Tuesday, January 8, 2013

Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 7 - Hà Hưng Quốc






GIẢI MÃ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ PHỤC DỰNG SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: MỘT CON ĐƯỜNG TÁI HIỆN DIỆN MẠO VÀ CỘI NGUỒN ĐÍCH THỰC CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT. 



Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đó và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện lại bức tranh diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến. “  



trở lại: Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 6



Ý NGHĨA CỦA NHỮNG CÔNG TRÌNH GIẢI MÃ ĐỂ PHỤC DỰNG NHỮNG SẢN PHẨM PHI VẬT THỂ TỪ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Tất cả những công trình phục dựng được trình bày trên là những nỗ lực tự phát  của mỗi cá nhân thực hiện công trình.  Nói một cách khác, không có một công trình sư nào hoặc một tổ chức nào đứng ra điều hợp những nỗ lực này cả.  Mỗi sản phẩm văn hóa phi vật thể phục dựng được từ một công trình tự phát trong số những công trình tự phát đó có thể nói là rời rạc và lẽ loi đến tội nghiệp trong thế giới của cá nhân thực hiện công trình, ít ra là trước khi có bài viết này.  Nhưng rồi tất cả những sản phẩm phục dựng đó đã tình cờ gặp nhau trên con đường tìm lại diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Tình cờ mà không tình cờ bởi vì có một lý do làm cho chúng trước sau gì cũng phải gặp nhau. Lý do đó chính là: SỰ THẬT VỀ CỘI NGUỒN VĂN HÓA VIỆT. 

Từ sản phẩm phi vật thể Tiên Thiên Bát Quái Đồ của Nguyễn Thiếu Dũng phục dựng từ công trình giải mã huyền sử Lạc Long Quân và Âu Cơ; tới Hậu Thiên Bát Quái Đồ của Trần Quang Bình phục dựng từ công trình giải mã huyền thoại Nữ Oa lấy đá vá trời; tới Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên Bát Quái, Hà Đồ, Ngũ Hành Đồ, Việt Dịch Đồ, Lý Thuyết Ngũ Hành trong Việt Dịch của Hà Hưng Quốc phục dựng từ công trình giải mã 67 lời khẩu quyết lưu truyền trong dân gian; tới Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy phục dựng từ công trình giải mã bức tranh mộc bản Ngũ Hổ Hàng Trống và Ngũ HĐông H trong tín ngưỡng nhân gian; tới Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thuỷ và  Thông Tin Cội Nguồn Trước Tác phục dựng từ công trình giải mã Bảng Lục Thập Hoa Giáp và qui luật Ngũ Hành Nạp Âm trong lãnh vực lý số; tới Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy phục dựng từ bộ môn Tử Vi của lý số (và có lẽ còn nhiều nữa đang chờ đợi được khám phá hoặc chưa được đề cập đến ở đây) . . . tất cả đã liên kết nhau một cách chặt chẽ và có hệ thống như cho thấy trong bức tranh tổng thể H35.  Chặt chẽ và có hệ thống là bởi vì vốn dĩ chúng là một phần của một hệ thống văn hóa.  Hệ thống văn hóa đó là của Việt xưa, là nền văn hóa của một thời huyền vĩ (nói theo ngôn ngữ của NVTA) khi mà Việt còn làm chủ vùng đất mà ngày nay được gọi là Trung Hoa. 



            Bức tranh tổng thể H35 tuy là cho chúng ta thấy được sự liên hệ mật thiết mang tính hệ thống giữa những sản phẩm phục dựng đã được đề cập trong bài viết này nhưng vẫn chưa làm nổi bật lên được sự liên hệ mật thiết theo chiều dọc của lịch sử văn hóa.  Vì vậy, có lẽ chúng ta cần nhìn ở một góc độ khác để thấy cái gọi là hệ thống văn hóa của Việt xưa trên vùng đất Trung Hoa ngày nay.  Và chúng ta sẽ lần theo dấu chân lịch sử của lý thuyết ngũ hành để tái hiện một phần sự thật đó.

            Mãi cho tới bây giờ căn bản của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập vẫn là gói gọn trong “5 loại vật chất cộng với hai quy luật sinh khắc.”   Trong suốt chiều dài tính bằng thiên niên kỷ, từ khi còn là một khái niệm đơn sơ cho tới khi trở thành một lý thuyết đạt tới tầm cao, có thể nói mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập là một mạch lý thuyết của Tàu hoàn toàn khác với mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy của Việt.  Lịch sử phát triển của mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập đã được giải trình trong cuốn Giải Mã Bí Ẩn Trong Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống & Đông Hồ của HHQ.

Truy ngược lại dòng chảy của thời gian, từ những bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống và Ngũ Hổ Đông Hồ của Việt Nam vào thời điểm hiện tại, ngược về thời điểm của bộ môn Tử Vi ra đời trên đất Trung Hoa, rồi ngược về thời điểm của Ngũ Hành Nạp Âm và Lục Thập Hoa Giáp ra đời cũng trên đất Trung Hoa, chúng ta có thể thấy rõ mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Và, như đã nói, nó hoàn toàn khác với mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập.

Mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy không dừng lại ở thời điểm ra đời của Ngũ Hành Nạp Âm và Lục Thập Hoa Giáp.  Bộ môn Tử Vi lẫn Ngũ Hành Nạp Âm và Bảng Lục Thập Hoa Giáp đều có nguồn gốc thiên văn và lịch pháp nên nó đòi hỏi người sáng tạo ra chúng phải có một kiến thức uyên thâm về thiên văn và lịch pháp.  Chính trong Tử Vi Kinh nói Trần Đoàn tiên sinh cũng xác nhận “Bần đạo không phải là người đặt ra khoa này. Nhân người trước đã nói về Tử-vi, bần đạo nhận thấy Dịch-lý, Hình tượng Thiên văn, Lịch-số, Địa-lý đều có uyên nguyên với nhau, mới tước bỏ những rườm rà của người xưa, họp thành khoa Tử-vi mà thần viết trong tập này.”  Ngay cả tranh Ngũ Hổ Hàng Trống cũng cho thấy sự quan trọng của yếu tố thiên văn và lịch pháp.  Như vậy, nối kết mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy vào mạch thiên văn lịch số để tiếp tục truy ngược về nguồn là một điều tự nhiên hợp lý. 

  Theo GS Nguyễn Hữu Quang,[1] Trung Quốc có lịch rất sớm. Khởi đầu là Lịch Can Chi rất phôi thai vào thời Hoàng Đế (lên ngôi năm Giáp Tí 2697 TCN), căn cứ theo các bản đất sét nung còn lưu trữ tại Đại Học Yên Kinh.  Sau đó âm dương hợp lịch ra đời vào thời vua Nghiêu (lên ngôi năm Giáp Thìn 2357 TCN), căn cứ theo Kinh Thư trong thiên Nghiêu Điễn.  Lịch này được phỏng theo Qui Lịch của vua Hùng Vương thứ 3, tức Hùng Lân Lang, căn cứ vào chi tiết trong Thuật Dị Ký 述異記 của sách Thông-chí 通志 (2AL, Q II, Ngũ Đế Kỷ Đệ Nhị, Chí #35, tr. 224) của sử gia Trịnh Tiều (1104-1162).  Sách chép: 

Đào Đường chi thế, Việt Thường quốc hiến thiên tuế thần quy, bối thượng hữu văn, giai khoa đẩu thư, ký khai tịch dĩ lai, Đế mệnh lục chi, vi chi Quy-lịch. 陶唐之世, 越裳國獻千歲神龜,背上有文,皆科斗書,記開闢以來,帝命錄之,謂之龜歷。 

Dịch: “Đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng thần quy ngàn tuổi, trên lưng có văn, đều là chữ khoa-đẩu [chnòng nọc], chép việc từ thuở khai thiên tịch-địa đến bấy giờ, Đế sai chép và gọi là Lịch Rùa.” 

Sách Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý Tường cũng có chép rằng, “năm 2361 trước Công nguyên, tức năm Mậu Thân thứ 5 đời Ðường Nghiêu Sứ thần Việt Thường Thị sang chầu dâng rùa thần".  Theo Kim Lý Tường con rùa gọi là thần quy vì rùa to hơn 4 thước ta [khoảng 1.20 mét], trên lưng có đẩu văn, ghi tổng quát lịch sử cấu tạo vũ trụ và nhân loại từ thuở ban đầu cho tới đời vua Ðường Nghiêu.[2] 
    
Giáo sĩ L.Wieger, một nhà thông thái dòng Tên, cũng ghi nhận "người Tầu đã dựa vào cống phẩm rùa thần mà làm ra Qui Lịch” ( L.Wieger, Hisfoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine, depnis l’ origine jusqu à nos jonrs./ Lịch Sử Tín Ngưỡng Và Quan Điểm Triết Học ở Trung Hoa, Từ Khởi Thủy Cho Đến Thời Đại Chúng Ta, trích dẫn bởi TS. Thái Văn Kiểm).[3]

Cũng trong Kinh Thư, về việc hiến thần qui, “Ðế Nghiêu nhà Ðường sai Hy Thúc giữ việc này suy trác khí hậu ở Nam Giao, điều hòa mọi việc thời tiết sớm muộn về mùa hè... Suy trác cẩn thận để tháng trong Hạ được đúng với thời tiết. Lại phải xem đến việc thay đổi của người và trời đất.” (Lịch Với Lịch Sử Kinh Tế Chính Trị Và Chiến Tranh của Nguyễn Thường, Nghiên Cứu Lịch Sử số 3 (262) tháng 5 & 6-1992, tr.51-59).[4]  

            Như vậy, bên cạnh mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập của Tàu đã tồn tại mạch Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy của Việt dọc chiều dài lịch sử từ thời điểm hiện tại trên đất nước Việt Nam ngày nay ngược về tới thời điểm tối thiểu là 4373 năm trước trên đất nước Việt xưa có tên là Trung Hoa ngày nay.  Và hình H36 ngay phía dưới cho chúng ta thấy rõ hơn về sự tồn tại đồng thời đó của hai mạch lý thuyết ngũ hành này. 



Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy mãi tới đời Khổng Trọng Thư thời nhà Hán thì Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập chỉ mới vừa thành hình và ứng dụng nhiều trong khoa Tử Bình ra đời vào thời nhà Đường (618 – 907) nhưng có lẽ tới thời nhà Tống (960 – 1127) mới đạt được tầm cao của lý thuyết với sự ra đời của Uyên Hải Tử Bình, trong khi đó thì Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy đã đạt tới tầm cao từ thời cuối nhà Châu (550 – 450 TCN), căn cứ vào phương pháp Ngũ Hành Nạp Âm cho 60 hoa giáp để thiết lập Bảng Lục Thập Hoa Giáp.  Nếu kết hợp với thông tin về âm dương hợp lịch để suy diễn thì Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy có lẽ cũng đã đạt tới tầm cao vào thời điểm của Hùng Quốc Vương Lân Lang và lúc đó chắc chắn là kiến thức về thiên văn của người Hán chưa thể sánh với dân Việt Thường.       

Hai mạch lý thuyết cùng tồn tại trong một thời gian dài nhưng mãi cho tới ngày nay có lẽ đây là lần đầu tiên mà sự hiện hữu của hai mạch lý thuyết ngũ hành mới được nói tới trong tác phẩm Giải Mã Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống.  Có lẽ là vì Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy đã được mã hóa và che giấu từ nhiều năm qua, như những bằng chứng cho thấy.    Cuối cùng thì chúng ta phải giải thích thế nào về nguồn gốc tạo ra sự tồn tại đồng thời của hai dòng lý thuyết ngũ hành trong hai nền văn hóa Trung Hoa và Việt Nam?  Theo HHQ thì đáp án nằm ở trên lưng con rùa hiến tặng vua Nghiêu năm xưa, chứng thực bằng di sản văn hóa vật thể Tàu là sử liệu Trung Hoa và di sản văn hoá phi vật thể Việt là câu chuyện huyền thoại Nữ Oa Lấy Đá Vá Trời.  Đây là một gút kết nối của hai mạch văn hóa và ở ngay đầu nguồn của mạch văn hóa Tàu. 

Câu chuyện tặng rùa thần này là một sự kiện lịch sử rất quan trọng.  Nhưng trước khi trình bày nó quan trọng như thế nào thì trước hết chúng ta cần xác định tính chất khả tín của câu chuyện đã.  Bởi vì, nếu câu chuyện  không khả tín thì không có gì đáng để nói tiếp. Nó thực sự là con rùa lớn hay là con đồi mồi, một sản vật từ vùng biển của Việt Thường?  Chúng ta khó có thể xác định.  Nhưng dù là đồi mồi hay là rùa thì kích cỡ 1.2 mét không phải là chuyện khó tin.  Rùa ngàn tuổi cũng không phải là chuyện lạ.  Ngàn tuổi chỉ là một cách nói đoán rằng con rùa có tuổi rất cao nhưng không ai biết chắc nó có từ khi nào.  Vả lại, kích cỡ và tuổi thọ của rùa cũng đã được khoa học xác nhận.  Xác rùa hồ Hoàn Gươm hiện đang được giữ tại đền Ngọc Sơn còn lớn hơn và có tuổi thọ cũng gần một ngàn năm.  Tại sao gọi nó là thần qui?  Lớn vóc và sống lâu chưa đủ để gọi là thần, chỉ đáng với hai chữ thái và thọ mà thôi, do đó giải thích của Kim Lý Tường không thuyết phục.  Có hai giải thích khác.  Một, cho nó là thần là vì nó có cùng “phả hệ” với Thần Kim Qui trong huyền sử Việt.  Hai, cho nó là thần vì trên lưng nó “chép việc từ thuở khai thiên tịch địa đến giờ,” những việc vô cùng thần kỳ, vô cùng cao siêu.  So ra có lẽ là giải thích thứ hai hợp lý hơn cả. Với diện tích bề mặt trên lưng của “thần qui” liệu là có thể “chép việc từ thuở khai thiên tịch-địa đến bấy giờ”?  Chắc chắn là được.  Bao nhiêu diện tích đó dư chỗ để chép xuống vài mô hình có khả năng mô tả sự vận hành của trời đất vạn vật từ thuở khai thiên tịch địa, thí dụ như hai mô hình Tiên Thiên Đồ cộng với Hậu Thiên Đồ đã được phục dựng từ huyền thoại Nữ Oa Lấy Đá Vá Trời hoặc Việt Dịch Đồ của Việt Dịch phục dựng từ 67 lời khẩu quyết, và còn dư chỗ cho một số ghi chú về những mô hình đó. Tóm lại, điều mà chúng ta muốn xác định ở đây là nội dung của câu chuyện hoàn toàn hợp lý và rất đáng tin. 

Sự kiện lịch sử này được HHQ cho là rất quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, chuyện tặng rùa cho vua Nghiêu là một động thái chuyển giao khoa học [hiểu biết về thiên văn, mùa vụ, vân vân] và kỹ thuật [cách làm qui lịch] có tầm chiến lược, dầu là vua quan Việt Thường có ý thức về hệ quả của việc làm này hay không.  Việc chuyển giao kiến thức và kỹ thuật ngày đó đã có hệ quả ra sao có lẽ sử gia của chúng ta và của Trung Quốc vẫn chưa có dịp nhìn lại và đánh giá.  Thứ hai, từ những thông tin trong câu chuyện tặng thần qui này, chúng ta có thể suy luận ra là văn hóa Việt Thường vào thời điểm đó đã ở một tầm cao, ít nhất là về mặt thiên văn, lịch pháp, lý số và nông nghiệp.  Chỉ ở tầm cao đó mới có đủ khả năng để sáng tạo ra những sản phẩm như Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy, Ngũ Hành Nạp Âm, Bảng Lục Thập Hoa Giáp, Tử Vi và còn những thứ khác nữa chưa nói tới.  Thứ ba, từ những thông tin trong câu chuyện tặng thần qui này, nó cho chúng ta thấy là vào thời điểm đó đã có một luồng văn hóa ở tận phương Nam đi ngược lên phương Bắc, ít ra là trong lãnh vực thiên văn, lịch pháp, lý số và nông nghiệp.  Và, căn cứ vào câu chuyện này thì sản phẩm trí tuệ của phương Nam đã đi ngược lên phương Bắc thông qua kênh ngoại giao.  Đồng thời phương Bắc đặc biệt quan tâm và tiếp thu sản phẩm trí tuệ của phương Nam.  Nếu không đặc biệt quan tâm thì sẽ không có chuyện “Đế sai chép” và sai Hy Thúc đi nghiên cứu và học hỏi tận nam giao [phương Nam]. 

Thực tình thì chúng ta không biết chính xác là trên lưng rùa mà Việt Thường tặng cho vua Nghiêu trên 4373 năm trước đã ghi chép những gì.  Nhưng qua sự hiện hữu đồng thời của hai mạch lý thuyết suốt một thời gian dài và qua sự một sự kiện lịch sử làm nên một gút nối chung, được chứng thực bởi lịch sử Tàu và bởi huyền thoại Việt, chúng ta có thể quyết đoán là trong văn bản lạc thư đó đã chứa một mô hình Đồ Dịch tương đương với Việt Dịch Đồ và những ghi chú liên quan.  Và như thế thì chuyện tặng rùa đó cũng có nghĩa là Việt Thường đã giao vào tay người Hoa bản sơ họa của Bát Quái, Hà Đồ, Âm Dương, Ngũ Hành và Dịch Lý.  Bản sơ họa đó đã có một ảnh hưởng nhất định đối với nền văn hóa Trung Hoa mà thí dụ điển hình là người Hán đã làm lịch âm dương phỏng theo qui lịch của vua Hùng, một ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên có sử liệu xác nhận.  Và có lẽ Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập của Tàu là một sản phẩm khác phỏng tác từ bản sơ họa đó. 

Nói một cách khác ngắn gọn về những điểm vừa giải trình: (1) chúng ta thấy lồ lộ dấu ấn Việt trong cội nguồn văn hóa Trung Hoa và (2) chúng ta thấy lồ lộ cái gọi là hệ thống văn hóa của Việt xưa trên vùng đất Trung Hoa ngày nay.   Nói như vậy cũng có nghĩa là nói văn hóa Việt xưa là mẹ đẻ của nền văn hóa Trung Hoa chứ không phải ngược lại như nhiều người đã lầm tưởng.

            Nếu những sản phẩm được phục dựng từ di sản văn hóa Việt không gặp nhau, không nối kết nhau, không tạo ra tính cách hệ thống và không nằm trong một hệ thống thì có lẽ chúng ta còn có thể phủ nhận giá trị của chúng và coi chúng chỉ là những sản phẩm “nói cho vui” hay “nghe xong rồi bỏ.”  Nhưng một khi chúng đã gặp nhau, đã nối kết nhau, đã cho thấy tính cách hệ thống và nằm trong một hệ thống thì chúng ta không thể phủ nhận được giá trị của chúng cũng như phủ nhận giá trị của phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục hồi sản phẩm văn hóa phi vật thể.  Mỗi một sản phẩm và tất cả những sản phẩm văn hóa phi vật thể được phục dựng từ di sản văn hóa phi vật thể rõ ràng là đã được mã hóa một cách tinh vi và có hệ thống để có thể gìn giữ và truyền thừa cho tới ngày hôm nay.  Và rõ ràng chúng là chứng tích, chứng từ, chứng ngôn, chứng cứ, chứng nhận cho sự thật về cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Nếu di sản văn hóa phi vật thể đã được mã hóa một cách tinh vi và có hệ thống thì phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể một cách tinh vi và có hệ thống để phục dựng lại sản phẩm văn hóa phi vật thể có gì là phi khoa học hoặc không giá trị?  Decoding những sản phẩm đã được coded thì sao lại là phi khoa học hoặc không giá trị?  Và con đường giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể rồi cho “xuất thổ” nhằm tái hiện lại diện mạo và cội nguồn văn hóa Việt có gì là không đúng?  Dưới điều kiện địa dư và lịch sử khắc nghiệt, có khi nó lại là con đường hiệu quả và khôn ngoan hơn hết.      



[1] Nguồn Hán Việt Dịch Sử Lược c ủa GS Nguyễn Hữu Quang, Nguyên Giảng Viên Vật Lý Chuyên về Cơ Học Định Đề  (Axiomatic Mechanics, a branch of Theoretical Physics)
tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn trước năm 1975.








No comments:

Post a Comment