Thursday, October 28, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#4)

Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời


trở về: Việt Dịch - bài 3



Trở lại vấn đề chính, Hai Nguyên Lực thuần tác lẫn hỗn tác lên Bốn Nguyên Tố thể hiện thành tám tính chất tối căn bản gọi chung là Tám Nguyên Tính, đại diện cho tất cả mọi hiện tượng trong phạm trù có thể thấy hiểu được.  Dịch học đặt tên cho Tám Nguyên Tính này là Bát Quái và  “Càn, Đoài, Ly Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn” chính là tên gọi của tám quái.   
Vì hiện tượng trong phạm trù “có thể thấy hiểu được” rất nhiều, nhiều đến mức không có con số giới hạn, cho nên mỗi quái của Bát Quái Đồ bắt buộc phải đại diện cho một tập hợp rất lớn những hiện tượng đó.  Điều này có nghĩa là mỗi nguyên tính của tám quái phải tổng quát đến mức độ có thể bao trùm tất cả mọi thứ trong thế giới hiện tượng.  Hay nói một cách khác là tám chữ “Càn, Đoài , Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn” gắn cho tám quái cũng chính là tên gọi của tám tập hợp rộng lớn của mọi hiện tượng trong vũ trụ được xếp theo trật tự “có cùng một tính chất tối sơ.” 
Tám tập hợp của những hiện tượng có cùng tính chất tối sơ đó là gì?  Là những tập hợp “không gian dương tính, không gian âm tính, năng lượng dương tính, năng lượng âm tính, vật chất vô hình dương tính, vật chất vô hình âm tính, vật chất hữu hình dương tính, vật chất hữu hình âm tính” đã được nói qua rồi.  Tám tập hợp, yếu tính tối sơ của mỗi tập hợp, tên của mỗi tập hợp, và biểu tượng của mỗi tập hợp được minh họa trong hình H10. 


         
Như vậy, một quái không phải đơn giản tượng trưng cho một thứ hay một vật gì đó mà nó bao gồm tất cả những cái, những thứ có cùng một nguyên tính, cái gọi là tính chất tối sơ, của quái đó để có thể xếp vào tập hợp mà quái đó tượng trưng.         
Càn quái không phải chỉ đơn giản là “trời” mà nó bao gồm tất cả những thứ, những cái có thể xếp vào tập hợp “không gian dương tính” nằm trên trục không gian và thuộc về tượng không gian.  Tính chất tối sơ của Càn là không gian dương tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì “không gian dương tính” có nghĩa là “không gian mở,” là “trống rỗng, thông thoáng,” là “có thể chứa đựng,” là “có thể che,” là “có thể làm giảm áp suất.”  Hiểu như thế thì sẽ thấy Càn quái tượng trưng cho nhiều thứ.  Lớn thì là không gian bao la của vũ trụ.  Nhỏ hơn có thể là khoảng không gian trong một lòng núi, khoảng không gian trong một ngôi nhà, khoảng không gian trong một cái thùng, khoảng không gian trong một cái chai, khoảng không gian trong một cái hộp nhỏ, vân vân.     
Khôn quái không phải chỉ đơn giản là “đất” mà nó bao gồm tất cả những thứ, những cái có thể xếp vào tập hợp “không gian âm tính” nằm trên trục không gian và thuộc về tượng không gian.  Tính chất tối sơ của Khôn là không gian âm tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì  “không gian âm tính” có nghĩa là “không gian đóng, khép kín,” là “đã đầy, đã chiếm dụng,” là “có thể nâng đỡ,” là “có thể làm tăng áp suất.”   Hiểu như vậy thì sẽ thấy Khôn quái tượng trưng cho nhiều thứ.  Xa là tất cả thiên thể trong vũ trụ.  Gần hơn là mặt bằng và lòng đất của địa cầu này.  Gần hơn nữa là khoảng không gian đặc [không có chỗ chứa] hoặc khoảng không gian đã chiếm dụng [không thể chứa thêm] hoặc khoảng không gian khép kín [không thông với bên ngoài] nằm trong mọi thứ trên mặt đất.     
Ly quái không phải chỉ đơn giản là “lửa” mà nó bao gồm tất cả những thứ, những cái có thể xếp vào tập hợp “năng lượng dương tính” nằm trên trục năng lượng và thuộc về tượng năng lượng.  Tính chất tối sơ của Ly là năng lượng dương tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì năng lượng dương tính có nghĩa là “nóng,” là “tỏa sáng,” là “cháy bùng,” là “bốc lên,” là “nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của môi trường,” là “có thể làm tăng nhiệt,” là “có thể hóa nhiệt,” là “có thể đốt cháy.”  Hiểu như vậy thì sẽ thấy quái Ly tượng trưng cho nhiều thứ.  Nói rộng là tất cả những gì nóng, sáng, cháy, bốc lên trong vũ trụ.  Nói hẹp là tất cả những gì nóng, sáng, cháy, bốc lên, có thể hóa nhiệt, có thể làm tăng nhiệt trên mặt đất.       
Khảm quái không phải là “nước” mà nó bao gồm tất cả những thứ, những cái có thể xếp vào tập hợp “năng lượng âm tính” nằm trên trục năng lượng và thuộc về tượng năng lượng.  Tính chất tối sơ của Khảm là năng lượng âm tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì “năng lượng âm tính” có nghĩa là “lạnh,” là “trầm xuống,” là “thấm xuống,” là “chảy tràn vào chỗ thấp,” là “rung chuyển khi có vật ngoài xúc chạm vào,” là “tối tăm,” là “nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của môi trường,” là “có thể làm giảm nhiệt,” là “có thể hóa hàn,” là “có thể làm lạnh cứng,” là “có thể làm cho tắt lịm.”  Hiểu như vậy thì sẽ thấy quái Khảm tượng trưng cho nhiều thứ.  Nói rộng là tất cả những gì lạnh, tối, tắt, trầm xuống trong vũ trụ.  Nói hẹp là tất cả những gì lạnh, tối, tắt, trầm xuống, chảy tràn vào chỗ thấp trên mặt đất.          
Cấn quái không phải chỉ đơn giản là “núi” mà nó bao gồm tất cả những thứ, những cái có thể xếp vào tập hợp “vật chất hữu hình dương tính” nằm trên trục vật chất hữu hình và thuộc về tượng vật chất hữu hình.  Tính chất tối sơ Cấn là vật chất hữu hình dương tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì “vật chất hữu hình dương tính” có nghĩa là “đặc,” là “cứng,” là “nặng,” là “vững vàng, khó xê dịch,” là “có thể ngưng kết.”  Hiểu như vậy thì sẽ thấy quái Cấn tượng trưng cho nhiều thứ.  Nói xa là tất cả những gì rắn, đặc, ngưng kết, nặng hơn trong vũ trụ.  Nói gần là tất cả những gì rắn, đặc, ngưng kết, nặng hơn, vững vàng hơn trên mặt đất.       
Đoài quái không phải chỉ đơn giản là “ao đầm” mà nó bao gồm tất cả những thứ, những cái có thể xếp vào tập hợp “vật chất hữu hình âm tính” nằm trên trục vật chất và thuộc về tượng vật chất.  Tính chất tối sơ của Đoài là vật chất hữu hình âm tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì “vật chất hữu hình âm tính” có nghĩa là “mềm,” là “lỏng,” là “có thể bốc hơi,” là “làm cho nhẹ hơn.”  Hiểu như vậy thì sẽ thấy quái Đoài tượng trưng cho nhiều thứ.  Nói xa là tất cả những gì mềm, lỏng, có thể bốc hơi, nhẹ hơn trong vũ trụ.  Nói gần là tất cả những gì mềm, lỏng, có thể bốc hơi, nhẹ hơn trên mặt đất.       
Chấn quái không phải chỉ đơn giản là “sấm sét” mà nó bao gồm tất cả những thứ, những cái có thể xếp vào tập hợp “vật chất vô hình dương tính” nằm trên trục vật chất vô hình và thuộc về tượng vật chất vô hình.  Tính chất tối sơ của Chấn là vật chất vô hình dương tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì “vật chất vô hình dương tính” có nghĩa là “khí quang,” là “chớp,” là “lóe sáng,” là “có thể hóa quang,” là “làm cho nổ.”  Hiểu như vậy thì sẽ thấy quái Chấn tượng trưng cho nhiều thứ.  Nói xa là tất cả những nguồn khí quang [plasma; ionic gas, khí bị đoạt mất âm điện tử], là tất cả những nguồn điển quang, là những gì chớp, loé, nổ, phát sáng trong vũ trụ.  Nói gần là tất cả những nguồn khí quang, là những nguồn điển quang, là những gì chớp, loé, nổ, phát quang ngay trên mặt đất, trong đó có ánh sét.       
Tốn quái không phải chỉ đơn giản là “gió” mà nó bao gồm tất cả những thứ, những cái có thể xếp vào tập hợp “vật chất vô hình âm tính” nằm trên trục vật chất vô hình và thuộc về tượng vật chất vô hình.  Tính chất tối sơ của Tốn là vật chất vô hình âm tính.  Lý giải ở một tầng thấp hơn thì “vật chất vô hình âm tính” có nghĩa là “khí,” là “từ trường,” là “điển,” là “có thể hoá âm,” là “làm cho phát ra âm thanh,” là “làm cho nghe tiếng.”  Hiểu như vậy thì sẽ thấy quái Tốn tượng trưng cho nhiều thứ.  Nói xa là không khí, là từ trường và những thể hiện thuộc âm thanh trong vũ trụ.  Nói gần là tất cả những chất khí, là sức hút của trái đất, là trọng lực, là từ trường của vật chất, là những thể hiện thành âm thanh trên mặt đất, trong đó có tiếng sấm.       
Từ đây về sau cụm chữ “tất cả những cái, những thứ” sẽ được gom chung vào cụm chữ “thể-dạng-tính-trạng-hành” khi nói về những từ vựng dùng để mô tả những thể hiện của vũ trụ.  Thể là thể loại.  Dạng là hình dạng.  Tính là tính chất. Trạng là trạng thái.  Hành là chuyển dịch, là hành vi, là hành động, là thực hiện.     

Vũ trụ là sự hiện hữu cùng một lúc của hai mặt đối lập.  Vũ trụ tiếp tục tồn tại là do sự vận động tương tác và biến hoá không ngừng nghỉ của hai lực đối kháng.  Nhưng vũ trụ sẽ không thể hiện hữu nếu thiếu một trong bốn yếu tố tối căn bản: không có không gian, không có năng lượng, không có vật chất vô hình và không có vật chất hữu hình.  Vũ trụ là thể hiện của Thái Cực nằm trong phạm trù có thể thấy hiểu và luận bàn.  Tính chất tối sơ của vũ trụ được mã hóa thành tám quái đại diện cho tám tập hợp của mọi hiện tượng.  Có bao quát đến mức độ như vậy thì Tiên Thiên Bát Quái Đồ mới có thể là một mô hình khả dĩ có năng lực giải thích nguồn gốc phát sinh của vũ trụ cũng như năng lực mô tả sự vận động của mọi hiện tượng trong vũ trụ đúng như những học giả và những nhà ứng dụng dịch học đã tán thán.    
 Trong chuỗi giải trình của chúng ta còn có hai vấn đề cần được làm sáng tỏ.  Vấn đề thứ nhất là chúng ta không thấy có yếu tố thời gian trong Tiên Thiên Bát Quái.  Tại sao?  Vấn đề thứ hai là chúng ta thấy trong tiến trình lý giải “Vô Cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật” rõ ràng là có một sự hiện hữu độc lập của Bốn Nguyên Tố đối với Hai Nguyên Lực [gián tiếp qua câu hỏi “vậy chứ hai công trình sư đó tác lên cái gì và tạo từ cái gì?”].  Nếu là vậy thì làm sao có thể nói là Lưỡng Nghi sinh ra Tứ Tượng?     
Cho câu hỏi thứ nhất, mọi người đều biết thời gian đối với thế giới sống của chúng ta là một yếu tố bất khả ly.  Nó luôn luôn đi liền với yếu tố không gian.  Tất cả mọi tính toán trên mặt đất này đều đặt trên căn bản thời-không.  Tuy biết là vậy nhưng truy cho cùng thì thời gian chỉ hiện hữu trong khái niệm của con người chứ không phải là sự thật của vũ trụ.  Tôn giáo nói nhiều về điều này, nhất là trong kinh điển Phật giáo.  Một số khoa học gia cũng cho rằng thời gian chỉ là ảo tưởng của con người; và chúng ta cần nên hiểu là phát biểu này của họ, những khoa học gia, xuất phát từ nền tảng khoa học vật lý chứ không phải xuất phát từ triết học trừu tượng.  Cho nên, không có tượng thời gian trong Tiên Thiên Bát Quái Đồ không phải là một điều bất hợp lý.           
Cho câu hỏi thứ hai, chữ “sinh” có thể hiểu theo hai cách.  Cách hiểu thứ nhất là cách quen thuộc theo kiểu từ A đẻ ra B, nếu không có A thì cũng không có B.  Cách hiểu này thì sự hiện hữu của B tùy thuộc vào sự hiện hữu của A.  Cách hiểu thứ hai là theo kiểu định vị thứ tự từ A rồi mới tới B.  Không có A thì B vẫn hiện hữu nhưng nếu A và B hiện hữu cùng một lúc thì B phải đứng sau A.  Nói một cách khác, cả hai cách hiểu đều là A sinh B nhưng cách thứ nhất là “thực thể A sinh thực thể B” còn cách thứ hai là  “vị thế A sinh vị thế B.”  Hay diễn dịch một cách khác cho dễ hiểu hơn, thay vì chúng ta nói “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật” chúng ta cũng có thể trình bày là “Vô Cực tới Thái Cực, Thái Cực tới Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi tới Tứ Tượng, Tứ Tượng tới Bát Quái, Bát Quái tới càn khôn vạn vật.”  Hoặc trình bày một cách khác nữa là “Vô Cực -> Thái Cực, Thái Cực -> Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi -> Tứ Tượng, Tứ Tượng -> Bát Quái, Bát Quái -> càn khôn vạn vật.”  Hoặc là trình bày một cách khác nữa bằng mô hình toán số nhị phân là “0 -> 20 -> 21 -> 22 -> 23 -> 2n.”  Như vậy thì chúng ta sẽ không khó để nhận thấy chữ “sinh” là để mô tả chiều phát triển hay chiều đi ra xa từ trên tầng Vô Cực xuống tới tầng vạn vật, từ tầng 0 cho tới tầng 2n.  Có hiểu chữ sinh như vậy thì chúng ta mới thấy sự hợp lý của chiều trở về, chiều phản phục “0 <- 20 <- 21 <- 22 <- 23 <- 2n.”  Hoặc “Vô Cực <- Thái Cực, Thái Cực <- Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi <- Tứ Tượng, Tứ Tượng <- Bát Quái, Bát Quái <- càn khôn vạn vật.”  Cụm chữ “mới thấy sự hợp lý” được sử dụng là vì nếu hiểu chữ sinh theo kiểu “mẹ sinh con” thì không thể có chuyện “con sinh mẹ” theo chiều ngược lại.  Nói tóm lại, chữ “sinh” ở đây là vừa dùng để mô tả sự tùy thuộc vừa dùng để mô tả sự tương quan theo chiều diễn tiến sinh thành của vũ trụ.  Cho nên, dầu là sự hiện hữu của Bốn Nguyên Tố ở ngôi Tứ Tượng có độc lập với sự hiện hữu của hai động lực ở ngôi Lưỡng Nghi đi nữa nhưng tương quan thứ tự trong diễn tiến sinh thành của sự vũ trụ thì vẫn đúng là “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật” để từ đó mới có cái gọi là “nhất bổn tán vạn thù” rồi  “vạn thù qui nhất bổn.”       


No comments:

Post a Comment