Friday, October 29, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#14)


Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời
trở về: Việt Dịch - bài 13

Bây giờ thì chúng ta hãy thay lăng kính cơ cấu và tổ chức để nhìn Việt Dịch Đồ dưới một lăng kính khác.  Giản lược hoá để dễ nhìn hơn, như hình H38, chúng ta thấy gì?   




Phải chăng đồ hình mô tả bản thể của con người, bao gồm những yếu tố hình và chất, trong đó bao gồm yếu tố hữu chất hữu hình như là tạng và hữu chất vô hình như là tạng khí [hoặc như là nguyên tinh, nguyên thần, nguyên tình, nguyên tánh, nguyên khí, cái gọi là Ngũ Hành Vô Hình mà hữu chất] lẫn những yếu tố vô chất vô hình như bản tánh hay linh hồn [hoặc như là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cái gọi là Ngũ Hành Vô Hình và vô chất]? 
Tìm trong kho tàng dịch học của tôn giáo, chúng ta bắt gặp bài thuyết giảng giáo lý của Đức Thái Thượng Đạo Tổ như sau:[1]

Vũ trụ khởi thủy là một thể hồng mông vô cực, mờ mờ ảo ảo, không hình tượng, không âm thanh, không trời đất, núi sông, tinh tú.  Vạn tượng giai không.  Trong cõi hồng mông có một điểm linh thông vi diệu gọi là Thái Cực.  Thái Cực có đặc tính cực tịnh.  Thái Cực hàm chứa ẩn tàng một sinh cơ, điều hòa động tịnh, sanh trời, sanh đất, sanh người, sanh vạn vật, sanh tiên, sanh phật.  Sau khi Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, là Âm Dương, thì có cơ biến hóa tạo nên thế giới hậu thiên sanh sanh tử tử, tấn thối tồn vong, thạnh suy bỉ thái . . . tức phát sinh ra hàng hàng lớp lớp đối tượng. [cuối đoạn 1] 

Thủy tổ loài người là Bàn Cổ do tiên thiên chân khí sinh ra, là Thái Cực.   Thái Cực sanh ra ngôi Thái Dương.  Trong ngôi Thái Dương có ngôi Thiếu Âm.  Ngôi Thiếu Âm trưởng thành hóa sanh ra ngôi Thái Âm.  Thái Dương tượng trưng cho nam giới.  Thái Âm tượng trưng cho nữ giới.  Từ đây nam nữ phối ngẫu mà có nhân loại. [cuối đoạn 2]

Tiên thiên thận khí của cha phát động phối hợp với hậu thiên thận khí của mẹ sanh ra tạng thận.  Tiên thiên tâm khí của mẹ phát động phối hợp với hậu thiên tâm khí của cha sinh ra tạng tâm.  Tiên thiên can khí của cha phát động phối hợp với hậu thiên can khí của mẹ sinh ra tạng can.  Tiên thiên phế khí của mẹ phát động phối hợp với hậu thiên phế khí của cha sanh ra tạng phế.  Tiên thiên tỳ khí của cha phát động phối hợp với hậu thiên tỳ khí của mẹ sanh ra tạng tỳ.  [cuối  đoạn 3]

Ngũ Tạng động biến sanh ra Ngũ Tặc.  Tâm động phát sanh ra tánh mừng và niệm.  Thận động phát sanh ra tình dục và sợ hãi.  Can động phát sinh ra lo lắng.  Tỳ động phát sinh ra tư lự, dục vọng. [cuối đoạn 4]

Tánh mạng tiên thiên động nên Càn biến ra Ly, Khôn biến thành Khảm gọi là Càn-Khôn thất chánh.  Thất chánh nên có sinh tử luân hồi. [cuối đoạn 5] 

Tiên Thiên Ngũ Hành tạo nên tánh.  Hậu Thiên Ngũ Hành tạo nên mạng.  Tánh mạng có tiên thiên chân tánh mạng.  Thánh nhân tượng là 'Bát Thuần Càn' vốn bất sanh bất tử.  Hậu thiên tánh mạng là thất chân, thất chánh nên có sanh có tử.  Phàm nhân tượng là 'Thủy Hỏa Vị Tế.' [cuối đoạn 6]

Ngũ Hành Tiên Thiên thiên sanh Ngũ Ngươn.  Ngươn Tinh thuộc Nhâm Thủy.  Ngươn Tánh thuộc Giáp Mộc.  Ngươn Khí thuộc Mậu Thổ. Ngươn Thần thuộc Bính Hỏa.  Ngươn Tình thuộc Canh Kim. [cuối đoạn 7]

Ngũ Ngươn sanh Ngũ Đức là nhân nghĩa, lễ, trí, tín.  Trí do Ngươn Tinh thể thuần túy phát sanh.  Nhân do Ngươn Tánh thể nhu hòa phát sanh. Tín do Ngươn Khí thể thuần nhất phát sanh.  Lễ do Ngươn Thần thể viên thông phát sanh.  Nghĩa do Ngươn Tình thể can liệt phát sanh. [cuối đoạn 8]

Ngũ Ngươn là khí của Ngũ Hành.  Ngũ Đức là tánh của Ngũ Hành.  Ngũ Ngươn sanh lúc tiên thiên ẩn trong hậu thiên hỗn luân thành một khí.  Tuy hình tích chưa hiển lộ nhưng lý Ngũ Ngươn, Ngũ Đức đã sẵn đủ trong Thái Cực.  Chỗ này gọi là 'bổn lai diện mục' của con người có  trước khi sanh nên gọi là tiên thiên. [cuối đoạn 9]

Ngũ hành Hậu Thiên sanh Ngũ Vật.  Thức Thần thuộc đinh hỏa.  Trược Tinh thuộc quý thủy.  Du Hồn thuộc Ất Mộc.  Quỷ Phách thuộc tân kim. Vọng Ý thuộc kỷ thổ. [cuối đoạn 10]

Ngũ Vật sanh Ngũ Tặc: mừng, giận, buồn, vui, muốn.  Vui do thức thần tánh tham phát sanh.  Buồn do trược tinh tánh si phát sanh.  Mừng do du hồn tánh thiện phát sanh.  Giận do quỷ phách tánh dữ phát sanh.  Muốn do vọng ý tánh loạn phát sanh. [cuối đoạn 11]

Trong Ngũ Vật hồn phách sanh ra trước.  Hồn là linh quang là hạt giống luân hồi chuyển kiếp.  Thành người, thành quỷ, thành thần, thành thánh cũng chính nó.  Thân xác chưa sanh hồn đã có trước.  Khi chết, khí chưa dứt hồn đã lìa xa.  Hồn thọ hậu thiên Mộc khí hiệp với ngươn tánh mà tồn tại.  Phách là phần linh của khí huyết thọ hậu thiên kim khí mà tựu thành.  Ngũ vật (ngũ thức), ngũ tặc có sau khi sanh thân nên thuộc hậu thiên. [cuối đoạn 12]

Lúc ban sơ tiên thiên, hậu thiên hiệp một nên Ngũ Vật, Ngũ Tặc nhờ Ngũ Ngươn, Ngũ Đức dung hóa.  Nếu có động, do tiên thiên làm chủ nên anh nhi toàn thiện, toàn nhân.  Tịnh là Ngũ Ngươn, động là Ngũ Đức.  Nếu có tỏ ra mừng, giận, buồn, vui cũng chỉ là vô tâm tự nhiên. [cuối đoạn 13] 

Con người lúc còn trong bụng mẹ, bị bào thai bịt kín nên hô hấp theo lỗ rốn rồi vận chuyển theo đường nhâm-đốc, gọi là vận hành tiên thiên chơn tức.  Sau khi lọt lòng mẹ lỗ rốn bị bít nên thở theo miệng-mũi, gọi là hậu thiên phàm tức.  Từ đây phải sống nhờ hoàn toàn bên ngoài hậu thiên.  Cho nên phần linh hồn phải mượn hậu thiên, nên tâm bị lệ thuộc đối tượng của thế giới hữu hình.  Kịp đến lúc thiên quý chi kỳ, tức 16 tuổi, khí huyết phương cương, tiên thiên đầy đủ là lúc lục dương thuần toàn.  Nhưng hễ dương cực thì âm sanh.  Âm sanh tiến lên là dương thối lần.  Vì đua sống theo tình đời giả tạo nên vật dục sở tế, khí bẩm sở cầu.  Chạy theo lòng ham muốn trong cuộc sống vật chất làm cho hồn phách chẳng định, thức thần nổi dậy, tinh khiếu hạ lậu, ý loạn tâm mê.  Ngũ Vật, Ngũ Tặc dấy lên làm cho Ngũ Ngươn, Ngũ Đức lu mờ.  Đến lúc âm toàn dương tận con người phải chết và mất đi một kiếp làm người. [cuối đoạn 14]

Duy có hàng thánh triết suốt thông mọi lẽ, biết dưỡng dương khi tiên thiên chưa dứt, biết thối âm khi hậu thiên khởi sanh.  Lấy hậu thiên hàm dưỡng tiên thiên, lấy tiên thiên chế phục hậu thiên.  Suốt đời trọn giữ cái lý 'chấp trung thủ nhất' mà đi thẳng vào cõi thánh.” [cuối đoạn 15]


Chúng ta thấy gì khi đọc nội dung của đoạn văn trên?  Bên cạnh góc độ siêu hình, có phải chăng bản thể của con người được mô tả một cách trùng khớp với Việt Dịch Đồ như trong hình H38?  Với ngôn ngữ của dịch học và với chỗ phát sinh từ đạo giáo có lẽ không khó cho đa số người hoài nghi về giá trị khoa học của đoạn thuyết giảng trên.  Nhưng nếu chúng ta cố gắng nghiên cứu thật cặn kẽ thì sẽ nhận ra là bên sau lớp ngôn ngữ dường như huyền bí đó là một nền tảng khoa học cũng không kém thú vị.  Thí dụ như đoạn thứ hai: “Thủy tổ loài người là Bàn Cổ do tiên thiên chân khí sinh ra, là Thái Cực.  Thái Cực sanh ra ngôi thái dương.  Trong ngôi Thái Dương có ngôi Thiếu Âm.  Ngôi Thiếu Âm trưởng thành hóa sanh ra ngôi Thái Âm.  Thái Dương tượng trưng cho nam giới.  Thái Âm tượng trưng cho nữ giới.  Từ đây nam nữ phối ngẫu mà có nhân loại.”   Dịch nói rằng từ Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi rồi sinh ra Tứ Tượng, rồi Bát Quái, rồi hình thành vũ trụ vạn vật.  Nếu dịch lý đúng là như vậy thì phải chứng minh được con người là sản phẩm của một tiến trình tương tự.  




Nhìn vào bức ảnh D trong hình H39 mô tả giai đoạn phôi thai vừa hình thành với hợp tử đầu tiên, chúng ta không thể nào không liên tưởng đến ngôi Thái Cực trong tiến trình hình thành tiểu vũ trụ con người.  Khoa học ngày nay cũng thấy biết rất rõ là sự mang thai bắt đầu khi một tế bào giới tính nam [tinh trùng, giao tử nam] kết hợp với một tế bào giới tính nữ [noãn, giao tử nữ] để tạo thành một tế bào mới duy nhất được gọi là một hợp tử.  Phần lớn tế bào đều có hàng ngàn gene và được sắp xếp trên các dải mô gọi là các nhiễm sắc thể (NST) và có tất cả là 23 đôi NST [hay tổng cộng một bộ gồm 46 NST].  Nhưng trứng và tinh trùng đều khác với mọi tế bào trong cơ thể con người vì chúng chỉ mang một nửa tính di truyền so với những tế bào khác.  Tức là mỗi giao tử này chỉ có 23 NST.  Sự kết hợp một nửa bộ NST từ người cha và một nửa kia từ người mẹ làm nên “tế bào đầu tiên và duy nhất” để từ đó bắt đầu hành trình cấu thành sinh mạng của một con người.  Tế bào đầu tiên và duy nhất đó không phải là Thái Cực đó sao?  Không phải là thủy tổ phát sinh ra loài người đó sao?  Và giây phút kết hợp của hai giao tử để hình thành tế bào đầu tiên đó không phải là thời điểm bàn cổ sơ khai sao?  Hợp tử đó là sự kết hợp của hai giao tử không giống như bất cứ một tế bào nào khác, là động lực khởi nguồn của sự sống, là khởi điểm của hành trình biến thành sinh mạng.  Thái Cực đó [hay nói theo khoa học là hợp tử] từ thời điểm thể hiện không phải là đã có sẵn Lưỡng Nghi [hay nói theo khoa học là hai giao tử] nằm bên trong rồi hay sao?  Mỗi giao tử tự thân là tinh trùng của cha và trứng của mẹ.  Chúng không phải là Thái Dương và Thái Âm đại diện cho nam và nữ hay sao?  Tự thân của mỗi giao tử có chứa sẵn một nửa bộ NST và cần phải có đủ bộ mới thành hình được tế bào đầu tiên.  Mỗi một nửa bộ nhiễm sắc thể đó là mầm của con người sẽ hình thành, là mầm của tội tổ tông truyền, là mầm của thân nghiệp.  Hai cái của một nửa bộ NST đó không phải là Thiếu Dương và Thiếu Âm sao?  Thiếu Dương và Thiếu Âm tàng ẩn trong Thái Dương và Thái Âm [hay nói theo khoa học là hai cái nửa bộ NST đó nằm ẩn trong tinh và noãn] không phải là Tứ Tượng mà dịch học nói đến hay sao?
Đoạn thứ nhất trong bài thuyết giảng đã nói “Vũ trụ khởi thủy là một thể hồng mông vô cực, mờ mờ ảo ảo, không hình tượng, không âm thanh, không trời đất, núi sông, tinh tú.  Vạn tượng giai không.  Trong cõi hồng mông có một điểm linh thông vi diệu gọi là Thái Cực.  Thái Cực có đặc tính cực tịnh.  Thái Cực hàm chứa ẩn tàng một sinh cơ, điều hòa động tịnh, sanh trời, sanh đất, sanh người, sanh vạn vật, sanh tiên, sanh phật.  Sau khi Thái Cực sanh Lưỡng Nghi, là âm dương, thì thì có cơ biến hóa tạo nên thế giới hậu thiên sanh sanh tử tử, tấn thối tồn vong, thạnh suy bỉ thái . . . tức phát sinh ra hàng hàng lớp lớp đối tượng. Từ giây phút thể hiện, hợp tử được niêm mạc tử đón nhận và dường như im lìm [nhìn từ phiến diện] nhưng sinh sinh hóa hóa bên trong để phôi lớn lên thành thai rồi thành hình.  Thái Cực [hợp tử] đó không phải là có đặc tính cực tịnh nhưng hàm chứa sinh cơ sao?  Không phải là một điểm linh thông vi diệu sao?  Vũ trụ khởi thủy của sự sống trong bụng mẹ không phải là một thể hồng mông vô cực mờ mờ ảo ảo, không hình tượng, không âm thanh sao?           
Đoạn thứ chín nói “Ngũ Ngươn là khí của Ngũ Hành.  Ngũ Đức là tánh của Ngũ Hành.  Ngũ Ngươn sanh lúc tiên thiên ẩn trong hậu thiên hỗn luân thành một khí.  Tuy hình tích chưa hiển lộ nhưng lý Ngũ Ngươn, Ngũ Đức đã sẵn đủ trong Thái Cực.  Chỗ này gọi là 'bổn lai diện mục' của con người có trước khi sanh nên gọi là tiên thiên.  Khi khí tiên thiên còn ẩn trong hậu thiên hỗn luân thành một khí thì Ngũ Ngươn, Ngũ Đức đã sẵn đủ trong Thái Cực.  Cái gọi là “Ngũ Ngươn, Ngũ Đức đã sẵn đủ trong Thái Cực” đó không phải là “lập trình” đã được viết trước rồi hay sao?  Cái gọi là bổn lai diện mục trước khi sinh đó không phải đã được quyết định trước rồi hay sao?  Hình dạng và tánh nết của con người không phải là đã nằm trong 46 NST từ giai đoạn Thái Cực [hợp tử] hay sao?    
Đoạn thứ năm nói “Tánh mạng tiên thiên động nên Càn biến ra Ly, Khôn biến thành Khảm gọi là Càn-Khôn thất chánh.  Thất chánh nên có sinh tử luân hồi.  Với kiến thức khoa học chúng ta biết là tuần thứ 6 phôi mầm trở thành bào thai thực sự nhỏ cỡ một hạt đậu với với một hệ thần kinh nguyên thủy thành hình và một hệ huyết mạch riêng.  Hệ huyết mạch riêng có thể thuộc một nhóm máu khác với nhóm máu của mẹ.  Những mạch máu sẽ trở thành dây cuốn rốn.  Tim thành hình tuần thứ 7.  Các cơ quan sinh dục phát triển trong thời kỳ đầu của bào thai.  Trước tiên là tuyến sinh dục trung tính sau đó mới trở thành là tinh hoàn ở nam và buồng trứng ở nữ.  Nếu phôi mang nhiễm sắc thể XY, tuần thứ 7 chất kháng nguyên HY tạo ra tuyến sinh dục trung tính để tạo ra tinh hoàn.  Tinh hoàn sản xuất hóc môn nam testosterons.  Hóc môn nam làm hệ sinh dục nam phát triển với dương vật của bé trai có thể thấy vào tuần 12.  Nếu ảnh hưởng của hóc môn không hiện diện ở thời điểm này, hệ sinh dục nữ sẽ thành hình mặc dù có nhiễm sắc thể XY.  Nếu phôi có nhiễm sắc thể XX, tuyến sinh dục trung tính phát triển thành buồng trứng và âm vật của bé gái có thể thấy vào tuần 14.  Bộ ảnh “Câu Chuyện Sự Sống” của Lennart Nilsson trong hình H39 cũng cho thấy não và tim hình thành đầu tiên trong tuần thứ 6 và 7.  Không phải là những chữ “não, trí, tạng thận, tim, máu huyết, tạng tâm” được mô tả trong đồ hình Hậu Thiên Bát Quái đều nằm trên trục Khảm-Ly hay sao?  Không phải những bộ phận xuất hiện sớm nhất trong tiến trình cấu tạo sinh mạng con người ở cuối giai đoạn phôi đầu giai đoạn thai đều được mô tả trên trục Khảm-Ly hay sao?  Với Tiên Thiên Bát Quái mô tả  vũ trụ thì trục Càn-Khôn nằm ở chính vị Bắc-Nam, còn với Hậu Thiên Bát Quái thì Khảm-Ly nằm ở chính vị, mà trục Khảm-Ly thì mô tả những thể hiện đầu tiên của tiến trình tạo dựng sinh mạng con người.  Như vậy, không phải là Càn-Khôn thất chánh nên đã có sinh tử luân hồi hay sao?  




Đoạn thứ ba nói “Tiên thiên thận khí của cha phát động phối hợp với hậu thiên thận khí của mẹ sanh ra tạng thận.  Tiên thiên tâm khí của mẹ phát động phối hợp với hậu thiên tâm khí của cha sinh ra tạng tâm.  Tiên thiên can khí của cha phát động phối hợp với hậu thiên can khí của mẹ sinh ra tạng can.  Tiên thiên phế khí của mẹ phát động phối hợp với hậu thiên phế khí của cha sanh ra tạng phế.  Tiên thiên tỳ khí của cha phát động phối hợp với hậu thiên tỳ khí của mẹ sanh ra tạng tỳ.  Ngũ tạng là căn mạng của con người.  Như vậy thì khi nói ngũ tạng của cha phối hợp với ngũ tạng của mẹ không phải là nói sự hòa hợp thể xác của nam với thể xác của nữ mà sinh con hay sao?  Không phải là “từ đây nam nữ phối ngẫu mà có nhân loại” hay sao?  Tiên thiên thận khí của cha phát động phối hợp với hậu thiên thận khí của mẹ sanh ra tạng thận không phải là “thiên nhất sinh Thủy địa lục thành chi” hay sao?  Toàn bộ tiến trình phối ngẫu [hay phối ngũ hay phối ngũ hành] đó không phải là từ câu nói mật nhiệm được giải mã ở hình 20 và giản hóa giống như như hình H20B hay sau?  Và, không phải là 5 tạng khí của cha và 5 tạng khí của mẹ đã nằm trong lập trình NST chứa trong giao tử nam và giao tử nữ để rồi sau đó phối ngẫu thành hợp tử hay sao?
 
 
Một số thí dụ đã được đưa ra bao gồm nhiều lãnh vực từ vật lý cho tới tâm lý, từ kinh tế cho tới chính trị, từ sinh lý cho tới siêu hình chỉ đơn giản là muốn chứng minh sơ khởi sự hợp lý của Việt Dịch Đồ qua ứng dụng và tính cách chặt chẽ, nhất quán trong lý giải.  Chúng ta sẽ triển khai rộng hơn ở phần ứng dụng về sau này còn bây giờ thì cần trở lại với công việc đang triển khai dở dang.        


[1]  thời, đêm 15 tháng 3 năm Quý  Sửu (17.4.1973) – Cao Đài Đại Đạo



No comments:

Post a Comment