Tuesday, January 8, 2013

Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 2 - Hà Hưng Quốc






GIẢI MÃ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ PHỤC DỰNG SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: MỘT CON ĐƯỜNG TÁI HIỆN DIỆN MẠO VÀ CỘI NGUỒN ĐÍCH THỰC CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT. 




Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đó và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện lại bức tranh diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến. “  



tr lại: Giải Mã Di Sản Phi Vật Thể . . . Bài 1


Hậu Thiên Đồ Của Trần Quang Bình: Phục Dựng Từ Huyền Thoại Việt và Phối Kiểm Qua Toán Học
Không phải chỉ có một Nguyễn Thiếu Dũng can đảm sử dụng phương pháp giải mã di sản phi vật thể để phục dựng một sản phẩm phi vật thể nhằm chứng minh cội nguồn Việt của Kinh Dịch.  Trần Quang Bình cũng đã sử dụng phương pháp này để phục dựng lại Hậu Thiên Bát Quái của Việt.  Trong cuốn Kinh Dịch, Sản Phẩm Sáng Tạo Của Nền Văn Hiến Âu Lạc TQB đã giải mã huyền thoại nữ oa lấy đá vá trời như sau:
           
Vào thời Hiên Viên; thần nước Cộng Công (gong=khảm) đánh nhau với thần lửa Chúc Dong. Cộng Công thua trận; húc đầu vào núi Bất Chu; khiến cột trời đổ gẫy. Trời nghiêng về phía Tây Bắc; đất lệch về phía Đông Nam. Nước từ trên trời đổ xuống gây ngập lụt ở khắp nơi. Bà Nữ Oa đốt cỏ Lư thành tro ngăn nước lụt; lấy đá ngũ sắc dưới biển vá trời. Sau đó bắt con rùa lớn đứng đội trời lên. Từ đó; cuộc sống trở lại yên bình.

Ta có:
a. thần nước Cộng Công húc đầu vào núi Bất Chu: kết quả là Cộng Công (gong gong=Thuần Khảm) phải gần Núi=Cấn.
b. Trời nghiêng về hướng Tây Bắc: Càn-Tây Bắc.
c. đất lệch về phía Đông Nam: Khôn-Đông Nam.
d. Nước từ trên trời đổ xuống gây ngập lụt ở khắp nơi. Vậy nước cũng gần Trời. Nếu sắp xếp Trời Tây Bắc, Nước Chính Tây và Núi Tây Nam (do a, b, d mang lại) thì ta thấy e và f không thể lý giải nổi. Vậy Trời Tây Bắc, Nước Chính Bắc và Núi Đông Bắc. Ngoài ra chỉ cần quan sát bình thường thì thấy câu Nước từ trên Trời đổ xuống có nghĩa Nước phải cao hơn Trời vì như thế mới đi qua Trời mà đổ xuống được.
e. Bà Nữ Oa đốt cỏ Lư: Bà Nữ Oa là Khôn đốt cỏ Lư=đốt (ly) cỏ Lư (Ly)=Thuần Ly ngăn nước lụt từ Trời đổ xuống. Vậy Ly bên tay trái của Khôn. Suy ra Ly=chính Nam.
f. thành tro ngăn nước lụt : Ly ở chính Nam ngăn được nước lụt rồi thì nước lụt sẽ nằm ở đâu? Ở đây vấn đề là ngăn nước lụt chứ không phải là tiêu thủy. Vâng, rất đơn giản Nước lụt sẽ tụ lại thành vũng ở gần Ly. Hay ở phía Tây Nam. Tro ngăn nước lụt thì chỉ tạo ra những đầm lầy sền sệt và có nhiều bùn (tro bùn). Như vậy, Đoài chính là Đầm nằm ở phía Tây Nam cạnh Ly Chính Nam. Cỏ Lư chắc có thể là biến âm của cỏ lau hay mọc ở gần ao, hồ, đầm.
g. lấy đá ngũ sắc dưới biển vá trời: Biển kể cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều là phía Đông. Tức khẳng định phía Đông nằm bên tay phải của bà Nữ Oa hay Khôn. Và cũng khẳng định thêm Ly ở bên trái Khôn là chính xác.

Từ những lý giải trên ta nhận được phương vị của 6 quái Hậu Thiên. Thế nhưng tại sao là 6 chứ không phải là 8? Đấy cũng chính là triết lý của Kinh Dịch Việt Nam; bát quái hậu thiên được dựng từ 8 quái nhưng linh hồn là 6 trùng quái bất dịch (bằng chứng hiển hiện của trùng quái là Cộng Công=gong gong=Thuần Khảm, và đốt cỏ (lửa=Ly) Lư (Lửa=Ly)=Thuần Ly). Ở phương vị chính Tây phải là quái kết hợp với Đoài để tạo ra trùng quái bất dịch và tương tự như ở chính Đông. Vậy chúng ta nhận được Tốn chính Tây và Chấn chính Đông. Chúng ta đã giải mã ra một bát quái Hậu Thiên từ truyện trên. Nó hoàn toàn trùng với Bát Quái Âu Lạc trên trống đồng cũng như được xây dựng lại từ Toán học.”

Kết quả giải mã của TQB có thể tóm lược lại trong đồ hình H21.  So sánh Hậu Thiên Đồ H21 của TQB với Hậu Thiên Đồ H22 của Việt Dịch (tác giả HHQ) thì chúng ta dễ dàng nhận ra là hai hình rất giống nhau, ngoại trừ hai quái trên trục Tốn-Chấn là ngược nhau.  Chỉ cần hoán vị một trong hai thì hai đồ hình trở thành một. 



Đã tương đồng với nhau tới mức độ đó tức là kết quả giải mã huyền thoại của TQB và kết quả giải mã 67 lời bí nhiệm trong hai vế “Thái cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng . . .càn khôn vạn vật” và “Thiên nhất sinh Thủy, Địa lục thành chi . . .” trong Việt Dịch của HHQ đã gặp nhau và củng cố cho giả thuyết một Hậu Thiên Đồ nguyên thủy của Việt là có thật và nó phải giống một trong hai hình trên, H21 hoặc H22.  Câu hỏi là hình nào chính xác hơn?

            TQB khẳng định trong tất cả tổng hợp (combinations) của 8 quái thành lập đồ hình mà ông đã dùng lập trình toán học để rà soát thì Hậu Thiên Bát Quái Âu Lạc là đồ hình duy nhất đạt tới 8 chiều đối xứng cao nhất.  HHQ tin rằng TQB nói đúng nhưng đồng thời cũng tin rằng Hậu Thiên Đồ của Việt Dịch cũng đạt tới tầng mức tương xứng với Hậu Thiên Bát Quái Âu Lạc. 

Nói một cách công bình thì tuy cả hai đều là sản phẩm phục dựng từ di sản văn hóa phi vật thể, nhưng Hậu Thiên Đồ của Việt Dịch có cả một chiều dầy hổ trợ.  HHQ đã chứng minh trong nhiều công trình là Hậu Thiên Đồ của Việt Dịch đã “stood all the tests.”  Nói một cách thẳng thắn: nó chưa từng bị kẹt khi phối hợp với những lý thuyết khác để làm thành một tổng thể với các đặc tính xuyên suốt, liên tục, nhất quán, bền vững . . . và dĩ nhiên trong đó có khả năng tiên đoán.  Đặc biệt là nó đã giúp để giải thích thỏa đáng những nghi vấn/ bí ẩn chưa từng được giải thích và chưa từng nghe nói tới trong suốt bao thế kỷ.  Thí dụ như đã giúp giải mã những bí ẩn trong Tử Vi, trong Lục Thập Hoa Giáp, trong Ngũ Hành Nạp Âm, trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống.      

Liệu là có một kết quả giải mã nào khác hơn là kết quả giải mã của TQB có thể giúp giải tỏa những vướng mắc? Câu hỏi này buộc chúng ta phải rà soát lại để tìm đáp án. 

Trong phần giải mã Tốn-Khôn, TQB chỉ cung cấp một dòng ngắn ngủi là “vậy chúng ta nhận được Tốn chính Tây và Chấn chính Đông” ngoài ra không có giải thích nào khác cho biết tại sao Tốn ở hướng Tây và Chấn ở hướng Đông.  Đây là sự khinh xuất đáng tiếc!

Theo HHQ thì vị trí của hai quái trên trục Tốn-Chấn nằm trong câu nói “lấy đá ngũ sắc dưới biển vá trời.  Sau khi vị trí của 6 quái trên 3 trục Khôn-Càn, Khảm-Ly, Đoài-Cấn đã được xác định thì:  (a) “lấy đá ngũ sắc dưới biển” có nghĩa là “dụng Cấn và ngũ hành hướng Đông” để (b) “” có nghĩa là “lấp vào chỗ bỏ trống” và (c) “Trời” có nghĩa là “sâu nhiệm, thần kỳ” cũng có nghĩa là “Bát Quái Hậu Thiên Đồ = Đồ Dịch = Dịch = Đạo Dịch.”  Như vậy thì toàn câu có nghĩa là: lấy Cấn làm mốc, dụng ngũ hành hướng Đông để tìm ra quái lấp vào chỗ trống của Đồ Dịch.  Ngũ hành của hướng chính Đông chính là Đông Mộc thuộc quái Tốn.  Và khi đã xác định được Tốn ở hướng chính Đông nằm cạnh mốc Cấn thì chỗ trống còn lại ở hướng đối diện là dành cho quái Chấn hành Kim phương Tây. 

Liệu kết giải mã này có hợp lý hay không?  Rất hợp lý!  Chỉ nói riêng về bát quái, trong cấu trúc và phân bố các quái của Tiên Thiên Đồ thì Càn, Đoài, Ly, Chấn thuộc một nhóm (số thập phân là 7,6,5,4 và số nhị phân là 111, 110, 101, 100) còn Khôn, Cấn, Khảm, Tốn thì thuộc nhóm đối xứng (số thập phân là 0, 1, 2, 3 và số nhị phân là 000, 001, 010, 011).  Và trong kết quả giải mã này thì chúng cũng nằm đúng nhóm của mình dầu là vị trí các quái có thay đổi.  Nếu đem kết hợp với ngũ hành thì vị trí của Tốn, Chấn được xác định trong Việt Dịch Đồ của Việt Dịch và đã được giải thích rất nhiều trong cuốn Việt Dịch của HHQ.  Chúng ta có thể tìm đọc để phối kiểm.

Còn hai câu cuối cùng có lẽ là quan trọng hơn hết về mặt xác định Hậu Thiên Đồ là của Việt.  Đó là câu “Sau đó bắt con rùa lớn đứng đội Trời lên.”  Giải mã câu này thì nó có ý nghĩa là “Hậu Thiên Đồ Dịch nằm trên lưng con qui.”  Như đã nói Trời đây không phải là Ông Trời cũng không phải là quái Càn.  Trời đây là một tổng thể chứa đựng sự thần kỳ sâu nhiệm. Tổng thể đó là Hậu Thiên Bát Quái Đồ, là Đồ Dịch và sự sâu nhiệm của nó là Dịch, là Đạo Dịch.  Và Đồ Dịch này nằm trên lưng qui.  Cụm chữ “bắt con rùa” cho thấy con rùa tự thân chỉ là một con vật bình thường không có gì đáng để gọi là “thần.”  Nó chỉ đáng gọi là “thần qui” đối với vua quan Đường Nghiêu, như sử Tàu đã ghi, chỉ vì nó “đội Trời” trên lưng và đối với họ thì Trời đó sâu nhiệm đến thần kỳ.  Và câu chuyện kết thúc với câu “Từ đó cuộc sống trở lại yên bình.”  Câu này có nghĩa là “cho đến khi dân Việt khôi phục lại được Đồ Dịch của Việt thì lúc đó đời sống của Việt mới yên bình.” 

Ý nghĩa của hai câu sau cùng có thể còn đi xa hơn khuôn khổ vừa giải trình.  Nếu “Trời” là Đạo Dịch thì Tiên Đạo không xuất phát từ Lão Tử mà nó đã có trước đó rất lâu, có từ lúc Nữ Oa “bắt con rùa đội Trời lên.”  Như vậy, dầu cho các giáo phái tu tiên có do người Tàu lập ra trước tiên đi nữa thì Tiên Đạo cũng vẫn là của Việt.  Và vì Nữ Oa là bà mẹ khai hóa văn minh cho loài người cho nên sự yên bình được nói tới là sự yên bình cho toàn nhân loại.  Một thông điệp lớn hơn trong hai câu cuối là: “cho đến khi dân Việt khôi phục lại được Đạo Dịch của Việt thì lúc đó đời sống của nhân loại mới yên bình.” 
         
Kết quả giải mã của TQB sau khi bổ túc cho hoàn chỉnh hơn được tóm lược trong hình H23.               


Như vậy vướng mắc đã được giải toả.  Dầu là bằng con đường giải mã huyền thoại hay là bằng con đường giải mã 67 chữ trong 2 câu nói bí nhiệm thì kết quả cũng như nhau.  Chỉ có một Hậu Thiên Đồ và nó giống như hình H22/H23.
           
Qua câu chuyện Nữ Oa lấy đá vá Trời, một lần nữa tổ tiên chúng ta đã xác quyết trên lưng thần qui mà Việt Thường đã hiến cho vua Nghiêu hơn bốn ngàn năm trước đã từng ghi chép Đồ Dịch của Việt.  Đồ Dịch là của Việt.  Sự thật này được nhiều nguồn sử liệu Tàu xác nhận.   Trong Trung Thiên Dịch Số, NTD đã viết “. . . di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam đã được tổ tiên chúng ta bí mật cất giữ trong đó: tôi muốn nói đến Kinh Dịch đứa con lưu lạc của Việt Nam đã được Trung Quốc nuôi dưỡng và đã thành danh ở đó.”  HHQ đồng ý với NTD ngoại trừ một điểm: Đồ Dịch mới chắc chắn là đứa con Việt chứ Kinh Dịch thì không chắc.

Và cho đến khi nào chúng ta phục nguyên lại được Đồ Dịch của tổ tiên và thực sự nếm được suối nguồn minh triết bất tận từ Đồ Dịch này thì cuộc sống Việt mới được an bình và cuộc sống nhân loại mới được an bình.  Chúng ta không thể coi nhẹ thông điệp này.  Đặc biệt là trong bối cảnh của ngày hôm nay khi mà nhân loại nói chung và dân Việt nói riêng đang đứng bên bờ vực thẩm vì những lực lượng gây ra phân hóa và tàn hủy đang bao trùm mặt đất nói chung và đất nước Việt nói riêng.  Nó không chỉ là một thông điệp mà còn là một huyền khải, một tiên tri về tương lai của dân tộc và của nhân loại gắn liền với Đạo Dịch.     

Cũng giống như công trình của NTD, học giả TQB bản thân không phải là không hiểu gì về khoa học hoặc phương pháp nghiên cứu khoa học nhưng ông đã chọn phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng một sản phẩm văn hóa phi vật thể và dùng phương pháp toán học để phối kiểm. Công trình của ông không thiếu sự nghiêm túc và sản phẩm ông phục dựng chắc chắn là không thiếu giá trị.      





No comments:

Post a Comment