Friday, October 29, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#16)


Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời

trở về: Việt Dịch - bài 15
5. NHỮNG KHÁM PHÁ VỀ THUYẾT NGŨ HÀNH
Trong quá trình triển khai vừa qua --từ Tiên Thiên Bát Quái cho đến Hậu Thiên Bát Quái, đến Việt Dịch Đồ, đến phân bố Việt Dịch Đồ trên 9 cung, đến Lạc Thư, đến phân bố Việt Dịch Đồ trên 12 cung, và cuối cùng là những quy luật phối hợp giữa âm dương, ngũ hành, độ số, thiên can và địa chi-- chúng ta dễ dàng nhận ra tính hệ thống của toàn bộ lý giải cũng như dễ dàng nhận ra sự hợp lý của mỗi phiến lý giải.  Cũng không khó cho chúng ta nhận ra cốt lõi của toàn bộ dịch học gói gọn trong hai vế với sáu mươi bảy lời.  Và, có một điều rất thú vị là trong suốt quá trình triển khai đó chúng ta cũng không khó để nhận ra là đã không tìm thấy bằng chứng hổ trợ cho hệ thống lý thuyết ngũ hành phổ cập rất quen thuộc với chúng ta.  Nói như thế cũng chưa đúng lắm.  Có lẽ sẽ chính xác hơn nếu nói rằng trong suốt quá trình triển khai vừa qua chúng ta đã tìm thấy bằng chứng để phủ nhận lý thuyết ngũ hành phổ cập mà chúng ta quen thuộc.  
Hệ thống lý thuyết ngũ hành phổ cập được xây dựng trên cơ sở: (1) ngũ hành là 5 loại vật chất gồm kim loại, gỗ, nước, lửa, đất; (2) Năm hành này tuân thủ quy luật tương sinh gồm có Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy; (3) Đồng thời năm hành này cũng tuân thủ quy luật tương khắc gồm có Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ.  Tất cả những ứng dụng của lý thuyết ngũ hành đều xây trên nền móng “5 loại vật chất + 2 quy luật sinh khắc” này.  Rồi từ nền móng đó phát sinh ra những quy luật khác như là hình, xung, hóa, hợp. . . cùng với những lý luận và ứng dụng kèm theo.     
Có thể nói là lý thuyết ngũ hành rất phổ cập và ứng dụng của thuyết ngũ hành thâm nhập hầu hết mọi ngõ ngách của những xã hội Á Châu.  Điều này chứng tỏ nó có sức hút rất lớn đối với quần chúng.  Tuy là vậy, nhưng với suy nghĩ thực sự nghiêm túc, chúng ta không thể không nhìn thấy sự phi lý rõ rệt của lý thuyết ngũ hành phổ cập và sự tùy tiện trong ứng dụng đến mức độ khó chấp nhận.  Với tác giả,  dầu cho kho lý thuyết và ứng dụng của lý thuyết ngũ hành phổ cập có nhiều tới đâu, có biến hóa tới đâu, có diễm ảo tới đâu, có ly kỳ tới đâu, có tinh vi tới đâu đi nữa thì cũng vẫn không che dấu được sự sai lầm từ nền móng.  Đó là, thế giới này không tạo dựng bởi năm loại vật chất Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.  Thế giới này không vận hành theo quy luật Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy.  Thế giới này cũng không vận hành theo quy luật Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ.  Kho tàng lý thuyết của ngũ hành phổ cập chỉ là một toà lâu đài đẹp xây bằng hơi nước.  Ứng dụng lý thuyết ngũ hành phổ cập vào các môn tiên tri, tiên đoán thì xác suất đúng sai của chúng có chắc gì hơn được xác suất sấp ngửa của một đồng tiền rớt trên mặt bàn.  Xin lưu ý cho là tác giả không phủ nhận lý thuyết ngũ hành mà chỉ phủ nhận lý thuyết ngũ hành phổ cập đặt trên nền móng “5 vật chất + 2 quy luật sinh khắc.”         
Như vừa nói, suốt trong quá trình triển khai mật nghĩa của sáu mươi bảy lời trong hai vế chúng ta đã không tìm thấy một bằng chứng nào hỗ trợ cho thuyết ngũ hành phổ cập.  Ngược lại, trong tiến trình đưa đến Việt Dịch Đồ, vế thứ hai trong 67 lời mật ngữ là “Thiên Nhất sanh Thủy, Địa Lục thành chi, Địa Nhị sanh Hỏa, Thiên Thất thành chi, Thiên Tam sanh Mộc, Địa Bát thành chi, Địa Tứ sanh Kim, Thiên Cửu thành chi, Thiên Ngũ sanh Thổ, Địa Thập thành chi” đã được giải mã tường tận là Càn sinh Thuỷ rồi sinh Mộc, Khôn sinh Hỏa rồi sinh Kim, sau hết là sinh Thổ.  Ý nghĩa của cụm chữ màu xanh này là: xác định vị trí 5 thiên thể và chiều xoay cơ bản, mà Càn-Khôn là trục, trong tương quan giữa mặt đất và bầu trời.  Xem hình H21. 

 
Cũng từ cụm chữ màu xanh này mà quy luật vận hành cơ bản của ngũ hành được xác định là từ Thuỷ tới Mộc tới Hoả tới Kim rồi tới Thổ ở trung tâm.  Hay trình bày một cách khác là Thủy -> Mộc -> Hỏa -> Kim -> Thổ ở trung tâm
Rồi với cấu trúc 8 quái Hậu Thiên phối với 8 số của Hà Đồ cộng với sự vận hành Tiên Thiên và Hậu Thiên mà Việt Dịch Đồ xuất hiện. Với Việt Dịch Đồ, hình H27, nó không khó cho chúng ta nhận ra là toàn bộ lý thuyết ngũ hành đã nằm ẩn trong đó.  




Một trong những thể hiện quan trọng của Việt Dịch Đồ là hai dòng hành khí vận hành ngược chiều nhau, dòng hành khí nằm ở vòng bên ngoài vận hành theo chiều kim đồng hồ còn dòng hành khí nằm ở vòng bên trong vận hành ngược chiều kim đồng hồ.  Chú ý ở điểm là cả hai chiều vận hành đều là thuận hành.  Hay nói cách khác theo ngôn ngữ ngũ hành là chiều kim đồng hồ lẫn chiều ngược kim đồng hồ đều là chiều sinh.  Như vậy, với 5 hành ở 5 phương vị và với hai dòng hành khí vận hành ngược chiều nhau, lý thuyết ngũ hành nguyên thủy đã tự thể hiện đầy đủ mà không cần sự trợ giúp nào từ bên ngoài.  Gọi lý thuyết ngũ hành nằm ẩn trong Việt Dịch Đồ này là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy.
Để giúp cho thấy rõ hơn, chúng ta có thể đơn giản hóa Việt Dịch Đồ và minh họa thành một mô hình riêng cho lý thuyết ngũ hành, trong đó hành Thổ nằm ở trung tâm còn 4 hành Thủy, Mộc, Hỏa, Kim nằm trên một vòng tròn với quy luật sinh vận hành hai chiều ngược nhau.  Chính đặc tính sinh hai chiều này nên nó được gọi là tương sinh.  Hay nói cách khác, hai hành nằm cạnh nhau thì tương sinh.  Và, suy ra, hai hành đối lập nhau thì tương khắc.  Lý thuyết ngũ hành nguyên thủy có thể tóm gọn và so sánh với lý thuyết ngũ hành phổ cập như trong hình H45.       


 Như chúng ta đã thấy, tuyệt đối không có một chút chứng cớ nào cho sự hiện hữu của lý thyết ngũ hành phổ cập.  Không thấy ngũ hành là 5 loại vật chất cũng không thấy sinh khắc theo hai quy luật của thuyết ngũ hành phổ cập. 
Nếu Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 loại vật chất giống như lý thuyết ngũ hành phổ cập luôn nói tới thì tại sao không gọi chúng là ngũ chất mà lại gọi là ngũ hành?  Còn căn cứ theo từ điển Thiều Chửu thì ngũ hành là “cái để dùng, của dùng như ngày xưa gọi vàng, gỗ, đất, lửa, nước là ngũ hành金木水火土為五行 ý nói năm thứ ấy là cái người ta cần dùng hằng ngày vậy.”  Nếu đúng là như thế thì từ chỗ 5 vật dụng tối yếu cho đời sống của con người đi tới chỗ 5 vật chất tương sinh tương khắc lẫn nhau cấu tạo nên mọi thứ mọi cái như lý thuyết ngũ hành phổ cập luôn nói tới thì khoảng cách quả thật là không gần.   
Cũng căn cứ theo từ điển Thiều Chửu thì chữ hành 行 trong tiếng Hán có nghĩa là đi, là bước đi, là trải qua, là sắp tới, là biến đổi không ngừng.  Chữ hành trong những ý nghĩa “đi, bước chân đi” hoàn toàn khế hợp với lý giải ngũ hành là để chỉ phương hướng, để định vị, để làm sao đi tới nơi về tới chốn.  Chữ hành trong ý nghĩa “trải qua, sắp tới, biến đổi không ngừng” lại càng đặc biệt vì không những hoàn toàn khế hợp với lý giải ngũ hành là để chỉ phương hướng, trong đó bao gồm cả chiều xoay thuận nghịch đối với một định vị , mà còn hoàn toàn khế hợp với hành trạng của Tứ Tượng.  Chính điểm này giúp chúng ta mở ra một cánh cửa khác để nghiệm xét vấn đề Ngũ Hành: đó là sự khế hợp và không khế hợp giữa Tứ Tượng, Bát Quái với Ngũ Hành.  
Nếu lý giải thuyết ngũ hành trên căn bản Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là để chỉ 5 loại vật chất với 2 quy luật  sinh khắc theo đúng căn bản của lý thuyết ngũ hành phổ cập thì làm sao năm hành có thể phối hợp được với bốn tượng và tám quái?  Thêm vào đó, như đã nói, bằng vào kiến thức của nhân loại ngày hôm nay, rõ ràng thế giới này không cấu thành bởi 5 loại vật chất cũng không vận hành bởi hai quy luật sinh khắc như lý thuyết ngũ hành phổ cập luôn vận dụng. 
Ngược lại nếu lý giải thuyết ngũ hành trên căn bản thiên văn Thủy, Mộc, Hỏa, Kim là để chỉ 4 hướng Bắc, Đông, Nam, Tây và trung tâm là hành Thổ thì năm hành kết hợp với bốn tượng và tám quái lại là một điều hoàn toàn khả dĩ và hoàn toàn hợp lý.   Trong trường hợp này Âm Dương, Ngũ Hành, Hà Đồ, Bát Quái, Thiên Can, Địa Chi, Cửu Cung, Thập Nhị Cung không những khế hợp về mặt cấu trúc mà còn khế hợp về mặt thể hiện thế giới hiện tượng một cách dung thông gọi là Dịch Lý.  Đây là một sự kết hợp của hai vế chứa đựng trong 67 lời.  Sự kết hợp làm cho lý-sự của âm dương, ngũ hành, bát quái, độ số, thiên can, địa chi, phương hướng, mùa tiết . . .  có thể “hiển bày” vạn tượng trong một đồ hình đơn giản, Việt Dịch Đồ.  Một sự kết hợp trọn vẹn và kỳ ảo!   
Tìm trong kho tàng đạo học chúng ta cũng có không ít bằng chứng nói về ngũ hành.  Trong một bài giảng về Âm Dương Ngũ Hành Đức Đông Phương Lão Tổ đã giảng:

“Thánh Nhân ngày xưa nhìn thấy lẽ siêu xuất của vũ trụ vạn vật, vạch ra Bát Quái, tham cứu Đồ Thơ, tác thành Dịch Đạo, lưu lại cho đời tìm hiểu mối manh huyền bí của vũ trụ vạn vật. Tuy hình tướng lý thuyết bên ngoài, nhưng bên trong chứa đựng luật tắc ảo diệu biến hóa của Thái Cực Âm Dương. Người tu luyện nương vào đó để nhìn thấy sự luân động của bộ máy tối linh, nhận thấy được cái gì là chân thật, bất biến để gìn giữ, cái gì là giả tạm, sanh diệt diệt sanh trong thời gian nào đó để không bám víu.
Thiên nhất sanh thủy, Địa lục thành chi; Địa nhị sanh hỏa, Thiên thất thành chi; Thiên tam sanh Mộc, Địa bát thành chi; Địa tứ sanh kim, Thiên ngũ thành chi; Thiên ngũ sanh thổ, Địa thập thành chi. Một sanh một thành một âm một dương, một động một tịnh.

Bởi có danh có chất nên gọi là Ngũ-Hành Tiên-Thiên. Bởi có hình có tướng nên gọi là Ngũ-Hành Hậu-Thiên. Trong trời đất vạn vật không có vật chi hóa sanh biến dưỡng mà không có Tiên Thiên, Hậu Thiên Ngũ Hành áp dụng vào nhân thân. Người tu luyện phải thấu suốt những tác năng sinh động hữu hình trong chính bản thân để hòa hợp tu chứng.

Ngươn Thần, ngươn Tinh, ngươn Tính, ngươn Tình, ngươn Khí là Ngũ Hành Vô Hình. Thức Thần, trược Tinh, quỷ Phách, du Hồn, vọng Ý là Ngũ Hành Hữu Chất. Bính Đinh, Nhâm Quý, Canh Tân, Giáp Ất, Mồ Kỷ là Ngũ Hành Phương Vị. Đó là hữu danh, hữu chất, vô hình là nguồn gốc của Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là tượng của Ngũ Hành ứng với phương vị để truyền sản tác thông, nguyên căn tổ khiếu của ngũ ngươn, ngũ tạng, lục phủ là hình trong hình, chất trong chất. Do đó có hỉ, nộ, ai, lạc, dục.

Biết được sự liên hệ mật thiết giữa máy Tạo tuần hoàn, nhân thân cùng vũ trụ thì tu luyện là cần thiết cho con người. Khi đã tạo thành, con người sống trong hai khí Tiên Thiên, Hậu Thiên; tinh thần hòa lẫn vật chất; hữu hình vật chất thì biến hiện, vô hình thì tiềm ẩn, thế nên con người chỉ thấy giá trị của vật chất mà không thấy giá trị của tinh thần, vì vật chất hữu hình, quyến rũ, lôi cuốn, con người càng ngày càng bám víu; trong khi  Chơn Tâm linh tánh càng ngày càng bị phủ mờ. Hỉ, nộ, ai, lạc, dục theo ngũ quan nhập vào tàn phá Ngũ Tạng Lục Phủ, làm thân phải bị thương tổn, khuynh khuyết, hoại tàn.

Muốn trị được chứng nội thương ấy, người tu luyện cần phải chuyên chú trong việc luyện kỷ. Dương là đầu mối hóa sanh, tác thành vạn vật. Một Âm không sanh, một Dương không trưởng; Âm thạnh, Dương suy ắt bại hoại. Tạo thế quân bình cho trong định ngoài an là đời sống tự do, tự tại. Vượt ngoài lý Âm Dương là phản bổn hoàn nguyên, vĩnh cửu trường tồn. Tai nghe tiếng trần mà chẳng phân biệt; mắt nhìn thấy sắc trần mà chẳng phân biệt; mũi ngửi mùi trần mà chẳng phân biệt; lưỡi nếm vị trần mà chẳng phân biệt. Chính vì sự phân biệt mà có ưa ghét, thân thù, khao khát, ước vọng để kết thành của nghiệp luân hồi. Vui, giận, buồn, vui, thương, cảm khi chưa phát gọi là trung.  Khi phát ra đúng tiết điệu hòa hài cảm ứng với nội tâm, ngoài cảm gọi là hòa. Trung Hòa là yếu tố đạt đến chỗ trong định ngoài an, để sống một cuộc sống siêu thoát; mà sống cuộc sống siêu thoát thì Tiên Phật cũng thế thôi.[1]

Nhưng qua đoạn giáo lý trên chúng ta thấy được ngũ hành trên nền tảng của đạo học cũng không có một chút dấu vết nào để có thể nói ngũ hành là 5 loại vật chất. Và không thấy dấu vết nào của hai quy luật tương sinh và tương khắc chi phối hay vận hành thế giới hiện tượng lẫn thế giới siêu hình như lý thuyết ngũ hành phổ cập thường nói tới.  


[1] Giáo Lý Cao Đài


No comments:

Post a Comment