai. Vòng ngoài là chỗ hiển bày vạn pháp.  Thường tịnh thường lặng ngay giữa chốn điên đảo quay cuồng là vì tâm nội chưa từng lìa nhà Như Lai, thân ngoại chưa từng lìa Pháp Giới; là vì vốn thấy rõ tất cả pháp đều huyễn hóa nên lìa tâm thức phân biệt chẳng thấy bốn tướng “nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả,” chẳng thương, chẳng ghét; là vì vốn thấy rõ mọi hiện tượng thế gian đều “không thêm, không bớt, không dơ, không sạch[20] nên chẳng lìa “bình đẳng tánh trí,” chẳng buông bỏ gì, chẳng nắm giữ gì, chẳng đến, chẳng đi; là vì vốn thấy rõ “thế gian như chiêm bao mà khởi lòng đại bi[21] nên chẳng lìa thực tại hiện tiền, trong huyễn cảnh hiện huyễn thân dụng huyễn pháp nương huyễn phương tiện cứu độ huyễn chúng sanh, tùy duyên bất biến.  Giữa thế gian mà không bị những cái khổ của thế gian trói buộc chính là tự tại của Bồ Tát.    
Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết, tâm trung là Đạo, vòng ngoài là Danh.  Danh là chỗ của có không.  Không là tên gọi lúc khởi đầu trời đất, là “vô, danh thiên địa chi thủy.”[22] Có là tên gọi lúc nảy sinh, là “hữu, danh vạn vật chi mẫu.”[23]  Thánh nhân lấy cái không để chiêm ngưỡng sự kỳ diệu, lấy cái có để xem xét sự tinh vi, “cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu, thường hữu dục dĩ quan kỳ hiếu.[24] Có không cùng hiện hữu.  Thánh nhân không thiên vị.  Theo đạo tự nhiên nên không cố làm, dạy đạo tự nhiên nên không cố nói, cùng một thể với đạo, “xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo.”[25]  Ở chỗ có không thánh nhân làm khe nước cho người khát, thành việc mà không kể công, thành công mà không ở lại, rỗng tâm, no lòng, mềm chí, cứng xương, khiến dân không dám tham, khiến kẻ trí không dám dùng thủ đoạn, thường hay cứu người nên không bị bỏ rơi, thường hay cứu vật nên không bị vứt đi. Thân tuy ở Danh nhưng tâm thì ở Đạo.  Lòng đạo vốn trống không nên dung chứa vô cùng.         
Việt Dịch Đồ dưới lăng kính minh triết, tâm trung là đất của tiên thiên, vòng ngoài là chỗ của hậu thiên.  Tiên thiên thì tịch tịnh như nhiên, bất sanh bất diệt, hậu thiên thì luôn luôn biến dịch và có cơ biến hóa hai chiều: chiều sanh và chiều tử;”[26] tâm trung là chỗ của “Thái Cực hiện nơi cung Vô Cực, là hoa khai kiến phật; Thái Cực có hiện nơi cung Vô Cực thì Vô Cực mới thành chí huyền chí diệu,” mới là “huyền chi hựu huyền.”[27]  Tâm nội là chỗ “dùng chơn thủy giúp cho hỏa minh linh,” là nơi “để đức cương kiện hiệp với đức nhu thuận,” là chân thổ để “mậu kỷ hiệp nhau biến thành đao khuê,” là điểm để “chân trí linh tri tương hiệp, chân tình chân tánh đồng khí, cương nhu phối nhau quay về trung chánh;”[28] hợp nội ngoại chi đạo để “kiến tố” để “phục mệnh[29] chính là chỗ dụng tâm của tiên gia.   

Giữa tâm trung với vòng bên ngoài của Việt Dịch Đồ, lý sự có thể tóm lại trong một chữ “hành.”  Nó hàm chứa sự thông dung và diệu dụng.  Nó hàm chứa sự tự nhiên và vô ngại.  Nó hàm chứa một thế giới nhị nguyên trong trạng thái tương tác hài hòa.  Đó chính là Dịch.  Hiểu và sống trong sự tương tác hài hòa đó chính là nền tảng của minh triết Đông Phương. 


 9. VÀI LỜI ĐỂ KHÉP LẠI
Đến đây, thay vì tóm tắt tất cả những điểm chính đã bàn luận và tự mình viết vài lời để kết thúc tác giả xin mạn phép được mượn một vài đoạn nguyên văn của hai học giả Việt Nam, Hà Văn Thùy và Nguyễn Vũ Tuấn Anh, để khép lại bài viết.  

“Trong suốt quá trình phát triển của xã hội loài người – trừ thuyết Âm dương Ngũ hành và siêu công thức của nó là Bát quái – loài người cũng đã có những cố gắng lập nên những siêu lý thuyết, kể cả những siêu lý thuyết giải thích sự hình thành vũ trụ cho đến mọi sự vận động liên quan đến con người nhân danh Thượng đế. Nhưng tất cả đều không thuyết phục được thời gian, mặc dù những lý thuyết vũ trụ quan đó đã chiếm một không gian lịch sử. Chỉ có thuyết Âm dương Ngũ hành và siêu công thức Bát quái là tồn tại có thể nói là lâu nhất trong lịch sử nhân loại. Những ý tưởng minh chứng trong cuốn sách này, cũng chỉ là những sự khởi nguyên cho việc phục hồi một siêu lý thuyết đã mất đi những nguyên lý bản căn, chỉ còn lại những phương pháp ứng dụng. Một khoảng trống còn rất lớn vẫn ngăn cách giữa những luận thuyết căn bản vẫn chưa hoàn chỉnh với những phương pháp luận của nó trên thức tế ứng dụng trải hàng thiên niên kỷ. Để lấp khoảng trống này, chắc chắn phải có một kiến thức tổng hợp vô cùng lớn và sự cố gắng hợp tác của nhiều ngành khoa học, Mặc dù, thuyết Âm dương Ngũ hành có thể là một học thuyết khoa học hay phi khoa học; nhưng chắc chắn sự phục hồi một học thuyết tồn tại lâu nhất trong lịch sử nhân loại với sự chứng nghiệm trên thực tế trải hàng ngàn năm, sẽ mang lại một lợi ích không nhỏ cho sự tiến bộ của con người. Sự phục hồi này chỉ có thể có được, nếu bắt đầu từ những di sản văn hóa truyền thống của người Lạc Việt, chủ nhân đích thực của những giá trị căn bản thuộc nền văn minh Đông phương.  Trải qua hơn hai thiên niên kỷ thăng trầm của lịch sử, thời Hùng Vương – một giai đoạn kỳ vĩ trong lịch sử Việt Nam – đã trở thành huyền sử. Nhưng may mắn thay, những di sản văn hóa mà tổ tiên truyền lại đã hướng con cháu tìm về cội nguồn.
Viết cuốn sách này, về phía khách quan có thể coi như một giả thuyết, nhưng người viết mong được chia sẻ với bạn đọc niềm hy vọng phục hồi lại lịch sử kỳ vĩ của đất nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên của người Lạc Việt, tổ tiên của dân tộc Việt Nam hiện nay.” 
(Nguồn: Tìm về cội nguồn kinh Dịch, Nguyễn Vũ Tuấn Anh).
“Từ chứng minh ở trên, ta có thể tin được rằng, kinh Dịch nguyên là công cụ bói toán do người Bách Việt sống từ sông Hồng, sông Mã tới Dương Tử, Hoàng Hà sáng tạo. Khoảng 2800 TCN, Phục Hy đã từ những đồ hình Bát quái lưu hành trong dân gian, sáng tạo ra Tiên thiên Bát quái. Dựa vào cái la bàn này, Ngài đã sắp xếp một cách tương đối thỏa đáng các quẻ trong mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, trở thành sách bói toán hữu dụng. Văn Vương dựa vào những bát quái do dân gian phát hiện, đã sáng tạo nên Hậu thiên Bát quái rồi từ đây điều chỉnh vị trí các quẻ và sáng tác quái từ hào từ, đưa cuốn sách bói toán trở thành Chu Dịch. Bằng công trình san định của mình, Không Tử đã đưa Chu Dịch trở thành bộ kinh điển đứng hàng đầu trong kho tàng tri thức nhân loại.  Tuy nhiên tới nay cũng chưa thể nói kinh Dịch là tác phẩm hoàn chỉnh, không còn điều gì để bàn bạc sửa chữa. Đọc bộ Dịch do Chu Hy truyền lại, không thiếu những chỗ người đọc phải chấp nhận một cách khiên cưỡng là chỉ dấu cho thấy điều này. Dịch vốn là công cụ bói toán, vậy mà gần hai ngàn năm nay, những nhân tài xuất chúng về bói toán chỉ đếm không hết trên đầu ngón tay, cho thấy bản thân công cụ bói toán có vấn đề. Vấn đề ở đây là do người Trung Hoa chỉ có thể đạt tới Bát quái Văn Vương với 6 đối xứng. Từ Bát quái bất toàn này đã dẫn đến những thiếu sót nghiêng lệch trong việc sắp xếp các quẻ, khiến việc viết quái từ, hào từ, thập dực thiếu chính xác. . . . 
Vì vậy nên chăng, người Việt Nam nên dựa vào Bát quái Lạc Việt làm ra cuốn Dịch Việt Nam để phục vụ tốt hơn cho nhân dân, đất nước mình?
. . .
Cần đưa Dịch thành môn học trong trường phổ thông để công dân tương lai không bị mù dịch, ngu ngơ trước quy luật vận hành của Vũ trụ, đứng ngoài thành tựu văn hóa của tổ tiên.”  (Nguồn: Bàn Lại Lịch Sử Hình Thành Kinh Dịch, Hà Văn Thùy).

Xin chân thành cảm ơn quý vị học giả và tất cả đọc giả.



[1] Hán Văn trích từ Hệ Từ Truyện, Chương 1 của Kinh Dịch
[2] Hán Văn trích từ Hệ Từ Truyện, Chương 1 của Kinh Dịch
[3] Hán văn trích từ Hệ Từ Truyện, Chương 1 của Kinh Dịch
[4] Đạo Đức Kinh, Hư Dụng, Lão Tử
[5] Đạo Đức Kinh, Nhiệm Đức, Lão Tử
[6] Đạo Đức Kinh, Vi Chính, Lão Tử
[7] Đạo Đức Kinh, Thuần Phong, Lão Tử
[8] Đạo Đức Kinh, Thuần Phong, Lão Tử
[9] Đạo Đức Kinh, Thuần Phong, Lão Tử
[10] Đạo Dức Kinh, Hậu Kỷ, Lão Tử.
[11] Đạo Đức Kinh, Lập Giới, Lão Tử
[12] Đạo Đức Kinh, Hồng Đức, Lão Tử
[13] Đạo Đức Kinh, Giám Viễn, Lão Tử
[14] Đạo Đức Kinh, Quy Căn, Lão Tử
[15] Thơ của Hà Hưng Quốc
[16] Kinh Thủ Lăng Nghiêm
[17] Kinh Kim Cang
[18] Kinh Hoa Nghiêm
[19] Kinh Bát Nhã Tâm
[20] Kinh Bát Nhã Tâm
[21] Kinh Lăng Già
[22] Đ ạo Đ ức Kinh, Lão Tử
[23] Đ ạo Đ ức Kinh, Lão Tử
[24] Đ ạo Đ ức Kinh, Lão T ử
[25] Đ ạo Đ ức Kinh, Lão T ử
[26] Dịch Lý Khai Nguyên của Đức Đông Phương Lão Tổ, thánh giáo Cao Đài.
[27] Đức Lão Tử
[28] Trích thánh giáo Cao Đài.
[29] Đức Lão Tử
    




No comments:

Post a Comment