Tuesday, January 8, 2013

Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 4 - Hà Hưng Quốc






GIẢI MÃ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ PHỤC DỰNG SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: MỘT CON ĐƯỜNG TÁI HIỆN DIỆN MẠO VÀ CỘI NGUỒN ĐÍCH THỰC CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT. 



Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đó và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện lại bức tranh diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến. “  




Ngũ Hành Nguyên Thủy Trong Lục Thập Hoa Giáp: Phục Dựng Từ Qui Luật Ngũ Hành Nạp Âm
Ngũ Hành Đồ và Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy không chỉ có mặt trong Việt Dịch mà nó có mặt trong rất nhiều sản phẩm lý học, mà Bảng Lục Thập Hoa Giáp là một trong số đó.  Trong cuốn Giải Mã Bí Ẩn Lục Thập Hoa Giáp, tuy không phải là chủ ý từ lúc đầu nhưng xuyên qua công trình giải mã HHQ đã nhận diện và phục dựng lại Ngũ Hành Đồ và Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy trong Lục Thập Hoa Giáp. 

Phương pháp Ngũ Hành Nạp Âm là một bí ẩn lớn trong nhiều thiên niên kỷ đối với học giả và danh sư lý số người Hoa.  Sách Khảo Nguyên đã viết “. . . chẳng biết nó ở đâu đến.  Khảo sát rõ nghĩa của nó, đại để là theo lời dạy của tổ tiên lấy ý của Dịch tượng, tức là lý của Tiên Thiên – Hậu Thiên Bát Quái vậy.”[1]  Thiệu Vĩ Hoa, một nhà nghiên cứu gốc Hoa hiện đại và rất nổi tiếng, cũng thừa nhận “Nạp âm ngũ hành trong bảng 60 Giáp Tý căn cứ theo nguyên tắc gì để xác định; người xưa tuy có bàn đến nhưng không có căn cứ rõ ràng và cũng chưa bàn được minh bạch. Do đó vẫn là huyền bí khó hiểu. Bảng 60 Giáp Tý biến hoá vô cùng; đối với giới học thuật của Trung Quốc cho đến nay vẫn là huyền bí khó hiểu.”[2]  Bảng 60 Giáp Tý là một cách gọi khác của bảng LTHG.  Thẩm Quát cũng nói Nạp Âm lục thập Giáp Tí, rất ít người biết nguyên lý của nó.”  

Thẩm Quát giải thích là hành khí Dương bắt đầu ở phương Đông mà xoay vần theo chiều kim đồng hồ còn hành khí âm khởi từ phương Tây mà xoay vần theo chiều ngược kim đồng hồ.  Có thế Âm Dương mới đan xen nhau mà sinh biến hóa.  Theo đó, tiến trình nạp âm [tức là nạp hành khí Âm] sẽ nạp từ Kim rồi tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ theo thứ tự.  Còn phương pháp nạp âm thì khởi đầu là nạp Kim vào Giáp Tí.  Rồi lìa vị trí Giáp Tí đếm 8 [“cách bát”] nạp Kim cho Nhâm Thân, rồi lìa vị trí Nhâm Thân đếm 8 nạp Kim cho Canh Thìn.  Nạp đủ ba lần Kim [“tam nguyên”] xong thì chuyển qua hành Hỏa.  Lìa vị trí Canh Thìn đếm 8 nạp Hỏa cho Mậu Tý, rồi Bính Thân, rồi Giáp Thìn.  Và tiếp tục như vậy cho đến hết 30 năm của nửa chu kỳ đầu.  Rồi quay lại nạp Kim vào Giáp Ngọ cho đến hết 30 năm của nửa chu kỳ sau.  Đủ 60 năm hoa giáp.  Tuân thủ quy luật thứ tự của 5 hành.  Trong mỗi hành tuân thủ quy luật Cách Bát và quy luật Tam Nguyên.  Và, Can Chi vợ nằm sát bên dưới của Can Chi chồng sẽ lấy theo hành khí của Can Chi chồng.  Từng cặp một giống như vậy và cho tất cả.  Tuy Thẩm Quát đã giải thích qui trình nạp âm rất rành mạch nhưng qua một số lời luận giải của ông thì đồng thời cũng bộc lộ cho thấy là bản thân của Thẩm Quát cũng mơ hồ như bao nhiêu danh sư học giả người Hoa khác.  Bởi vì, nếu Thẩm Quát hiểu rõ thì đã không nói “chỗ gọi là khí bắt đầu ở phương Đông nầy là bốn mùa bắt đầu ở Mộc, đi về bên phải chuyển tới Hỏa, Hỏa chuyển tới Thổ, Thổ chuyển tới ở Kim, Kim chuyển tới ở Thủy. Chỗ bảo rằng Âm bắt đầu ở phương Tây nầy là Ngũ Âm bắt đầu ở Kim, chuyển xoay về bên trái tới Hỏa, Hỏa chuyển tới Mộc, Mộc chuyển tới Thủy, Thủy chuyển tới Thổ.  Tại sao?  Bởi vì chỉ với bao nhiêu lời vỏn vẹn nằm ngay trong hai câu nói này đã bộc lộ cho thấy sự lúng túng của ông.  Ở vế đầu “chỗ gọi là khí . . . tới ở Thủy” là phần vận hành thuận chiều kim đồng hồ thì Thẩm Quát vẫn còn nương náu trong quy luật Sinh của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập [qua thứ tự Mộc à Hỏa à Thổ à Kim à Thủy do chính ông xác nhận] nhưng tới vế thứ hai “Chỗ bảo rằng Âm . . . chuyển tới Thổ ” là  phần vận hành nghịch chiều kim đồng hồ thì Thẩm Quát lại phải xuôi theo một quy luật khác [qua thứ tự Kim à Hỏa à  Mộc à Thủy à Thổ] hoàn toàn khác với quy luật Khắc của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập mà Thẩm Quát nương tựa.  Không thể nói là ông không nhìn ra điều này.  Nhưng ông không thể nào ngộ ra được một chút manh mối nào về một quy luật khác” đó.  Ông lại không thể phủ nhận hoặc bỏ đi cái gọi là “một qui luật khác” đó vì nếu phủ nhận thì không còn có cách nào khác để giải thích những quy luật nạp âm làm nên cái cấu trúc của bảng LTHG còn bỏ đi thì không biết phải thay thế bằng cái gì khi mà vòng Khắc của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập đã không có khả năng để giải thích cấu trúc của bảng LTHG.  Thẩm Quát cũng không dám dựa trên quy luật Khắc của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập để sửa đổi bảng LTHG, dầu là ông tin và nương tựa vào lý thuyết đó, vì thực tế chứng minh là bảng LTHG có một giá trị nhất định mới tồn tại được cả ngàn năm qua. 

Lã Hải Tập, cũng giống như trường hợp của Thẩm Quát, tuy là có nắm vững những quy luật nạp âm nhưng bản thân ông lại không hiểu rõ nguyên lý nào đã làm nền tảng cho những quy luật đó.  Vì vậy những giải thích của ông chỉ là “gọt chân cho vừa giày” [theo ngôn ngữ của Nguyễn Vũ Tuấn Anh].  Chỉ trong hai câu vỏn vẹn Thuận hành là Thể của Ngũ Hành, lấy tương sinh làm thứ tự vì vậy dựa theo thứ tự làm Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ.  Nghịch hành là Dụng của Ngũ Hành, đem phù trợ làm gốc . . . vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc, Thủy Thổthì sự mù mờ của ông đã bộc lộ.  Ở vế thứ nhất “Thuận hành là . . . Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ cho thấy quá rõ là Lã Hải Tập nói tới quy luật Sinh của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập và đồng hóa “thuận hành” với “tương sinh”  [Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim].  Ở vế thứ hai “Nghịch hành là . . . Kim, Hỏa, Mộc, Thủy, Thổ tuy ông nói nghịch hành nhưng lại không đồng hóa với “tương khắc.”  Nếu đồng hoá nó với tương khắc thì ông đã không nói “vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc Thủy Thổmà thứ tự này thì không phải là thứ tự của quy luật Khắc của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập [quy luật Khắc của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập phải là Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim = thứ tự Kim, Mộc, Thổ, Thủy, Hỏa].  Còn như muốn hiểu nghịch hành là ngược lại thứ tự của tương sinh thì cũng không phải vì với thứ tự Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ [tưởng tượng 5 hành nằm trên vòng tròn có thứ tự theo chiều kim đồng hồ] thì chiều ngược lại của thứ tự này [ngược lại chứ không phải Khắc] phải là Kim, Thổ, Hỏa, Mộc, Thủy [tưởng tượng 5 hành nằm trên vòng tròn có thứ tự theo chiều ngược kim đồng hồ].  Như vậy, phân tích thế nào đi nữa thì đoạn văn của Lã Hải tập vẫn không che dấu nổi những bất cập và lúng túng.  Càng tệ hơn là ông ta đã nhập nhằng Sinh với Khắc trong đoạn Nghịch hành là Dụng của Ngũ Hành, đem phù trợ làm gốc. Như Kim nhân Hỏa bắt đầu mà có thể thành hữu dụng, Hỏa tất bắt đầu từ Mộc mới có thể phát sinh, Mộc không có Thủy tức không được phong phú tốt tươi, Thủy hẳn thác gửi vào Thổ mới có thể dừng mà tích giữ được thành sông nước, vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc, Thủy Thổ.để cố gắng đi đến “vì vậy thứ tự đó là Kim Hỏa Mộc Thủy Thổ.  Lập luận kiểu đó là khiên cưỡng và gian lận, chưa nói tới những điều sai bét khác nằm trong những câu nói trên.  Rõ ràng là một cố gắng rất . . . tuyệt vọng. 

Trong những người nghiên cứu về quy luật nạp âm của LTHG có một số rất thành thật và đã không ngại công khai sự mù mờ của mình, trong đó thì có Lý Quang Địa.  Trong sách Khảo Nguyên ông đã viết: Nạp Âm Ngũ Hành bắt đầu Kim, thứ đến Hỏa, thứ đến Mộc, thứ đến Thủy, thứ đến Thổ, đã không có gốc đầu - cuối của nó, lại không dùng sinh khắc, vì vậy thuyết nầy chẳng biết nó ở đâu đến. Khảo sát rõ nghĩa của nó, đại để là theo lời dạy của tổ tiên lấy ý của Dịch tượng, tức là lý của Tiên Thiên – Hậu Thiên Bát Quái vậy.”  Trong đoạn văn ngắn này Lý Quang Địa xác nhận 4 điều: Thứ nhất, cụm chữ “Nạp Âm Ngũ Hành bắt đầu Kim, thứ đến Hỏa, thứ đến Mộc, thứ đến Thủy, thứ đến Thổxác định thứ tự của ngũ hành trong nạp âm là Kim tới Hỏa tới Mộc tới Thủy tới Thổ; Thứ hai, cụm chữ “không có gốc đầu-cuối của nó xác định thứ tự của ngũ hành trong nạp âm là theo cấu trúc của một vòng tròn; Thứ ba, cụm chữ lại không dùng sinh khắc xác định là lý thuyết ngũ hành phổ cập không có chỗ đứng trong LTHG; Thứ tư, cụm chữ thuyết này chẳng biết nó ở đâu đến xác định là toàn bộ kiến thức chứa đựng trong tất cả Hán thư không thể giải thích về cái vòng tròn Kim à Hỏa à Mộc à Thủy và cuối cùng là Thổ.  

Nói tóm lại là học giả và danh sư lý số người Hoa đưa ra làm thí dụ ở trên đều tự thú nhận là họ không biết nguồn gốc của Ngũ Hành Nạp Âm và tự bộc lộ cho thấy Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập không có chỗ đứng trong Lục Thập Hoa Giáp. 

Tại sao?  Tại vì người Hoa không phải là chủ nhân “đích thực” của lý thuyết ngũ hành “thứ thiệt” như nhiều người đã tin và đã muốn tin.  Chính vì điều này mà học giả NVTA của Việt Nam đã có nhận xét “bảng nạp âm hoa giáp 60 năm . . . cũng không tránh khỏi một hiện tượng chung cho tất cả các phương pháp ứng dụng khác của thuyết Âm Dương Ngũ hành là không có một nguyên lý lý thuyết làm tiền đề cho sự tồn tại của nó. Và là một điều bí ẩn trải hàng ngàn năm - Kể từ khi nền văn hiến vĩ đại của người Lạc Việt sụp đổ ở miền nam sông Dương Tử.”  Và ông mạnh miệng cho rằng “Bức màn huyền bí của văn minh Đông phương chỉ có thể được hé mở khi tìm về cội nguồn đích thực của nó là lịch sử 5000 văn hiến của người Lạc Việt.[3] 

Tuy cái vòng tròn Ngũ Hành Nạp Âm ngược kim đồng hồ theo thứ tự Kim-> Hỏa-> Mộc-> Thủy-> Thổ  là một bí ẩn đã làm nhọc trí những học giả và danh sư lý số người Hoa nhưng công việc giải mã để xác định căn cước của nó thì chẳng có gì là khó nhọc cả.  Nếu được trang bị với Việt Dịch bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy đồ hình và lý thuyết “ngũ hành ngoại đạo” đó chính là Ngũ Hành Đồ Nguyên Thủy và Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy ẩn trong Việt Dịch Đồ.  Như cho thấy trong hình H31.  Tương sinh hai chiều là dấu ấn của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Ngũ Hành Nạp Âm trong Lục Thập Hoa Giáp chính là chiều sinh ngược kim đồng hồ của Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Nạp âm tức là nạp theo dòng hành khí ngược kim đồng thể hiện trong Việt Dịch Đồ.  Hai dòng hành khí chuyển dịch ngược chiều nhau trong Việt Dịch Đồ là một dấu ấn đặc thù của Việt Dịch. 



Muốn nói là Ngũ Hành Đồ Nguyên Thủy và Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy được phục dựng từ Ngũ Hành Nạp Âm trong Lục Thập Hoa Giáp cũng được hoặc nói nó phục dựng từ khẩu quyết 67 lời cũng được vì sản phẩm được phục dựng không hai không khác.  

Công trình giải mã những bí ẩn trong Bảng Lục Thập Hoa Giáp không những khám phá và phục dựng lại Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy mà còn khám phá ra gốc gác của người trước tác Bảng Lục Thập Hoa Giáp.  Kết hợp Bảng Lục Thập Hoa Giáp với chiếc chìa khóa Hậu Thiên Bát Quái trong Việt Dịch Đồ cho ra 30 cụm thông tin thuộc vào thành 5 nhóm đã tiết lộ cho thấy bức chân dung của vùng đất và nền văn hóa của người làm ra Bảng Lục Thập Hoa Giáp.    Bản địa đó nằm ở vùng duyên hải, có nhiều núi lửa, khí hậu nhiệt đới nhiều mưa và ẩm, có sông lớn và đồng bằng canh tác lúa nước, có một nền công nghệ chế tác dụng cụ kim loại phục vụ cho nông nghiệp, có văn hóa táng liệm bằng mộ thuyền, có một trình độ kỹ thuật rất cao —đừng quên rằng biết cách chọn lựa những thông tin quan trọng và sắp xếp những thông tin đó một cách khéo léo rồi đem mã hóa thành một sản phẩm tuyệt vời chính là kỹ thuật rất cao— và còn nhiều yếu tố khác để giúp xác định xuất xứ.  Không cần nói chúng ta cũng tự hiểu bản địa đó nằm ở đâu.                          
 
Kết hợp Lục Thập Hoa Giáp với Việt Dịch Đồ để giải mã không phải là “làm càn” vì như Lý Quang Địa đã xác nhận: Muốn “khảo sát rõ nghĩa của nó, đại để là theo lời dạy của tổ tiên lấy ý của Dịch tượng, tức là lý của Tiên Thiên – Hậu Thiên Bát Quái vậy.”   Lục Thập Hoa Giáp là lý sự của thế giới hậu thiên.  Mà Hậu Thiên Đồ chính thống của Việt thì nằm trong câu chuyện Nữ Oa lấy đá vá Trời đã được TQB giải mã tìm thấy và trong 67 lời khẩu quyết bí nhiệm được HHQ giải mã tìm thấy.  Không có Hậu Thiên Việt Dịch Đồ thì không thể nào giải mã được Lục Thập Hoa Giáp của Việt.   

Như chúng ta đã thấy, sản phẩm văn hóa phi vật thể được phục dựng lại từ di sản phi vật thể đã trỏ ngón tay về phía cội nguồn Việt.  Tổ tiên của chúng ta nói rằng Bảng Lục Thập Hoa Giáp là của Việt, Ngũ Hành Đồ Nguyên Thủy là của Việt, Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy là của Việt, phương pháp Ngũ Hành Nạp Âm là của Việt, Đồ Dịch là của Việt, Đạo Dịch là của Việt, Lý Thuyết Âm Dương là của Việt, Âm Dương Lịch Pháp là của Việt, nền văn minh lúa nước là của Việt, những kỹ thuật tiên tiến vào thời đó là của Việt.  Và những điểm này đều có chứng cứ hổ trợ.  

Công trình giải mã những bí ẩn trong Lục Thập Hoa Giáp thêm một lần nữa cho thấy phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hoá phi vật thể có một giá trị nhất định và chính sản phẩm được phục dựng từ phương pháp giải mã cũng có một giá trị nhất định. 
   



[1] Trích trong Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Trung Tâm Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương
[2] Tái trích: Chu Dịch và Dự Đoán Học của Thiệu Vĩ Hoa, trang 68, NXB Văn Hoá Thông Tin 1996. Nguồn: Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Trung Tâm Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương. 
[3] Nguồn: Bí Ẩn 60 Hoa Giáp của Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Trung Tâm Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương.

No comments:

Post a Comment