Tuesday, January 8, 2013

Giải Mã Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể . . . Bài 5 - Hà Hưng Quốc




GIẢI MÃ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỂ PHỤC DỰNG SẢN PHẨM VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: MỘT CON ĐƯỜNG TÁI HIỆN DIỆN MẠO VÀ CỘI NGUỒN ĐÍCH THỰC CỦA NỀN VĂN HÓA VIỆT. 



Điều mà mỗi người và mọi người có thể làm được là đừng vội phủ nhận những chấm nhỏ đó và cũng đừng vội phủ nhận phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể trong nỗ lực tái hiện lại bức tranh diện mạo và cội nguồn đích thực của nền văn hóa Việt.  Dưới điều kiện khắc nghiệt của địa dư và lịch sử làm cho những chứng tích vật thể mong manh khó có thể tồn tại, con đường phục dựng sản phẩm văn hóa phi vật thể từ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là con đường không thiếu khôn ngoan.  Mỗi công trình có thể chỉ là một con kiến tí ti trong con mắt của những khoa học gia chính thống và dễ dàng bị cho “chìm xuồng” nhưng một khi số lượng kiến đã có thể kết nối nhau thành một bè kiến chuyên chở nổi sự thật về cội nguồn văn hóa Việt thì lúc đó kiến sẽ không còn là kiến. “  



trở lại: Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 4



Ngũ Hành Nguyên Thủy Trong Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống: Phục Dựng Từ Tín Ngưỡng Dân Gian

Như đã nói, Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy không chỉ có mặt trong Việt Dịch mà nó có mặt trong rất nhiều sản phẩm lý học.  Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống cũng là một trong số đó.   Từ việc phân tích cấu trúc của bức tranh qua tư thế, vị trí, màu sắc, vóc dáng của 5 con hổ trong tương quan với nhau và với những hình ảnh khác được chọn lọc để đưa vào tranh một cách chuẩn xác theo dụng ý, nội dung của tranh Ngũ Hổ Hàng Trống đã được giải mã.  Bên trong bức tranh là một lý thuyết tinh vi được mã hoá dưới dạng 5 cọp: lý thuyết ngũ hành.  Quá trình giải mã được tóm lược trong hai hình H31 và H32.     


    

Bất kỳ là ai, nếu đã được trang bị với Việt Dịch thì đều có thể dễ dàng nhận ra là lý thuyết ngũ hành ẩn bên trong bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống chính là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy như cho thấy trong hình H33.



            Con hổ hành Thổ ngồi ở trung tâm của vòng tròn được phóng lớn gấp đôi so với những con hổ khác không phải chỉ là to lớn, uy nghiêm, quắc thước . . . biểu hiện bản lĩnh vững vàng, thành, tín như Lê Hướng Quỳ nhận xét (Nguồn: Mạn Đàm Tranh ‘Ngũ Hổ’ ) mà còn là biểu hiện chỗ trọng tâm của vấn đề, chỗ trọng điểm của lý thuyết, chỗ trọng yếu của nội dung.  Vai trò nổi bật của hành Thổ ở trung ương là dấu ấn đặc thù của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Vai trò nổi bật đó, đại diện bởi con hổ nâu thật to ở trung ương, không tìm được nơi và không thể giải thích được bởi Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập.  Trên căn bản cốt lõi của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập thì Thổ chỉ là một hành trong số 5 hành vật chất, tức là bình đẳng với những hành khác.  Điều này càng rõ hơn khi nhìn vào sự tương tác (cũng bình đẳng) của các hành trong hai qui luật sinh khắc.  Một khi nền tảng của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập đã khẳng định là hành Thổ không quan trọng hơn những hành khác thì bất cứ biện luận nào cho rằng con hổ nâu nằm ở trung ương là đại diện cho hành Thổ của Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập đều là hý luận. 

 Tiền nhân không những đã chủ ý làm nổi cộm sự khác biệt cực kỳ quan trọng qua hình ảnh con hổ hành Thổ thật lớn ở trung tâm.  Tiền nhân còn chủ ý “nói cho biết” là 5 con hổ trong tranh có nguồn gốc từ thiên văn.  Đây là một dấu ấn đặc thù khác của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy không thể tìm thấy nơi cũng không thể giải thích được bởi Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập.

Như vậy thì, nội dung cụm ảnh 5 con hổ của bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống đã được làm sáng tỏ.  Lý thuyết ngũ hành được cố ý mã hóa vào trong tranh và giấu sau vỏ bọc tính ngưỡng dân gian nhất định phải là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.

Nhưng vì sao tiền nhân lại chọn hình ảnh 5 con hổ để làm phương tiện mã hóa mà không chọn 5 vật hoặc 5 con gì khác?  Và tại sao chòm Bắc Đẩu và Thái Dương lại được chọn đặt trong tranh chung với hình ảnh 5 con cọp?

Chúng ta biết 5 Hổ còn có cách gọi khác là 5 Dần. Trong chu kỳ 60 năm gọi là Lục Thập Hoa Giáp cũng có 5 mốc Dần. Thứ tự từ đầu chu kỳ cho đến cuối là Bính Dần, Mậu Dần, Canh Dần, Nhâm Dần và Giáp Dần. Người ta dùng 5 mốc Dần này để độn/tìm Ngũ Hành Nạp Âm trong những ứng dụng lý số, và gọi đó là Ngũ Hổ Độn Pháp.  Như vậy thì, một mặt cụm hình 5 con hổ đi cùng với cụm hình Bắc Đẩu-Thái Dương là để xác định lý thuyết ngũ hành trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống có nguồn gốc từ thiên văn và xác định vị trí phía Bắc hành Thủy cho con hổ đen.  Vấn đề này rõ ràng như ban ngày.  Một mặt khác, cụm hình 5 Dần đi cùng với cụm hình Bắc Đẩu và Thái Dương còn trỏ vào một cái gì đócó liên quan đến lịch pháp, theo đó liên quan đến sự vận hành của mùa tiết, và có liên quan đến lý thuyết ngũ hành, theo đó liên quan đến sự ứng dụng của lý thuyết ngũ hành.  Một cái gì đó rất nặng ký và có một giá trị không kém giá trị của lý thuyết ngũ hành.  Và “cái gì đó” chính là Bảng Lục Thập Hoa Giáp.

Như đã nói nhiều lần, Bảng Lục Thập Hoa Giáp được kiến tạo trên nền tảng của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Như vậy thì sợi dây liên kết đầu tiên giữa tranh Ngũ Hổ Hàng Trống và Bảng Lục Thập Hoa Giáp chính là cái Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Sợi dây liên hệ thứ hai giữa tranh Ngũ Hổ Hàng Trống và Bảng Lục Thập Hoa Giáp nằm ở chỗ cả hai sản phẩm đều được cẩn thận mã hóa và mã hóa một cách tinh vi để che giấu bản lai diện mụccội nguồn trước tác của hai sản phẩm.  Hai sợi dây liên kết đó không dừng lại ở hai sản phẩm được phục dựng này mà còn chạy xuyên suốt tới tất cả những sản phẩm được phục dựng khác đã trình bày từ dòng đầu tiên cho đến cuối trong bài viết này.

Như vậy thì, nó không khó để cho chúng ta nhận ra tính hệ thống trong chủ ý của tiền nhân trước tác ra chúng và tính thuộc về hệ thống trên bản thân của mỗi sản phẩm được phục dựng.       

Dưới điều kiện lịch sử của một dân tộc luôn bị xâm lược và bị tàn phá một cách có hệ thống và có tính toán thâm độc thì nhu cầu mã hoá những di sản văn hoá phi vật thể dưới nhiều hình thức như khẩu quyết, huyền thoại, tranh vẽ, lý số, tín ngưỡng nhân gian . . . không có gì là khó hiểu. Cũng như những sản phẩm khác được tiền nhân mã hóa, tranh Ngũ Hổ Hàng Trống là bức mộc bản giản dị của dân gian dấu sau vỏ bọc tín ngưỡng dân gian nhưng chứa đựng một di sản lớn của Việt.    

Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy có thực sự là bản Việt chính thống?  Câu hỏi này dẫn chúng ta đến bước giải mã ý nghĩa của cụm hình cờ, gươm và hòm ấn. Cờ, gươm, ấn là biểu tượng của quyền lực. Với con hổ vĩ đại hành Thổ ngồi ở trung ương thì quyền lực này phải được hiểu là quyền lực tuyệt đối.  Cụm hình này không đứng riêng lẽ mà là đứng chung với hai cụm hình kia để tạo thành bố cục và nội dung của bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống. Vì vậy, cái quyền lực tuyệt đối mà cụm hình muốn biểu thị chắc chắn là phải được hiểu và diễn giải ý nghĩa trong tương quan với ý nghĩa của hai cụm hình ảnh kia.  Vậy thì, quyền lực đó là quyền lực gì?  Không, chắc chắn không phải là quyền lực sức mạnh vũ trụ thiên nhiên, tiết mùa, thời vận của quy luật tự nhiên như Lê Hướng Quỳ nhận xét.  Quyền lực đó là quyền lực văn hóa chính thống, là quyền lực sáng tạo ra bản gốc, là quyền lực nắm giữ tinh yếu của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Là quyền lực của tiền nhân Việt vốn là chủ nhân đích thực của một di sản văn hóa phi vật thể rất là đồ sộ. 

Tóm lại, với công trình giải mã bí ẩn trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, dựa trên những bằng chứng vừa khám phá, chúng ta có thể kết luận tranh Ngũ Hổ Hàng Trống không phải là một bức tranh chỉ đơn giản khắc hoạ hình tượng những vị nhiên thần vừa cao quý vừa gần gũi với con người như Đặng Nghiêm Vạn đã nhận xét khi viết về Tranh Nhân Gian Hàng Trống.  Tiền nhân Việt đã mã hoá Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy vào bức tranh Ngũ Hổ Hàng Trống.  Tiền nhân Việt đã chủ ý mượn hình ảnh 5 con hổ để dễ dàng thần hóa bức tranh.  Và nhờ đã khoác lên chiếc áo tín ngưỡng dân gian nên “nguyên tác” mới sống sót đến ngày hôm nay để đến tay chúng ta, những hậu duệ đích thực, qua sự truyền thừa không canh cải từ thế hệ trước qua thế hệ sau.  Và văn bản đó thì thầm: “Hãy trân trọng Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy mà ta đã gởi gấm vào đây. Nó mới thực sự là bản gốc của lý thuyết ngũ hành sáng tạo từ tổ tiên của các ngươi, là một phần của nền văn hóa chính thống của các ngươi. Lần theo dấu tích để tìm lại cội nguồn minh triết của tổ tiên. May mắn cho ngươi được kế thừa một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đồ sộ. 

Công trình Giải Mã Bí Ẩn Trong Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống của HHQ thêm một lần nữa cho thấy phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hoá phi vật thể có một giá trị nhất định và chính sản phẩm được phục dựng từ phương pháp giải mã cũng có một giá trị nhất định. 


Ngũ Hành Nguyên Thủy Trong Tranh Ngũ Hổ Đông Hồ: Phục Dựng Từ Tín Ngưỡng Dân Gian
Tranh Đông Hồ là một dòng tranh khác trong 3 dòng tranh dân gian của Việt Nam.  Và cũng giống như tranh Ngũ Hổ trong dòng tranh Hàng Trống, Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy cũng đã được mã hóa thành những bức tranh Ngũ Hổ và giấu kín sau vỏ bọc tín ngưỡng của dòng tranh Đông Hồ. 

Những bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ thoạt nhìn vào sẽ thấy hình ảnh và màu sắc của nó rất gần gũi với Tranh Ngũ Hổ Hàng Trống (dĩ nhiên là ở đây chỉ muốn nói những gì liên quan tới lý thuyết ngũ hành).  Nhưng khi chú ý quan sát thì sẽ thấy dường như chúng không được xếp đặt theo một trật tự nào của lý thuyết ngũ hành, dầu là Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập hay là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.  Và đó là lý do mà Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã đi đến kết luận: “Sự sai lệch về vị trí màu sắc tạo nên Ngũ hành tương sinh ngược chiều kim đồng hồ.”  Với NVTA thì “tương sinh” có nghĩa là qui luật tương sinh theo Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập, như cho thấy trong tranh Ngũ Hổ bản A bên dưới.  



Tuy nhiên, bên sau “sự sai lệch về vị trí màu sắc” trong hình P1 đó thật ra là một sự sai lệch có chủ ý do mã hóa để che giâu một lý thuyết tinh vi.  Và cách mã hóa cũng rất tinh vi, hơn cả cách mã hóa của tranh Ngũ Hổ Hàng Trống.   Điều này đúng với cả bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ bản B trong hình P2 bên dưới.



Lý thuyết ngũ hành ẩn trong hai bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ đã được mã hóa hai lớp.  Với lớp mã hóa thứ nhất, cũng giống như cách mã hóa của tranh Ngũ Hổ Hàng Trống, qui luật tương sinh và qui luật tương khắc được “biểu hình hóa” với khái niệm “thân thiện” và “chống đối” trong tương quan tư thế của 4 hổ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa cộng với con hổ to hành Thổ ở trung ương làm nên toàn thể bố cục của ngũ hành.  Với lớp mã hóa thứ hai, khái niệm vận hành hai chiều được “biểu động hóa” qua cấu trúc \__/ (hình chữ U bẹt) của hai gương phản chiếu với bức tranh nền ở giữa.  Với lớp mã hóa thứ hai này, dầu có nhận ra hay không nhận ra qui luật tương sinh và qui luật tương khắc đã được “biểu hình hóa” trong lớp mã hoá thứ nhất, thì qui luật sinh khắc hai chiều cũng sẽ phải hiển lộ với khái niệm vận hành hai chiều đã được “biểu động hóa” ở lớp mã hóa thứ hai một khi mà người giải mã đã khám phá ra đúng cái chìa khoá dùng để giải mã bức tranh.  Biểu hình hóa là một phương pháp mã hóa phải nhờ vào chiếc chìa khóa “hình ảnh biểu thị” để giải mã.  Biểu động hóa là phương pháp mã hóa phải nhờ vào chiếc chìa khoá “động tác biểu kiến” để giải mã.

Kết quả gỉải mã bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ bản A cho thấy lý thuyết ngũ hành ẩn bên trong tranh chính là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy, như cho thấy trong hình P3.



            Thêm vào đó, kết quả giải mã bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ bản B, hình P4, cho thấy ẩn bên trong tranh là qui luật khắc hai chiều của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy. 



            Qui luật khắc hai chiều này là qui luật tương khắc đúng nghĩa và chỉ có hai cặp hành tương khắc Thủy-Hỏa và Mộc-Kim, như cho thấy trong hình P5, là dấu ấn đặc thù của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.



Tranh Ngũ Hổ Đông Hồ bản B đã giúp để xác định một sự thật là những bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ là được “chủ ý mã hóa” và lý thuyết ngũ hành ẩn giấu trong tranh Ngũ Hổ Đông Hồ đích thực là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy, không thể ngộ nhận với hoặc mạo nhận bởi Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập. 

Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy được mã hóa và giấu kín trong tranh Ngũ Hổ Hàng Trống lẫn tranh Ngũ Hổ Đông Hồ và được che đậy dưới vỏ bọc tín ngưỡng nhân gian là “một sự thật” không thể lầm lẫn và không thể hoài nghi.  Chủ ý mã hóa và sự che dấu đã có tính cách hệ thống.  Và điều này có một ý nghĩa rất lớn đối với cội nguồn văn hóa Việt.

Công trình Giải Mã Bí Ẩn Trong Tranh Ngũ Hổ Đông Hồ của HHQ thêm một lần nữa cho thấy phương pháp giải mã di sản văn hóa phi vật thể để phục dựng sản phẩm văn hoá phi vật thể có một giá trị nhất định và chính sản phẩm được phục dựng từ phương pháp giải mã cũng có một giá trị nhất định. 
 

 tiếp theo: Giải Mã Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể . . . Bài 6


 

No comments:

Post a Comment