Friday, October 29, 2010

Việt Dịch - Hà Hưng Quốc (#13)

Bí Mật Của Đất Trời Gói Gọn Trong Hai Vế
Cốt Lõi Của Dịch Học Nằm Trong 67 Lời
trở về: Việt Dịch - bài 12

Không những Việt Dịch Đồ có khả năng mô tả chu kỳ sinh hóa của con người và mô tả những hiện tượng sinh tâm lý của con người, đồ hình còn có khả năng mô tả cơ cấu tổ chức của gia đình và xã hội.  Chúng ta thử xét đến một vài trường hợp để xem mô hình có giải thích được những trải nghiệm quen thuộc trong thế giới hiện tượng.     


Nếu lấy 4 quái theo thứ tự Cấn, Khảm, Càn, Chấn trên Hậu Thiên Bát Quái của Việt Dịch Đồ, như vòng cung X trong hình H34 và 4 quái theo thứ tự Đoài, Ly, Khôn, Tốn như vòng cung Y cũng trong hình H34 chúng ta sẽ có được hai tập hợp X và Y đại diện cho thể-dạng-tính của thế giới hiện tượng được mô tả như sau:



X: {(con trai út) + (con trai giữa) + (cha) + (con trai trưởng)} hay trình bày một cách khác là X: {con trai út + con trai giữa + cha + con trai trưởng}.

Y: {(con gái út) + (con gái giữa) + (mẹ) + (con gái trưởng)} hay trình bày một cách khác là Y: {con gái út + con gái giữa + mẹ + con gái trưởng}.


Nhìn vào nội dung của hai tập hợp này chúng ta thấy gì?  Có phải chăng chúng mô tả cấu trúc của một gia đình? Có phải chăng hình ảnh của một bà chị cả đứng bên cạnh mẹ là để nói rằng vai trò của bà chị cả là sẵn sàng thay thế cho mẹ để đảm nhiệm vai trò làm mẹ, nếu như vì một lý do nào đó mẹ không còn có mặt trong gia đình?  Có phải chăng hình ảnh của một ông anh cả đứng bên cạnh cha là để nói rằng vai trò của ông anh cả là sẵn sàng thay thế cho cha để đảm nhiệm vai trò làm cha, nếu như vì một lý do nào đó cha không còn có mặt trong gia đình?  Tại sao đứng giữa mẹ và đứa em trai còn nhỏ [một thiếu nam] lại là bà chị cả và đứng giữa cha và đứa em gái nhỏ là ông anh cả mà không là thành viên khác của gia đình?  Có phải chăng điều này là để nói rằng ông anh cả và bà chị cả phải đảm trách vai trò tư vấn cho đứa em nhỏ khác phái tính, để nó có thông tin và kiến thức về thế giới khác phái tính, cùng lúc là đảm trách vai trò người bảo vệ cho đứa em nhỏ trên hành trình học hỏi và khám phá của nó?    
Nhìn vào đồ hình H34, ngoài cấu trúc của một gia đình, chúng ta còn thấy được gì?  Phải chăng nó mô tả cấu trúc của một dòng tộc trong đó bao gồm họ nội và họ ngoại; họ nội bao gồm trưởng bối của cha, cha, hậu bối của cha và tiểu bối của cha; họ ngoại bao gồm trưởng bối của mẹ, mẹ, hậu bối của mẹ và tiểu bối của mẹ?    
Cũng là từ đồ hình này, phải chăng nó cũng mô tả những giai đoạn của một đời người, từ khi sinh ra cho đến lúc già chết?  Phải chăng nó cũng mô tả quy luật hấp dẫn đối tượng cùng trang lứa khác phái, đối xứng qua trục?  Phải chăng nó cũng mô tả trục Càn-Khôn là lằn ranh của luân lý để dừng lại, đồng thời lằn ranh đó cũng là giới tuyến phải vượt qua để tiến tới việc thiên kinh địa nghĩa?   


Nếu lấy hai quái theo thứ tự từ Càn tới Khôn trên Hậu Thiên Bát Quái của Việt Dịch Đồ như vòng cung G trong hình H35 và lấy hai quái theo thứ tự từ Khôn tới Càn như vòng cung H cũng trong hình H35, chúng ta sẽ có được hai tập hợp G và H đại diện cho thể-dạng-tính-trạng-hành của thế giới hiện tượng được mô tả như sau:


G: {(thể chế dân chủ/ kinh tế thị trường) ->  (dân chúng/ người tiêu thụ)}.  Hay trình bày một cách khác là G: {thể chế dân chủ/ kinh tế thị trường [phục vụ] dân chúng/ người tiêu thụ}.

H: {(thể chế độc tài/ kinh tế quy hoạch) -> (chính quyền)}.  Hay trình bày một cách khác là H: {thể chế độc tài/ kinh tế quy hoạch [phục vụ] chính quyền}.


Nhìn vào hai tập hợp này chúng ta thấy gì?  Có phải chăng chúng mô tả tương quan giữa một cơ chế quyết định không gian sống của con người trong một xã hội và đối tượng mà cơ chế đó thực sự phục vụ?  Có phải chăng nó mô tả là thể chế dân chủ đứng ở thế đối lập với dân và cơ chế kinh tế thị trường đứng ở thế đối lập với người tiêu thụ nhưng đối tượng để thể chế/ cơ chế này phục vụ thực sự lại là dân chúng và người tiêu thụ trong khi thể chế độc tài đứng ở thế cùng với nhân dân và kinh tế quy hoạch đứng ở thế cùng với người tiêu thụ nhưng đối tượng để thể chế/ cơ chế này phục vụ thực sự lại là chính quyền, hay nói cho đúng hơn là phục vụ cho những kẻ đang nắm quyền? 
Hai tập hợp G và H đại diện cho hai trường hợp khác nhau của sự kết hợp hai quái Càn và Khôn.  Với tập hợp G thì Càn là gốc còn Khôn là ngọn.  Gốc là chỗ phát xuất hành động còn ngọn là đối tượng của hành động, gốc là chỗ chủ động còn ngọn là chỗ động, gốc là chủ còn ngọn là khách.  Nếu nhìn theo cách xếp của Chu Dịch thì Càn là nội quái Khôn là ngoại quái, Càn nằm dưới Khôn nằm trên.  Còn tập hợp H thì ngược lại với G.     

 Quẻ Địa Thiên Thái
Sự kết hợp của hai quái Càn và Khôn cũng được Chu Dịch lý giải thành hai trường hợp.  Nếu Khôn trên Càn dưới thì sự kết hợp được lý giải theo quẻ Địa Thiên Thái .  Thoán truyện viết “Thái. Tiểu vãng đại lai cát hanh. Tắc thị thiên địa giao nhi vạn vật thông dã.  Thượng hạ giao nhi kỳ chí đồng dã. Nội dương nhi ngoại âm.  Nội kiện nhi ngoại thuận.  Nội quân tử nhi ngoại tiểu nhân.  Quân tử đạo trưởng.  Tiểu nhân đạo tiêu dã.”  Tạm dịch: thái, cái nhỏ đi cái lớn tới là tốt lành hanh thông, trời đất giao hòa thì vạn vật thông dung, trên dưới giao hòa thì chí hướng như nhau, trong dương ngoài âm, trong thì mạnh mà ngoài thì thuận, trong quân tử ngoài tiểu nhân, quân tử thịnh tiểu nhân suy.    
Như vậy, quẻ Địa Thiên Thái không phải là chủ trương lấy Càn làm gốc Khôn làm ngọn, giữ gốc cho cứng mạnh lấy ngọn mà chiều lòn, giữ quân tử làm chủ đãi tiểu nhân như khách quý, giống như là lý giải của tập hợp G trong hình H35 đó sao?  Không phải là quẻ Địa Thiên Thái chủ trương lấy cái dung chứa vô cùng của đạo Càn làm cái gốc và lấy cái nâng đỡ của đạo Khôn để dưỡng nuôi cái ngọn, và nhờ đó sẽ nhìn thấy trên dưới đồng lòng, trong ngoài an định và thịnh vượng, cũng không khác với lý giải của tập hợp G trong hình H35 đó sao?   

Quẻ Thiên Địa Bỉ

Nếu Càn trên Khôn dưới thì sự kết hợp được lý giải theo quẻ Thiên Địa Bĩ .  Bĩ là lao lung, là bế tắc.  Theo Kinh Dịch Đại Toàn của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ và Huyền Linh Yến Lê thì “bĩ là thời kỳ tiểu nhân lũng đoạn chính quyền, mặc tình làm mưa, làm gió; Còn người quân tử thì bất đắc dụng, bất phùng thời. . .  Quẽ Bĩ ứng vào thời kỳ mà con người lấy vật chất làm trọng tâm, lấy sự đấu tranh làm phương châm hành động, lấy sự thỏa mãn thị hiếu, thị dục làm cứu cánh, lấy sự thành công bên ngoài làm tiêu chuẩn mà đánh giá con người.  Thời ấy tất cả cái đẹp đẽ đều phô ra ngoài, con người trở nên phù phiếm, phiến diện.  Đạo đức, nhân nghĩa cũng hời hợt nơi đầu môi cửa miệng, và được lồng vào những lễ nghi bên ngoài, được giăng nơi đầu đường, xó chợ, dưới hình thức bích chương và biểu ngữ . . . nhưng trên thực tế, đạo đức, nhân nghĩa đã rời khỏi lòng con người.”  Thoán truyện cũng đã viết “Bĩ chi phỉ nhân. Bất lợi quân tử trinh.  Đại vãng tiểu lai. Tắc thiên địa bất giao nhi vạn vật bất thông dã.  Thượng hạ bất giao nhi thiên hạ vô bang dã.  Nội âm nhi ngoại dương.  Nội nhu nhi ngoại cương.  Nội tiểu nhân nhi ngoại quân tử.  Tiểu nhân đạo trưởng.  Quân tử đạo tiêu dã.”  Tạm dịch: Bĩ ấy bất chính, chẳng may cho quân tử chính đáng, lớn đi nhỏ lại, thì trời đất chẳng giao hòa vạn vật chẳng thông dung, trên dưới chẳng giao hòa thiên hạ hỗn loạn, trong âm ngoài dương, trong mềm ngoài cứng, trong thì tiểu nhân ngoài thì quân tử, tiểu nhân được thế, quân tử suy vi.             
Như vậy, không phải là quẻ Thiên Địa Bĩ vạch ra cho thấy tình trạng kẻ hèn kém bất chính nắm quyền hành điều khiển còn nhân tài chân chính thì bị xua đuổi bạc đãi cho nên guồng máy chính trị mới xảy ra chuyện trong thì mục nát ngoài thì khắc nghiệt và đất nước rơi vào tình huống thượng bất chính hạ tất loạn đó hay sao?  Không phải là quẻ Thiên Địa Bĩ cho thấy những bế tắc, hỗn loạn, bất chính xảy ra là do thể chế chính trị đã lấy cái “gây ra áp lực” của đạo Khôn làm gốc và lấy cái “mông lung mê muội” của đạo Càn làm ngọn đó hay sao?  Không phải là tập hợp H trong hình H35 cũng đã chứa đựng những lý giải này đó sao?           
Đối chiếu giữa hai tập hợp G và H, không phải là trải nghiệm thực tế cho thấy tập hợp G có khả năng hơn xa so với tập hợp H trong việc mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho một quốc gia đó hay sao?  Cũng không khác sự khác biệt giữa quẻ Địa Thiên Thái và quẻ Thiên Địa Bĩ đó hay sao?     
Có thể nói hai tập hợp G và H thực ra là hai mô hình cơ chế chính trị và là hai mô hình cơ chế kinh tế đối lập nhau với những tính cách và hệ quả rất rõ rệt.  Xem ra Chu Dịch và Việt Dịch Đồ không thiếu khả năng thực dụng cũng không thiếu sự thông tình đạt lý khi được soi dưới lăng kính chính trị và kinh tế, có đúng vậy không?  

  
Nếu lấy 5 quái theo thứ tự Càn, Chấn, Đoài, Ly, Khôn như vòng cung X trong hình H36 và lấy 5 quái theo thứ tự Khôn, Tốn, Cấn, Khảm, Càn như vòng cung Y cũng trong hình H36, chúng ta sẽ có được hai tập hợp X và Y đại diện cho thể-dạng-tính-trạng-hành của thế giới hiện tượng được mô tả như sau:




X: {(thể chế dân chủ, minh bạch, phơi bày) + (công khai tố cáo, làm nổ ra dư luận, trưng ra bằng chứng, giải thích) + (điều đình, đàm phán, thương thuyết, xét xử) + (tranh thủ, tranh đoạt) + (dân chúng)}.  Hay trình bày một cách khác là 

X: {(thể chế dân chủ, minh bạch, phơi bày) -> (công khai tố cáo, làm nổ ra dư luận, trưng ra bằng chứng, giải thích) -> (điều đình, đàm phán, thương thuyết) -> (tranh thủ, tranh đoạt) -> (dân chúng)}.  Hoặc trình bày một cách khác nữa là 

X: {chính thể dân chủ, minh bạch, phơi bày [cho nên có thể] công khai tố cáo, làm nổ ra dư luận, trưng ra bằng chứng, giải thích [rồi] điều đình, đàm phán, thương thuyết, xét xử [để] tranh thủ, tranh đoạt [kết quả nhằm phục vụ] dân chúng}.


Y: {(thể chế độc tài, bưng bít, che dấu) + (tuyên truyền, làm cho nghe, lén lút, điều tra, báo cáo) + (trừng trị, không khoan nhượng, chống đối, phản kháng) + (chính quyền}.  Hay trình bày một cách khác là 

Y: {(thể chế độc tài, bưng bít, che dấu) -> (tuyên truyền, làm cho nghe, lén lút, điều tra, tường trình) -> (trừng trị, không khoan nhượng, chống đối, phản kháng) -> (chính quyền)}.  Hoặc trình bày một cách khác nữa là 

Y: {thể chế độc tài bưng bít, che dấu [nên vận dụng] tuyên truyền làm cho nghe [và] lén lút điều tra, báo cáo [rồi] trừng trị không khoan nhượng [những đối tượng] chống đối, phản kháng [nhằm phục vụ] chính quyền}.


Nhìn vào hai tập hợp X và Y chúng ta thấy được gì?  Có phải chăng trải nghiệm của nhân loại trên mặt địa cầu đã dạy cho chúng ta biết là những thể hiện của cơ chế [cũng như tâm thức, hành vi, phương cách và động lực] được mô tả ở đồ hình H36 rất là trung thực, rất là chính xác?       


Nếu lấy 6 quái theo thứ tự Càn, Đoài, Ly, Khôn, Cấn, Khảm trên Hậu Thiên Bát Quái của Việt Dịch Đồ như vòng cung O trong hình H37 và lấy 6 quái theo thứ tự Khôn, Cấn, Khảm, Càn, Đoài, Ly như vòng cung P cũng trong hình H37, chúng ta sẽ có được hai tập hợp O và P đại diện cho thể-dạng-tính-trạng-hành của thế giới hiện tượng được mô tả như sau: 




O: {(nhà sản xuất, cơ chế thị trường) + (tiền, thương lượng, hợp đồng) + (mua, mướn) + (công nhân) + (bất động sản, công cụ sản xuất, nguyên liệu) + (sản xuất, cung cấp hàng hóa dịch vụ)}.  Hay trình bày một cách khác là 

O: {nhà sản xuất [qua] cơ chế thị trường [dùng] tiền thương lượng hợp đồng [để] mua mướn công nhân, bất động sản, công cụ sản xuất, nguyên liệu [dùng vào việc] sản xuất, cung cấp hàng hóa dịch vụ}.

P: {(dân chúng, người tiêu thụ, công nhân) + (bất động sản, công cụ sản xuất, nguyên liệu) + (sản xuất, cung cấp hàng hóa dịch vụ) + (nhà sản xuất, cơ chế thị trường) + (tiền, thương lượng, hợp đồng) + (mua xài, tiêu thụ)}.  Hay trình bày một cách khác là 

P: {dân chúng [và là] người tiêu thụ [đã cung cấp] công nhân, bất động sản, công cụ sản xuất, nguyên liệu [dùng vào việc] sản xuất, cung cấp hàng hoá dịch vụ [cho] nhà sản xuất [qua] cơ chế thị trường [sẽ nhận được] tiền [theo] thương lượng, hợp đồng [để] mua sắm, tiêu thụ}. 

Hoặc lý giải khác hơn 

P: {(dân chúng) + (bất động sản, công cụ sản xuất, nguyên liệu) + (hàng hóa dịch vụ) + (cơ chế thị trường) + (tiền, thương lượng, hợp đồng, sức lao động, trình độ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm) + (mua xài, tiêu thụ)}.  Hoặc trình bày một cách khác là 

P: {dân chúng [muốn có] bất động sản, công cụ sản xuất, nguyên liệu và hàng hoá dịch vụ [thì qua] cơ chế thị trường [có thể] thương lượng, hợp đồng [để sử dụng] sức lao động, trình độ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm [đổi lấy] tiền [mà] mua sắm}.


Nhìn vào nội dung của hai tập hợp O và P chúng ta thấy gì?  Có phải chăng cả hai đều mô tả quy luật vận hành của cơ chế kinh tế thị trường?  Có phải chăng trải nghiệm thực tế cho chúng ta thấy sự mô tả này qua Việt Dịch Đồ rất là chính xác?   

No comments:

Post a Comment