Thursday, October 28, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#2)


Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời



trở về: Việt Dịch - bài 1

1. TIÊN THIÊN BÁT QUÁI ĐỒ
Với hầu hết những người học dịch, từ trình độ chập chững cho tới uyên thâm, và với tất cả đạo gia, từ sơ căn cho tới thượng trí, đều biết đến cái gọi là “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật.”  Bất kể là ở học phái nào, bất kể là ở địa bàn ứng dụng nào, bất kể là học giả hay là đạo gia, tất cả đều nói tới, đều vận dụng, đều mặc nhiên chấp nhận giá trị của cụm chữ này khi nói về dịch. 



Vậy thì, câu hỏi trước tiên, “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật” thật sự muốn ám chỉ cái gì?  Câu hỏi được đặt ra rất thẳng thắn: hãy cho biết nó là cái gì?  Và để có thể trả lời “nó là cái gì” một cách thẳng thắn chúng ta sẽ phải trải qua một tiến trình dài, từng bước một, để giải mã cụm chữ trên và sẽ phải vận dụng ngôn ngữ lẫn kiến thức khoa học của thế giới hôm nay để làm công việc đó.  Nhưng trước khi bước vào hành trình này, chúng ta hãy dành chút thời gian để nhìn thật kỹ vào hình H1, tạm gọi là bảng thiết kế cho tiến trình từ Vô Cực tới vạn vật, và suy nghĩ về nó đã.


A. Từ Vô Cực Tới Càn Khôn Vạn Vật
Với bảng thiết kế trên có lẽ không khó cho chúng ta thấy cụm chữ “Vô Cực nhi Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh càn khôn vạn vật” là để mô tả một tiến trình đi từ một tiến tới vô số hạn hiện tượng và tiến trình đó có thể được hiểu như sau:

Từ chỗ của tột cùng, được gọi là Nguyên Nhân, cũng là chỗ của sự thật tuyệt đối, được gọi là Nguyên Lý, sản sinh ra hai động lực tối yếu, được gọi là Hai Nguyên Lực, luôn luôn đối kháng nhau nhưng không thể hủy diệt nhau cũng không thể rời nhau và luôn luôn thể hiện qua hai mặt đối lập.  Hai nguyên lực này tác động lên bốn yếu tố tối sơ, được gọi là Bốn Nguyên Tố, và thể hiện qua bốn hành trạng của chu kỳ vận động, được gọi là Bốn Nguyên Trạng, đưa tới sự hình thành của tám tính chất tối căn bản, được gọi là Tám Nguyên Tính. Và sự vận hành của tám nguyên tính này tạo tác nên mọi hiện tượng nằm trong phạm trù có thể hiểu được và có thể lý giải được.  Vượt ngoài phạm trù đó dịch học gọi là Vô Cực.        

Thái Cực là gọi theo ngôn ngữ của dịch học.  Còn gọi nó là Nguyên Nhân là vì nơi đó là nguồn phát sinh của mọi thứ, mọi cái trong phạm trù có thể thấy biết được.  Hoặc gọi nó là Nguyên Lý là vì nơi đó cũng là cội gốc phát sinh của mọi sự, mọi lẽ trong phạm trù có thể luận giải được.  Đạo gia gọi ngôi Thái Cực là Thượng Đế, là Ngôi Lời, là Đại Hồn, là Đại Ngã, là Đại Linh Quang, là Đấng Chủ Tể, là Đấng Tạo Hóa, là Hóa  Công, là “khối điển quang vô cực vô biên,”[1] là cái “làm nên thiên địa vạn vật đồng nhất thể.”  Triết gia nói Sự Thật Tuyệt Đối, nói Chân Lý Tuyệt Đối, nói Thiên Lý, nói Nguyên Thể, nói Âme Universelle (Vũ Trụ Tâm), nói Divine Unity (Thái Nhất) . . . là nói tới chỗ tột cùng mà dịch học gọi là Thái Cực.  Thái Cực = Nguyên Nhân = Nguyên Lý được đại diện bằng một hình vòng tròn với một điểm ở trung tâm.  Vòng tròn mà bên trong không có gì khác có ý nghĩa là vô biên hạn, là bao trùm tất cả, là tự nhiên vốn cao vốn tột, không dùng thể dùng lời nói hay văn tự diễn tả.  Vòng tròn đó đại diện cho ngôi Vô Cực.  Vô Cực là trạng thái chưa thể hiện của Thái Cực.  Thái Cực là trạng thái thể hiện của Vô Cực.  Tuy hai mà là một, cho nên mới nói Vô Cực nhi Thái Cực.  Tuy một mà là hai, vì có phân ra thể hiện và chưa thể hiện.  Thái Cực là đầu mối của tất cả mọi hiện tượng nằm trong phạm trù có thể thấy hiểu và lý giải được.  Vượt ngoài phạm trù có thể thấy hiểu và lý giải được là Vô Cực. 

Lưỡng Nghi gồm có hai nghi là dương nghi và âm nghi, biểu tượng bằng một vạch liền và một vạch đứt, đại diện cho tính chất động đối đãi với tính chất tịnh trong chuyển dịch và đại diện cho mặt dương đối đãi với mặt âm trong thể hiện, làm nên sự sinh sinh hóa hoá của càn khôn vạn vật. 
Hay nói một cách khác, Lưỡng Nghi là hai nguồn lực tối yếu, Lực Động và Lực Đối.  Hai lực này xô đẩy nhau nhưng không thể hủy diệt nhau cũng không thể rời nhau.  Dưới quy luật vận động một tiến một thoái và một sinh một thành, sự tương tác tương tùy của hai nguồn lực làm nên sự chuyển dịch và biến hóa thể hiện thành hai mặt đối lập bất khả ly.  Hai nguồn lực này là hai công trình sư tạo tác mọi hiện tượng trong phạm trù có thể hiểu biết được, luận giải được.  Và vì là hai nguồn lực tối yếu có mặt trên mọi cấp độ tạo tác và trong mọi sự hình thành cho nên gọi là hai nguyên lực. 
Theo đó, Hai Nguyên Lực là một cách gọi khác của ngôi Lưỡng Nghi.  Lưỡng Nghi = Hai Nguyên Lực được đại diện bằng một vòng tròn bên trong là một nửa đen và một nửa trắng ôm lấy nhau xoay chuyển, lăn lộn với ý nghĩa là hai nguyên lực này vốn dĩ đã từ ngôi Thái Cực mà sinh ra.    
        
Tứ Tượng gồm có Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm và Thái Âm.  Đặc tính của Thái Cực là cực tịnh.  Đã cực tịnh thì có động phát sinh, sanh ra khối Thái Dương.  Trong khối Thái Dương có ngôi Thiếu Âm.  Qua thời gian, ngôi Thiếu Âm trưởng vượng cực độ hoá thành ngôi Thái Âm.  Trong Thái Âm có lại có hàm tàng ngôi Thiếu Dương.  Ngôi Tứ Tượng hiện đủ đều do âm dương động tịnh biến hóa mà có.
Tứ Tượng đại diện cho bốn hành trạng Sinh, Trưởng, Thu, Tàng [hoặc Thành, Thịnh, Hoại, Diệt] trong chu kỳ sinh hóa của vạn vật.  Bốn hành trạng này luôn luôn tuân thủ theo quy luật chuyển động khách quan bất biến từ Sinh tới Trưởng, từ Trưởng tới Thu, từ Thu tới Tàng, từ Tàng lại Sinh và chu kỳ sinh hoá cứ thế tiếp diễn không ngừng, không dứt.  Thí dụ như bốn hành trạng của mùa tiết trong năm là Xuân, Hạ, Thu, Đông.  Quy luật chuyển động khách quan của mùa tiết là từ Xuân tới Hạ, từ Hạ tới Thu, từ Thu tới Đông, rồi từ Đông tới Xuân, tuần tự và liên tục.  Bốn hành trạng của thời gian một ngày đêm là sáng, trưa, chiều, tối.  Quy luật chuyển động khách quan của thời gian là từ khuya tới sáng, từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới khuya, rồi lập lại chu kỳ tuần tự và liên tục.    

                
Đó là theo sự lý giải “cổ điển” của dịch học về Tứ Tượng.  Thực ra thì ngôi Tứ Tượng có đến hai mặt.  Một mặt, nó đại diện cho bốn yếu tố tối sơ là không gian, năng lượng, vật chất hữu hình và vật chất vô hình.  Dùng chữ tượng để đại diện cho mỗi yếu tố tối sơ đó thì chúng ta sẽ có được tượng không gian, tượng năng lượng, tượng vật chất vô hình, và tượng vật chất hữu hình.  Và thay vì gọi là tượng thì hãy tạm gọi là trục.  Từ đó 4 tượng sẽ biến thành là trục không gian, trục năng lượng, trục vật chất vô hình, và trục vật chất hữu hình như các bạn thấy trong hình H2A.  Và vì 4 tượng là những yếu tố tối sơ nên chúng được gọi là những nguyên tố.  Theo đó ngôi Tứ Tượng chính là ngôi Bốn Nguyên Tố.      



Một mặt khác, Tứ Tượng lại đại diện cho bốn hành trạng sinh, trưởng, thu, tàng trong chu kỳ sinh hoá và cho quy luật chuyển động khách quan của chu kỳ sinh hóa như đã trình bày.  Theo đó, ngôi Tứ Tượng cũng chính là ngôi Bốn Hành Trạng.   Xem hình H2B. 
          Ngôi Bốn Nguyên Tố và ngôi Bốn Hành Trạng là thể hiện của hai mặt âm dương đối lập nhưng hổ tương, là chi phối của ngôi Lưỡng Nghi xuống đến [và ẩn trong] ngôi Tứ Tượng.  Như vậy, nói tóm lại, hai chữ Tứ Tượng là để chỉ cho cả hai mặt là bốn tượng của nguyên tố đồng thời cũng là bốn tượng của hành trạng.         


Chưa hết, bốn hành trạng của ngôi Tứ Tượng không phải chỉ đơn giản tuân thủ quy luật chuyển động khách quan Sinh, Trưởng, Thu, Tàng hay Thành, Thịnh, Hoại, Diệt thể hiện thành chu kỳ liên tục và không dứt như thiên nhiên sinh hóa luôn thể hiện, giống như trong hình 2B.  Còn có bốn hành trạng khác mà Dịch học cổ điển gọi là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.  Nguyên là đầu tiên, là chỗ xuất phát, là cái to lớn bao trùm lên mọi điều.  Hanh là hanh thông, là thuận tiện, là vượt qua được trở ngại, là qua được ranh thành bại, là tập hợp các điều hay, là tập hợp các điều nên làm.  Lợi là nên việc, là được việc, là thỏa lòng, là tập hợp các điều phải.  Trinh là trung chính, là bền chặt, là lâu dài, là duy trì.  Bốn hành trạng này tuân thủ quy luật vận động khách quan nhưng sự chuyển biến và thời gian của mỗi chuyển biến thì tùy thuộc vào những yếu tố liên hệ trong sự vận động, tùy thuộc vào đối tượng chủ động, và tùy thuộc vào mục tiêu.  Thời gian trải nghiệm của mỗi hành trạng dài ngắn đều tùy thuộc.  Diễn tiến từ một hành trạng này có đưa đến hành trạng kế tiếp hay không cũng tùy thuộc.  Bốn hành trạng Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh là thể hiện của một tiến trình trong khi bốn hành trạng Sinh, Trưởng, Thu, Tàng hoặc Thành, Thịnh, Hoại, Diệt là thể hiện của một chu kỳ và sự khác biệt của chúng có thể thấy trong hình H2C. 
Bốn hành trạng Thành, Thịnh, Hoại, Diệt nghiêng về mô tả hiện tượng của thế giới thiên nhiên sinh hoá còn bốn hành trạng Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh nghiêng về mô tả hiện tượng của thế giới sinh hóa phi thiên nhiên. 
Như vậy, ngôi Bốn Hành Trạng cũng có hai mặt đối lập nhưng hổ tương, cũng là thể hiện của âm dương của ngôi Lưỡng Nghi xuống đến ngôi Tứ Tượng.  Trong âm dương có âm dương.      

Tại sao cần phải có “4 yếu tố tối sơ” hay nói một cách khác là tại sao phải có thêm khái niệm “4 nguyên tố” vào dịch học?  Có người đã từng hỏi như vậy.  Và nếu đây cũng là thắc mắc của các bạn thì xin cho phép chúng ta được đặt ra một câu hỏi để trả lời một cách gián tiếp.  Như đã trình bày, hai nguồn lực tối sơ, Lực Động và Lực Đối, ở ngôi Lưỡng Nghi là hai công trình sư “tạo tác” mọi hiện tượng, vậy chứ hai công trình sư đó tác lên cái gì và tạo từ cái gì?  Đã quá rõ phải không?  Đây không phải là “thêm” vào một điều gì mới, mà chỉ đơn giản trình bày cái “nó là như vậy." 
Thực ra thì cái gọi là hai mặt của ngôi Tứ Tượng vừa được trình bày cũng không phải là một điều gì quá xa lạ.  Đó chỉ là sự thể hiện tất yếu theo đúng quy luật đối xứng của âm dương: đã có thể thì phải có trạng, đã có trạng thì phải có thể.  Bốn Nguyên Tố là mặt Thể tất phải có Bốn Hành Trạng cho mặt Trạng.  Và trong Bốn Hành Trạng, đã có thường biến thì cũng tất nhiên cũng phải có vô thường biến.  Bốn hành trạng Sinh, Trưởng, Thu, Tàng là sự vận động thường biến còn bốn hành trạng Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh là sự vận động vô thường biến dưới ảnh hưởng của quy luật bất biến.    
 
 

[1] Triết Gia Kim Định
   

3 comments:

  1. Thank you very much Mr. Ha Hung Quoc Ph.D. I would like to learn your Viet Dich. How can I have one of your book? I cannot print your document VietDich in this website. My email address is nghnguyen29@gmail. com. Thanks.
    Robert Nguyen

    ReplyDelete
  2. Cháu chào chú
    Cháu có nghe nói Đức năng thắng số. Làm việc thiện sẽ cải biến được số mệnh theo chiều hướng tốt, cũng như những ông vua của một triều đại mà có đức thì triều đại đó sẽ cường thịnh.
    Nếu ta xem những việc thiện là dương, những điều bất thiện là âm. Khi đang ở thời kì Diệt ( thành, thịnh, hoại, diệt) ứng với thái âm. Khi đó ta mà biết làm điều thiện tức là đang làm lớn dần mầm thiếu dương bên trong thái âm. Còn nếu ta đang ở thời Thịnh ( thái dương) mà làm điều xấu thì e rằng Hoại sắp đến.
    Tuy nhiên theo nhưng trên thì mỗi một giai đoạn có dài có ngắn còn tùy thuộc vào lượng âm ( coi là việc xấu) mà ta tạo ra lớn tới mức nào và lượng dương ( việc thiện) ta cố làm đến tới đâu. Nếu dương đủ lớn để áp chế âm thì khi đó sẽ là thời thịnh trị.
    Cho nên cháu nghĩ nếu làm điều thiện mà chưa thấy rõ ràng kết quả thì hãy nên xét tới việc xấu mình làm trong quá khứ.
    Cháu cảm ơn chú đã đọc, mong chú cho cháu nhận xét ạ.

    ReplyDelete