Friday, October 29, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#8)

Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời

trở về: Việt Dịch - bài 7

2. HẬU THIÊN BÁT QUÁI, HÀ ĐỒ VÀ VIỆT DỊCH ĐỒ
Một cụm chữ khác cũng phổ thông không kém trong thế giới dịch học mà các học giả, các đạo gia, các nhà bói toán và ngay cả các vị tu luyện bùa chú hầu hết đều biết đến, đó là “Thiên Nhất sanh Thủy, Địa Lục thành chi, Điịa Nhị sanh Hỏa, Thiên Thất thành chi, Thiên Tam sanh Mộc, Địa Bát thành chi, Địa Tứ sanh Kim, Thiên Cửu thành chi, Thiên Ngũ sanh Thổ, Địa Thập thành chi.”  Vậy thì cụm chữ đầy huyền bí này là cái gì?
Cũng giống như đã giải trình cụm chữ đầu tiên, chúng ta sẽ thẳng thắn trả lời cụm chữ thứ hai này là cái gì.  Nhưng trước khi tiếp tục cuộc du hành lý thú, chúng ta hãy bỏ chút thời gian để nhìn vào hình H20 được tạm gọi là bảng giải mã từ thiên nhất sanh Thủy tới địa thập thành chi.



Chúng ta nhìn thấy gì trong bảng giải mã đó?  Có phải chăng nó mô tả sự liên hệ giữa và quy luật tổng quát của Âm Dương, Ngũ Hành và Độ Số?  Trong đó:

  • một âm một dương, một sinh, một thành, một động một tịnh, một trước một sau;
  • Càn sinh Thủy rồi mới sinh Mộc, Khôn sinh Hỏa rồi mới sinh Kim, sau chót là sinh Thổ.
  • 1, 7, 3, 9, 5 là độ số trời còn 6, 2, 8, 4, 10 là độ số đất và tổng số của độ số thiên là 25, tổng số của độ số địa là 30, và tổng số của độ số thiên lẫn địa là 55 (25 + 30);
  • Thủy 1, Hỏa 7, Mộc 3, Kim 9, và Thổ 5 là Tiên Thiên Ngũ Hành còn Thuỷ 6, Hỏa 2, Mộc 8, Kim 4, Thổ 10 là Hậu Thiên Ngũ Hành.

Đồng thời nó còn cho thấy sự liên hệ giữa cụm chữ bí ẩn này với hệ số nhị phân, thể hiện qua hai trạng thái 0 (inactive, low) và 1 (active, high) trong dạng sóng điện kỹ thuật số, cũng như giúp xác định tính chất của dương động và âm tịnh của Lưỡng Nghi.  Nếu các bạn vẫn còn nhớ nội dung trong hình 1 mô tả tiến trình từ  Thái Cực tới vạn vật và hình 18 mô tả một vũ trụ lớn trong đó dãy số 0 -> 20 -> 21 -> 22 -> 23 -> 2n đại diện cho vũ trụ của chúng ta [thế giới của đối đãi, của nhị nguyên, của những hiện tượng nằm trong phạm trù con người có thể thấy hiểu được và nó chỉ là một phần nhỏ trong vũ trụ lớn đó] thì chúng ta sẽ nhận ra một sự khế hợp nhất quán và xuyên suốt từ cụm chữ đầu tiên là “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật” đã triển khai ở đoạn trước cho tới cụm chữ “thiên nhất sanh thủy, địa lục thành chi, địa nhị sanh hỏa, thiên thất thành chi, thiên tam sanh Mộc, địa bát thành chi, địa tứ sanh kim, thiên cửu thành chi, thiên ngũ sanh thổ, địa thập thành chi” mà chúng ta đang đề cập ở đoạn này.    
Chưa hết, cụm chữ thần bí này còn cho chúng ta biết nguồn gốc của Ngũ Hành và sự liên hệ của Ngũ Hành đối với Âm Dương và Độ Số cũng như sự phân định Ngũ Hành ra thành Tiên Thiên Ngũ Hành và Hậu Thiên Ngũ Hành.     

Tuy chúng ta đã giải mã khá tường tận về cụm chữ này nhưng thật ra thì nó muốn tới cái gì?  Ở đoạn trên chúng ta đã giải mã cụm chữ “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật” và tìm ra cái rốt ráo mà cổ thánh [vị cha đẻ của cụm chữ] đã muốn đưa ngón tay chỉ vào chính là cái Tiên Thiên Bát Quái Đồ hay nói cho khoa học hơn là chỉ vào một vũ trụ đồ mô tả sự khởi nguyên và quy luật vận hành của vũ trụ trong phạm trù có thể thấy hiểu và lý giải được.  Cũng giống như vậy, chúng ta cần phải tìm ra sự thật là cổ thánh muốn chỉ ngón tay vào cái gì khi đã nói “thiên nhất sanh thủy, địa lục thành chi, địa nhị sanh hỏa, thiên thất thành chi, thiên tam sanh mộc, địa bát thành chi, địa tứ sanh kim, thiên cửu thành chi, thiên ngũ sanh thổ, địa thập thành chi.” Một bí ẩn lớn phải không?
Theo GS Lê Văn Quán, tác giả của cuốn Chu Dịch Vũ Trụ Quan xuất bản năm 1995, NXB Giáo Dục, thì năm vì sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nằm trong thái dương hệ của chúng ta xuất hiện trên bầu trời theo quy luật vận hành như sau:   

Sao Thủy nằm ở bầu trời hướng Bắc; vào canh 1 (canh Tý) và canh 6 (canh Tỵ); vào mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26; vào tháng 11 và tháng 6.

Sao Hỏa nằm ở bầu trời hướng Nam; vào canh 2 (canh Sửu) và canh 7 (canh Ngọ); vào ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27; vào tháng 12 và tháng 7.

Sao Mộc nằm ở bầu trời hướng Đông; vào canh 3 (canh Dần) và canh 8 (canh Mùi); vào ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28; vào tháng 3 và tháng 8.

Sao Kim nằm ở bầu trời hướng Tây; vào canh 4 (canh Mão) và canh 9 (canh Thân); vào ngày mùng 4, 9, 14, 19, 24, 29; vào tháng 4 và tháng 9.

Sao Thổ nằm ở bầu trời trung ương; vào canh 5 (canh Thìn) và canh 10 (canh Dậu) ; vào ngày mùng 5, 10, 25, 20, 25, 30; vào tháng 5 và tháng 10.

Nếu vị trí và độ số của 5 thiên cầu theo sự trình bày của GS Lê Văn Quán đúng với khoa học thiên văn thì cụm chữ bí ẩn của cổ thánh bỗng chốc trở thành sáng tỏ.  Cụm chữ đó chính là thông tin về cấu trúc của Hà Đồ.  Vâng, là Hà Đồ, như trong hình 21 cho thấy, là một bản đồ định vị trí trên mặt đất dùng 5 vì sao trong thái dương hệ để làm cột móc cho 4 hướng chính với một điểm trung tâm và một trục Càn-Khôn để chỉ trục không gian. 

 
Từ trong cụm chữ đó chúng ta thấy nguyên thủy của cái gọi là ngũ hành “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ” chỉ là tên của các vì sao dùng để định phương hướng và vị trí trên mặt đất.  Cũng cũng từ cụm chữ đó chúng ta xác định được chiều xoay của quy luật vận động nhờ rút ra từ chữ “sanh” và tương quan thứ tự trước sau: Thủy tới Mộc, rồi Hỏa tới Kim, sau cùng là Thổ ở trung tâm.  Và, có phải chăng vì 5 sao này xác định vị trí và phương hướng “để đi” và xác định chiều “xoay” thuận nghịch của quy luật chuyển động nên được gọi là “ngũ hành”?  



Và rồi với thông tin sơ khởi từ cụm chữ bí ẩn đó, chúng ta có thể suy luận và bổ sung thêm một số thông tin hợp lý, dựa vào những trải nghiệm của con người đối với quy luật vận hành khách quan của thiên nhiên và dựa vào quy ước do con người đặt ra để mô tả hành trạng quen thuộc của thiên nhiên và mô tả phương vị trên mặt địa cầu, như trong hình H22.  Thí dụ như là hướng Bắc thì khí hậu lạnh nhất so với hướng Nam khí nóng, hướng Đông khí ấm và hướng Tây khí mát [trải nghiệm].  Khí hậu lạnh nhất trong hành trạng của thời tiết thì ta gọi là mùa Đông [qui ước] so với khí hậu nóng bức vào mùa Hè, ấm áp vào mùa Xuân và mát mẻ vào mùa Thu.  Khí hậu ấm áp của mùa Xuân đi liền với hiện tượng cây cỏ nẩy chồi vươn lên khỏi mặt đất cho nên hành trạng của chu kỳ thiên nhiên sinh hóa trong giai đoạn này được gọi là giai đoạn Sinh [trải nghiệm].  Mùa Hè cây cỏ tốt tươi lớn chắc cho nên được gọi là Trưởng.  Mùa Thu cây cỏ kết trái rồi tàn úa nên gọi là Thu.  Mùa Đông trơ trụi, sự sống biến mất nên gọi là Tàng.  Mỗi hướng bao trùm không gian quá rộng [90 độ] nên hướng Bắc được phân ra thành hai phương vị [qui ước] Nhâm và Quý, hướng Đông được phân ra thành hai phương vị Giáp và Ất, hướng Nam được phân ra thành hai phương vị Bính và Đinh, hướng Tây được phân ra thành hai phương vị Canh và Tân, trung ương gọi là Mậu và Kỷ.  Tất cả gọi chung là Ngũ Hành Phương Vị.  Nhâm Quý Thủy, Giáp Ất Mộc, Bính Đinh Hỏa, Canh Tân Kim, Mậu Kỷ Thổ gọi chung là Ngũ Hành Danh Chất trong đó Nhâm là tiên thiên Thủy và Quý là hậu thiên Thủy, Giáp tiên thiên Mộc và Ất hậu thiên Mộc, Bính tiên thiên Hỏa và Đinh hậu thiên Hỏa, Canh tiên thiên Kim và Tân hậu thiên Kim, Mậu tiên thiên Thổ và Kỷ hậu thiên Thổ.  Mỗi mùa cũng được phân định thành hai mốc thời điểm.  Mùa Xuân thì có Lập Xuân và Xuân Phân.  Mùa Hạ thì có Lập Hạ và Hạ Chí.  Mùa Thu thì có Lập Thu và Thu Phân. Mùa Đông thì có Lập Đông và Đông Chí [trải nghiệm + qui ước].  Một chu kỳ của Thái Tuế [Mộc tinh xoay quanh mặt trời] là 12 năm, chu kỳ của một Tuế [một năm] là 12 tháng, chu kỳ của một ngày là 12 canh giờ cùng được gọi theo thứ tự Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi [trải nghiệm + qui ước].  Một chu kỳ của Tuế Sai là 25920 năm, một nửa chu kỳ được gọi là một Hội dài 12960 năm, mỗi Hội có 12 Vận và mỗi Vận dài 1080 năm, mỗi Vận gồm có 6 Nguyên và mỗi Nguyên dài 180 năm, mỗi Nguyên có 3 Hoa Giáp và mỗi Hoa Giáp dài 60 năm [trải nghiệm + qui ước].    
Quan tâm tới việc bổ sung thêm thông tin vào Hà Đồ, câu hỏi đã từng được đặt ra là “việc xác định mùa Đông nằm chung với khí lạnh và phương Bắc còn mùa Hè nằm chung với khí nóng và phương Nam thì không có gì để thắc mắc, nhưng còn mùa Xuân thì tại sao lại được đặt nằm chung với phương Đông và mùa Thu nằm chung với phương Tây mà không là ngược lại, trong khi cả hai phía đều là nằm giữa nóng và lạnh như nhau?”  Câu trả lời đã nằm sẵn trong thông tin sơ khởi đó là “trời sinh Thủy rồi mới sinh Mộc, đất sinh Hỏa rồi mới sinh Kim” để chỉ chiều vận hành của thiên nhiên sinh hóa như vòng cung trong hình 21 và 22 cho thấy.  Như vậy thì theo vòng thuận từ khí lạnh đến khí nóng rồi từ khí nóng trở về khí lạnh.  Ấm nằm giữa lạnh tới nóng.  Mát nằm giữa nóng tới lạnh.  Đã xác định được vị trí của bốn khí thì xác định được vị trí của bốn mùa.  Xác định được vị trí của bốn mùa rồi thì vị trí của bốn hành trạng sinh, trưởng, thu, tàng dĩ nhiên là phải đi theo. 



tiếp theo: Việt Dịch - bài 9

1 comment:

  1. Một chữ là Thầy nữa chữ cũng là Thây. Nhưng em có duyên đọc bài viết trong diễn đàn này đã hiểu thêm về thế thới này, vậy nó không còn là 1 chữ hay nữa chữ bởi tác giả đã cho em cảm nhận về kỳ quan tri thức của Dịch. Vậy không còn gọi Thầy nữa rồi, cho em mạo phép gọi là SƯ PHỤ nhé.
    Em mới biết và đang tìm hiểu về Kinh Dịch nhưng hiểu biết còn nông cạn. Rất mong sư phụ hướng dẫn thêm.
    quockhoa67890@gmail.com

    ReplyDelete