Tuesday, January 8, 2013

Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . .Bài 1 - Hà Hưng Quốc





GIẢI MÃ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ PHỤC DỰNG SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: MỘT CON ĐƯỜNG TÁI HIỆN DIỆN MẠO VÀ CỘI NGUỒN ĐÍCH THỰC CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT.  





Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đó và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện lại bức tranh diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến. “  


Trung Thiên Đồ của Nguyễn Thiếu Dũng:
Phục Dựng Từ Huyền Sử Việt
Một trong những công trình nghiên cứu tâm đắc của Nguyễn Thiếu Dũng (NTD) là phát hiện Trung Thiên Đồ ẩn bên sau huyền sử Việt qua câu chuyện của Lạc Long Quân và Âu Cơ.  Theo ông Trung Thiên Đồ là chiếc chìa khóa để hiểu vì sao Kinh Dịch Chu Văn được sắp xếp theo thứ tự của nó như chúng ta biết cũng như để hiểu chính xác hơn về nội dung của kinh.  Trong bài Trung Thiên Dịch Số tác giả NTD đã viết:

Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ là một huyền sử về nguồn gốc dân tộc "Con Rồng cháu Tiên", một thông điệp về tình đoàn kết, nghĩa yêu thương giữa các dân tộc anh em, đồng bào mà còn chứa đựng một thông tin về di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam đã được tổ tiên chúng ta bí mật cất giữ trong đó: tôi muốn nói đến Kinh Dịch đứa con lưu lạc của Việt Nam đã được Trung Quốc nuôi dưỡng và đã thành danh ở đó. Nếu chúng ta kết hợp những thông tin nằm rải rác trong các truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, truyện Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh ta sẽ thiết lập được một Trung Thiên Đồ mà người Trung Quốc chưa hề biết đến. Theo Kinh Dịch, Lạc Long Quân thường được nhân dân gọi là Bố mỗi khi có việc cần giúp đỡ có thể ký hiệu bằng quẻ Càn có tượng là vua, là cha. Lạc Long Quân thường sống ở Thuỷ phủ ký hiệu là quẻ Khảm có tượng là nước. Lạc Long Quân diệt được Hồ tinh là con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm ở đầm Xác Cáo nay là Hồ Tây, sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Đoài tức quẻ Trạch có tượng là đầm. Đất Phong Châu thời Thượng cổ có cây Chiên đàn sống hàng ngàn năm, chim hạc thường đến đậu ở đấy nên nơi đó còn gọi là đất Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), lâu ngày cây hoá thành yêu tinh dân gọi là thần xương cuồng, Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ra sức đánh đuổi, cứu dân thoát khỏi sự bức hại của xương cuồng.  Sự kiện này có thể ký hiệu bằng quẻ Tốn còn gọi là quẻ Phong có tượng là mộc. Lạc Long Quân cũng có công diệt được ngư tinh, con yêu ngư xà ăn thịt người, chuyện này cũng thuộc quẻ Khảm ký hiệu ở trên. Truyền thuyết thường nói chung là Lạc Long Quân (quẻ Càn) diệt hồ tinh (quẻ Đoài), diệt mộc tinh (quẻ Tốn), diệt ngư tinh (quẻ Khảm) để cứu dân, từ đó ta đã có được một vế của Trung Thiên Đồ: Càn - Đoài - Tốn - Khảm. Theo truyền thuyết Lạc Long Quân nói với Âu Cơ (được tôn xưng là Quốc mẫu, là mẹ, ký hiệu là quẻ Khôn): (1, tr 30). Như thế là truyền thuyết đã xác định rất rõ tính cách tương phản giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Long Quân thuộc quẻ Khảm (Thuỷ) thì Âu Cơ thuộc quẻ Ly (Hoả). Truyền thuyết kể tiếp: "Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc) suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang". Lên Phong Châu là lên núi ký hiệu là quẻ Cấn có tượng là núi, tôn người con cả ký hiệu là quẻ Chấn vì Chấn có tượng người con trưởng. Ta lại có thêm vế thứ hai của Trung Thiên Đồ: Ly - Cấn - Chấn - Khôn. Đến đây ta đã khai quật được Trung Thiên Đồ từ lớp ngôn ngữ truyền thuyết, các quẻ xếp theo thứ tự Càn - Đoài - Tốn - Khảm - Ly - Cấn - Chấn - Khôn theo chiều ngược kim đồng hồ. . . . Nhờ có Trung Thiên Đồ ta có thể đọc lại Kinh Dịch một cách chính xác hơn, điều này nghe có vẻ nghịch lý vì ta làm sao thông thạo ngôn ngữ Trung Hoa hơn người Trung Hoa được, nhưng vì ta có Trung Thiên Đồ là la bàn tổ tiên ta dựa vào đấy để viết các lời hào nên chúng ta có cách đọc thuận lợi hơn.”

Như vậy Trung Thiên Đồ mà NTD đã bỏ công giải mã để phục dựng lại từ huyền sử Việt theo lời ông mô tả sẽ giống như hình H1 và H1B.



Từ hình H1B chúng ta dễ dàng nhận ra nó rất giống hình H2B, ngoại trừ chi tiết được khoanh trong vòng đỏ.


Hình H2B là một đồ hình phái sinh của Tiên Thiên Đồ H2 (Tiên Thiên Bát Quái).  Bốn trục của Tiên Thiên Đồ H2 phân bố lại theo thứ tự ngược kim đồng hồ, liên tục, liền nhau và từ âm tới dương đã làm nên cấu trúc H2B.  Khái niệm phân bố theo trục trong cấu trúc của H2B hoàn toàn khế hợp với khái niệm trục trong Việt Dịch của Hà Hưng Quốc.  Và như Việt Dịch đã viết, bốn trục của Tiên Thiên Đồ đại diện cho 4 Tượng: tượng không gian Càn-Khôn, tượng năng lượng Khảm-Ly, tượng vật chất vô hình Tốn-Chấn, và tượng vật chất hữu hình Cấn-Đoài.  Tuy tạm gọi H2B là Tiên Thiên Đồ Phái Sinh nhưng thực ra phải nói H2B chính là tiền thân của Tiên Thiên Đồ H2 thì đúng hơn vì nó mô tả 2 Động Lực (Âm Dương/ Lưỡng Nghi) và 4 Nguyên Tố (4 Trục/ Tứ Tượng) trước khi thể hiện thành 8 Quái (Bát Quái). 

Hình H1B khác với hình H2B ở chỗ là vị trí hai quái Cấn-Tốn trong hình H2B bị đảo ngược lại trong hình H1B.  Do đó, tạo thành cặp Cấn-Chấn với 2 dương (+) và cặp Tốn-Đoài với 2 âm (-).  Nói một cách khác là Trung Thiên Đồ H1B của NTD không chính xác tuân theo qui luật “xếp theo thứ tự ngược kim đồng hồ, liên tục, liền nhau và từ âm tới dương” như là H2B.      

            Nếu như H1B hoàn toàn giống với hình H2B thì chúng ta có thể nói là NTD “có cơ sở” để gọi H1B là Trung Thiên Đồ vì nó thực sự là một đồ hình phái sinh của Tiên Thiên Đồ và có thể đứng làm trung gian nối kết Tiên Thiên Đồ với Hậu Thiên Đồ hoặc kết nối Đồ với Kinh.  Nếu như Trung Thiên Đồ của NTD đúng là một trong những đồ hình phái sinh của Tiên Thiên Đồ và nếu như có thể chứng minh được đúng là nó đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thành lập 64 quẻ của Kinh Dịch Chu Văn thì phương pháp giải mã huyền sử Việt để phục dựng lại di sản văn hóa phi vật thể của Việt không phải là một phương pháp có thể dễ dàng bị gạt bỏ như nhiều người đã nghĩ.  Không dễ gạt bỏ được vì một sản phẩm phi vật thể được phục dựng từ di sản phi vật thể không hẳn là một sản phẩm thiếu giá trị và cũng không phải là một sản phẩm lấy ra từ chiếc nón của ảo thuật gia.  Không dễ gạt bỏ vì phương pháp giải mã để phục dựng lại một sản phẩm phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể trong một công trình nghiên cứu không hẳn là thiếu sự nghiêm túc và thiếu tính khoa học. 

Khoa học nhân văn không giống như khoa học vật lý.  Nó là khoa học mềm.  Những nghiên cứu trong khoa học mềm có giá trị khoa học nằm ở chỗ “action grounded.”  Mà những di sản văn hóa phi vật thể nói chung, và huyền sử Việt nói riêng, lại chính là kết tinh của tất cả “actions” của một dân tộc.  Giải mã di sản văn hóa phi vật thể chính là “action grounded.”  Mỗi bản phục dựng chính là công trình hình thành từ “action grounded theory.”  Và nếu như bản phục dựng được “tested” và “hold water” thì bản phục dựng lẫn “theory” ẩn phía sau nó có thể được coi là có giá trị, cho đến khi ai đó có thể chứng minh ngược lại, và đến lúc đó thì chúng ta mới có thể gạt bỏ bản phục dựng đó vì nó đã thực sự bị mất giá trị chứ không phải vì xuất xứ của nó là sản phẩm được phục dựng từ di sản văn hóa phi vật thể hoặc vì phương pháp phục dựng nó là phương pháp mềm. 

Một vật thể rắn, thí dụ như một cục đá, nếu chạm vào một người có thể ra gây tổn thương thì người ta không thể không nghiêm túc công nhận giá trị thực dụng của cục đá đó.  Một luồng âm thanh chạm vào một người có thể gây ra tổn thương thì người ta không thể không nghiêm túc công nhận giá trị thực dụng của luồng âm thanh đó.  So với cục đá là một vật thể rắn, âm thanh tuy là “phi vật thể” hay “ảo” [so sánh tương đối] nhưng tác động của nó không ảo.  Bản chất khoa học cứng và khoa học mềm cũng như thế.  Phương pháp giải mã để phục dựng lại một sản phẩm phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể tuy có khác với phương pháp thử nghiệm vật thể trong phòng thí nghiệm để tái lập [phục dựng] kết quả của một công thức cho ra một loại vật thể ứng dụng vào công nghệ, nhưng không vì thế mà người ta có thể tự động kết luận hay vội vã kết luận phương pháp giải mã để phục dựng [tái lập] lại một sản phẩm phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể là một phương pháp thiếu nghiêm túc hoặc phi khoa học              

Bên sau huyền thoại nào cũng có ẩn chứa sự thật hoặc đạo lý.  Nếu không có sự thật hoặc đạo lý ẩn chứa bên trong, nó đã không theo dòng sống của một dân tộc suốt một thời gian dài tính bằng nhiều thiên niên kỷ.  Hay nói một cách khác, nó đã không sống sót để trở thành huyền thoại.  Nếu chúng ta cho rằng huyền thoại của dân tộc chỉ là huyền thoại không hơn không kém tức là chúng ta đã cho rằng tiền nhân bảo quản và truyền thừa huyền thoại cho chúng ta chỉ vì chúng đơn thuần là huyền thoại.  Nói một cách khác không quanh co, nó có nghĩa là tiền nhân của chúng ta ngu si đến mức bảo quản mấy ngàn năm để giao lại những thứ “tầm phào” cho chúng ta.  Có thật là vậy không?  Có thật là tiền nhân chúng ta đần độn, ngớ ngẩn tới mức như vậy không?  Hay là họ đã giao vào tay chúng ta một di sản văn hóa vô giá như NTD đã nói? 

Cá nhân HHQ tin là bên sau huyền thoại nào cũng có ẩn chứa sự thật và đạo lý.  Vấn đề là chúng ta có đủ bản lãnh bóc được lớp vỏ huyền thoại để cho sự thật và đạo lý hiển lộ ra hay không mà thôi.  Nếu chấp nhận tiền đề này thì chi tiết bất đồng giữa Trung Thiên Đồ H1B của NTD và Tiên Thiên Đồ Phái Sinh H2B đáng cho chúng ta phải quan tâm và điều tra tại sao có sự khác biệt này. 

Liệu là có một kết quả giải mã nào khác hơn là kết quả giải mã của NTD có thể giúp giải tỏa vướng mắc?  Không quá khó để tìm ra đáp án!  Sau khi rà soát lại luận giải của NTD, một vài điểm được phát hiện.  Thứ nhất, NTD giải rằng Mộc Tinh (thần Xương Cuồng) thuộc quái Phong (Tốn) có tượng là Mộc.  Nhưng căn cứ theo Việt Dịch Đồ của Việt Dịch thì hướng Đông Mộc gồm có hai quái Tốn Giáp và Cấn Ất.  Tuy cùng là hành Mộc nhưng Tốn Giáp là hành Mộc của cây non còn Cấn Ất là hành Mộc của cây già.  Bản chất của Mộc Tinh là cây Chiên Đàn ngàn tuổi nên Mộc Tinh phải được giải là hành Mộc của cây già thuộc quẻ Cấn tượng núi.  Thứ hai, NTD giải rằng “lên Phong Châu là lên núi, ký hiệu là quẻ Cấn.”   Trong luận giải này NTD đã đổi phương pháp giải mã từ chỗ nối kết với “chìa khóa chữ” (key word) qua chỗ nối kết với “phương hướng, địa hình” và từ chỗ nối kết trực tiếp qua chỗ nối kết gián tiếp.  Nói một cách khác, nếu đã giải mã câu chuyện Lạc Long Quân diệt Hồ Tinh thuộc quái Đoài, diệt Mộc Tinh thuộc quái Cấn, diệt Ngư Tinh thuộc quái Khảm thì lên Phong Châu phải là quái Tốn sẽ hợp lý hơn thay vì suy diễn Phong Châu ở hướng Tây trên núi để rồi dẫn tới quái Cấn.  Thực ra thì NTD cũng đã giải Phong Châu là “quẻ Tốn” trong phần giải mã Mộc Tinh.  Sử dụng danh xưng Phong Châu hai lần --lần trước thì giải là Gió Tốn còn lần này thì giải là Núi Cấn— cho hai nhóm khác nhau cũng là một trở ngại khác trong cách giải mã của NTD vì thiếu sự nhất quán.  Nói tóm lại, lên Phong Châu nên được giải là quái Tốn tượng Gió.

            Kết quả giải mã trước đây của NTD sau khi được điều chỉnh lại như vừa trình bày có thể tóm gọn trong một đồ hình giống như H4 và H4B.                            
              



Với hình H4 và H4B chúng ta có thể thấy 4 cặp quái Khôn-Càn, Đoài-Cấn, Khảm-Ly, Tốn-Chấn xếp theo thứ tự ngược kim đồng hồ, liên tục, liền nhau và từ âm tới dương.  Hay nói một cách khác, Trung Thiên Đồ H4B của NTD phục dựng (và sau khi được HHQ hoàn chỉnh) chính xác là một đồ hình phái sinh của Tiên Thiên Đồ như cho thấy trong hình H2B.


           
NTD gọi đồ hình do ông phục dựng là Trung Thiên Đồ và cho nó là chìa khóa để giải thích thứ tự và nội dung của Kinh Dịch Chu Văn không phải là không có lý, vì Trung Thiên Đồ bản chất vốn không phải là một đồ hình nguyên sinh, như TTBQ hoặc HTBQ, mà là một đồ hình phái sinh của Tiên Thiên Đồ theo một qui luật thành lập cấu trúc rất chặt chẽ.  Khác với Tiên Thiên Đồ là một mô hình (a model) mô tả khởi nguyên của vũ trụ cùng qui luật vận hành vật lý và Hậu Thiên Việt Dịch Đồ là một mô hình (a model) mô tả thế giới hậu thiên vi diệu sinh hoá cùng qui luật vận hành sinh hóa, Trung Thiên Đồ bản chất là một bản đồ (a directive map/ relational map) chứa đựng thông tin nối kết giữa Đồ với Kinh. 

Trung Thiên Đồ của NTD có phải là một sản phẩm lấy ra từ chiếc nón của ảo thuật gia?  Hay nó là một sản phẩm nằm trong một hệ thống văn hóa phi vật thể và tự thân cũng đã mang tính hệ thống?  Chính xác thì Trung Thiên Đồ của NTD nối kết Đồ nào với Kinh nào?  Những câu hỏi này buộc chúng ta phải khảo sát lại tất cả những Kinh Dịch và Đồ Dịch để tìm đáp án.


          
            Toàn bộ Kinh Dịch Chu Văn bản phổ thông được sắp xếp theo thứ tự như trong hình H5.  Thượng kinh mở đầu với hai quẻ thuần Càn, thuần Khôn (quẻ thứ 1, 2) và kết thúc với hai quẻ thuần Khảm thuần Ly (quẻ thứ 29, 30).  Hạ kinh mở đầu với hai quẻ Đoài-Cấn Trạch Sơn Hàm, Chấn-Tốn Lôi Phong Hằng (quẻ thứ  31, 32) và kết thúc với hai quẻ Khảm-Ly Thủy Hỏa Ký Tế, Ly-Khảm Hỏa Thủy Vị Tế (quẻ thứ 63, 64). 

Tuy là những quẻ mở đầu và kết thúc ở thượng kinh và hạ kinh có phần gắn kết với Trung Thiên Đồ của NTD như ông đã chỉ ra, nhưng sự gắn kết này vẫn không đủ sức thuyết phục vì rõ ràng là thiếu chặt chẽ và không xuyên suốt 64 quẻ.  Càng nhìn sâu vào tổng thể chúng ta sẽ càng dễ cảm nhận ra sự sắp xếp tùy tiện và hỗn độn của Kinh Dịch Chu Văn bản phổ thông.        

            Đưa ra nhận xét Kinh Dịch Chu Văn bản phổ thông bị “sắp xếp một cách tùy tiện và hỗn độn” có lẽ sẽ gây dị ứng đối với nhiều người.  Nhưng những khảo sát tiếp theo sau sẽ cung cấp chứng cứ khách quan cho nhận xét trên.

Kinh Dịch Phục Hy thành lập do sự chồng quái của Tiên Thiên Đồ.  Nhưng nói như thế thì vẫn chưa nói đúng bản chất của nó.  Phải nói cho chính xác là do Tiên Thiên Đồ ráp với Tiên Thiên Đồ mà hình thành 64 quẻ theo thứ tự và qui trình đó được tiến hành như sau:



  1. Trước tiên là nội quái Khôn của Tiên Thiên Đồ A (TTBQ_A) ráp với ngoại quái Khôn của Tiên Thiên Đồ B (TTBQ_B), hình thành quẻ Thuần Khôn (quẻ số 0 thập phân, quẻ 000000 nhị phân). Sau đó TTBQ_B chuyển động, ngoại quái chuyển dịch từ quái Khôn qua Cấn, Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoài, Càn tức là chuyển dịch theo quỷ đạo hình chữ S, cũng là chuyển dịch theo thứ tự số nhị phân từ 000 tới 111 (số thập phân là từ 0 tới 7).  Như vậy nội quái Khôn bất dịch còn ngoại quái biến dịch, theo đó thứ tự thành lập 8 quẻ, từ quẻ 0 tới quẻ 7, như sau:


  1. Kế tiếp, ngoại quái Khôn của TTBQ_B ráp với nội quái Cấn của TTBQ_A.  Sau đó ngoại quái cũng chuyển dịch từ Khôn qua Cấn, Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoài, Càn.  Như vậy, nội quái Cấn của TTBQ_A bất dịch còn ngoại quái biến dịch thứ tự thành lập 8 quẻ, từ quẻ 8 tới quẻ 15, như sau:


  1. Lập lại qui trình trên, TTBQ_B tiếp tục ráp với nội quái Khảm, Tốn, Chấn, Ly, Đoài, Càn theo thứ tự hình thành quẻ số 16 cho tới quẻ cuối số 63 là quẻ Thuần Càn.  Và toàn bộ Kinh Dịch Phục Hy được tóm gọn trong hình H9.


            Đặc tính của toàn bộ sự vận động mà chúng ta nhìn thấy được là “nội tịnh ngoại động” hay chính xác hơn là nội Tiên Thiên Đồ (TTBQ_A) thì tịnh còn ngoại Tiên Thiên Đồ (TTBQ_B) thì động, đúng theo nguyên lý âm dương “nhất tịnh nhất động chi vị đạo.”  Tịnh và động ở đây chỉ là sự so sánh tương đối chứ kỳ thực cả hai đều cùng chuyển động chỉ khác ở chỗ nội TTBQ_A chuyển động rất chậm (tỉ lệ 1:8) so với ngoại TTBQ_B cho nên nói là “nội tịnh ngoại động.” 



Nếu xếp 32 quẻ thượng kinh, từ quẻ số 63 xuống quẻ số 32, và 32 quẻ hạ kinh, từ quẻ số 0 lên tới quẻ số 31, thì chúng ta có được một vòng tròn như trong hình H10.  Hình vòng tròn này là biểu trưng của một nguyên lý thể hiện thành mặt đối lập, cùng một nguyên lý với cách phân bố các đơn quái trong tiến trình thành lập Tiên Thiên Đồ đã được trình bày trong Việt Dịch của Hà Hưng Quốc.  Tuy hai nửa đối lập nhau, nửa bên trái từ trên xuống và nửa bên phải từ dưới lên, nhưng cả hai lại được vận hành bởi cùng một động lực chiều ngược kim đồng hồ. 

Còn nếu xếp theo thứ tự liên tục từ quẻ số 0 tới quẻ số 63 mà vẫn thể hiện hai mặt âm dương đối lập thì chúng ta có được một chữ S như trong hình H11 hoặc một Lưỡng Nghi như trong hình H12.  Chưa thấy ai xếp Kinh Dịch Phục Hy như hình H11 và H12 như HHQ đã trình bày ở đây.  Giá trị của hai hình này, đặc biệt là H12, thể hiện lý thuyết âm dương rõ rệt hơn hết và đúng với nội dung hình thành Tiên Thiên Đồ được trình bày trong cuốn Việt Dịch của Hà Hưng Quốc.

           

Như chúng ta đã thấy, Kinh Dịch Phục Hy được sắp xếp rất mạch lạc theo một qui trình rất chặt chẽ.  Và trong tiến trình từ Tiên Thiên Đồ Dịch tới Phục Hy Kinh Dịch, chúng ta không thấy bóng dáng Trung Thiên Đồ của NTD. 

Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Dương Đôi được sắp xếp như trong hình H13.  Thứ tự của 64 quẻ trong bản Mã Vương Đôi hoàn toàn khác với thứ tự 64 quẻ trong bản phổ thông, mặc dầu cả hai cùng là Kinh Dịch Chu Văn.    



Quan sát toàn bộ kinh, đặc biệt là 8 quẻ đầu, từ thứ 1 tới thứ 8, và 8 quẻ cuối, từ thứ 57 cho tới thứ 64, chúng ta dễ dàng nhận ra qui luật thành lập thứ tự của 64 quẻ và qui luật đó như sau:  
  1. Nội quái chuyển dịch nhanh theo thứ tự Càn, Khôn, Cấn, Đoài, Khảm, Ly, Chấn, Tốn.  Ngoại quái chuyển dịch chậm (tỉ lệ 1:8) theo thứ tự Càn, Cấn, Khảm, Chấn, Khôn, Đoài, Ly, Tốn. 
  2. Trước tiên nội quái Càn ráp với ngoại quái Càn.  Nội quái dịch chuyển từ Càn sang Khôn và đi hết một vòng tới Tốn.  Khi nội quái trở lại Càn thì ngoại quái chuyển qua Cấn.  Nội quái lại dịch chuyển từ Càn sang Khôn và đi hết một vòng tới Tốn.  Khi nội quái trở lại Càn thì ngoại quái lại chuyển qua Khảm.  Cơ trình cứ lập lại như thế cho đến khi ngoại quái đi hết một vòng tới Tốn và nội quái đi hết vòng cuối cùng chấm dứt tại Tốn.
  3. Sau đó tất cả các trùng quái được chuyển vị ra đầu dòng lề trái.  

Cũng giống như nhưng ngược lại với Kinh Dịch Phục Hy, đặc tính của toàn bộ sự vận động mà chúng ta nhìn thấy được là “nội động ngoại tịnh” đúng theo nguyên lý âm dương “nhất tịnh nhất động chi vị đạo.”  Tịnh và động ở đây chỉ là sự so sánh tương đối chứ kỳ thực cả hai đều cùng chuyển động chỉ khác ở chỗ nội chuyển động nhanh (tỉ lệ 8:1) so với ngoại cho nên nói là “nội động ngoại  tịnh.” 

Từ những quan sát trên chúng ta có thể phục dựng lại hai đồ hình đã tương tác nhau để thành lập 64 quẻ của Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi.  Và kết quả được tóm lược trong hình H14.  



            Nhìn vào H14, một lần nữa chúng ta lại bắt gặp ở đây cấu trúc theo khái niệm trục.  Bốn trục Càn-Khôn, Cấn- Đoài, Khảm-Ly, Chấn-Tốn xếp theo thứ tự ngược kim đồng hồ, liên tục, liền nhau và từ dương tới âm làm nên cấu trúc của Đồ Hình B.  Để làm nổi bật bản chất của nó, Đồ Hình B được vẽ lại theo dạng vuông như cho thấy trong hình H15.



Từ H15 chúng ta dễ dàng nhận ra là nó rất giống với H2A, ngoại trừ chi tiết khoanh trong vòng đỏ.  Đồ Hình H2A, cũng giống như Đồ Hình H2B đã thấy qua, là một đồ hình phái sinh khác (trong số 4 đồ hình phái sinh) của Tiên Thiên Đồ H2.  Nó được hình thành bằng cách xếp lại 4 trục Càn-Khôn, Cấn- Đoài, Khảm-Ly, Chấn-Tốn của Tiên Thiên Đồ theo thứ tự ngược kim đồng hồ, liên tục, liền nhau và từ dương tới âm. 



So sánh H15 với H2A chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra là trong hình H15 trục Khảm-Ly bị đảo ngược.  Dựa vào bố cục chặt chẽ và liên hệ mật thiết của H2A và H15, chúng ta có cơ sở để kết luận là trục Khảm Ly trong Đồ Hình H15 đã bị lỗi và cần phải điều chỉnh lại.  Như vậy, H15 sẽ thành ra H15A.  Nói cách khác, Đồ Hình H15A cũng là Đồ Hình H2A và cũng là đồ hình phái sinh của Tiên Thiên Đồ.  Theo cách gọi của NTD, đồ hình H15A chính là một Trung Thiên Đồ.



Như chúng ta đã thấy, cũng giống như Kinh Dịch Phục Hy, Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi được sắp xếp rất mạch lạc theo một qui trình rất chặt chẽ.  Dầu là những đồ hình lẫn qui trình thiết lập 64 quẻ của hai bộ kinh có khác nhau, nhưng cả hai đều giống nhau ở chỗ mạch lạc, nhất quán và xuyên suốt.  Đặc tính này, khi đem ra đối chiếu, làm cho nổi cộm “sự sắp xếp tùy tiện và hỗn độn” của Kinh Dịch Chu Văn bản phổ thông.  

Và trong tiến trình khám phá Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi, chúng ta thấy hiển hiện Trung Thiên Đồ của NTD.  Tuy nhiên, Trung Thiên Đồ trong Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi (H15A = H2A) không hoàn toàn giống với Trung Thiên Đồ của NTD (H4B = H2B).   Điểm khác biệt duy nhất là Trung Thiên Đồ của NTD thì theo thứ tự âm trước dương sau còn Trung Thiên Đồ trong Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi thì ngược lại dương trước âm sau.    



Tại sao có sự khác biệt này?  Một trong những giải thích, theo ý kiến của HHQ, là vì qui luật âm dương của Trung Thiên Đồ đã bị cải biến theo quan niệm Càn trước Khôn sau, dương trước âm sau, từ dương tới âm.  Quan niệm này là dấu ấn bản sắc của xã hội Tàu luôn luôn trọng dương khinh âm, trọng nam khinh nữ.  Do đó, qui luật âm dương trong Trung Thiên Đồ do người Tàu phỏng tác đã hoàn toàn ngược với qui luật âm dương trong bản gốc do người Việt trước tác.  Tuy công việc phỏng tác có tính cách hệ thống nhưng người làm công việc này không nhất thiết đã nhìn thấy Trung Thiên Đồ ẩn trong Kinh Dịch hoặc phải hiểu rõ qui luật thiết lập cấu trúc của Trung Thiên Đồ, vì chỉ cần đảo ngược vị trí (Khôn về Càn và Càn về Khôn, vân vân) của các nội quái trong 64 quẻ là xong.  Về sau, có lẽ vì thói quen vần điệu cho nên hai quái trên trục Ly-Khảm bị đảo ngược thành Khảm-Ly (từ trước đến nay HHQ vẫn quen miệng nói “Càn-Khôn, Cấn-Đoài, Khảm-Ly, Chấn-Tốn” thay vì nói “Càn-Khôn, Cấn-Đoài, Ly-Khảm, Chấn-Tốn” hoặc “Khôn-Càn, Đoài-Cấn, Ly-Khảm, Tốn-Chấn.” Quá trình trên đã làm cho Trung Thiên Đồ bản gốc H4B (như NTD đã giải mã) biến thành H15A (ẩn trong trong Kinh Dịch bản Mã Vương Đôi). 

Trở lại với hình H14, nhìn vào Đồ Hình A chúng ta sẽ nhận ra nó là một biến thể của Tiên Thiên Đồ.  Đồ Hình A khác với Tiên Thiên Đồ ở chỗ hai trục bàng Chấn-Tốn và Cấn-Đoài đã hoán vị cho nhau (mỗi trục xoay 90 độ ngược chiều kim đồng hồ chiếm vị trí của nhau).  Đồ Hình A cũng liên hệ mật thiết với Đồ Hình B.  Đem 4 trục trong Đồ Hình A xếp theo chiều kim đồng hồ, liên tục liền nhau, dương trước âm sau sẽ cho ra Đồ Hình B.  Hoặc từ Đồ Hình B theo chiều ngược kim đồng hồ triển khai ngược lại và xếp các 4 trục theo chiều kim đồng hồ, liên tục liền nhau sẽ cho ra Đồ Hình A.  Điều này có nghĩa là Đồ Hình B có thể đã phái sinh ra Đồ Hình A và cũng có thể là được phái sinh từ Đồ Hình A. 

Vậy thì, B sinh A (trường hợp 1) hay là A sinh B (trường hợp 2)?  Hay sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên (trường hợp 3)?

Trường Hợp 1: Nếu B sinh A thì chúng ta có thể thấy được một chuỗi kết nối rất trật tự và rõ ràng.  Đó là, từ Tiên Thiên Đồ dẫn tới Trung Thiên Đồ bản gốc, dẫn tới Trung Thiên Đồ bản phỏng tác, dẫn đến Trung Thiên Đồ bản Mã Vương Đôi (bị lỗi tại Khảm-Ly), dẫn tới Hậu Thiên Đồ bản Mã Vương Đôi, và cuối cùng dẫn tới Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi.  Và chúng ta có thể gọi Đồ Hình A trong H14 là một Hậu Thiên Đồ (chưa xét tới đúng sai và có phải là đồ hình gốc hay không).  Điều này cũng có nghĩa là chúng ta sẽ dễ dàng trả lời những câu hỏi như Trung Thiên Đồ bản Mã Vương Đôi và Hậu Thiên Đồ bản Mã Vương Đôi từ đâu mà có hoặc chúng tương tác với nhau như thế nào để hình thành cấu trúc của Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi.

Trường Hợp 2: Ngược lại, nếu A sinh B thì mọi luận giải vừa qua có lẽ cần điều chỉnh vì giả thuyết Trung Thiên Đồ là đồ hình phái sinh trực tiếp từ Tiên Thiên Đồ phải đổi lại là phái sinh gián tiếp từ Tiên Thiên Đồ thông qua đồ hình B.  

Trường Hợp 3: Nếu là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì mọi luận giải vừa qua vẫn hợp lý và chúng ta chỉ cần bỏ giả thuyết cuối cùng trong luận giải vì A chẳng sinh B và ngược lại.

Với những qui luật giúp hình thành cấu trúc của Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi, với tính hệ thống trong cấu trúc của Kinh Dịch bản Mã Vương Đôi, với sự có mặt xuyên suốt chiều dài thời gian của Tiên Thiên Đồ nguyên thủy và là nguồn gốc duy nhất có thể truy cập ngược về được từ Kinh Dịch Mã Vương Đôi, và với khám phá của Trung Thiên Đồ của NTD, trường hợp 1 có thể nói là cho chúng ta một sự giải thích hợp lý nhất về quá trình hình thành của Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi.        

            Một điều đặc biệt, thiết tưởng cũng nên mở ngoặc để nhắc đến ở đây, là chúng ta hoàn toàn không thấy bóng dáng Hậu Thiên Bát Quái của Chu Văn Vương trong tất cả những bản Kinh Dịch đã khảo cứu qua.  Nếu nó không có mặt trong toàn bộ hệ thống những Kinh Dịch, đặc biệt là trong Chu Dịch, và cũng không có một lời giải thích hợp lý trong suốt thời gian từ khi nó xuất hiện cho đến nay thì chúng ta chỉ có thể đi đến một kết luận: nó là một sản phẩm “lấy ra từ chiếc nón của ảo thuật gia” và nó được Made-In-China.  Một cách nghiêm túc hơn, có lẽ Hậu Thiên Đồ ẩn trong Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi mới đích thực là một đồ hình mà Chu Văn Vương (hoặc ai đó mượn danh) muốn khám phá.  Còn cái gọi là Hậu Thiên Bát Quái của Chu Văn Vương mà chúng ta biết ngày nay có thể chỉ là một sản phẩm “tôi-nghĩ-nó-như-thế-này” còn lưu lại trong quá trình tìm tòi, mò mẫm (của ai đó) mà vẫn chưa thực sự khám phá ra được những đồ hình ẩn bên trong Kinh Dịch Chu Văn.

            Đúng như Nguyễn Thiếu Dũng đã nói, Trung Thiên Đồ là chìa khoá để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Kinh Dịch Chu Văn.  Với chuỗi giải trình vừa qua, chúng ta đã có thể nhìn thấy toàn bộ cấu trúc của Kinh Dịch Chu Văn bản Mã Vương Đôi được cấu tạo như thế nào, đã có thể giải thích nguồn gốc của những đồ hình trong Kinh Dịch bản Mã Vương Đôi, đã nhận ra sự “tùy tiện và hỗn độn” trong bố cục của Kinh Dịch Chu Văn bản phổ thông cùng mức độ “tam sao thất bổn” của nó.  Trung Thiên Đồ do NTD phục dựng lại từ huyền sử Việt không phải là một sản phẩm không giá trị.  Càng chắc chắn hơn nó không phải là một sản phẩm “lấy ra từ chiếc nón của ảo thuật gia” như là Hậu Thiên Đồ của Chu Văn Vương. 

Nguyễn Thiếu Dũng đã đào xới bên dưới lớp mặt bằng di sản văn hoá phi vật thể của Việt và dùng phương pháp giải mã để phục dựng lại một sản phẩm văn hóa phi vật thể và cho cái “arte factum” phi vật thể này “xuất thổ” để góp phần vào sự tái hiện diện mạo lịch sử văn học Việt của một thời hoàng kim.  Nhờ có NTD cho xuất thổ “artifact phi vật thể” Trung Thiên Đồ mà HHQ mới có đầu mối để khảo sát và cho ra bài viết này, và bài viết này lại góp phần vào nỗ lực tái hiện diện mạo đó.  Mỗi một đóng góp, dầu là một phần rất nhỏ trong tiến trình và dầu là có chỗ thiếu sót, tự việc làm đó đã là có giá trị.  Và chính cái đúng của NTD về Trung Thiên Đồ và vai trò của nó đối với Kinh Dịch Chu Văn, như đã được giải trình trong bài viết này, đã bảo chứng cho giá trị của Trung Thiên Đồ cũng như sự hữu ích của phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng một sản phẩm văn hóa phi vật thể.  Nói một cách khác, phương pháp giải mã lẫn Trung Thiên Đồ của NTD có giá trị của riêng của nó và không thể dễ dàng bị gạt bỏ dưới danh nghĩa của cụm từ “thiếu khoa học” hoặc thiếu nghiêm túc. 

No comments:

Post a Comment