Friday, October 29, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#11)

Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời

trở về: Việt Dịch - bài 10

Bây giờ thì một số ý nghĩa của 8 quái đã được thành lập do đó chúng ta đã có thể quay trở lại với Việt Dịch Đồ để suy nghiệm về nó.  




Nhìn vào hình H28 chúng ta thấy gì?  Có phải chăng nó là một đồ hình mô tả thế giới vi diệu sinh hoá như đã nói?
Xét về mặt thiên nhiên sinh hoá, bên trong vòng đai xanh của Việt Dịch Đồ mô tả chu kỳ sinh hóa của con người qua tám giai đoạn là (1) thụ thai ở Đoài, (2) thai nhi phát triển nhanh ở Ly, (3) thai nhi chiếm đầy bụng mẹ ở Khôn, (4) hài nhi chào đời ở Tốn, (5) thiếu niên háo ăn mau lớn ở Cấn, (6) thanh xuân sung mãn ở Khảm, (7) lập gia đình ở Càn, (8) già nua và chết ở Chấn. 
Từ Tốn tới Chấn [4 -> 8] là một nửa dương của vòng tròn chu kỳ sinh hoá.  Một nửa đó mô tả trạng thái sống động của một đời người.  Từ Chấn tới Tốn [8 à 4] là một nửa âm của vòng tròn chu kỳ sinh hóa.  Một nửa này mô tả trạng thái tiềm ẩn của một đời người.  Chào đời ở Tốn [4] và vĩnh biệt cõi đời ở Chấn [8].  Ra khỏi bụng mẹ [thân mẫu] ở Tốn [4] và trở về bụng mẹ [địa mẫu] ở Chấn [8].  Tử sinh đối đãi.  Tử rồi sinh, sinh rồi tử quay tròn không dứt.  Chết ở Chấn [8] nên không còn thấy mặt ở Đoài [1] và thụ thai cũng ở Đoài [1].  Một sinh mạng cũ chấm dứt ở Chấn [8], một sinh mạng mới bắt đầu ở Đoài [1], chấm dứt và bắt đầu nằm liền nhau trong vòng tròn sinh hoá.  Khởi hiện một sinh mạng mới nơi Đoài [1], vắng mặt một sinh mạng cũ cũng ở Đoài [1].  Nơi khởi hiện và nơi biến mất không hai không khác trong vòng tròn sinh hoá.  
Chồng vợ giao cấu đạt tới khoái cảm tột đỉnh của dục tình trải nghiệm trạng thái rúng động toàn thân nên nói là nổ ra, là chấn động ở Chấn [8].  Tinh trùng gặp trứng mà hoài thai nên nói là hòa duyệt ở Đoài [1].  Bào thai lớn dần thành hình vóc thai nhi tuy có nguyên thần nhưng chưa nảy sinh hay hấp thụ tư tưởng ô nhiễm nên nói là sáng đẹp ở Ly [2].  Sống cùng sự sống của mẹ, theo từng nhịp đập của mẹ nên nói là thuận hòa ở Khôn [3].  Mở mắt chào đời, nhập vào dòng sống với tất cả trong sạch không tranh không chấp nên nói là hoà nhập, nhún nhường ở Tốn [4].  Lớn lên và không thể duy trì được sự ngây thơ hồn nhiên nhưng tánh vẫn thiện nên nói là chững lại [ngưng lại] ở Cấn [5].  Lớn thêm nữa thì đầu óc đã nhồi đầy kiến chấp và toan tính nên nói là thâm hiểm, là thấm đẫm ở Khảm [6].  Lập gia đình, trở thành cha mẹ, lao vào tranh dành miếng cơm manh áo cho gia đình, già dặn với kinh nghiệm và quyết đoán trong hành động nên nói là cương quyết mãnh liệt ở Càn [7].  Trở nên già nua tàn tạ, lý trí có những lúc hoài niệm và tự vấn, tâm thức có những lúc sáng tỏ tỉnh ngộ, rồi nhựa sống khô  kiệt, lúc đang chết trải nghiệm sự rúng động do tứ đại phân rã nên nói là loé sáng, là chấn động ở Chấn [8].  Nơi trải nghiệm sự chấn động của hồn phách xuất ra cũng là nơi trải nghiệm sự chấn động của khoái cảm dục tình cho nên đoạ cũng đó mà siêu cũng đó.   
Chu kỳ sinh hóa của con người có một nửa ẩn một nửa hiện, một nửa thế giới bên trong, một nửa thế giới bên ngoài,  một nửa tịnh một nửa động, một nửa sinh một nửa diệt.  Từ Chấn tới Tốn [8 -> 4] là ẩn, là thế giới bên trong, là tịnh, là sinh.  Từ Tốn tới Chấn [4 -> 8] là hiện, là thế giới bên ngoài, là động, là diệt.  Ẩn là vì không ai thấy và cũng chẳng thấy ai.  Hiện là vì thấy người và người cũng thấy.  Thế giới bên trong là vì còn nằm trong bụng mẹ.  Thế giới bên ngoài vì đã lìa bụng mẹ.  Tịnh là vì lặng lẽ tùy thuộc vào mẹ và nạp khí tiên thiên mà sống.  Động là vì lăng xăng tranh đấu và tùy thuộc vào khí hậu thiên mà nuôi mạng.  Sinh vì từ không mà trở thành có.  Diệt vì từ có mà trở về không. 
Bên ngoài vòng đai xanh của Việt Dịch Đồ mô tả chu kỳ sinh hoá của thiên nhiên qua 8 giai đoạn là (a) biến mất ở Tân, (b) im lìm ở Nhâm, (c) ngủ vùi ở Quý, (d) bừng dậy thập thò ở Giáp, (e) mềm mại mong manh ở Ất, (f) vươn ra lớn mạnh ở Bính, (g) vững chắc đầy đủ ở Đinh, (h) tàn lụi rũ chết ở Canh.   
Nếu nhìn thật kỷ thì 8 giai đoạn sinh hóa của con người và 8 giai đoạn sinh hóa của thiên nhiên có sự liên hệ mật thiết được mô tả trên đồ hình như sau: 

Giai đoạn A = Giai đoạn 1 = Tân -4 Đoài
Giai đoạn B = Giai đoạn 6 = Nhâm +1 Khảm
Giai đoạn C = Giai đoạn 7 = Quý -6 Càn
Giai đoạn D = Giai đoạn 4 = Tốn +3 Giáp
Giai đoạn E = Giai đoạn 5 = Cấn -8 Ất
Giai đoạn F = Giai đoạn 2 = Bính +7 Ly
Giai đoạn G = Giai đoạn 3 = Đinh -2 Khôn
            Giai đoạn H = Giai đoạn 8 = Canh +9 Chấn
           
Thứ tự của những giai đoạn từ 1 -> 8 trong chu kỳ sinh hóa của con người chuyển dịch theo chiều ngược kim đồng hồ.  Thứ tự của những giai đoạn từ A -> H trong chu kỳ sinh hóa của thiên nhiên chuyển dịch theo chiều kim đồng hồ.  Tuy một thuận một nghịch nhưng giữa con người và ngoại giới có một sự tương quan chặt chẽ và đều là thuận hành.    

Vạn vật bừng dậy ở Xuân Mộc khởi động một nửa chu kỳ sống động của vòng sinh hoá.  Cây cỏ mọc mầm, vỡ đất thập thò lú ra ở Giáp [D = Tốn +3 Giáp], mong manh mềm mại ở Ất [E = Cấn -8 Ất].  Con người nhú đầu chui ra khỏi bụng mẹ, hít thở không khí lần đầu nhập vào dòng sống sinh động ở Tốn [4 = Tốn +3 Giáp], mong manh tuổi thơ ở Cấn [5 = Cấn -8 Ất].    

Vạn vật tăng trưởng ở Hạ Hỏa, vươn ra lớn mạnh ở Bính [F = Bính +7 Ly], vững chắc đầy đủ ở Đinh [G = Đinh -2 Khôn].  Con người lớn Khôn chững chạc ở Đông Thủy, động dục ở tuổi thanh xuân nơi Khảm [6 = Nhâm +1 Khảm], lập gia đình và tiêu hao sinh lực ở Càn [7 = Quý -6 Càn]. 

Vạn vật thu liễm và tàn tạ ở Thu Kim.  Cây cỏ già rụng ở Canh [H = Canh +9 Chấn] và tàn lụi biến mất ở Tân [A = Tân -4 Đoài].  Con người cũng cạn cùn sinh lực, chấm dứt sự sống ở Chấn [8 = Canh +9 Chấn] và biến mất ở Đoài [1 = Tân -4 Đoài]. 

Vạn vật quy tàng ở Đông Thủy, im lìm ở Nhâm [B = Nhâm +1 Khảm] ngủ vùi ở Quý [C = Quý -6 Càn].  Con người ẩn náu trong bụng mẹ ở Hạ Hỏa, thai nhi phát triển nhanh ở Ly [2 = Bính +7 Ly], chiếm đầy bụng mẹ ở Khôn [3 = Đinh -2 Khôn].

Chu kỳ sinh hóa của con người và chu kỳ sinh hoá của thiên nhiên vừa đồng vừa dị.  Con người và thiên nhiên vừa cọng hưởng vừa đối lập.  Đồng ở Xuân Thu, dị ở Đông Hạ.  Cọng hưởng ở Giáp Ất, Canh Tân.  Đối lập ở Nhâm Quý, Bính Đinh.  Trong chu kỳ của thiên nhiên sinh hoá, vạn vật quy tàng im lìm ở Càn Khảm.  Trong chu kỳ sinh hoá của con người, thai nhi lớn dần trong bụng mẹ ở Ly Khôn.  Giai đoạn quy tàng trong chu kỳ sinh hóa của thiên nhiên thì vạn vật đi vào đông miên để tiết kiệm năng lượng.  Chu kỳ sinh hóa của con người thì giai đoạn nằm trong bụng mẹ hài nhi tích cực hấp thụ năng lượng để lớn lên.   
Như vậy, toàn thể mô hình Việt Dịch Đồ [hình H28] vừa mô tả chu kỳ sinh hóa của con người [bên trong vòng đai xanh] vừa mô tả chu kỳ sinh hóa của vạn vật [bên ngoài vòng đai xanh] và mô tả sự tương quan giữa chu kỳ sinh hóa của con người với chu kỳ sinh hóa của vạn vật [thông qua những cụm thông tin giống nhau].  

Nếu chúng ta muốn có một vài “dấu ấn” hổ trợ cho tính hợp lý của đồ hình mô tả chu kỳ sinh hóa của con người vừa lý giải xong, hãy thử nhìn vào kho tàng y học cổ truyền.  Theo Ths. Bs. Kiều Xuân Dũng, Học Viện Y Dược Học Cổ Truyền Việt Nam, trong cuốn Kinh Dịch Diễn Giảng, do NXB Y Học xuất bản tại Hà Nội năm 2006, trang 37 có viết:
·        2 tháng thai có chất nước hợp với quẻ Đoài; 3 tháng khí dương làm sôi nước hợp với quẻ Ly; 8 tháng da thịt đầy đủ hợp với quẻ Khôn;
·        Hải Thượng Lãng Ông nói: loài người sinh ra ở hội Dần.




Hội Dần chính là chỗ của Giáp +3 Tốn trong hình H28.  Dầu rằng sự sắp xếp tuần tự 8 quẻ cho 9 tháng phát triển của thai nhi trong sách của BS. Kiều Xuân Dũng không trùng khớp với thứ tự các quái trong đồ hình mô tả chu kỳ sinh hoá trong hình H28 hoặc đơn giản hơn là hình H29, nhưng chỉ bằng vào bao nhiêu thông tin y dịch học đó chúng ta cũng đã có thể phối kiểm mức độ trùng khớp giữa tiến trình phát triển của thai nhi [từ giai đoạn thụ thai cho tới giai đoạn sinh ra đời] với đồ hình mô tả chu kỳ sinh hóa của con người.  Những điều được mô tả là “thai có chất nước hợp với quẻ Đoài,” “dương khí làm sôi nước hợp với quẻ Ly,” “da thịt đầy đủ hợp với quẻ Khôn,” “sinh ra ở hội Dần” [Dần = Tốn] chính xác là những thể-dạng-tính-trạng-hành đã được lý giải cho mỗi quái của Hậu Thiên Bát Quái Đồ.  Thứ tự trước sau của Đoài, Ly, Khôn, Dần được mô tả theo thời gian phát triển của thai nhi [dầu rằng có những quẻ khác chen vào đi nữa cũng không làm mất thứ tự trước sau của Đoài, Ly, Khôn, Dần] cũng hoàn toàn phù hợp với thứ tự trước sau của 4 quái Đoài -> Ly -> Khôn -> Tốn trong đồ hình mô tả chu kỳ sinh hoá của con người như trong hình H29 [là Hậu Thiên Bát Quái lấy ra từ Việt Dịch Đồ, bên trong vòng đai xanh, để đơn giản hoá].  Và một khi vị trí của bốn quái Đoài, Ly, Khôn, Tốn được xác định thì 4 quái còn lại cũng đương nhiên được xác định.
Dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, tiến trình phát triển của bào thai từ tuần thứ hai cho đến tuần thứ 8 sau khi thụ tinh là giai đoạn phôi.  Từ tuần thứ 9 trở về sau là giai đoạn phát triển cơ thể của thai, thời kỳ dành hoàn toàn cho sự tăng trưởng và hoàn chỉnh.  Từ sáu tháng về sau, bào thai đã có thể sống bên ngoài bụng mẹ [với sự trợ giúp của y khoa].  Lúc sáu tháng bào thai có chiều dài trung bình từ 25cm đến 30cm và cân nặng khoảng 454g.  Bào thai đặc biệt lớn nhanh vào ba tháng cuối. Thai nhi lên cân nhanh khoảng 900g mỗi tháng và tiếp tục lên cân để trẻ sinh ra bình quân cân nặng từ 2,7kg đến 3,8kg với chiều dài 52,5cm.  Những thông tin này cho thấy ba quái xếp theo thứ tự Đoài, Thủy, Khôn để mô tả tiến trình cấu tạo sinh mạng được hổ trợ bởi bằng chứng khoa học.


1 comment:

  1. " Những thông tin này cho thấy ba quái xếp theo thứ tự Đoài, Thủy, Khôn để mô tả tiến trình cấu tạo sinh mạng được hổ trợ bởi bằng chứng khoa học " - hình như bác đánh máy nhầm, phải là Đoài Ly Khôn chứ

    ReplyDelete