Tuesday, January 8, 2013

Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 3 - Hà Hưng Quốc





GIẢI MÃ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ PHỤC DỰNG SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: MỘT CON ĐƯỜNG TÁI HIỆN DIỆN MẠO VÀ CỘI NGUỒN ĐÍCH THỰC CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT. 


Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đó và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện lại bức tranh diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến. “  


trở lại: Giải Mã Di Sản Phi Vật Thể . . . Bài 2



Tiên Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ, Hà Đồ, Ngũ Hành Đồ Của Việt Dịch: Phục Dựng Từ Khẩu Quyết Lưu Truyền Trong Dân Gian
Một trong những công trình tâm đắc của Hà Hưng Quốc là Việt Dịch.  Một phần lớn nội dung của cuốn sách này giải trình từng bước quá trình giải mã hai câu khẩu quyết tổng cộng 67 lời trong 2 vế để phục dựng lại 4 đồ hình quan trọng là Tiên Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ, Hà Đồ, Ngũ Hành Đồ cùng với hầu hết những đồ hình căn bản khác trong lý học đông phương.  Ngoại trừ Tiên Thiên Đồ, 3 đồ hình còn lại đều nằm chung với nhau trong một tổng thể mà HHQ đặt tên là Việt Dịch Đồ.  Còn tất cả những đồ hình căn bản khác không nhắc tên ở đây đều là những đồ hình phái sinh từ Việt Dịch Đồ.  Một phần khác trong nội dung của Việt Dịch nhằm chứng minh giá trị khoa học và thực dụng của hai Đồ Dịch quan trọng là Tiên Thiên Đồ và Việt Dịch Đồ (đúng ra phải gọi là Tiên Thiên Việt Dịch Đồ và Hậu Thiên Việt Dịch Đồ).  Phần còn lại giải thích tính chất minh triết chứa đựng trong hai Đồ Dịch là tinh yếu của Việt Dịch. 

Vế khẩu quyết thứ nhất được nói tới là Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật.” và vế khẩu quyết thứ hai là “Thiên Nhất sanh Thủy, Địa Lục thành chi, Địa Nhị sanh Hỏa, Thiên Thất thành chi, Thiên Tam sanh Mộc, Địa Bát thành chi, Địa Tứ sanh Kim, Thiên Cửu thành chi, Thiên Ngũ sanh Thổ, Địa Thập thành chi.”  Toàn bộ Việt Dịch nói chung, và những đồ hình nói riêng, được phục dựng từ 67 lời bí nhiệm nằm trong hai vế này.

Tiên Thiên Đồ của Việt Dịch hoàn toàn trùng khớp với Tiên Thiên Bát Quái mà chúng ta biết ngày hôm nay, giống như hình H2.  Điều này chứng tỏ nó chưa bị sửa đổi dầu là bản thân nó trôi nổi ở xứ người và căn cước của nó đã bị mất.

            Việt Dịch Đồ thì không giống với bất cứ một đồ hình từ xưa đến nay. Nó là một đồ hình có thể gọi là Thái Đồ (a grand model) trong đó chứa đựng toàn bộ tinh túy của Đông Phương bao gồm cả Hậu Thiên Bát Quái và Hà Đồ, bao gồm cả thuyết âm dương và thuyết ngũ hành, bao gồm cả thiên can và địa chi, bao gồm cả thiên văn và mùa tiết, bao gồm cả nội giới và ngoại giới, bao gồm cả . . . thế giới vi diệu sinh hoá.  Tất cả hợp nhất một cách thần kỳ trong một tổng thể đơn giản như cho thấy trong hình H27/ 27B.  
    




            Điều đáng chú ý ở đây là khái niệm 4 Trục trong Việt Dịch, còn gọi là 4 Nguyên Tố hoặc là Tứ Tượng, trong phần giải trình về cấu trúc và qui luật thành lập Tiên Thiên Đồ, được tìm thấy trong Trung Thiên Đồ của NTD (HHQ giúp hoàn chỉnh) phục dựng từ huyền sử Lạc Long Âu Cơ.  Và Hậu Thiên Đồ, ẩn trong Việt Dịch Đồ, của Việt Dịch lại hoàn toàn trùng khớp với Hậu Thiên Đồ của TQB (HHQ giúp hoàn chỉnh) phục dựng từ huyền thoại Nữ Oa lấy đá vá trời.  Đây có phải là những trùng hợp ngẫu nhiên?  Chắc chắn là không phải!   

            Việt Dịch từ đầu đến cuối hoàn toàn không có bóng dáng Kinh Dịch.  Vâng, hoàn toàn không có Kinh Dịch (tức 64 quẻ). Điều này làm ngạc nhiên nhiều người vì theo quan điểm của đa số một cuốn sách viết về Dịch phải có Kinh Dịch.  Không có gì là ngạc nhiên.  Bởi vì, VIỆT DỊCH vốn là ĐỒ DỊCH không phải là KINH DỊCH.            

ĐỒ và KINH của DỊCH có thể ví như một cuộn phim của máy ảnh.  Kéo ra hình thành 64 quẻ thì gọi là Kinh.  Còn nguyên cuộn trong vỏ bọc thì gọi là Đồ.  Mỗi lần kéo ra là thành một phiên bản mà những thông tin trên đó phản ảnh tri thức, tâm lý và chủ ý của người kéo và của một thời đại mà người đó có mặt.  Người đời sau tôn xưng đó là Kinh.  Nhưng thực ra nó chỉ là phế phẩm quá hạn được chế tác từ một thời đại xa xưa. 

Nếu ví Kinh với hàng phế phẩm thì Đồ có thể ví với một máy chế tác đang luôn sẵn sàng để chế tác.  Cổ Thánh Việt hiểu rõ lý lẽ này nên không để lại Kinh mà chỉ để lại Đồ.  Huyền thoại Nữ Oa vá trời là chìa khóa để Việt nhận lại Đồ Dịch của Việt.  Huyền sử Lạc Long và Âu Cơ là chìa khóa để Việt nhận lại Đồ Dịch của Việt.  Khẩu quyết 67 lời trong hai vế là chìa khóa để Việt nhận lại Đồ Dịch của Việt.  Và còn nhiều chiếc chìa khóa khác nữa vẫn còn nằm đâu đó trong mớ di sản văn hóa phi vật thể của người Việt mà chúng ta chưa khám phá tới.       

  Vì mỗi lần kéo ra là có một phiên bản cho nên Kinh có thể và thường là có nhiều phiên bản.  Đúng có, sai có, sâu có, cạn có, nguyên bản gốc có, bị sửa đổi có.  Người ta đã say mê với Kinh mà lạt lẽo với Đồ cho nên càng ngày càng xa gốc Dịch, nhưng càng ồn ào hơn về Dịch.  

Kinh là ngọn của Dịch.  Đồ là gốc của Dịch.  Có Đồ mới có Kinh.  Có Đồ Dịch mới có Kinh Dịch.  Người Tàu ôm giữ cái ngọn và trân trọng tôn thờ Kinh Dịch.  Tiền nhân Việt bảo quản cái gốc do mình sáng tạo nên đem mã hóa Đồ Dịch và truyền thừa di sản cho con cháu suốt mấy ngàn năm qua. 

Vì Việt Dịch không có 64 quẻ nên có người bảo Đồ không thể sánh bằng Kinh.  Ai dám bảo trong Đồ không có Kinh?  Ai dám bảo Đồ chẳng bằng Kinh?  Chẳng phải tổ tiên Việt đã gọi Đồ Dịch là Trời trong chuyện Nữ Oa lấy đá vá Trời đó sao?  Không phải tổ tiên Việt, trong truyện Nữ Oa lấy đá vá Trời, đã gởi lại thông điệp Đồ Dịch là cội nguồn của minh triết và phải có nó thì từ đó mới có được an bình đó sao?  Đồ Dịch là một loại “vô tự thiên thư” ngàn Kinh không thể sánh.  Đồ Dịch là của thượng căn thượng trí phàm phu không thể thấu.     

Đồ Dịch xưa nhất được sử Tàu ghi nhận [năm 2361 TCN, tức năm Mậu Thân thứ 5 đời Đường Nghiêu.  Nguồn: Sách Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý Tường; Thuật Dị Ký trong sách Thông Chí của sử gia Trịnh Triều (1104-1162)] là ĐDịch chép trên lưng thần qui, viết bằng cách dùng vật nóng cháy áp lên mai rùa, và văn bản viết bằng cách này gọi là lạc thư [không viết hoa], của Việt Thường dâng tặng vua Nghiêu hơn 4370 năm trước.  Không phải tổ tiên Việt cũng đã xác nhận “bắt con rùa đội Trời lên” trong huyền thoại Nữ Oa lấy đá vá trời đó sao?  Đó không phải là thông tin khẳng định Đồ Dịch là của Việt đó sao?        

Nguồn gốc của Kinh Dịch, tất cả các Kinh Dịch, đều xuất phát từ Đồ Dịch của Việt Thường.  Minh triết của phương Đông gói gọn trong ĐDịch của Việt Thường. Văn hóa rạng ngời của Trung Quốc nảy sinh từ Đồ Dịch của Việt Thường.  Đồ Dịch đã là của Việt thì dù cho Kinh Dịch có là của ai hay do ai trước tác đi nữa thì Dịch vẫn là Việt Dịch.  Vì thế Dịch chỉ có một là Việt Dịch.

            Việt Dịch tuy là không trưng 64 quẻ cũng không một lời bàn về 64 quẻ nhưng lại có rất nhiều quẻ, nhiều gấp ngàn lần.  Kinh Dịch dù là Kinh Dịch Phục Hy hay là Kinh Dịch Chu Văn cũng chỉ mới vận dụng đến tầng thứ 2 [(2x2x2)^2 hay 8x8 = 64 quẻ] của Đồ Dịch.  Còn Việt Dịch vận dụng đến tầng thứ 8 [(2x2x2)^8 trừ đi trùng quái, tức là 8! = 8x7x6x5x4x3x2x1] của Tiên Thiên Đồ và của cả Hậu Thiên Đồ.  Việt Dịch không dùng hào âm hào dương trong một quẻ để phỏng đoán ý nghĩa của quẻ.  Việt Dịch dùng trọn quái và toàn cục diện của quẻ, tức thứ tự của các quái phân bố trong một quẻ, để nghiệm lý.             

Tiên Thiên Đồ và Hậu Thiên Đồ ẩn trong Việt Dịch Đồ chỉ là một vế của sự khám phá và phục dựng.  Một vế khác không kém quan trọng là Ngũ Hành Đồ và Hà Đồ.  Ngũ Hành Đồ và Hà Đồ được phục dựng chính yếu là từ vế thứ hai của 67 lời khẩu quyết.  Hai đồ hình này cung cấp thông tin ngũ hành và độ số của Việt Dịch Đồ.  Ở bài viết này chúng ta sẽ không chú ý tới Hà Đồ mà đặc biệt chú ý tới Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy rút ra từ Ngũ Hành Đồ của Việt Dịch.  

Lý thuyết ngũ hành mà mọi người đều biết HHQ gọi nó là Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập.  Lý thuyết phổ cập này là sản phẩm của văn hóa Trung Hoa.  Toàn bộ lý thuyết được xây dựng trên nền tảng của 5 loại vật chất và 2 qui luật vận hành. Năm loại vật chất là Kim. Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.  Hai qui luật vận hành là qui luật Tương Sinh và qui luật Tương Khắc.  Tương Sinh là Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim và Kim sinh Thủy.  Chữ tương sinh ở đây đã bị lạm dụng, vì chỉ có một chiều sinh nên không thể nói là tương sinh.  Tương Khắc là Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy.  Cũng vậy, chữ tương khắc ở đây đã bị lạm dụng, vì chỉ có một chiều khắc nên không thể nói là tương khắc.  Toàn bộ Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập được tóm gọn trong hình phía bên trái của H30.  



Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy hiện nay có rất ít người biết đến.  Như đã nói, nó được phục dựng từ vế thứ hai của 67 lời bí nhiệm.  Và nó là của Việt.  Khác với lý thuyết của người Hoa, tuy Ngũ Hành cũng là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nhưng Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy được xây dựng trên nền tảng của thiên văn và tuy cũng có hai qui luật vận hành Tương Sinh và Tương Khắc nhưng sự vận hành hoàn toàn khác.  Hai hành trong số 4 hành Kim, Thủy, Mộc, Hỏa nằm cạnh nhau sẽ Tương Sinh cho nhau theo hai chiều thuận và nghịch kim đồng hồ, đó mới thực sự đúng nghĩa “tương sinh.” Hai hành trong số 4 hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa nằm đối diện nhau sẽ Tương Khắc nhau theo hai chiều qua lại, đó mới thực sự đúng nghĩa “tương khắc.”  Còn hành Thổ quan trọng hơn cả nằm ở trung cung của Ngũ Hành Đồ.  Nó trung dung, trung hòa và trung lập.  Nó điều hợp, điều giải và điều tiết 4 hành Kim, Thủy, Mộc, Hỏa.  Về tính chất tương tác thì Thổ đại diện cho Trung Đạo.  Về cấu trúc thì Thổ là Trung Tâm.  Toàn bộ Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy được tóm gọn trong hình phía bên phải của H30.                   

Việt Dịch không giống với bất cứ một sản phẩm Kinh Dịch nào ra đời từ trước tới nay.  Nó thành lập một cái nhìn mới về Dịch và một tiêu chuẩn mới cho lý số.  Tuy là hiện tại chưa có nhiều người biết nhưng về lâu về dài tự thân Việt Dịch sẽ chứng minh điều này.  Nhưng cái mới này thật ra là không mới bởi vì như đã nói là nó được phục dựng từ di sản của tiền nhân Việt để lại.  Nói cách khác, chỉ có tính cách “phản động” của nó là mới.  Hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, Việt Dịch phủ nhận giá trị lạm phát của Kinh Dịch do người Tàu phỏng tác, phủ nhận bản quyền Dịch là của Tàu, phủ nhận Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái là của Tàu, phủ nhận Lý Thuyết Âm Dương là của Tàu, phủ nhận Hà Đồ là của Tàu, phủ nhận giá trị Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập của Tàu, phủ nhận giả thuyết nền văn hóa Việt là con đẻ của nền văn hóa Tàu, phủ nhận ngay cả Tiên Đạo là của Tàu bởi vì Đạo Dịch đã có trước khi Lão Tử ra đời rất lâu.  Những điều này, theo thời gian, kết hợp với những khám phá khác hiện nay và sau này sẽ thành lập một cái nhìn tự tin hơn về cội nguồn dân tộc.               

Việt Dịch là một sản phẩm được phục dựng từ công trình giải mã hai cụm chữ chứa 67 lời khẩu quyết đã tồn tại từ rất lâu trong văn hóa dân gian được Khổng Tử thu thập và ghi chép vào Kinh Dịch.  Văn hóa đó phát sinh từ văn minh của phương Nam (Khổng Tử nói, không phải HHQ nói).  Cũng giống như công trình của NTD và của TQB, công trình của HHQ cho thấy phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hoá phi vật thể và chính sản phẩm được phục dựng có một giá trị nhất định. 


tiếp theo: Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 4


No comments:

Post a Comment