Friday, October 29, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#9)


Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời

Dựa vào thông tin sơ khởi và thông tin bổ sung, chúng ta cũng có thể xác định được 4 quái nằm trên hai trục như trong hình H22.  Càn và Khôn nằm trên trục không gian.  Khảm và Ly nằm trên trục năng lượng.  Trục không gian và trục năng lượng là hai trục trong số bốn trục của Tiên Thiên Bát Quái Đồ.  Hay nói một cách khác là hai tượng trong số bốn tượng theo ngôn ngữ Dịch học hoặc hai nguyên tố trong số bốn nguyên tố theo ngôn ngữ của tác giả.   
Cũng với thông tin có được từ cụm chữ bí ẩn cho biết vị trí của trục Càn-Khôn và chiều vận hành chúng ta có được chìa khóa để mở một cánh cửa bí mật khác: Bát Quái Hậu Thiên.  Một khi trục không gian Càn-Khôn lìa bỏ chính vị để về nằm cạnh trục năng lượng Khảm-Ly thì hai trục còn lại, trục vật chất hữu hình Đoài-Cấn và trục vật chất vô hình Chấn-Tốn, bắt buộc phải về nằm cạnh hau.  Sự tái phối trí các trục để chuyển Tiên Thiên Bát Quái Đồ thành Hậu Thiên Bát Quái Đồ diễn ra theo tiến trình (1) trục Càn-Khôn rời vị trí [tiên thiên] ban đầu của nó và xoay thuận 1/8 vòng tròn [xoay 45 độ theo chiều xoay cơ bản, là chiều kim đồng hồ] về nằm cạnh trục Khảm-Ly [như xác định được trong hai đồ hình 20, 21] chiếm vị trí của trục Chấn-Tốn, theo đó (2) trục Chấn-Tốn bị đẩy ra khỏi vị trí của nó và xoay thuận 3/8 vòng tròn [xoay 135 độ theo chiều xoay cơ bản, là chiều kim đồng hồ] trám vào chỗ trống vị trí do trục Càn-Khôn bỏ lại, như trong hình H23.   


 

Hay nói một cách khác là trục Càn-Khôn và trục Chấn-Tốn hoán đổi vị trí cho nhau nhưng sự hoán đổi tuân thủ quy luật thuận hành [thay vì Càn-Khôn qua Chấn-Tốn, Chấn-Tốn qua Càn-Khôn theo chiều một thuận một nghịch].  Như vậy thì “Càn Khôn thất chính” đã biến Tiên Thiên Bát Quái thành ra Hậu Thiên Bát Quái.  Và Hậu Thiên Bát Quái Đồ sau khi điều chỉnh để trục Khảm-Ly nằm theo hướng Bắc-Nam thì nó sẽ giống với hình H24.


Chưa hết, cũng từ thông tin chứa đựng trong cụm chữ bí ẩn đó, chúng ta có thể tìm ta ra sự liên hệ mật thiết giữa Hà Đồ và Hậu Thiên Bát Quái.  Chồng Hậu Thiên Bát Quái lên Hà Đồ chúng ta sẽ có được cái mà ngôn ngữ dịch học gọi là “Hậu Thiên Bát Quái phối Hà Đồ” giống như hình H25.  




Tuy nói là phối nhưng chữ phối có vẻ không hợp lý.  Phối là đem cái này ráp với cái kia, là tìm cách cho cái này ăn khớp với cái kia, và cho kết quả là ráp đúng hay ráp sai.  Còn ở đây Hậu Thiên Bát Quái và Hà Đồ “phải đi chung” với nhau vì là một cặp song sinh, đã tự ăn khớp với nhau vì là hai phần bất khả ly của một tổng thể được cổ thánh mã hóa vào cụm chữ bí ẩn.  Chức năng của cái này chỉ có thể phát huy trọn vẹn hoặc ý nghĩa của cái này chỉ có thể được hiểu trọn vẹn khi có mặt của cái kia cùng lúc.  Và, chức năng của tổng thể chỉ có thể phát huy trọn vẹn hoặc ý nghĩa của tổng thể chỉ có thể được hiểu trọn vẹn khi có mặt của hai cái cùng lúc.  Và với một tổng thể thì vấn đề chỉ có thể là tìm cách cho cái này tách rời ra khỏi cái kia và chỉ có sự chọn lựa là cho cái này tách rời cái kia hay không mà thôi.  Hay nói một cách khác nó là một tiến trình hoàn toàn ngược lại với phối.  Tuy nhiên chúng ta cứ tạm gọi là “Hậu Thiên Bát Quái phối Hà Đồ” như trước đi.  Sở dĩ chúng ta phải nói đến điều này là vì muốn nhấn mạnh tính chất quan trọng của cái gọi là “bất khả ly” đối với việc tìm hiểu cái tổng thể mà chúng ta sẽ nói đến và muốn cho mọi người thấy rằng câu hỏi Hậu Thiên Bát Quái đi chung với Hà Đồ là đúng hay sai sẽ không còn là một nghi vấn cần thiết nữa.  
Bát Quái thì 4 tượng đã thể hiện qua 4 trục và đã phân ra thành 8 quái. Hà Đồ chuyển động. Tiên thiên dịch hành theo chiều xoay cơ bản. Vì thế, hậu thiên độ số xuất hiện như chạy ngược kim đồng hồ.  Bốn cặp số Hà Đồ phân bố ra 8 vị trí.  Tám số Hà Đồ phối với 8 quái Hậu Thiên.  Xem hình H26A.   Vòng cung đỏ để chỉ chiều xoay cơ bản [thuận hành] còn vòng cung xanh để chỉ Quái-Số phân bố theo tiên thiên dịch hành.  



Tiếp theo sau sự kết hợp của số với quái, hậu thiên dịch hành theo chiều xoay cơ bản.  Hậu thiên độ số xuất hiện như chạy trước tiên thiên độ số theo chiều kim đồng hồ.  Tám số Hà Đồ phối với tám hướng của Ngũ Hành Phương Vị [cũng có nghĩa là Quái-Số của Hà Đồ Bát Quái phối với Thiên Can Ngũ Hành].  Xem hình H26B.   Vòng cung đỏ để chỉ chiều xoay cơ bản [thuận hành] còn những đường tên đen để chỉ Quái-Số phân bố theo hậu thiên dịch hành.         




Khi hai dòng chuyển dịch thể hiện cùng một lúc với chuyển dịch tiên thiên nằm bên trong và chuyển dịch hậu thiên nằm bên ngoài, tức là thể hiện sự chuyển động trọn vẹn của Hà Đồ, thì chúng ta sẽ có được một đồ hình tổng thể trong đó độ số, bát quái, ngũ hành, thiên can, địa chi và những thông tin khác tạo thành một cấu trúc hợp nhất và trọn vẹn giống như hình H27.  Và từ giờ trở đi chúng ta sẽ gọi đồ hình này là Việt Dịch Đồ. 




Như chúng ta nhìn thấy, trên Việt Dịch Đồ có tất cả 8 cụm thông tin chính yếu.  Mỗi cụm thông tin kết hợp những phần tử của nó lại với nhau và bất khả ly.  Khi nói tới một phần tử nào của cụm cũng là nói tới toàn cụm.  Nói một cách khác, hoán vị của bất cứ phần tử nào ra khỏi cụm của nó hoặc bất cứ cụm nào ra khỏi vị trí của nó sẽ phá họai cấu trúc của cụm và cấu trúc của Việt Dịch Đồ.            
Nhìn vào đồ hình H27 chúng ta thấy gì?  Có phải chăng là một đồ hình mô tả thế giới thiên nhiên với những quy luật vận hành khách quan và những hành trạng bất biến của thiên nhiên?  Có phải chăng nó mô tả sự tương quan giữa vũ trụ và mặt địa cầu [tiêu biểu là thể hiện qua phương hướng và hai dòng vận hành xuôi ngược chiều kim đồng hồ]?  Có phải chăng nó mô tả sự tương quan giữa con người với thiên nhiên vạn hữu [tiêu biểu là thể hiện qua hành trạng]?       
Tới đây thì chúng ta có thể kết luận là Hà Đồ và Hậu Thiên Bát Quái không xuất hiện từ lưng thú vật mà xuất hiện từ cụm chữ huyền bí  “Thiên Nhất sanh Thủy, Địa Lục thành chi, Địa Nhị sanh Hỏa, Thiên Thất thành chi, Thiên Tam sanh Mộc, Địa Bát thành chi, Địa Tứ sanh Kim, Thiên Cửu thành chi, Thiên Ngũ sanh Thổ, Địa Thập thành chi.”  Và nếu những câu hỏi trên được trả lời là “đúng như vậy” thì di sản của cổ thánh để lại quả thật chứa đựng sự minh triết tuyệt vời và sự quán thông thế giới hiện tượng có một không hai.   


Như đã từng nói qua trong phần lý giải về Tiên Thiên Bát Quái Đồ, 4 nguyên tố tối sơ là năng lượng, không gian, vật chất hữu hình và vật chất vô hình được mô tả qua hình tượng 4 trục là trục năng lượng, trục không gian, trục vật chất vô hình và trục vật chất hữu hình.  Sự tác động của 2 nguyên lực, động và phản/bất động, lên 4 nguyên tố làm cho mỗi trục thể hiện thành hai mặt đối lập.  Từ chỗ đó, tượng không gian bày ra thành không gian dương tượng và không gian âm tượng.  Tượng năng lượng bày ra thành năng lượng dương tượng và năng lượng âm tượng.  Tượng vật chất hữu hình bày ra thành vật chất hữu hình dương tượng và vật chất hữu hình âm tượng.  Tượng vật chất vô hình bày ra thành vật chất vô hình dương tượng và vật chất vô hình âm tượng.  Theo đó xác định 8 nguyên tính là không gian dương tính, không gian âm tính, năng lượng dương tính, năng lượng âm tính, vật chất vô hình dương tính, vật chất vô hình âm tính, vật chất hữu hình dương tính, và vật chất hữu hình âm tính.  Dạng-tính-thể-trạng-hành của mọi hiện tượng trong phạm trù có thể thấy hiểu và lý giải được được đại diện bởi 8 nguyên tính tối sơ này.  Mỗi tập hợp của mọi hiện tượng có cùng 8 nguyên tính tối sơ được biểu trưng bằng 8 quái và được đặt tên là Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.  
Tiên Thiên Bát Quái Đồ lẫn Hậu Thiên Bát Quái Đồ đều lấy 4 trục nguyên tố chứa 8 nguyên tính đặt chồng lên nhau biểu thị cho sự thuần tác và hỗn tác của hai nguyên lực lên bốn nguyên tố mà tạo tác thành vũ trụ vạn vật.  Tuy nhiên, trong Hậu Thiên Bát Quái Đồ thì trục năng lượng Khảm-Ly và trục vật chất vô hình Chấn-Tốn được phân bố vào bốn phương chánh là Bắc, Nam, Đông, Tây [còn gọi là Tứ Chính] còn trục không gian Càn-Khôn và trục vật chất hữu hình Đoài-Cấn thì phân bố vào bốn phương bàng [còn gọi là Tứ Duy] so sánh với Tiên Thiên Bát Quái Đồ thì trục không gian Càn-Khôn và trục năng lượng Khảm-Ly nằm ở bốn phương chánh còn trục vật chất vô hình Chấn-Tốn và trục vật chất hữu hình Đoài-Cấn thì nằm ở bốn phương bàng.  Sự khác biệt giữa Tiên Thiên Bát Quái Đồ và Hậu Thiên Bát Quái Đồ trong cách phân bố bốn trục có lý do của nó.  Với vũ trụ vật lý, được mô tả qua Tiên Thiên Bát Quái Đồ, thì không gian và năng lượng là hai yếu tố chính còn vật chất hữu hình và vật chất vô hình là hai yếu tố phụ.  Điều này không nằm ngoài suy nghĩ của khoa học: hiện hữu của vũ trụ chỉ là thể hiện của năng lượng trong không gian.  Hay nói một cách khác là năng lượng và không gian “bày ra” vật chất vô hình và hữu hình.  Với thiên nhiên sinh hoá và thế giới của con người mô tả qua Việt Dịch Đồ, thì năng lượng và vật chất vô hình là hai yếu tố chánh còn không gian và vật chất hữu hình chỉ là hai yếu tố phụ.  Sự phân bố năng lượng và vật chất vô hình vào hai trục chính “dường như” là hợp lý.  Nói là “dường như” vì chúng ta chưa đi sâu vào lý giải và và chưa đưa ra những phối kiểm qua ứng dụng để thấy mức độ chính xác.  Kiến thức của lý học Đông Phương xác quyết mọi hiện tượng trong phạm trù có thể lý giải và thấy hiểu được đều là thể hiện của âm dương và ngũ hành.  Mà ngũ hành thì có tiên thiên, có hậu thiên, có danh, có hình, có chất.  Danh là tên gọi là qui ước gán vào.  Hình thì có hữu hình và vô hình.  Hữu hình thì có thể thấy biết còn vô hình thì chỉ có thể nhận biết.  Chất có sắc chất và tánh chất.  Sắc chất có thể thấy cũng có thể không thấy còn tánh chất thì không thấy mà chỉ có thể nhận biết.  Thí dụ như Ngũ Phương  gồm Nhâm Quý, Bính Đinh, Giáp Ất, Canh Tân, Mậu Kỷ là danh của Ngũ Hành Hữu Danh [chỉ là qui ước, đặt tên để gọi].  Thí dụ như Ngũ Nguyên gồm nguyên tinh, nguyên thần, nguyên tình, nguyên tánh, nguyên khí là hình của Ngũ Hành Vô Hình [tuy vô hình mà hữu chất] và Ngũ Đức gồm nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cũng là hình của Ngũ Hành Vô Hình [nhưng vô hình và cũng vô chất].  Thí dụ như Ngũ Tặc gồm trược tinh, thần thức, quỷ phách, du hồn, vọng ý là chất của Ngũ Hành Hữu Chất [có đủ hai thứ sắc chất và tánh chất].  Thí dụ như Ngũ Thức gồm hỉ, nộ, ái, lạc, dục cũng là chất của Ngũ Hành Hữu Chất [cũng hữu chất nhưng chỉ có tánh chất].  Hệ từ thượng chương 4 tiết 2 có viết “ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ sát ư địa lý, thị cố tri u minh tri cố, nguyên thủy phản chung cố tri sinh tử chi thuyết, tinh khí vi vật, du hồn vi biết, thị cố tri quỷ thần, chi tình trạng.”  Tạm dịch là: ngẩng lên xem thiên văn, cúi xuống xét địa lý, cho nên biết cái cớ của sáng tối, quay về nơi khởi nguồn của vạn vật theo dõi đến cuối cùng nên biết được lý lẽ của sống chết, tinh khí hợp lại sinh ra vạn vật, hồn thoát ra tạo nên biến hóa nên biết được tình trạng của quỷ thần.  Đoạn văn này cho thấy sự quan trọng của hai yếu tố hình và chất.  Mà hình và chất thì chỉ là một cách nói khác của hai yếu tố năng lượng và vật chất vô hình.  Và trong thế giới hậu thiên thì hai yếu tố này càng quan trọng hơn nhiều cho nên năng lượng và vật chất vô hình được phân bố vào hai trục chính không phải là điều không hợp lý.

1 comment:

  1. Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đổi Tốn Khôn, Trần Quang Bình đưa ra nhiều phương án (chỉ nghi ngờ) Tác giả lại xoay 1/8 với 3/8. Ai đúng nhỉ? Ôi Việt dịch, tôi biết tin ai bây giờ. Thôi cứ như ngàn xưa mà làm vậy.

    ReplyDelete